Cao Bá Quát - Danh sĩ bất phùng thời
Cao Bá Quát (?- 1855) - xuất thân từ dòng họ Cao làng Phú Thị, Gia Lâm - “Dõi đời khoa bảng xuất thân/ Trăm năm lấy tiếng thanh cần làm bia” như lời Cao Bá Nhạ. Nhưng đến đời thân sinh Cao Bá Quát đã sa sút, gặp thời loạn lạc, cụ lấy nghiệp dạy học kiếm sống và hằng trông mong vào cặp con trai song sinh, đặt tên con theo những bậc thần tử nhà Chu (Đạt, Quát) để mong có ngày mở mặt sau này.
Ngay từ nhỏ, Cao Bá Quát đã nổi tiếng thần đồng, hay chữ, có tài ứng đối. Những giai thoại về Cao Bá Quát, người chiếm hai trong bốn bồ chữ của thiên hạ phần nào nói nên điều đó. Khi trưởng thành, danh tiếng ông càng vang xa, được tôn lên bậc “Thần Siêu, thánh Quát” hay “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” là những minh chứng không cần bàn cãi về một nhà Nho tài tử tài hoa, lỗi lạc nhưng sinh bất phùng thời. Sự nghiệp thơ văn Cao Bá Quát vô cùng phong phú, đồ sộ nhưng trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ xin điểm lại mấy ý nhỏ liên quan đến nhận định mà nhan đề bài viết đề cập đến.
Cao Bá Quát sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chế độ phong kiến chuyên chế nhà Nguyễn đã ổn định, theo nhiều nhà nghiên cứu từng nhận định đó là nhà nước quan liêu, bảo thủ và hà khắc. Năm 1883, Cao Bá Quát đỗ Á nguyên trường thi Hà Nội nhưng vì bị hiềm khích, ông bị xếp xuống cuối bảng, sau đó nhiều lần vào Huế thi Hội nhưng không đỗ.
Khoa cử lận đận, hoạn lộ chẳng mấy hanh thông, mãi đến năm 1841, ông mới được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, vua Tự Đức phong cho chức quan nhỏ “Hành tẩu Bộ Lễ” nhưng chỉ ít lâu sau vì chữa bài thi phạm quy nên ông bị bắt giam, sau đó được tha nhưng lại phải đi phục vụ đoàn công cán triều Nguyễn trong chuyến đi một số nước Đông Nam Á.
Năm 1844, Cao Bá Quát được phục chức ở Bộ Lễ một thời gian ngắn lại bị sa thải, ông phải về quê sống trong cảnh nghèo túng. Cũng trong thời gian làm quan ở Huế, Cao Bá Quát có dịp tham gia thi đàn Mạc Vân thi xã của các vị công khanh Miên Trinh, Miên Thẩm và có dịp xướng họa nhiều bài thơ cũng như viết tựa cho nhiều thi tập còn lưu lại đến nay. Năm 1847, ông được triệu vào kinh làm việc tại Viện Hàn lâm với công việc sưu tầm, hiệu đính thơ văn, nhưng với tính cách cương nghị, phóng khoáng có lẽ không phù hợp với công việc cũng như đồng liêu nên sau đó Tự Đức lại điều ông đi làm Giáo thụ Quốc Oai (Sơn Tây) xa xôi, hẻo lánh cho đến khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương diễn ra.
Chặng đường khoa cử, công danh đầy truân chuyên đó đã phần nào thể hiện trong thơ Cao Bá Quát, ngay trong những lần vào kinh thi Hội, qua những bãi cát dài miền Trung ông đã nhận ra công danh, khoa cử hết sức nhàm chán, vô nghĩa, bộc lộ sự bế tắc đường đời của một trí thức phong kiến, mặc dù chưa tìm ra một con đường lý tưởng nhưng Cao Bá Quát đã nhận thấy không thể tiếp tục đi mãi trên con đường mòn này: “Cát dài! Bãi cát dài!/ Một bước một thụt lùi/ Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ/ Khách bộ hành nước mắt tuôn rơi!/ Không học được tiên ông phép ngủ/ Trèo non, lội suối, giận không nguôi/ Xưa nay phường danh lợi/ Bôn tẩu trên đường đời/ Gió thoảng hơi men trong quán rượu/ Say cả, hỏi tỉnh được mấy người?/ Bãi cát, bãi cát, ngao ngán lòng/ Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng!/ Nghe ta ca "cùng đồ" một khúc!/ Phía Bắc núi Bắc, núi muôn lớp!/ Phía Nam núi Nam, sóng muôn đợt!/ Sao mình anh còn trơ lại trên bãi cát?” ( Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Huệ Chi dịch).
Cao Bá Quát thuộc mẫu hình nhà Nho tài tử nên ngay từ nhỏ ông đã ý thức về tài năng của mình (thị tài), trong bài phú “Tài tử đa cùng” ông từng thổ lộ: “Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mặt trần toan đạp cửa phù đồ/ Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số”. Thế nhưng lớn lên gặp cảnh bất như ý ông đã sớm nhận ra mình sinh không đúng thời, một người có tài năng và bản lĩnh như ông không những không được triều đình nhà Nguyễn trọng dụng mà còn luôn bị đố kị, ghen ghét.
Tính khẳng khái, cương trực có phần ngông ngạo của ông khiến ông trở thành “cái gai” trong mắt Tự Đức, vua cùng các quan lại bảo thủ không thể trọng dụng ông, nhân mắc lỗi trong lần làm giám khảo trường thi ông lập tức bị bắt giam rồi bị cách chức, bị giam hãm, tra tấn đau đớn. Bài thơ “Hơn nhau cũng một chữ thì” của ông như lời tâm sự ngậm ngùi, cay đắng đó: “Hãy bền lòng, chớ chút oán vưu/ Thời chí hĩ, ngư long biến hóa/ Thôi đã biết cùng thông là mệnh cả/ Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi/ Hơn nhau cũng một chữ thì”.
Tuy nhiên, ngay những lúc đó Cao Bá Quát cũng không tỏ ra oán trách người mà cho rằng mình sinh không gặp thời, biết cùng - thông là mệnh. Ông xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng không có được cái hăm hở thi thố, lập công, lập danh như bậc đàn anh làm quan đương thời là Nguyễn Công Trứ - một người “Vào đời nghiêm trang như đức Trọng Ni, ra đời hiền vui như thầy Trang Tử” (Trần Ngọc Vương).
Sau bao cay đắng nhọc nhằn, buồn bã, thất vọng, Cao Bá Quát gửi gắm vào thơ (chủ yếu là Hát nói, thơ chữ Hán) những lời tâm sự với một giọng “cao kỳ độc đáo”. Thơ ông do đó có nhiều tư tưởng triết lý gần với tư tưởng Lão - Trang hay Phật giáo hơn là Nho giáo. Cao Bá Quát tìm đến bầu rượu, túi thơ, gió mát, trăng thanh như bao thi nhân trước đó nhưng người đọc dường như vẫn nhận ra trong thơ ông không có sự bình lặng, thanh thản, không phải là sự than thân, trách phận mà luôn day dứt khôn nguôi, ngay cả khi ông nhận ra sự “kém hơn, hay dở ở đời trở thành vô nghĩa trước cái nhìn tự tuyệt đối giới” (Phạm Thế Ngũ).
Bài hát nói “Uống rượu tiêu sầu” là một minh chứng tiêu biểu trong số ấy, vẫn là quỹ “nhân sinh ba vạn sáu” nhưng không quá tiếc nuối trước sự trôi chảy thời gian như ở Nguyễn Công Trứ (Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi) rút cuộc nửa đời Cao Bá Quát ngoảnh lại chỉ thấy “Mảnh hình hài không có có không: Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy/ Cảnh phù du trông thấy đã nực cười/ Thôi công đâu chuốc lấy sự đời/ Tiêu khiển một vài chung lếu láo/… Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam san/ Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ/ Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ/ Mảnh hình hài không có, có không”.
Trong nhiều bài hát nói khác Cao Bá Quát cũng có lúc thể hiện tâm trạng bất đắc chí, đắp tai ngoảnh mặt với thời cuộc, giống như Nguyễn Khuyến đóng vai “anh giả điếc sau này”: “Một rủi một may là máy tạo/ Dù khôn dù dại cũng bia trần/ Việc đã rồi nghĩ lắm lại thêm đần/ Liếc gươm trí cắt giặc phiền từ đó/ Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ/ Ngồi rù uống rượu với con chơi/ Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi/ Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi/ Ngoài tai ấy tha hồ ai gọi/ Rằng ngựa trâu vâng cũng ngựa trâu/ Nào đâu đã hẳn hơn đâu (May rủi).
Lối sống thị tài, đa tình ở Cao Bá Quát có phần chướng tai, gai mắt với các nhà Nho hành đạo khi họ luôn lấy tu, tề, trị, bình làm lý tưởng của mình. Ông tìm đến thú nhàn, coi lối sống thanh nhàn là lãi, kiếp phù sinh rút cục cũng chỉ là áng mây thoáng chốc: “Kiếp phù sinh vinh nhục, nhục vinh/ Liếc mắt đám mây trôi mấy chốc/… Hội công danh nhớn nhỏ cũng là/ Thôi mặn nhạt đã trải qua mùi thế/ Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thuỷ/ Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong/ Thảnh thơi một giấc bắc song” (Thanh nhàn là lãi).
Từ khi bị điều về làm giáo thụ Quốc Oai, Cao Bá Quát càng nhận rõ bộ mặt triều đình nhà Nguyễn và Tự Đức khi có dụng mà không trọng mình, ông cũng có dịp gần dân chúng hơn (tất nhiên chưa phải vấn đề giai cấp). Ông nhận thấy nỗi thống khổ của nhân dân dưới triều Tự Đức, rồi thiên tai, lũ lụt, mất mùa xảy ra liên miên. Năm 1854, Cao Bá Quát đã cùng những hào kiệt Đinh Công Mỹ, Bạch Công Chân tôn Lê Duy Cự làm minh chủ và dấy cờ khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (giặc Châu Chấu) nhanh chóng lan ra cả vùng rộng lớn từ Sơn Tây, Hà Đông, Vĩnh Tường… nhưng do lực lượng mỏng, không được trang bị vũ khí, lại có kẻ trong hàng ngũ phản bội nên nhanh chóng thất bại khi quân triều đình phản công. Cao Bá Quát bị tử trận, ông bị cắt đầu bêu khắp các tỉnh Bắc kỳ, người thân, dòng họ bị chịu án thảm khốc tru di tam tộc. Cái chết của Cao Bá Quát là biểu hiện cao độ cho tinh thần phản kháng với chế độ hà khắc, bảo thủ thời Tự Đức, minh chứng tiêu biểu của một danh sĩ bất phùng thời.
Xung quanh cuộc đời và cái chết của Cao Bá Quát, đến nay vẫn còn nhiều giai thoại nói lên tài năng, bản lĩnh, nhân cách của một con người cứng cỏi, “suốt đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai”; “Thằng nào chém tớ, chém cho đứt/ Có lấy tiền công tớ trả sau”. Hình tượng Cao Bát Quát cũng trở thành nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao trong những trang văn tài hoa của Nguyễn Tuân.
Năm 1964, nhà thơ Sóng Hồng có đến Jakarta (Thủ đô Indonesia) nơi Cao Bá Quát từng bị đi dương trình hiệu lực theo đoàn công cán triều Nguyễn, mà ngậm ngùi nhớ tới ông: “Chu Thần xưa ở nơi đâu/ Để cho Miên Thẩm lên lầu không an/ Ngày ngày đứng tựa lan can/ Mỏi trông mây cuốn trời Nam dặm nghìn?”. Hơn 150 năm đã trôi qua nhưng cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Cao Bá Quát vẫn cần các nhà nghiên cứu tiếp tục làm sáng tỏ để hậu thế hiểu thêm về một danh sĩ tài hoa lỗi lạc ở đầu thế kỷ XIX.