Bậc thầy truyện kinh dị Stephen King - Gian nan tới thành công

Thứ Năm, 07/04/2022, 16:06

Nhà văn Stephen Edwin King sinh ngày 21/9/1947 tại Porthland, bang Maine, Mỹ. Cha cậu rời bỏ gia đình khi Stephen chỉ mới hai tuổi. Người mẹ là một phụ nữ mạnh mẽ, với sự giúp đỡ của những người thân đã không tiếc công sức nuôi dạy hai cậu con trai. Gia đình đã sống ở những thành phố khác nhau cho đến khi định cư tại thị trấn Dorham thuộc bang Maine, quê hương của bà.

Tại đây, người mẹ đã chăm sóc cha mẹ già của mình và sau khi họ qua đời, bà đã nhận được một công việc quản gia ở một bệnh viện lớn. Hai anh em Stephen đi học tại Dorham, ở thời điểm cả gia đình phải di chuyển nhiều thì cả hai sống với họ hàng. Cậu bé Stephen 7 tuổi khi đó đã tìm thấy một chiếc hộp đựng sách có hình thù kinh dị và kỳ ảo trên gác xép ở nhà người dì của mình. Những cuốn sách trong đó đã gây ấn tượng mạnh với cậu bé.

Những câu chuyện đầu tiên

Khi Stephen 12 tuổi, cậu bé và anh trai quyết định xuất bản một tờ báo riêng của mình và đặt tên cho nó là Dves's Mustard Plaster, trong đó thông báo những tin tức của thị trấn Dorham, điểm nội dung của các bộ phim và các show truyền hình cũng như những câu chuyện nhỏ. Trong mỗi số, Stephen viết một câu chuyện có phần tiếp theo. Các cậu bé bán mỗi tờ báo với giá 5 cent. Người mua của họ thường là hàng xóm và họ hàng.

Stephen có một người bạn cùng lớp là Chris Chesley, họ cùng nhau quyết định xuất bản một tuyển tập truyện ngắn với tên gọi là "Con người, Địa điểm và Quái vật". Câu chuyện đầu tiên của nhà văn tương lai đầy tham vọng đã được đăng trên tạp chí Comics Review. Trong những năm đi học, Stephen đã tham gia xuất bản tờ báo "Tiếng trống" của trường. Cậu bé không nghi ngờ việc mình muốn chọn nghề viết văn bởi thích viết lách và muốn làm suốt cả cuộc đời.

1. stephen king.jpg -0
Nhà văn Stephen King.

Khi đang là học sinh trung học, chàng trai Stephen King đã không thể quyết định sẽ học lên đại học hay sang Việt Nam làm tình nguyện viên, là nơi anh muốn thu thập những tư liệu thú vị cho các tác phẩm sau này. Tuy nhiên, vì thị lực kém nên người mẹ đã khuyên anh không nhập ngũ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học, Stephen đã vào đại học. Để kiếm tiền học nghề, chàng trai bắt đầu đi làm thêm tại một xưởng dệt.

Từ năm đầu đại học, Stephen đã viết. Lúc đầu, anh viết cuốn tiểu thuyết "Dung hòa với điều đó", tiếp theo là một cuốn tiểu thuyết chính thức có tên "Cuộc dạo chơi lâu dài". Anh gửi cuốn sách này đến một Nhà xuất bản nhưng đã bị từ chối xuất bản, vì thế mà cuốn sách đã bị tác giả bỏ quên một thời gian dài. Tờ báo dành cho sinh viên đã được Stephen chú ý đến, trong đó anh phụ trách một chuyên mục riêng. Năm 1969, khi đang còn là một sinh viên đại học, Stephen bắt đầu làm việc tại thư viện trường đại học. Tại đây, Stephen đã gặp cô gái Tabitha Spruce và không lâu sau họ đã kết hôn.

Giai đoạn đầu khó khăn

Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai trở thành cử nhân tiếng Anh và được quyền dạy học ở trường phổ thông. Song vì không có kinh nghiệm nên Stephen không dễ kiếm được một công việc đúng với chuyên môn của mình. Lúc đầu, anh làm việc tại tiệm giặt là và nhận được tiền công rất ít ỏi. Dần với thời gian, những câu chuyện của anh viết đã được đăng trên các tạp chí dành cho đàn ông.

Tabitha làm phục vụ bàn. Trong ba năm đầu của cuộc hôn nhân, họ có hai đứa con, tình hình tài chính của gia đình rất khó khăn. Năm 1971, người cha trẻ tuổi cũng đã nhận được một vị trí giảng dạy tại trường trung học. Gia đình họ sống ở thị trấn Hermon trong một chiếc xe moóc. Stephen viết tiểu thuyết vào các buổi tối và những ngày cuối tuần rồi gửi sáng tác của mình đến các nhà xuất bản, nhưng tất cả các cuốn tiểu thuyết đều bị từ chối. Tabitha cũng đã thử viết, cô chọn dạng viết kiểu xưng tội. Người mẹ trẻ có ít thời gian rảnh rỗi nên những câu chuyện bị dở dang và không được ai quan tâm.

Những cuốn sách hay nhất của Stephen King

Có một khoảnh khắc trong cuộc đời của nhà văn, về cơ bản đã trở thành dấu mốc cho các tác phẩm của ông. Tabitha từng tìm thấy trong chiếc giỏ xách một vài trang viết thô của cuốn sách mà chồng cô vứt đi bởi coi là không thành công. Đó là cuốn tiểu thuyết về một cô gái có khả năng huyền bí và cô đã bị bạn cùng lớp "đầu độc" vì điều đó. Tabitha đã thuyết phục chồng viết tiếp cuốn sách đó và tin rằng câu chuyện này sẽ được độc giả và nhà xuất bản quan tâm.

2. một số cuốn sách của s.king.jpg -0
 Một số cuốn tiểu thuyết của S.King.

Stephen King vẫn đang tiếp tục viết sách kinh dị. Nhà xuất bản Doubleday đảm nhận việc xuất bản cuốn tiểu thuyết "Carrie" của tác giả. Stephen được ứng trước 2.500 USD. Nhà xuất bản đã có thể bán bản quyền xuất bản cuốn tiểu thuyết cho một bên thứ ba với số tiền 400.000 USD và tác giả được trả một nửa trong số đó. Kể từ khi đó, Stephen đã có thể không cần làm việc ở trường nữa và anh bắt đầu viết hàng ngày. Tabitha cũng bắt đầu viết và xuất bản sách nhưng cô không được nổi tiếng so với chồng mình.

Sự nổi tiếng và cơn ác mộng

Stephen King đã viết ra cuốn sách "Số phận của Salem" và "Tỏa sáng". Đến năm 1975, cả gia đình đã có thể chuyển đến ở tại nhà riêng của mình ở khu vực phía Tây hồ Maine. Tại đây, ông bắt đầu viết hai cuốn sách "Đối đầu" và "Vùng chết". Stephen nhanh chóng quyết định hợp tác với một nhà xuất bản khác là New American Librari.

Ông đã viết một tác phẩm tự truyện là "Viết sách thế nào", trong đó kể về những năm tháng trong cuộc đời mình khi từng uống rất nhiều rượu và thậm chí sử dụng ma túy. Có một số tác phẩm của mình mà ông không còn nhớ là đã viết, trong số đó có "Tommingnokers và "Kujo". Tại thời điểm khó khăn đó, tác giả đã viết nhiều tác phẩm nổi bật như "Người giảm cân", "Xác sống", "Running Man", "Christina" và những tác phẩm khác.

Chỉ đến năm 1987, nhờ người vợ mà Stephen mới có thể thoát khỏi chứng nghiện ngập của mình. Ông đã xuất bản một số tiểu thuyết của mình dưới tên Richard Bachman. Cái tên Bachman thậm chí đã trở nên nổi tiếng sau khi ra một vài cuốn sách. Mãi mấy năm sau, cái tên giả này mới được phát giác và King tiếp nhận điều này một cách khá bình thản. Một số cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim nhưng King thường không đồng ý với cách nhìn nhận và quan điểm của các đạo diễn về những cuốn sách đó. Vì vậy mà ông đã tự mình viết và đạo diễn các kịch bản, đó là vào năm 1985.

Vượt qua nghịch cảnh để phát triển

Vào mùa hè năm 1999, trong khi đi dạo nhà văn đã bị một chiếc xe hơi đâm phải, đã bị thương rất nặng và các bác sĩ địa phương quyết định khẩn cấp chuyển ông bằng trực thăng đến Trung tâm Y tế Maine. King phải ở trong bệnh viện ba tuần và ngay sau khi khỏi bệnh và hồi phục, ông đã bắt đầu viết trở lại. Đến năm 2002, Stephen tuyên bố sẽ không viết nữa vì gần như ông không có ý tưởng thú vị nào. Stephen King dự định kết thúc sự nghiệp văn chương của mình sau khi viết "Tháp tối". Tuy nhiên, việc từ bỏ sáng tác đã không kéo dài. Sau khi viết xong "Tháp tối", tác giả bắt tay vào thực hiện cuốn sách tư liệu "The Fan", tiếp theo là các tiểu thuyết "Câu chuyện của Liza", "Mobiphone", "Blaise" và những cuốn sách mới khác.

 Ngoài viết tiểu thuyết, Stephen King còn có những tài lẻ khác. Ông chơi đàn guitar giỏi và thậm chí còn biểu diễn với Rock Bott Reminders, một ban nhạc nghiệp dư. Giọng hát và cách chơi đàn của họ không phải là hoàn hảo, nhưng các nhạc công nghiệp dư đã làm điều đó bằng cả trái tim. Vì tình yêu với nhạc rock, Stephen đã mua lại Đài Phát thanh VZON, chuyên tổ chức các sự kiện thể thao và mua lại cả Đài Phát thanh nhạc rock VKIT. Ngoài ra, Boston Red Sox còn là đội bóng chày yêu thích của tiểu thuyết gia. Ông thường xuyên đến sân để cổ vũ cho các vận động viên yêu thích của mình. Stephen King sở hữu ba ngôi nhà. Gia đình họ có ba người con và các cháu nội.

Bích Nguyễn (Theo báo Nga)
.
.