Xuân về, nhớ nhạc sĩ Thanh Sơn

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:02
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về là khắp nơi lại vang lên ca khúc “Đoản xuân ca”, “Xuân đẹp làm sao”, “Ngày xuân tái ngộ”, “Chúc xuân”, “Mùa xuân bên nhau”…của cố nhạc sĩ Thanh Sơn. Đây là những nhạc phẩm để đời, được nhiều người nhớ đến.


Sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự: “Mùa xuân rất đặc biệt, nó luôn mang lại cho tôi những cảm giác thật lạ, vừa bồi hồi, rộn rã, vừa phấn chấn, xốn xang”.  Những bài hát viết về mùa xuân của nhạc sĩ Thanh Sơn luôn gắn liền với tên tuổi của nhiều ca sĩ nổi tiếng ở dòng nhạc trữ tình, quê hương. Gần nửa thế kỷ trôi qua, từ khi các ca khúc nhạc xuân của Thanh Sơn được biết đến nhiều qua những giọng ca ngọt ngào của làng nhạc Việt như: Hương Lan, Bích Phượng, Quang Linh, Cẩm Ly, Đông Đào …, rồi đến Trung Hậu, Hương Thủy, Đông Quân, Thùy Trang, Quốc Đại. Đây là điều minh chứng cho sự trường tồn của những ca khúc đặc sắc này.

Về mặt số lượng, các tác phẩm thuộc chủ đề mùa xuân của ông không nhiều, nhưng hầu hết các bản nhạc hiếm hoi ấy lại gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu âm nhạc hằng mấy thập niên qua.

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn.

Trong suốt cuộc đời âm nhạc, ông đã sáng tác khoảng 500 ca khúc được người trong giới và công chúng hưởng ứng nhiệt tình. Lời ca mộc mạc, giản dị nhưng thấm đẫm tình yêu của một người con xa quê luôn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông đã đi đến tận cùng của những cảm xúc để chắt chiu thành những giai điệu mượt mà, những lời ca ngọt ngào, chứa chan tình yêu quê hương, dân tộc.

Sinh năm 1938, trong một gia đình có tới 12 người con ở Sóc Trăng, cậu bé Lê Văn Thiện (tên thật của cố nhạc sĩ Thanh Sơn) từ nhỏ đã say mê văn nghệ. Những năm học tiểu học, ông được nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu nổi tiếng dạy nhạc ở Sài Gòn những năm 1950 -1960 của thế kỷ 20) nhận làm học trò. Năm 1955, thầy Phấn qua đời, ông bắt đầu lên Sài Gòn và theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông lúc bấy giờ là chép và kẻ khung nhạc.

Năm 1959, Lê Văn Thiện đánh bạo ghi tên tham dự cuộc thi hát do một Đài Phát thanh ở Sài Gòn thời bấy giờ tổ chức. Không ngờ, ông đoạt giải Nhất với tác phẩm “Chiều tàn” của nhạc sĩ Lam Phương. Sau giải thưởng ấy, tên tuổi Thanh Sơn ngày càng được công chúng biết đến qua những chương trình ca nhạc trên làn sóng phát thanh. Từ đó, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhạc sĩ gạo cội để rồi trong ông bắt đầu nhen nhóm ý định sáng tác ca khúc.

Năm 1962, tác phẩm đầu tay có tên gọi “Tình học sinh” của nhạc sĩ Thanh Sơn ra đời. Một năm sau, ông trình làng ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” viết về mối tình đầu đời của ông, đã trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về tuổi học trò thời bấy giờ. Sau đó, cố nhạc sĩ Thanh Sơn liên tiếp thành công với những nhạc phẩm viết về đề tài học sinh như: “Ba tháng tạ từ”, “Màu áo hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh”, “Phượng buồn”, “Ve sầu mùa phượng”.v.v.… Những ca khúc này được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận.

Nhạc sĩ Thanh Sơn thời trẻ.

Nhạc sĩ Thanh Sơn từng chia sẻ: “Tôi đến với sáng tác âm nhạc bằng niềm đam mê chân thật. Mặc dù bản thân tự tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ nhạc sĩ đàn anh nhưng may mắn của tôi là ngay từ những sáng tác đầu tiên đã có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Đây là động lực cổ vũ tôi tiếp tục sáng tác, dâng lời ca tiếng hát cho đời”.

Sau thành công với những nhạc phẩm viết về lứa tuổi học trò, nhận thấy điệu nhạc Bolero dễ gây xúc cảm cho người thưởng thức, nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác nhiều tác phẩm để đời ở thể loại này như các ca khúc: “Nhật ký đời tôi”, “Trả lại thời gian”… với giai điệu thật giản dị, hình ảnh gợi cảm, ngôn từ chọn lọc, rất đỗi trữ tình, lãng mạn. Kể từ năm 1973, nhận thấy dân ca Nam Bộ rất gần gũi với đời sống người lao động, dễ lan tỏa trong lòng người nghe, nhạc sĩ Thanh Sơn đã chuyển hướng sáng tác sang đề tài quê hương. Ca khúc đầu tiên ông viết về thể loại này là “Bài ngợi ca quê hương”.

Gần 1/2 là những ca khúc của ông viết về quê hương, về con người của miền châu thổ Sông Tiền -  Sông Hậu. Có lẽ vì là người con của làng quê Nam Bộ và nhờ sự yêu thích giai điệu “ngũ cung lòng bản” (Hò, Xự, Xang, Xê, Cống) của âm nhạc tài tử và sân khấu cải lương, nên nhạc sĩ Thanh Sơn đã có được những chất liệu quý để phục vụ cho công việc sáng tác. Và cứ thế, những khúc hát quê hương tươi sáng, trong trẻo của người nhạc sĩ thân thiện này lần lượt ra đời. Chính sự trải nghiệm từ đời sống thật và sự thẩm thấu của những câu Hò, điệu Lý vùng sông nước Cửu Long đã nuôi dưỡng tâm hồn, tạo cho ông nguồn cảm hứng vô tận để viết nên khúc hát quê hương rất hay và ấn tượng.

Nhạc sĩ Thanh Sơn với ca sĩ Hương Lan.

Những ca khúc như: “Hành trình trên đất phù sa”, “Gợi nhớ quê hương”, “Hình bóng quê nhà”, “Hương tóc mạ non”, “Hành trình trên đất phù sa”… dù chỉ nghe qua một lần là ta có thể nhẩm hát theo vì giai điệu và ca từ của nó dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.

Âm nhạc là sự phản ánh chân thực về chân dung của nhạc sĩ Thanh Sơn. Khi còn tại thế ông thường tâm sự với bạn bè: “Chắc vì một phần tính cách của con người tôi giản dị, hào sảng nên nhạc phẩm của tôi cũng nhẹ nhàng, tinh giản chứ không cao sang, toàn bích. Nó gần gũi với quần chúng, phản ánh đượcđời sống tinh thần của người nông dân. Làm được điều đó là tôi đã thành công rồi”.

Mỗi một ca khúc mà ông sáng tác đều gắn liền với những kỷ niệm khó phai. Ngay cả nghệ danh Thanh Sơn của ông cũng bắt nguồn từ một câu chuyện có thật. Hồi nhỏ, ông có một người bạn gái rất thân tên là Thanh, nhưng không may người bạn này mất sớm. Khi gắn bó với âm nhạc, ông đã dùng tên Thanh của cô bạn gái ấy để ghép với tên Sơn của mình thành nghệ danh Thanh Sơn như một sự khắc ghi kỷ niệm.

Nhạc sĩ Tiến Luân cảm nhận: “Những gì anh Thanh Sơn viết là đời sống thật bởi tuổi thơ của anh từng cấy lúa, tắm sông, hái dừa, chèo thuyền… Anh lại đi nhiều nơi nên đã thấy, đã hiểu và đã cảm được nhiều chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng ra, cho nên các ca khúc do anh sáng tác không giả tạo, từ đó không dễ quên với nhiều người nghe. Bằng chứng là có những câu hát của anh như: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”… hay “Nghe xuân sang thấy trong lòng thêm chứa chan… đã trở thành những thành ngữ trong cuộc sống”.

Phạm Thái Bình
.
.