"Bài ca hy vọng" - sức sống trường tồn

Thứ Bảy, 29/07/2023, 10:59

Nhạc sĩ Văn Ký (1928 - 2020) đến với nghệ thuật âm nhạc từ tuổi 15. Năm 16 tuổi ông hoạt động du kích bị địch bắt, tra tấn rất dã man nhưng một lòng bảo vệ tổ chức. Ra tù, ở tuổi 18, Văn Ký chỉ huy du kích ở huyện, là người có tài tổ chức, chỉ huy và nổi tiếng là "cây văn nghệ" nhưng cũng ít ai biết trước khi đến với âm nhạc, Văn Ký còn là một "chàng kỵ sĩ tài ba": đua ngựa giỏi, bắn súng, bắn cung tên cũng giỏi.

Năm 1948, ở tuổi 20, Văn Ký trở thành anh bộ đội vệ quốc Trung đoàn 77 và trở thành đảng viên từ rất sớm, nhiều triển vọng, được cấp trên cử đi dự lớp bồi dưỡng Văn hóa Văn nghệ của liên khu IV - Bộ môn âm nhạc. Được tiếp xúc với những người thầy đầu tiên tài năng và tâm huyết như các nhạc sĩ: Lê Yên, Nguyễn Văn Thương, Văn Ký sớm tìm ra con đường sự nghiệp của mình là âm nhạc.

untitled-1 copy.jpg -0
Cố nhạc sĩ Văn Ký.

Nhạc sĩ Văn Ký viết "Bài ca hy vọng" năm 1958 tại ngôi nhà 96 phố Huế - Hà Nội. Hơn 70 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, vừa làm công tác quản lý, ông vẫn để lại một gia tài tác phẩm với trên 400 nhạc phẩm, là nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, trở thành nhạc sĩ rất nổi tiếng với "Bài ca hy vọng"; "Nha Trang mùa thu lại về"; "Tây Nguyên bất khuất"; "Trời Hà Nội xanh"; "Hà Nội mùa xuân"; "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi".

Trong lời giới thiệu cuốn “Tuyển chọn ca khúc Văn Ký”, GS.TS khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc Tô Ngọc Thanh viết: "Đề tài sáng tác nhạc của Văn Ký thật đa dạng, phong phú. Những tác phẩm bao giờ cũng mang tính khái quát và điển hình cao. Anh sử dụng thành công nhiều thể loại, thủ pháp khác nhau, có bài ca trữ tình bay bổng, có hành khúc hùng tráng; có khúc tâm tình chân chất, hay bài ca "bốc lửa" mang âm hưởng nhạc điệu các dân tộc. Trong anh, chất nhạc cổ truyền được hòa quyện nhuần nhuyễn với cảm xúc đã đạt tới một tầm cao trí tuệ". Có thể nói "Bài ca hy vọng" đánh dấu một chặng đường mới trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của anh. Nó thể hiện độ chín của tài năng và khẳng định một phong cách riêng của Văn Ký… "Anh viết đều, viết khỏe và cống hiến cho nền âm nhạc những tác phẩm hay, đọng lại bền vững qua thử thách của thời gian".

Một số tác phẩm của ông được phổ biến và được hoan nghênh của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là “Tổ khúc giao hưởng Kơ-Nhi” đã được các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Moscow, CHDC Đức… biểu diễn và tác phẩm được xuất bản toàn tập ở Moscow năm 1989.

Đạo diễn Opera Văn Hà rất cảm phục tài năng Văn Ký: "Ông là một nhà soạn nhạc có trình độ chuyên nghiệp cao… Trong một khoảnh khắc nào đó để lòng mình tĩnh lặng, ta lắng nghe những tình khúc của ông, chợt thấy như hiện lên những bức tranh lụa phủ đầy chất thơ, lãng đãng như sương giăng, rất gần mà rất xa, nhuốm một màu lãng mạn hoang sơ huyền thoại. Với ông, phần thưởng quý giá nhất ấy là âm nhạc".

Ngày 15/12/1995, Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc tế (RICC) chương trình hỗ trợ tài năng Văn học Nghệ thuật (LAAP) tổ chức thành công tại Hồ Thiền Quang. Câu lạc bộ Thanh niên và sinh viên hôm đó đầy nhạc, đầy hoa, đầy hy vọng do "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký vang lên.

Mọi người rất xúc động khi bà Trương Mỹ Hoa (khi ấy là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã nói: "Hồi đó ở miền Đông Nam bộ. Tôi mới 17 tuổi, từ thành ra hoạt động, không may bị địch bắt. Trong đó có chị Bẩy Khẩn lớn tuổi hơn. Một hôm, sau buổi đi lao động khổ sai về chị Bẩy bảo chúng tôi sẽ có một món quà. Khi được biết món quà là bài hát thì chúng tôi đòi chị dạy liền. Đó là "Bài ca hy vọng" mà Văn Ký sáng tác từ năm 1958. Bài hát đến chiến trường Nam bộ từ bao giờ thì tôi không biết nhưng đến với chúng tôi ở trong tù vào năm 1962. Chúng tôi học liền, thuộc liền và hát liền. Lúc đó "Bài ca hy vọng" động viên chúng tôi nuôi thêm hy vọng, tin tưởng ở tương lai, quên đi chuyện sống chết, mất còn, củng cố thêm niềm tin trọn vẹn, thủy chung.

Trên Báo Sài Gòn Giải phóng số Xuân Ất Hợi có kể lại một câu chuyện xúc động từ một nghệ sĩ của Đoàn văn công Giải phóng: Chúng tôi phục vụ bất kể ngày đêm. Bộ đội cứ hành quân tốp đi, tốp đến. Còn chúng tôi cứ diễn phục vụ hết suất này đến suất khác. Hôm đầu tiên chúng tôi diễn 9 suất, ngày hôm sau 11 suất và ngày hôm sau nữa là 12 suất. Có một căn hầm cách biệt khỏi các lán trại. Bác sĩ trưởng khoa cho hay: "Đó là căn hầm cách biệt thương binh hoại thư".

untitled-1.jpg -1
Nhạc sĩ Văn Ký bên cây gạo cổ thụ ở Hồ Gươm - Hà Nội, Xuân 2019.

Cô y tá được giao nhiệm vụ chuyên chăm sóc cho thương binh này kể: "Anh thương binh còn rất trẻ, bị thương nặng đã hoại thư. Anh không chịu ăn uống, không chịu để các bác sĩ chữa chạy. Tình trạng này có thể dẫn tới tử vong". Cô y tá đề nghị chúng tôi xuống hầm hát động viên. Căn hầm chật chội chỉ xuống được hai người. Sau lời giới thiệu và thăm hỏi ân cần của cô ca sĩ, người thương binh ấy đã chuyển mình xoay mặt lại gật đầu chào. Cô ca sĩ nói tiếp: "Biết anh không lên được để coi biểu diễn, tôi xuống xin hát tặng anh "Bài ca hy vọng".

Người thương binh im lặng, ngại ngùng. Và cô ca sĩ cất tiếng hát: "Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân…" Nghe đến giữa bài, anh thương binh cựa mình chống tay nâng người lên, ngồi dựa vào vách hầm. Lời bài hát vẫn bay cao: "Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai. Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm…". Anh thương binh bỗng với tay lên nóc mùng tìm kiếm vật gì. Cô y tá vội bước xuống hầm giúp anh lấy gói thuốc lá mà anh bỏ mặc từ mấy ngày nay không hút. Châm lửa, anh hút một hơi dài, nét mặt bỗng sáng lên rạng rỡ. Kết thúc bài ca, người thương binh bỏ vội điếu thuốc xuống sạp nằm và vỗ tay tán thưởng. Hai bàn tay gầy guộc, trắng xanh, nắm tay cô ca sĩ cất tiếng: "Cảm ơn! Cảm ơn!".

Mấy năm sau, chúng tôi đến diễn tại một trại điều dưỡng. Một thương binh cụt chân đến sát háng, chống nạng đứng dậy tần ngần nhìn chúng tôi. Anh xin được gặp cô ca sĩ ấy để tặng quà. Anh nói với cô ca sĩ: "Tôi chính là người được cô hát tặng "Bài ca hy vọng" ở dưới hầm vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Thú thật, nếu ngày ấy không có "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký do chị hát động viên thì chắc chắn tôi không được gặp chị ngày hôm nay!".

"Bài ca hy vọng" ghi đậm trong ký ức mỗi con người. NSƯT Minh Hiến-nguyên Giám đốc nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, qua nhiều lần chứng kiến biểu diễn tại Nhà hát lớn, ông nhận thấy: "Bài ca hy vọng" của Văn Ký đã làm xao động tâm hồn của nhiều thế hệ đã qua nhưng "Bài ca hy vọng" không chỉ là bài hát của một thời để nhớ mà còn là người bạn đồng hành, chung thủy của nhiều thế hệ mai sau, bất chấp thời gian, không gian và chừng nào mỗi con người, mỗi dân tộc hay nhân loại còn mơ ước về một chân trời mới, về một ngày mai tươi đẹp hơn, còn khắc khoải, còn hy vọng về tương lai, chừng đó ""Bài ca hy vọng" sẽ còn được sự cộng hưởng của hàng triệu nhịp đập trái tim đầy khát vọng".

Một người tha phương hát "Bài ca hy vọng" trong bài ghi chép của nhà văn Như Bình, đó là ông Mai Thế Nguyên ở Hà Nội, trước khi đi du học nhớ lời mẹ dặn: "Dù có đi đến phương trời nào thì "Tâm" của các con cũng luôn hướng về quê hương, đất nước". Ông Nguyên học giỏi, được Chính phủ Na Uy mời ở lại làm việc. Trong căn nhà của vợ chồng ông chỉ treo một bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Trên cao treo bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và cây đàn ghi ta. Những ngày nghỉ, ông ngồi ôm đàn hát cho bạn bè nghe "Bài ca hy vọng". Đó là bài hát ông yêu một cách say đắm và dai dẳng trong suốt cuộc đời mình. Bài hát ấy ông hát những khi một mình, khi cô đơn và trống trải nhất. Ông hát khi vui, trong căn nhà tràn ngập tiếng cười của bạn bè, gia đình tề tựu đông đủ. Ông Nguyên tâm sự: "Nếu tôi có ở cõi tạm, sau khi chết, trong tang lễ của mình, muốn có một dàn nhạc sẽ chơi bài "Bài ca hy vọng" thay cho tiếng khóc đưa tiễn mình! Vậy thôi".

"Bài ca hy vọng" khi được tung lên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm nên một Văn Ký cực kỳ nổi tiếng không chỉ trong nước và quốc tế, còn được mọi thế hệ, mọi lứa tuổi người Việt Nam đón nhận. Với âm thanh của bài ca trong trẻo, vút cao, vang xa, có sức mạnh mở toang cánh cửa "xà lim", "chuồng cọp" truyền cảm cho tù nhân có được niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng.

Hà Nội, 21/6/2023

Hoàng Kim Đáng
.
.