Ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" - còn mãi với thời gian

Thứ Bảy, 11/11/2023, 13:32

65 năm kể từ khi ra đời, "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" vẫn là một ca khúc được đông đảo công chúng yêu mến. Không chỉ là tác phẩm đầu tiên trong chùm ca khúc về đề tài Anh hùng liệt sĩ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, bài hát còn vinh dự đứng trong danh sách 10 ca khúc truyền thống tiêu biểu của lực lượng CAND.

Những ca từ thật giản dị và trào dâng cảm xúc "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời" ở tuổi chưa tròn đôi mươi… và được đẩy lên cao trào bằng đường nét giai điệu trong sáng vút cao, thánh thiện nhưng cũng đầy kịch tính ở phần 2 của tác phẩm. Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" vẫn làm lay động hàng triệu con tim biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.

385530723_833634961841884_4904970184900134180_n.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (bên trái) và tác giả bài viết.

Bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" được sáng tác năm 1958, 6 năm sau ngày chị Sáu hy sinh, khi ấy nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn tuổi chưa tròn 30. Là một trong chùm 6 ca khúc tiêu biểu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II năm 2000, "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" là ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn viết về đề tài anh hùng liệt sĩ mang tính ngợi ca trữ tình. Đây cũng là một trong những ca khúc đầu tiên của dòng nhạc cách mạng viết theo chủ đề này. Ông được mệnh danh là nhạc sĩ của những liệt sĩ anh hùng với hàng loạt tác phẩm "Biết ơn chị Võ Thị Sáu", "Bài ca Lý Tự Trọng", "Bài hát về Ngô Mây", "Bài hát Nguyễn Văn Trỗi" và "Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương" …

Bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử "Khi đất nước vẫn chia làm hai miền" và giọng hát của chị Sáu khi ra pháp trường với âm hưởng hào hùng của những "Tiến quân ca", "Cùng nhau đi hùng binh", "Lên đàng"… vẫn như còn vang dội vào biết bao "trái tim những người đang sống" như một lời thúc giục, cổ vũ lớp lớp người nguyện "đi lên không bao giờ lui" trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tác phẩm có cấu trúc ba phần chặt chẽ, gọn gàng, khúc triết, được mở đầu bằng một đường nét giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết ở âm khu trung với tốc độ vừa phải mang tính tự sự được kết hợp với lời ca: "Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở" như một bức tranh phác họa về một vùng quê đất đỏ Nam bộ bình dị, hiền hòa, mặc dù trước khi bài hát ra đời, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chưa hề đến nơi đây. Có lẽ bút pháp âm nhạc cùng trí tưởng tượng bay bổng của một nhạc sĩ - họa sĩ tài hoa đã tạo nên một vẻ đẹp không gian man mác hòa quyện vào giai điệu da diết, lắng sâu. Câu hai của phần thứ nhất nhắc lại bằng giai điệu của câu một nhưng ca từ đã được đẩy lên những cung bậc cảm xúc trải rộng, khái quát, bao la: "Sông núi đất nước ơn người anh hùng" và như một điểm tựa để chuẩn bị cho cao trào ở phần hai của tác phẩm.

Phần hai của tác phẩm, như lời tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: "Bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" là bài hát tôi viết trước đoạn giữa từ câu "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời…" với cảm xúc trào dâng chợt đến cùng tư duy dự cảm đa chiều". Việc viết ca khúc không phát triển theo cách thức tuần tự là điều rất đặc biệt của các nghệ sĩ bậc thầy mà những thế hệ sau này coi như một mẫu mực thành công của sáng tạo nghệ thuật

Câu thứ nhất của phần hai là một giai điệu trong sáng, mạnh mẽ đầy chất bi tráng gồm 2 yếu tố âm nhạc tương phản về cung bậc mang tính ngợi ca: "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời" và hình tượng hiên ngang, bình thản của người thiếu nữ anh hùng "dù chết vẫn không lùi bước". Câu thứ 2 của phần 2 là sự mô phỏng giai điệu âm nhạc của câu thứ nhất với những ca từ và âm điệu mạnh mẽ, quả quyết hơn "Giục đi lên không bao giờ lui" để kết toàn bộ phần cao trào của tác phẩm.

Phần ba của tác phẩm tái hiện gần như toàn bộ âm nhạc của phần thứ nhất nhưng mang nhiều tính chất "êm ả, quyến luyến" song cũng tràn đầy niềm tin, hy vọng vào một tương lai "mùa xuân lan tràn xứ sở"…

Có thể nói, "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" là sự kết tinh điển hình, mẫu mực, hoàn hảo về nghệ thuật khai thác đề tài lịch sử, cảm xúc chân thực và tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Tác phẩm xứng đáng là một trong những đỉnh cao trong dòng chảy của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.

Nhạc sĩ Trương Hùng
.
.