Bài hát và giọng hát
Bài hát là tác phẩm, giọng hát là phương tiện chuyển tải tác phẩm đến người nghe. Ai cũng biết như vậy. Sao có thể nhầm lẫn? Ấy vậy mà có đấy. Rất nhiều người khi nghe một bài hát đã lẫn lộn giữa giá trị tự thân của sáng tác với việc thể hiện của giọng hát. Có khi ngay cả người trong nghề âm nhạc, thậm chí làm giám khảo những cuộc thi sáng tác ca khúc cũng còn nhầm lẫn.
Một bài hát hay khi hội được đầy đủ những yếu tố: Giai điệu giàu hình tượng, giàu sức biểu hiện với kết cấu, bố cục hợp lý đi liền với ca từ hay, đắt, nhuần nhuyễn, hài hoà với phần âm nhạc. Còn người hát là phương tiện chuyển tải tất cả những yếu tố đó đến người nghe. Người giỏi ký, xướng âm - mà đã làm giám khảo thì đương nhiên phải đạt được điều này - cộng với cái "gu" thẩm âm sành thì chỉ cần nhìn văn bản ca khúc là hình dung được chất lượng, giá trị tác phẩm (tức đọc bằng mắt) mà không cần phải nghe người hát bài đó (nghe bằng tai).
Nhưng ở nước ta hầu như cuộc thi nào hiện nay, Ban tổ chức cũng yêu cầu người dự thi phải gửi démo (bản thu âm ca khúc) để nghe. Như vậy là giám khảo đã không có khả năng đọc tác phẩm mà phải trông chờ vào việc nghe qua sự thể hiện của người hát. Và đã xảy ra điều sau đây: Họ đã lẫn lộn giữa giá trị tự thân của ca khúc với sự thể hiện của người hát trên nền nhạc đệm.
Có thể tác phẩm rất tầm thường, yếu kém nhưng được một ca sỹ "xịn", nổi tiếng, có giọng hát hay thể hiện trên một phần đệm công phu của người phối hoà âm có tài thì lập tức đánh giá bài đó hay hơn trường hợp ngược lại tức là tác phẩm rất có giá trị nhưng người hát không hay, phần đệm sơ sài. Và hậu quả là trường hợp trước được điểm cao hơn, cũng dẫn tới trường hợp sau bị loại bỏ một cách oan uổng. Điều này giải thích vì sao nhiều bài hát đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác ca khúc nhiều năm gần đây đã không khiến công chúng để ý - tức tác phẩm tầm thường không xứng với giải thưởng trong khi họ lại ưa thích nhiều bài bị đánh trượt khỏi giải.
Một bài hát hay, có giá trị vĩnh hằng, ví như nhiều bài dân ca nổi tiếng như "Cây trúc xinh", "Hoa thơm bướm lượn", "Thoả nỗi nhớ mong"… (Quan họ Bắc Ninh"), các điệu ví giặm (xứ Nghệ), hò mái nhì, mái đẩy (Huế), các điệu lý ở Nam Trung bộ, Nam bộ, dân ca vùng núi Tây Bắc và Việt Bắc… có giá trị tự thân, độc lập thì bất cứ ai hát đúng giai điệu, có khi chỉ là huýt sáo môi cũng khiến người nghe thấy hay. Tất nhiên nếu được dàn dựng công phu với giọng hát đặc sắc, dàn nhạc đệm hiệu quả thì nghe lại càng thấy hay hơn.
Cũng như vậy, những bài hát thuộc hàng "cổ điển" sống mãi muôn đời như "Con kênh xanh xanh" (Ngô Huỳnh), "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Quê em" (Nguyễn Đức Toàn"), "Làng tôi" (Văn Cao), "Bài ca hy vọng" (Văn Ký), "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" (Hoàng Vân) và hàng trăm, ngàn bài bất hủ khác không thể kể hết sẽ tồn tại vĩnh hằng không phụ thuộc ở bất cứ yếu tố nào khác về phương tiện chuyển tải.
Trong đời sống âm nhạc hiện nay, ta vẫn thường bắt gặp một hiện tượng: Không ít ca sỹ đã sáng tác ca khúc rồi tự hát tác phẩm của mình. Họ có giọng hát đặc sắc được công chúng hâm mộ nên khi hát tác phẩm do họ sáng tác, người nghe vẫn thấy thích thú. Cần thấy đó là thích giọng hát, thích sự trình diễn của họ chứ không phải là tác phẩm. Bởi rất nhiều bài "chưa sạch nước cản" tức chưa thành một ca khúc hoàn chỉnh, thường là đầu Ngô, mình Sở hoặc na ná bài của một nhạc sỹ nổi tiếng nào đó hoặc ảnh hưởng nhạc nước ngoài. Và một minh chứng rất rõ cho điều này là những bài của họ rốt cuộc đã không ai nhớ đến chứ chưa nói là ưa thích.
Tuy nhiên, một số ca sỹ nổi tiếng như các NSND Quốc Hương, Trần Khánh, Trung Đức đã là những ngoại lệ. Quốc Hương có bài "Du kích Long Phú" ra đời trong kháng chiến chống Pháp rất nổi tiếng. Trần Khánh là tác giả ba bài hát quen biết: "Nắng ấm về trên Tổ quốc", "Lời ru theo sóng" và "Tiếng sáo người địa chất" sáng tác những năm 60 của thế kỷ trước. Ông còn được coi là nhạc sỹ sáng tác ngoài danh xưng ca sỹ. Ít ai nghĩ NSND Trung Đức phổ bài thơ "Em đi chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp được nhiều bạn trẻ ưa thích, trở nên một ca khúc nổi tiếng.
Từng có nhiều ca sỹ quen biết, được công chúng ít nhiều ưa thích có sáng tác ca khúc, lưu giữ trong kho băng các Đài phát thanh hàng chục bài. Nhưng không có bài nào được công chúng biết tới. Tôi nhớ lại câu chuyện sau: Khi cố nhạc sỹ Lê Lôi làm Trưởng ban Biên tập Âm nhạc Đài TNVN vào những năm cuối 70 - đầu 80 của thế kỷ trước, có một nam ca sỹ vào hàng trên trung bình hay lui tới gửi sáng tác ca khúc. Ca sỹ này cũng đã thu thanh một hai bài được phát trên Đài. Công chúng cũng có nghe loáng thoáng tên. Lê Lôi đã nói thẳng với anh ta: "Mình có xem kỹ những bài cậu gửi thì thấy phần nhiều chưa bài nào hoàn chỉnh mà chỉ là những câu chắp vá không có tính thống nhất về giai điệu. Có dùng thì chỉ cậu hát thôi chứ không có ca sỹ nào khác chịu hát".
Đến khi cố nhạc sỹ Nguyễn An thay trách nhiệm của Lê Lôi thì một lần cố NSND Lê Dung đến hát một bài của một ca sỹ khác sáng tác (nhờ Lê Dung đến Đài hát báo cáo tác phẩm giúp). Vì là bạn thân nên Lê Dung rất nhiệt tình, đã hát rất trôi chảy bài hát. Nghe xong, Nguyễn An nói: "Lê Dung mà hát thì khẩu hiệu cũng thành hay. Cô hãy về nói với tác giả là đừng nghĩ Lê Dung hát thì bài sẽ hay khi tác phẩm kém chất lượng. Hãy cứ chuyên tâm vào ca hát. Sáng tác không phải là việc dễ dàng, không phải ai cũng có thể làm".
Trước đây, khi những nhạc sỹ có trách nhiệm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam và Vụ Âm nhạc & Múa (Bộ Văn hóa) là những người tài danh, có những tác phẩm nổi tiếng giàu sức thuyết phục được đông đảo công chúng yêu thích như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Huy Du, Phạm Đình Sáu, Lê Lôi, Hoàng Vân, Văn Ký… làm giám khảo các cuộc thi sáng tác ca khúc hoặc thẩm định bài hát để sử dụng thì luôn khiến dư luận tâm phục khẩu phục. Hồi ấy, chưa có những phòng thu âm tư nhân như bây giờ mà chỉ là những phòng thu của những cơ quan Nhà nước như ở Đài phát thanh, Xí nghiệp băng nhạc, đĩa hát Hồ Gươm, NXB Âm nhạc nên các tác giả tham gia các cuộc thi sáng tác chỉ cần gửi văn bản tác phẩm đến Ban tổ chức là được.
Những nhạc sỹ tài năng nói trên làm giám khảo, thẩm định tác phẩm hoàn toàn bằng mắt chứ không cần phải nghe "démo" như bây giờ. Nhưng kết quả thường khiến dư luận tâm phục khẩu phục. Những bài hay thực sự không bị bỏ qua và không có chuyện bài đoạt giải lại kém chất lượng hơn bài bị loại như một số tình trạng ngày hôm nay. Hồi đó cũng không cần phải dọc "phách" - tức giấu tên tác giả mà công khai. Đến buổi chấm các tác phẩm, một số tác giả nhờ ca sỹ hoặc tự mình đến hát cho Ban giám khảo nghe nhưng bị từ chối.
Tôi nhớ trong một cuộc thi như thế, nhạc sỹ Đỗ Nhuận là Trưởng ban giám khảo đã nói với một ca sỹ: "Cảm ơn bạn. Nhưng chúng tôi nghiên cứu qua văn bản là được rồi, không cần phải nghe. Nếu nghe, giám khảo chúng tôi nhỡ sao nhãng việc nhìn văn bản thì có thể tác giả bị đánh giá sai nếu bạn hát không đúng với văn bản tác giả ghi thì sao?". Tôi nhớ mãi câu nói ấy của Đỗ Nhuận khi được nghe ông kể lại sau đó. Quả là một cách làm việc rất có trách nhiệm của những người có tài năng lớn, có uy tín cao trong giới âm nhạc. Tiếc rằng hôm nay, điều này không còn được duy trì, kế tục.
Nếu theo dõi mạng xã hội facebook, ta sẽ thấy nhiều ca khúc mới sáng tác được các tác giả đưa lên. Có hiện tượng như sau: Nhiều bài rất tầm thường, không có gì đáng chú ý nếu không nói là còn chưa thành một ca khúc hoàn chỉnh, tức người viết chưa biết sáng tác nhưng lại được rất nhiều người chia sẻ theo hướng ca tụng, khen nức nở nào là "tuyệt vời", nào là "quá hay"… Ngược lại có số ít bài thực sự hay, có chất lượng cao về nghệ thuật thì bị cộng đồng mạng bỏ qua, rất ít người chia sẻ. Hoá ra ở trường hợp thứ nhất là do tác giả chịu chi tiền không nhỏ cho việc mời ca sỹ "xịn", người phối khí hay, thu ở phòng thu có giá cao. Những yếu tố này đã làm cho ca khúc trở nên rất hoành tráng trong khi ở trường hợp thứ hai, có khi tác giả tự hát hoặc nhờ ca sỹ nghiệp dư hát hộ với một cây đàn ghi-ta đệm một cách sơ sài. Rõ ràng ở đây đã có sự rất nhầm lẫn giữa bản thân bài hát và giọng ca.
Phân biệt được sự khác biệt giữa tác phẩm ca khúc và giọng hát thể hiện không phải dễ, ai cũng làm được mà đòi hỏi phải có gu thẩm mỹ cao.