Vui buồn cùng nhà văn Hoàng Văn Bổn
Ở Hà Nội tôi có biết tên nhà văn Hoàng Văn Bổn nhưng chưa hề giáp mặt ông. Nhớ một buổi tối đi xem phim tài liệu "Sóng Hòn Mê" ở rạp Tháng Tám, đoạn mở đầu giới thiệu phim là hình ảnh con sóng đập vào vách đá bọt văng tung tóe và một cái tít chạy dài phía dưới: Kịch bản Hoàng Văn Bổn. Nhớ trích đoạn "Trên mảnh đất này" in trong sách giáo khoa phổ thông viết về cuộc hành quân của bộ đội trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Nhớ đã đọc "Ký sự Hàm Rồng" ngồn ngộn chất sống. Ấn tượng chung của tôi: Hoàng Văn Bổn là nhà văn Nam Bộ, nhà văn Quân đội thường viết kịch bản phim.
Mãi đến năm 1979 tôi mới được gặp ông. Ông mặc quân phục, gầy và cao, dáng vẻ từ tốn, giọng nói chậm rãi. Lúc đó ông vừa đi mặt trận Campuchia trở về ghé thăm quê hương và ngỏ ý xin về Đồng Nai. Năm 1980, nhà văn Hoàng Văn Bổn thay bộ quần áo sĩ quan bằng bộ thường phục giản dị, ông làm cấp phó cho nhà văn Lý Văn Sâm ở Hội Văn nghệ Đồng Nai. Sau khi nhà văn Lý Văn Sâm nghỉ, ông thay thế làm Chủ tịch Hội. Ông kiêm luôn Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Đồng Nai.
Báo Văn nghệ Đồng Nai thời ấy in khổ lớn, đăng tải khá nhiều sáng tác của anh em hội viên, cộng tác viên. Thời bao cấp khó khăn là thế mà anh em vẫn ham viết. Tấm lòng ưu ái với anh em viết trẻ, kinh nghiệm sáng tác lâu năm đã giúp ông phát hiện, nâng đỡ cho nhiều cây bút, giới thiệu họ trên báo. Ông còn tổ chức được nhiều trại sáng tác mời các nhà văn nhà thơ ở TP Hồ Chí Minh về trao đổi kinh nghiệm. Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Duy, Trần Nhật Thu… là những người được Hội mời đến. Hồi ấy phong trào Hội khá rôm rả, anh em thích đến Hội để trò chuyện về sáng tác và tán gẫu. Hoàng Văn Bổn đã tập hợp được lực lượng xung quanh mình để làm cho văn nghệ Đồng Nai mạnh lên, phong phú hơn. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ, nhà văn Hoàng Văn Bổn chuyển sang làm Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai. Ở Nhà xuất bản, ông cũng đã tổ chức ra mắt được nhiều đầu sách có giá trị.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn có một sức làm việc phi thường. Có lần ông nói với tôi:
- Chú viết không biết mệt.
Với một chiếc máy chữ cổ lỗ, ông đã viết hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Trước khi về Đồng Nai, ông đã có vài chục kịch bản phim và đầu sách. Từ năm 1980 đến ngày ông qua đời, hàng loạt đầu sách của ông tiếp tục ra mắt bạn đọc. Mỏng thì hai trăm trang, dày thì năm sáu trăm trang, thậm chí lên đến bảy tám trăm trang.
![]() |
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (thứ hai từ trái sang) tại Hội Văn nghệ Đồng Nai những năm 80. |
Hoàng Văn Bổn là nhà văn đau đáu với nghề viết, viết để trả món nợ với hai cuộc kháng chiến của dân tộc, viết để trả món nợ với quê hương. Viết ngày viết đêm, ngày nghỉ cũng tranh thủ viết. Không như Tô Hoài ngồi đâu cũng viết được, làm gì cũng viết được, ông chỉ viết sau khi đã xong việc cơ quan. Ngoài nghề viết ông không làm nghề gì khác. Ông thu nhập thêm bằng tiền nhận bút. Vợ ông, một cô giáo tiểu học cũng dậy thêm chút ít. Họ đã nuôi ba đứa con ăn học. Có lần Hiền An Giang và tôi mời ông đi uống bia ở nhà hàng Sông Phố, ông phải tạm rời máy chữ đi theo chúng tôi. Ông tâm sự:
- Tôi phải cắn răng mà viết
Cắn răng, nghĩa là phải vượt qua bao khó khăn chồng chất để tồn tại bằng nghề viết. Nhiều cây bút có tài đã phải rời bàn viết để chạy theo cuộc mưu sinh bằng nghề khác. Ông vẫn trụ lại bằng nghề viết.
Hoàng Văn Bổn là nhà văn sống đạm bạc, chân thật và giản dị. Ông am hiểu sự đời nhưng ông sống theo kiểu của ông. Lúc về quê ông được cấp một cái nhà sát bờ sông Đồng Nai, tối om om, hầu như lúc nào cũng phải mở đèn. Căn nhà có một cái gác xép là nơi ông làm việc. Về sau căn nhà kế bờ sông bị giải tỏa, ông chuyển về khu quy hoạch sau lưng Tỉnh đội. Cuối đời, nhà cửa ông đã đàng hoàng khang trang hơn, nhưng vẫn là một căn nhà ống. Đến thăm ông, tôi thấy ông chủ của hàng vạn trang sách đã mãn nguyện lắm rồi.
Những năm ông còn khỏe, trên đường phố Biên Hòa người ta vẫn thấy một ông già đội mũ phớt, dong dỏng cao, đạp xe đạp chậm rãi, lơ đãng nhìn cảnh vật xung quanh. Khi bệnh tim đã trở nặng, ông ít đi ra phố. Ông thích nhất là được bạn văn đến thăm. Ông kể chuyện đời, chuyện văn, trí nhớ vẫn tốt, ứng xử còn linh hoạt.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn là người có lòng tốt luôn luôn thường trực. Ông không thâm thù, ác ý với ai. Ai chê bai, đả kích, ông chỉ cười và im lặng. Ai cần giúp mà nằm trong tầm tay của ông, ông sẵn sàng. Miễn là được phong trào, được việc, giúp được người đó. Thời làm Giám đốc Nhà xuất bản, mảng sách văn học rất khó tiêu thụ. Có một tác giả gom góp cả đời mới in được một tập truyện, số lượng 500 cuốn, loay hoay chả biết bán cho ai. Ông liền ra tay:
- Để tôi viết thư cho thằng Hạnh (Tạ Quốc Hạnh - Giám đốc Công ty Sách Đồng Nai) mua giùm cho.
Ông nhờ tôi chuyển thư đến Tạ Quốc Hạnh. Số sách được tiêu thụ gọn, chuyển về các trường. Một số anh em vốn ở Văn nghệ Đồng Nai xin chuyển về Sài Gòn để phát triển sự nghiệp và chăm lo đời sống, ông sẵn sàng gọi điện, viết thư, viết giấy giới thiệu lên trên đó. Năm 1992, Giáo sư Lê Trí Viễn, thầy Nguyễn Sĩ Bá và tôi được Sở Giáo dục Đào tạo Đồng Nai giao cho nhiệm vụ biên soạn cuốn "Văn thơ Đồng Nai trong nhà trường". Bộ Giáo dục Đào tạo quy định trong chương trình văn học phổ thông có 8 tiết phần mềm là văn học địa phương. Chỉ có 8 tiết thôi mà chúng tôi phải làm ròng rã hai năm trời. Được tin, nhà văn Hoàng Văn Bổn rất mừng.
Năm 1993, Nhà xuất bản Đồng Nai do ông làm Giám đốc đã in cuốn "Thơ văn Đồng Nai trong nhà trường" và chuyển cho Công ty Sách của Sở Giáo dục chuyển đến tận các trường. Tôi nhớ dạo Nguyễn Đức Thọ bị ung thư gan đã di căn, bệnh viện trên Sài Gòn trả về Đồng Nai. Một hôm tôi đến bệnh viện thăm Thọ thì thấy giữa trưa nắng chang chang hai vợ chồng nhà văn Hoàng Văn Bổn đạp xe tới. Cô chú mang theo mấy quả dứa dại vừa đi lùng tìm ở nhà bà con về. Thọ nằm thoi thóp, ống dẫn lưu từ ổ bụng tuôn dịch xuống cái chai lớn để phía dưới giường. Hoàng Văn Bổn nói với người nhà Thọ:
- Sắc cái này cho nó uống.
Đoạn ông bước ra ngoài hiên sụt sịt khóc. Cô Chi vợ chú nói nhỏ với tôi:
- Ông ấy thương thằng Thọ cứ khóc suốt. Ông ấy biết nó không qua khỏi.
Tình cảm của một nhà văn lớn tuổi với một nhà văn trẻ đang sung sức khiến ông cứ đau đớn mãi về sự ra đi của Thọ
Nhà văn Hoàng Văn Bổn để lại cho ta ấn tượng điềm đạm, mực thước. Ông rất thông cảm, chia sẻ với người viết, dù người đó có tính cách như thế nào. Duy nhất một lần tôi thấy ông nổi nóng. Chuyện xảy ra tại một trại sáng tác dưới Long Hải. Có mấy trại viên nữ mâu thuẫn nhau xung quanh một nhà thơ già. Một cô bỏ trại về giữa chừng. Tối đó họp trại, ông lớn tiếng:
- Chúng ta lên đây là để có tác phẩm phục vụ cho Đồng Nai chứ không phải đấu đá, cãi cọ nhau vì một chuyện không đâu. Không xứng đáng với đồng tiền mà nhân dân đã bỏ ra để tổ chức trại cho chúng ta.
Cả trại im lặng. Từ đó trở về sau, chuyện như vậy không còn xảy ra nữa.
Nhìn vào nhà văn Hoàng Văn Bổn, chúng ta dễ dàng nhận ra phẩm chất tốt đẹp của ông. Nhưng đánh giá đời văn của ông như thế nào, cũng có những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng khối lượng tác phẩm của ông đồ sộ, ông là nhà văn lớn, thần tượng của nhiều cây bút trẻ. Lại có ý kiến cho rằng Hoàng Văn Bổn viết nhiều, số lượng tác phẩm không kém gì Tô Hoài, nhưng thiếu những "cái đinh"- nghĩa là những tác phẩm nổi trội. Tôi nhớ lúc sinh thời, ông cũng khiêm tốn tự nhận ra mình. Ông nói:
- Tôi viết không bằng Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương…
So sánh với các nhà văn mặc áo lính thì vậy, còn với các nhà văn đàn anh, ông vẫn tự nhận mình là học trò. Có lần chuẩn bị in một đầu sách, ông nhờ tôi mang bản thảo ra Hà Nội để ba tôi (nhà văn Bùi Hiển) đọc và viết lời giới thiệu. Sách in xong, ông viết lời đề tặng: "Thân tặng anh Bùi Hiển. Học trò của anh. Hoàng Văn Bổn".
Hoàng Văn Bổn là một nhà văn giàu tâm huyết, một người lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa với hàng vạn trang sách. Nhưng tác phẩm của ông để lại ấn tượng chưa nhiều. Có phải là do tầm tư tưởng trong tác phẩm của ông chưa cao, những tìm tòi khám phá các vấn đề cuộc sống còn hạn chế. Hay là do ông ít thay đổi về bút pháp, ông viết dường như theo thói quen khiến người đọc cảm thấy đơn điệu, không bộc lộ rõ phong cách. Nhưng thôi, tạng của ông là như vậy. Chúng ta có được một nhà văn như Hoàng Văn Bổn là một điều đáng tự hào, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật dành cho ông là xứng đáng. Giờ đây nhớ tới ông, tôi cứ mường tượng ra cuộc họp của các nhà văn Đồng Nai đã trở thành người thiên cổ. Nhà văn Lý Văn Sâm người nhỏ nhắn, giọng nói nhỏ nhẹ, nhà văn Hoàng Văn Bổn cao dong dỏng, giọng từ tốn, nhà văn trẻ Nguyễn Đức Thọ người đậm đà, giọng băm bổ. Nhà thơ khách mời Thu Bồn cao to, giọng Quảng Nam đặc sệt. Họ là những người góp phần làm cho văn hóa đất nước, văn hóa Đồng Nai thêm phong phú