Anh ngàn lần chớp mắt trước Mùa Xuân

Thứ Bảy, 10/02/2024, 15:49

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ở trong số ít thi sĩ của thế hệ anh đã định hình một phong cách độc đáo. Thơ anh  có lớp độc giả đông đảo, nhất là sinh viên và cái chất hồn nhiên đã ngấm vào cách biểu đạt thi ngữ của riêng anh với câu thơ có sức lôi cuốn, ám ảnh: "Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/ Gió em vào - nếu chán - gió lại ra/ Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời".

Nhiều năm qua, việc đọc thơ trước bạt ngàn công chúng yêu thơ trong Ngày Thơ Việt Nam rằm tháng giêng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội là một thử thách không hề nhỏ đối với các nhà thơ đã thành danh, không phải ai đọc thơ mình cũng thành công.

untitled-5.jpg -1
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Trong mấy mùa xuân liền, khi tôi được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tin tưởng cử vào Ban tổ chức Ngày Thơ, người đầu tiên tôi chọn vào danh sách đọc thơ là Hoàng Nhuận Cầm. Theo tôi, trong số ít người đọc thơ quảng trường hay nhất Việt Nam mấy chục năm qua, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là số một. Bởi một lẽ, thơ anh đã hay cộng với giọng đọc thơ lên bổng xuống trầm qua diễn xuất có nghề của một nhà biên kịch điện ảnh như Cầm thường rất cuốn hút công chúng.

Trước đó, nhiều người yêu mến anh qua vai diễn "Bác sĩ Hoa Súng" rất độc đáo và khôi hài trên màn ảnh truyền hình, nay lại được thấy anh vào vai diễn khi đọc thơ với những chiêu thức bất ngờ thật "độc nhất vô nhị". Một lý do nữa, tôi chọn Hoàng Nhuận Cầm vì anh có khá nhiều bài thơ viết về mùa xuân được độc giả thơ yêu thích và thuộc thơ mình, không phải cầm giấy đọc như những người khác.

Người đọc thơ hay nhất trên sân thơ Văn Miếu

Ngày Thơ rằm tháng giêng năm ấy, tôi thấy Hoàng Nhuận Cầm đến khá sớm với bộ comple, cavat rất trang trọng. Anh hỏi ngay: "Thế hôm nay, trong hơn chục người đọc thơ, anh định xếp tôi đọc là người thứ mấy?". Tôi cười tươi: "Còn ai nữa, sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh đánh trống khai hội và màn ca múa dạo đầu, anh là người đầu tiên đọc thơ, nhớ đọc thật hay rồi xuống nhận tiền 'nhuận mồm' nhé bạn!". Cầm vui vẻ bắt tay mọi người rồi nói: "Hôm nay mình đọc bài thơ "Xuân ước hẹn".

Khi MC giới thiệu lên đọc, Cầm chào mọi người rồi chạy ra một góc sân khấu, chụm hai tay lên mồm, huýt rõ to giả làm tiếng còi tàu hỏa, rồi lại chạy sang bên kia sân khấu huýt lên một tràng còi nữa. Sau đó, anh bắt đầu, vừa đọc thơ vừa chạy đi chạy lại trên sân khấu, rất hồn nhiên và căng thẳng: "Một tiếng còi tàu thắp lửa trong đêm/ Không biết tàu vào ga hay tàu xa thành phố/ Anh chỉ biết mùa hoa đào đã nở/ Những cánh xuân thánh thiện bước lên thềm/ Đúng giao thừa tàu anh sẽ tới ga em/ Mắt của em ẩn sau ngàn mắt lá/ Em gần thế mà đường ray dài quá/ Tàu lại đi dằng dặc dưới hoa đào/ Đây con tàu đưa anh tới điểm cao/ Quả sẽ ngọt sau những ngày giông bão/ Hoa ngập ngừng mà em thì táo bạo/ Xuân đã về, ta cũng đợi từ lâu/ Chỉ nhìn thôi, nào phải nói gì đâu/ Đủ xao xuyến cả một trời chim én/ Tìm sẽ thấy tình yêu dù không cần ước hẹn/ Anh ngàn lần chớp mắt trước Mùa Xuân". Kết thúc bài thơ, khán giả phía dưới vỗ tay tán thưởng không ngớt.

các nhà thơ ở sân thơ văn miếu (từ phải qua trái) hoàng nhuận cầm, nguyễn việt chiến, hoàng trần cương, trần quang quý, trực chấp.jpg -0
Các nhà thơ tại sân thơ Văn Miếu. Hàng đầu: từ phải qua trái: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Trần Cương.

 Hôm đó, một ông bạn thơ rất tâm đắc với Cầm, bảo tôi: "Thơ là người và người là thơ! Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm của chúng ta trông gầy yếu, èo uột như thế mà hôm nay khỏe phết, cứ nhảy qua lại trên sân khấu từ góc này sang góc kia với vẻ mặt rất căng thẳng, quan trọng khi đọc thơ thì không ai bảo đấy là một ông thơ "lão thành" đã có… ba bà vợ và bốn đứa con. Cứ nhìn ông ấy đọc thơ như diễn trên sân khấu là các chị em yêu thơ ở phía dưới "Thi trường" bỗng thấy xôn xao, rạo rực lạ thường. Còn trong các đêm thơ sinh viên thì ông ấy là "vua không ngai" khi các "fan" hâm mộ thơ ông vỗ tay, gào thét, phát cuồng vì thi ca tuổi mơ mộng học trò. Hóa ra "Bác sĩ Hoa Súng" khi đọc thơ có một ma lực ám ảnh lạ thường. Tài hoa như thế mà không nhiều em mê mới là chuyện lạ!".

Tôi vội giải thích ngay cho người bạn nói trên: "Đúng ra, nếu đổ tội cho "Bác sĩ Hoa Súng" Hoàng Nhuận Cầm có tính lăng nhăng nên mới có nhiều người tình đến thế thì cũng thật oan uổng cho anh. Thật ra, Cầm không phải là người "sớm mơ chiều mận" nay cô này, mai cô khác đâu! Nhưng cái số của anh là số thi sĩ đào hoa nên chị em mê mẩn thơ cứ chạy theo anh.

Theo tôi biết, Cầm vốn là người đứng đắn, thủy chung, nhưng anh lại là người khó tính đến bất thường và luôn luôn phải vắt kiệt mình cho lao động sáng tạo ở cả lĩnh vực thi ca và điện ảnh, phải liên tục viết kịch bản, đóng phim, đóng kịch và viết báo để kiếm sống nên không ít khi anh đã phát khùng vì lao động nghệ thuật quá tải. Và chỉ sau một thời gian yêu thương nhau tha thiết, các người đẹp mới vỡ mộng vì chiều chuộng anh không nổi và sẽ đến một ngày như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngậm ngùi: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn là những cơn mơ".

Từ ''Lời chúc hoa đào'' đến ''Chiếc lá buổi đầu tiên''

Tôi cho rằng, thơ đương đại nước ta có hai thi nhân tạm gọi là "vua". Đó là "vua thơ trẻ em" Trần Đăng Khoa và "vua thơ học trò, sinh viên" Hoàng Nhuận Cầm. Đố ai viết thơ trẻ con giỏi như Khoa lúc còn là thiếu niên. Và, cũng đố ai viết thơ tuổi sinh viên hay hơn Cầm cách đây ba chục năm. Những năm đó, thơ Hoàng Nhuận Cầm có một vị trí khá đặc biệt trong sự mến mộ của sinh viên và giới trẻ. Những câu thơ lấp lánh về tuổi học trò của những kỷ niệm tuổi thơ trong sáng đã làm nên gương mặt thi ca anh thời ấy.

Tôi nhớ lại, cách đây hơn ba chục năm khi Hoàng Nhuận Cầm in tập thơ "Xúc xắc mùa thu". Lúc ấy, gia cảnh "Bác sĩ Hoa Súng" khá nghèo túng, lấy đâu tiền mà in thơ, khi Cầm phải thức trắng đêm viết kịch bản và viết thêm cả báo để kiếm chút nhuận bút "còm" mua sữa cho con. Căn buồng nhỏ của gia đình Cầm nằm tận phía trong cùng của một khu nhà ở phố Hàng Bún. Căn buồng chưa được chục mét vuông lại nằm ngay cạnh nhà vệ sinh tập thể của cả xóm dân cư. Bạn bè đến chơi, ngồi bệt xuống nền nhà nhơm nhớp nước, căn buồng luôn mù mịt khói thuốc lào. Hình như Cầm phải lấy khói thuốc lào xua đi mùi ô nhiễm của căn buồng chật chội và cứ chốc chốc, tôi lại thấy anh xách xô nước, dội ào ào vào cái chuồng xí tập thể cạnh đấy để cho nó bớt nồng nặc. Những tháng năm ấy, sống khổ như vậy nên tôi thấy thơ anh bắt đầu hướng sâu vào những dằn vặt của kiếp người.  

Một điều khá đặc biệt, Hoàng Nhuận Cầm dành cho tình yêu mùa xuân nhiều bài thơ khá tinh tế và giàu cảm xúc, trong bài thơ "Lời chúc hoa đào" anh đã gửi cho người mình yêu tình cảm tha thiết nhất trên chuyến tàu mùa xuân: "Trong hơi thở Mùa Xuân/ Làm sao em đếm hết/ Bao nhiêu nụ Hoa Đào/ Đã nở ra thắm thiết/ Cầm Chiếc Vé Ngày Tết/ Dắt tay em lên tàu/ Đường ray hồng vô tận/ Nối vòng quanh Địa Cầu/ Muốn ôm em thật lâu/ Giữa Nhà Ga Trái Đất".

 Từng là người lính đi qua những năm tháng chiến tranh, trong ký ức thơ của anh, những nẻo đường trận mạc gian lao luôn hiện về như ánh lửa với biết bao hy vọng về mùa xuân và tình yêu. Dự cảm thiêng liêng ấy được nhắc tới trong bài thơ "Dưới màu hoa rất đỏ" với nhiều câu thơ cháy sáng trong hồn anh: "Mùa xuân ấy nói thực là anh đã/ Xếp ba-lô lặng lẽ để xa nhà/ Câu thơ cũ có gì không thực nữa/ Chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi/ Đừng bao giờ chán nản em ơi/ Hy vọng sẽ vút lên từ phút ấy/ Cuối cánh rừng lửa còn dai dẳng cháy/ Bàn chân đi cho thẳng tới chân trời".

Suy nghĩ về nghề văn, Hoàng Nhuận Cầm cho biết: "Tôi mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống, có lẽ đó là tất cả quá trình cống hiến văn học của tôi. Về sáng tác, cố gắng không giống ai và không lặp lại mình, điều này được gửi gắm trong hai câu cuối của bài thơ "Sông Thương tóc dài": "Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình - Náo động - Một mình anh". Chính vì thế, trong quá trình sáng tạo của mình, mỗi bài thơ của Cầm đều xuất phát từ một cái nhìn độc đáo và một tứ thơ riêng biệt như trên.

Giờ Hoàng Nhuận Cầm đã đi thật xa, nhưng những bài thơ của anh vẫn còn lại với chúng ta, còn lại với thời gian và còn lại với mùa xuân tình yêu trong trái tim bạn bè và những người yêu mến anh như những câu thơ từ biệt cuối cùng trong bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" của anh: "Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường-chiếc lá buổi đầu tiên".

Nguyễn Việt Chiến
.
.