Cái ấm thời lý toét

Thứ Năm, 21/07/2022, 16:00

Sau hòa bình lập lại năm 1954, tại tầng 2 ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội với căn phòng 16m2, nơi nhà văn Thanh Tịnh làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội có tới hàng chục năm sống ở đây. Ông rất thích chơi đồ cổ và đã tích góp, sưu tầm trên dưới 1.000 cổ vật trong nước và thế giới. Vốn trước Cách mạng tháng Tám, đã có thời kỳ ông làm hướng dẫn viên du lịch ở cố đô Huế, nên khách đến thăm căn phòng ấy, đều được ông giới thiệu tỉ mỉ lai lịch các hiện vật.

Một lần nhà thơ Chế Lan Viên (từ 51 Trần Hưng Đạo) đến thăm bạn. Theo dự đoán của ông, thế nào Chế Lan Viên cũng đem theo cổ vật quý hiếm. Thanh Tịnh một mình pha trà uống, thong thả chờ bạn. Khi bạn đến, Thanh Tịnh rót trà mời Chế Lan Viên, trong lòng cứ thấp thỏm chờ đợi, sau tuần trà rồi mà Chế Lan Viên vẫn không nói gì đến vật quí như mọi khi. Thanh Tịnh vốn rất mê đồ cổ, liền chủ động gợi ý:

- Này, mình có một vật rất quí hiếm, không bảo tàng nào có được.

Vừa nói, Thanh Tịnh vừa dẫn Chế Lan Viên ra cái tủ ở góc phòng khoe:

- Hòn cuội này có từ trước Công nguyên khoảng 2.500 năm.

Chế Lan Viên gật đầu tán thưởng:

- Phải, hòn cuội này là vật hiếm đấy, tôi cam đoan với anh là bốn, năm bảo tàng ở nước ta không có, nó là hiện vật “phi biên niên sử”.

Biết Chế Lan Viên “đo ván” mình, Thanh Tịnh “hơi cay cay”, nhưng ông vẫn bình thản mời bạn đi xem tiếp một số hiện vật khác. Khi đến bên chiếc ấm trà bằng sứ của Chế Lan Viên tặng ông hơn chục năm về trước, có ghi hàng chữ “có từ thời Lý” do chính tay Chế Lan Viên viết, Thanh Tịnh dừng lại, chỉ tay vào chiếc ấm đó nói: - Chiếc ấm đời Lý của anh đó.

Chế lan Viên đáp: - Phải! - rồi giải thích kỹ càng về lai lịch của hiện vật đó.

Chà...chà, Thanh Tịnh thầm nhủ- cơ hội để ta “phản đòn” Chế Lan Viên đây rồi, và ông gật gù nói:

-  Chiếc ấm này quả là của thời Lý. Nhưng là thời Lý...toét!

Cả hai ông cùng tủm tỉm cười. Hai thi nhân “tiền chiến” thật ngang tài, ngang sức, kẻ tám lạng, người nửa cân. 

Lê Hồng Bảo Anh
.
.