Âm thầm làm việc lặng lẽ ra đi

Thứ Năm, 20/10/2022, 15:15

K khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cả lớp chỉ có chừng 40 sinh viên. Đây là khóa thi vào cực khó và là sự khó khăn cuối cùng bởi ngay khóa sau, các trường tuyển sinh ồ ạt. Lớp tôi có đến gần một nửa là cán bộ đi học. Có một bạn tôi không thể đoán được là cán bộ hay học sinh phổ thông vì nếu là cán bộ thì trẻ hơn so với các cán bộ khác, còn nếu là học sinh phổ thông thì lại quá già. Bạn có tên Trần Mạnh Thường chưa một ngày làm cán bộ.

Nhưng bạn đã hơn đám học sinh chúng tôi tới 2 - 3 tuổi. Thường có hình dung, diện mạo cùng dáng điệu khác người: Áo trắng đã ngả màu cháo lòng luôn bỏ ngoài quần khá luộm thuộm. Luôn đi dép cao su không cài quai hậu. Đặc biệt là lúc nào cũng giương đôi mục kỉnh đít chai dày cộp có nhiều vòng loang loáng. Nhìn thì luôn hơi hếch mắt lên. Trông rất lơ ngơ. Nhìn bạn, tôi lại nghĩ đến nhân vật Pie Bêdukhốp trong tác phẩm văn học vĩ đại "Chiến tranh và hòa bình" của văn hào Nga Lép Tônxtôi. Chỉ khác là nhân vật này đài các, quý tộc, còn Trần Mạnh Thường thì chân chất, quê mùa.

trần-mạnh-thường-suy-tư.jpg -0
Nhà thơ Trần Mạnh Thường suy tư sáng tác trong một lần đi thực tế.

Mấy thằng học sinh người Hà Nội chúng tôi lúc đầu không mấy để ý đến ông bạn "nhà quê" người "tỉnh lẻ" này (cậu ở Nam Định). Nhưng sau đó thì nể phục khi biết Thường không phải thi mà được vào thẳng Khoa Văn do đoạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi toàn miền Bắc trước đó. (Lúc này chưa thống nhất đất nước nên chỉ là miền Bắc). Nghe nói Thường giật giải không bằng một bài luận mà bằng một bài thơ viết về Tổ quốc. Tôi vốn cũng làm thơ nên ít nhiều mến mộ Thường và hai chúng tôi trở nên thân thiết nhau hơn.

Về sau, tôi càng quý, phục bạn mình khi biết mới mười mấy tuổi mà Thường đã làm được một bài thơ thật hay và đáng yêu. Bây giờ thì tôi đã quên tên bài nhưng vẫn còn nhớ mấy câu: "Hai bàn tay nhỏ ngây thơ/ Tôm không bắt lại bắt vờ tay nhau/ Mười con tôm nhảy lao xao/ Mải vui trăng lặn lúc nào không hay…". Bài thơ viết về đôi bạn nhỏ nam, nữ rủ nhau đi cất vó bắt tôm. Câu "Tôm không bắt lại bắt vờ tay nhau" thật thần tình. Đôi bạn nhỏ mà đã biết "bắt vờ tay nhau" thì tác giả quá lãng mạn, quá đáng yêu! Cái bối cảnh không gian và thời gian hai bạn nhỏ rủ nhau đi cất vó tôm mà tác giả nói đến trước đó đã báo hiệu màu sắc "lãng mạn" này: "Xế trời một mảnh sao Hôm/ Cành tre phơ phất gió nồm hiu hiu".

Trần Mạnh Thường học bình thường. Chính xác hơn là đạt kết quả điểm thi chỉ ở mức trung bình. Hình như anh không mấy chú tâm vào việc tiếp thu kiến thức sách vở mà có phần tập trung làm thơ nhiều hơn. Anh rất ít nói, có phần trầm lặng, sống với nội tâm, ít khi chủ động chuyện trò với mọi người. Nhưng tính tình dễ chịu, nhu mì. Lớp tôi khi ấy có Trúc Thông đã làm thơ, đã có bài in trong tập "Sức mới". Thông và Thường lại ở cùng một phòng tại nơi sơ tán trên huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nên hai người trở nên thân thiết, hay trao đổi thơ phú với nhau. Ý Nhi cũng cùng lớp nhưng lúc này chưa có dấu hiệu gì là làm thơ -hay âm thầm làm mà chưa công bố thì chúng tôi không thể biết.

Vèo một cái, 4 năm học đại học kết thúc. Chúng tôi ra trường. Mỗi người bay đi những phương trời khác nhau nên ít gặp. Có người đến hôm nay - sau gần 60 năm - vẫn chưa một lần gặp lại. Thường được phân về làm phóng viên Ban Văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi tôi luôn lui tới Ban Âm nhạc của Đài này nên vẫn thường xuyên gặp gỡ. Về sau, trước khi làm Trưởng Ban Văn nghệ, có thời gian Thường phụ trách buổi "Tiếng Thơ" vẫn mời tôi đến ngâm, đọc thơ nên mối quan hệ còn gắn bó hơn cả hồi cùng học.

Anh rất xuề xòa, đại khái, thậm chí cẩu thả trong ăn mặc và mọi sinh hoạt nhưng trong công việc lại rất nghiêm túc, chỉn chu đến mức khó tính. Tôi nhớ là mỗi lần đến thu thanhh, trong khi các nhân viên bá âm nói đã rất ổn, rất hay rồi nhưng Thường vẫn chưa ưng ý, vẫn đề nghị tôi xử lý lại chỗ này, chỗ nọ. Kể thì cũng phiền hà nhưng phải công nhận anh đã khiến các cộng tác viên phải trổ hết tài năng khi chế độ thù lao của Đài luôn rất khiêm tốn.

Anh cũng là người rất thẳng thắn, không nể nang, né tránh khi làm việc. Với những giọng ngâm nổi tiếng, đàn chị như Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Kim Cúc…, anh vẫn sẵn sàng yêu cầu các chị thu lại nhiều lần khi thấy chưa hiệu quả. Có một người ngâm thơ nhưng lại thích làm thơ, đã gửi cho anh cả chục bài muốn được sử dụng. Anh trả lời thẳng sau khi đọc kỹ: "Anh làm thơ dễ dãi quá. Làm vậy thì ai cũng có thể làm. Anh chỉ nên thể hiện thôi chứ không nên làm thơ cho mất thời gian".

tmt-phát-biểu-trong-một-hội-thảo.jpg -0
Nhà thơ Trần Mạnh Thường phát biểu trong một hội thảo.

Khi Trần Mạnh Thường chưa làm Trưởng Ban Văn nghệ, thời gian chưa đến nỗi eo hẹp, tôi vẫn thường xuyên rủ anh đi sáng tác cùng ở các vùng nông thôn và một số cơ quan tại Hà Tây (cũ). Tôi sáng tác bài hát, anh thì làm thơ và viết báo, bút ký nếu có thể. Phần lớn các nơi không có ôtô đưa đón nên chúng tôi phải đạp xe đến. Đến đâu, anh làm việc một cách rất chỉn chu, cứ ghi chép hoài trong khi tôi thì chỉ dung dăng, cưỡi ngựa xem hoa. Đến tối, anh mải miết viết lách bên ngọn đèn điện sợi tóc đỏ quệch, còn tôi lại thích tiếp xúc với các đối tượng ở nơi sở tại.

Tại buổi tiếp xúc cuối cùng với đơn vị trước khi chúng tôi ra về, tôi thì hát ca khúc mới sáng tác, Thường thì đọc thơ. Nhưng anh cứ nhờ tôi đọc hộ. Anh bẽn lẽn, ngượng ngập, rất ngại xuất hiện trước đám đông. Thường chỉ hơn tôi 2 tuổi nhưng đến đâu, cứ bị đám nữ trẻ gọi bằng "bác", trong khi gọi tôi là "anh". Vậy nên về sau cứ mỗi lần tôi rủ đi đâu, anh lại cười và nói: "Ông chớ đưa tôi đến chỗ nào có nhiều nữ trẻ, xinh". Hỏi lý do thì hóa ra, việc xưng hô rất cảm tính của phụ nữ đã khiến anh "mất hứng". Không ngờ con người trầm lặng như anh hóa ra cũng thật là hóm.

Mỗi lần cùng đi như thế, tôi hay nói Thường làm thơ để tôi phổ nhạc. Thơ anh bài nào cũng được viết ra một cách kỹ lưỡng chứ không dễ dãi, đại khái dẫu đề tài khô khan, khó viết ví như nói về một trại chăn nuôi hoặc bò giống hay một xí nghiệp cơ khí… Nhưng nhiều khi tôi chỉ có thể lấy một vài câu rồi thay bằng lời khác dẫu lời của anh nếu để ở thơ là rất hay nhưng không thể đưa vào ca khúc. Khi nhìn bản nhạc, anh cứ nhất quyết đề nghị không đề tên anh ở phần "lời". Tôi nói không cần cẩn thận quá như thế. Vấn đề là chỉ cốt để địa phương người ta thấy sự cộng tác của hai người mà thôi.

Ngày ấy - những năm 80 của thế kỷ trước - các nơi thường trả thù lao cho chúng tôi bằng hiện vật chứ không bằng tiền như bây giờ. Tôi nhớ mãi lần đến sáng tác cho trại nuôi gà ở Hà Tây (cũ). Ra về, họ tặng mỗi người 100 quả trứng. Chúng tôi đi xe đạp. Giữa đường, tôi buộc ẩu nên rơi, trứng vỡ hết. Về đến nhà tôi, Thường nói rẽ vào chơi. Hóa ra là để anh sẻ cho tôi một nửa. Lần khác đến trại lợn giống, người ta tặng mỗi người một chú lợn con. Lúc về, con của tôi bị sổng, chạy vào một rặng cây bên đường. Hai người xuống xe, đuổi bắt mãi không được. Tôi đã nản, quyết định bỏ. Nhưng Trần Mạnh Thường kiên trì lùng bắt bằng được mới thôi. Anh phờ phạc, mồ hôi vã ra như tắm.

Khi chờ đợi người vợ đang đi lao động ở nước ngoài, Trần Mạnh Thường làm một bài thơ thật cảm động, đọc mà mắt tôi cứ cay cay: "Cái cò lặn lội tuyết trắng mênh mông/ Lạnh buốt dòng sông cành mềm gió đập/ Hạt gạo lăn qua biết mấy vòm trời /Lặng lẽ lăn giữa lòng mặn chát…".

Về hưu, anh vẫn thường xuyên được mời kiểm thính nhiều chương trình phát sóng.

Này 5/5/2015, Trần Mạnh Thường qua đời sau một trận đau dữ dội, hưởng thọ 72 tuổi (sinh năm 1944), để lại cho bạn bè, đồng nghiệp nỗi tiếc thương một nhà báo, nhà thơ cần cù, chu đáo, làm việc và sáng tác hết mình. Những đóng góp của anh đáng kể mà thầm lặng và sự ra đi cũng thầm lặng như tính cách anh vậy.

Nguyễn Đình San
.
.