Vua Lý Thái Tổ: Có đức tất có ngôi

Thứ Bảy, 11/11/2006, 10:30

Thông thường, cuộc đời của các ông vua lập quốc thường được bao phủ bởi một lớp sương huyền tích ảo mờ. Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập ra triều đại nhà Lý kéo dài tới 215 năm (từ 1010 tới 1225) cũng không là ngoại lệ.

Ngay cả trong những cuốn sách sử nghiêm túc nhất của tiền nhân cũng ẩn chứa không ít những huyền tích về Lý Thái Tổ, kể từ lúc ông sinh ra năm 974 cho tới khi trút hơi thở cuối cùng lìa khỏi cõi trần năm 1028.

Tụ khí thiêng liêng

Tồn tại khá nhiều giả thuyết về gốc gác nhà vua. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư"  (ĐVSKTT) chép rằng, vua "tên huý là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp Bắc Giang (nay là làng Đình Bảng, thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh - TG), mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có mang, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (tức năm 974-TG)... Trước ở viện Cảm Tuyền chùa Ứng Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ "Thiên tử". Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử...".

Cũng theo ĐVSKTT, ngay từ nhỏ nhà vua đã có tướng mạo khác thường, khôi ngô, tuấn tú. Năm vua lên 3 tuổi, mẹ dẫn tới chỗ thiền sư Lý Khánh Văn và được nhận làm con nuôi. Lớn thêm vài tuổi nữa, tới chùa Vạn Tổ theo học nhà sư Vạn Hạnh (anh ruột của thiền sư Lý Khánh Văn) trụ trì ở đó. Cậu bé Công Uẩn không mấy quan tâm tới việc làm giàu và học kinh sử cũng rất qua loa nhưng lại luôn tỏ ra "khẳng khái, có chí lớn".

Tượng vua Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Còn theo truyền thuyết dân gian mà hai tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng dẫn lại trong cuốn "Các triều đại Việt Nam", ông thân sinh ra Lý Công Uẩn vốn là một nông dân nghèo, phải lòng một tiểu nữ rồi làm nàng có mang khiến nàng bị nhà sư trụ trì đuổi ra khỏi chùa. Hai vợ chồng đành dẫn nhau đi tha phương, tới rừng Báng quá mệt mỏi nên nghỉ lại. Khát nước, người chồng đến chỗ giếng nước giữa rừng uống, chẳng may sẩy chân chết. Chờ lâu quá không thấy chồng về, người vợ trẻ tất tả đi tìm, tới nơi đã thấy đất đùn lấp đầy giếng. Xung quanh ngôi mộ - giếng này tụ 8 cái gò con khiến cho cảnh vật trông giống như một bông hoa sen có 8 cánh (về sau nhà Lý tồn tại cũng được 8 đời).

Khóc lóc đau đớn hồi lâu, người goá phụ tới chùa Ứng Tâm ở gần đó xin nghỉ nhờ. Sư trụ trì ở ngôi chùa này đêm trước nằm mơ Long thần báo mộng: "Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến". Thấy người thiếu phụ đang bụng mang dạ chửa xin vào nghỉ nhờ, nhà sư nhớ lại giấc mộng nên bằng lòng ngay. Đêm đó, bỗng dưng khu tam quan của chùa Ứng Tâm cứ sáng rực cả lên, hương hoa ngọc lan thơm ngào ngạt: hóa ra là người phụ nữ ấy đã trở dạ, sinh ra một nam tử. Lại gần xem, nhà sư thấy trên tay đứa trẻ sơ sinh có ghi bốn chữ: Sơn hà xã tắc. Rồi bất chợt mưa to gió lớn nổi lên đùng đùng. Người mẹ phút chốc qua đời.

Đứa trẻ được nhà chùa nuôi, tới năm 8-9 tuổi theo học sư Vạn Hạnh ở chùa Tiên Sơn, người nổi tiếng thời đó về đa mưu túc trí, lại có tài kinh luân... Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá sư Vạn Hạnh là bậc có tri thức vượt người thường, nhưng chán trần tục ồn ào nên tìm tới "nương cửa thiền tịch mịch, giữ trong sạch lấy một mình"... Sư Vạn Hạnh cũng là một nhân vật lịch sử có nhiều huyền tích. Ông tạ thế năm 1025 dù không mắc bệnh tật gì; người thời đó cho là ông đã được hóa thân...

Sống trong chùa nhưng Công Uẩn tính hiếu động, mê chơi hơn mê chữ, lại tinh nghịch. Có giai thoại như sau: một hôm, Công Uẩn trốn học, bị sư Vạn Hạnh phạt trói lại ở tam quan cả đêm. Canh khuya bị muỗi đốt quá đau, ông vua tương lai bèn "tức cảnh sinh tình" đọc to bốn câu thơ:

Thiên vi khâm chẩm, địa vị chiên,
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên.
Dạ thâm bất cảm tràng thân túc,
Chi khùng sơn hà xã tắc điên.

(Tạm dịch: Trời làm gối, đất làm chiên (chăn), Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên, Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi, Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng).

Ngồi trong trai phòng nghe thấy giọng đọc sang sảng của cậu bé, sư Vạn Hạnh mừng lắm vì cho rằng, Công Uẩn có khẩu khí như thế, tất sẽ không phải người tầm thường. Có lần, ông nhận xét về Công Uẩn: "Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ".

Cũng có giả thuyết cho rằng, Công Uẩn thực ra là con ruột của thiền sư Lý Khánh Văn, thậm chí là con ruột của nhà sư Vạn Hạnh(?). Thực hư thế nào, người đời nay khó có thể đoán định. Chỉ biết rằng, sư Vạn Hạnh chính là người trước sau như một luôn có mắt xanh "anh hùng đoán giữ trần ai" đối với Lý Công Uẩn. Năm 1005, Lý Công Uẩn vào cung làm cấm quân dưới triều vua Lê Trung Tông. Khi Lê Ngọa Triều cướp ngôi lên làm vua, Lý Công Uẩn đã ôm xác Lê Trung Tông mà khóc lóc thảm thiết. Lê Ngọa Triều thấy vậy, khen là người trung nghĩa và cho làm Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ rồi thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.

Theo sách "Việt sử thông giám cương mục" (VSTGCM) do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, trước khi diễn ra sự việc này, tại làng Diên Uẩn có cây gạo bị sét đánh, vết hằn hiện lên bài thơ, trong đó có những câu sau: "Hòa đao mộc lạc, Thập bát tử thành, Đông A mộc địa, Dị mộc tái sinh"... Sư Vạn Hạnh đã lý giải ngay: "Hòa đao mộc" là chữ Lê, "Thập bát tử" là chữ Lý, có nghĩa là họ Lê (nhà Tiền Lê) đổ thì họ Lý sẽ lên, trong khoảng 6-7 năm thiên hạ thái bình (còn "Đông A" là họ Trần, "nhập địa" là giặc phương Bắc vào lấn cướp, và "Dị mộc tái sinh" nghĩa là họ Lê, tức nhà Hậu Lê, lại nổi lên...). Rồi sư Vạn Hạnh nói với Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn: "Xét theo lời sấm, xem ra sắp tới lúc họ Lý khởi nghiệp lớn...".--PageBreak--

Biết trước mệnh trời luôn là việc lợi bất cập hại, Lý Công Uẩn đã phải đưa sư Vạn Hạnh đi ẩn kín. Tuy nhiên, câu chuyện về lời sấm truyền vẫn lọt tới tai Lê Ngọa Triều và ông vua ác bá này đã ra lệnh bí mật tìm diệt những người họ Lý trong thiên hạ. Có điều, Lê Ngọa Triều vì sao đấy lại "quên" không nghĩ tới Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn ở ngay cạnh mình. Đèn tối ở chân. Đấy là sự tình cờ hay mệnh trời cho được như thế?

Tài đức "cổ lai hy"

Lê Ngọa Triều là ông vua hoang dâm hiếu sát, thường có những hành động ngông cuồng, tàn ác không giống ai. Do quá chơi bời nên ông vua cuối cùng của nhà Tiền Lê này không thể ngồi được nên phải nằm khi ra thiết triều, vì thế mới có cái tên Lê Ngọa Triều. Lòng dân khi đó đầy oán hận. Còn Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn thì trước sau như một luôn khoan thứ nhân từ, mặc dù quyền binh đang nắm hết trong tay. Khi Ngọa Triều mất năm 1009, con kế tự còn nhỏ, các quan ai nấy đều muốn tôn Lý Công Uẩn lên làm vua vì biết đó là bậc "công bằng, rộng lượng và nhân đức, được lòng mọi người" (theo VSTGCM). Vận hội tới tay, trăm họ một lòng, Lý Công Uẩn có muốn chối từ cũng không được nên đã lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, "đại xá cho thiên hạ... xóa bỏ việc tù ngục và kiện tụng; xuống chiếu cho phép từ nay hễ ai có việc tranh giành và thưa kiện, được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà vua sẽ đích thân ra phân xử" (VSTGCM).

Năm 1010, tới mùa thu tháng 7, Lý Thái Tổ đã tìm thấy trong thành Đại La thế nước Rồng lên muôn thuở nên đã quyết định rời đô từ Hoa Lư ra đó. Trong Chiếu dời đô, nhà vua nhận xét rằng, chính đây mới là "ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Tây Đông, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấy trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời...". Tương truyền, khi thuyền nhà vua ngự ở bến thành Đại La, có con rồng cuồn cuộn hiện ra chào đón. Vua bèn đổi tên kinh đô mới là Thăng Long.

Cả nghìn năm trước mà đã nhìn vị thế thủ đô cho đất Việt như thế, hẳn không phải là vị vua bình thường mà là bậc đế vương tài đức "cổ lai hy" (xưa nay hiếm).

Đánh giá về Lý Thái Tổ, ĐVSKTT viết: "Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương". Còn sử thần Ngô Sĩ Liên thì bình: "Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành mở ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thương tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cũng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương...".

Tất nhiên, không có ai là người hoàn hảo. Vua Lý Thái Tổ cũng không tránh khỏi một số điểm yếu mà sách ĐVSKTT cũng đã thẳng thắn nêu ra qua lời bình của Lê Văn Hưu là quá sùng đạo, mê dựng chùa chiền nên có lúc đã "tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư?..."
.
.