Vọng cổ hài - điệu cười phương Nam
Lối rẽ độc đáo
Có tài liệu ghi, trong các bài ca cổ nhạc của đờn ca tài tử có bài ca vui theo lối Ca ra bộ với tựa Bùi Kiệm thi rớt trở về, lấy từ cốt truyện “Lục Vân Tiên”. Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, hãng đĩa Péka và đĩa hát Pathé của Thầy Năm Tú có tuồng San Hậu, nghệ sĩ hài Tư Xe trong vai Lôi Nhược, ca bài vọng cổ giọng cà lăm (nói lắp), nhõng nhẽo rất có duyên được giới mộ điệu yêu mến.
Ngoài ra, các nghệ sĩ Tám Bằng, Hồng Châu, Hề Lập,… cũng ca vọng cổ hài trong một số tuồng cải lương được các hãng đĩa ở Sài Gòn thời bấy giờ phổ biến. Năm 1956, Hề Minh nổi tiếng với các bài Vọng cổ hà Pháp sư giải nghệ, Vợ tôi nhảy Mambô trên sân khấu Hương Mùa Thu. Thập niên 60 của thế kỷ trước, soạn giả Viễn Châu đến quán Lệ Liễu ở Thị Nghè (Sài Gòn) phát hiện nghệ sĩ Văn Hường là một giọng ca có phong cách riêng, từ hơi giọng, nhịp nhàng chuẩn mực, cho đến kỹ thuật luyến láy, phát âm nhả chữ khá điêu luyện, dày dạn kinh nghiệm, nên ông nhã ý giới thiệu nghệ sĩ Văn Hường ký hợp đồng với hãng đĩa Asia của thầy Năm Mạnh.
Sau buổi đầu tri ngộ đó, chỉ một đêm, soạn giả Viễn Châu đã viết xong bài vọng cổ hài đầu tiên với tựa đề Đêm tân hôn có nội dung diễn tả về sự hoan hỉ của đôi vợ chồng trẻ mới hợp hôn, lời ca được tác giả biên soạn rất vui nhộn, dễ thương. Ông đưa cho Văn Hường ca thử. Quả là sự ngẫu nhiên trùng phùng. Soạn giả Viễn Châu từ nào giờ chưa từng viết, Văn Hường cũng chưa từng ca vọng cổ hài, vậy mà cả hai đã kết hợp thành công mãn thính. Với giọng ca đặc biệt, cách xuống vọng cổ với chữ “ự, ự…” thay cho chữ “ơ, ơ…” trước khi xuống hò câu vọng cổ, Văn Hường được khán - thính giả nhiệt liệt hoan nghênh với sáng tác hài đầu tay của soạn giả Viễn Châu.
Bài Đêm tân hôn như một pháo hiệu đầu tiên cho trường phái này. Sau đó, soạn giả Viễn Châu và nghệ sĩ Văn Hường liên tiếp ghi dấu ấn vang dội ở lĩnh vực “vọng cổ hài” với một số bài ca như: Tư Ếch đi Sài Gòn, Văn Hường đại chiến với Tư Ếch, Ba râu đi Chợ Lớn, Tôi đi làm rể, Tôi đi hớt tóc, Tôi làm thầy bói, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch coi cải lương, Tư Ếch coi Hội chợ, Ông Địa núi Tà Lơn, Ông Trượng - Tiên Bửu, Năm con vợ, Vợ tui tui sợ… mà cho đến nay vẫn được người mộ điệu nhắc đến.
Nếu như soạn giả - Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu được báo giới và công chúng phong tặng cho danh hiệu là “ông vua vọng cổ” vì ông biên soạn trên 2.000 bài ca vọng ở các thể loại thì nghệ sĩ Văn Hường được tấn phong là “Vua vọng cổ hài” được giới mộ điệu đặt cho biệt danh là “Tư Ếch”nhờ thể hiện xuất sắc bài vọng cổ hài “Tư Ếch đi Sài Gòn” của soạn giả Viễn Châu.
Gây cười không dễ
Trên sân khấu cải lương, các đào kép chánh thường là những đào kép mùi, thủ những vai bất hạnh bi thương để lấy nước mắt và sự cảm thông của khán giả. Bên cạnh chất mùi mẫn, sân khấu cải lương cần có chất hài làm sôi động sân khấu để phá tan cái ngột ngạt của những tình tiết lâm ly bi đát, nhằm mang lại tiếng cười cho khán giả.
Soạn giả Viễn Châu và danh ca Hề Sa. |
Vai trò của kép hài rất quan trọng, đòi hỏi phải biết diễn xuất và phải biết ca các bài bản cải lương. Những nghệ sĩ hài nổi danh ở thể loại này có thể kể đến các nghệ sĩ như: Quái Kiệt Ba Vân, Hề Tư Xe, Hề Lập, Hề Tám Cũi, Hề Tư Rọm, Hề Kim Quang, Hề Minh, Hề Quới, Hề Vui, Hề Văn Chung, Trường Xuân, Giang Châu, Bảo Quốc… Vào thời vàng son của cải lương, tiếng tăm và tiền cát xê của một số nghệ sĩ hài cải lương không thua kém gì đào kép chánh. Cũng có khi khán giả mua vé đến xem một đoàn hát không phải vì yêu mến cặp đào kép chánh, mà là vì ái mộ danh hài của đoàn.
Bài vọng cổ cũng cần có những giọng ca hài. Làm hề cải lương thì tập trung vào diễn, còn ca chỉ là phần hỗ trợ cho vai diễn mà thôi. Đối với ca vọng cổ hài, nghệ sĩ tập trung vào yếu tố ca là chính. Nghệ sĩ ca vọng cổ hài đòi hỏi phải có bản lĩnh ca vọng cổ thật chắc nhịp, cùng với kỹ thuật luyến láy, nhả chữ và phong cách thể hiện bài ca sao cho tạo được dấu ấn riêng biệt.
Hài là một thể tài trên nhiều loại hình nghệ thuật, thể cách tình huống khá đa dạng và nội dung bao chứa rất phong phú. Đặc điểm nổi bật của hài là gây cười bằng thủ pháp nghệ thuật trào lộng. Nhưng ca từ có thể cách hài, mà giọng ca không có tố chất hài, hay dàn nhạc đệm rời rạc, thì tổng thể tác phẩm sẽ không tạo được tiếng cười và ngược lại.
Bài vọng cổ hài phải là một chỉnh thể, gồm các mối quan hệ của những tố chất hài trực tiếp liên kết với nhau, đó là văn chương, thanh giọng, tiết tấu và nhạc đệm. Ca từ hài phải thuộc loại văn chương biền ngẫu hay văn vần, có hệ thống móc xích về mặt ngữ âm, vần điệu. Nếu ca từ gút mắc không suôn theo vần điệu thì người ca sẽ bị cưỡng âm, gây khó khăn cho việc diễn đạt cái hài trong mọi tình huống.
Một thách thức lớn cho sự sáng tạo
Viết vọng cổ không quá khó, nhưng viết vọng cổ hài thì cực khó. Ngoài việc cần giữ đúng lề lối, căn bản, khuôn phép vọng cổ, để viết vọng cổ hài là người viết phải có cái nhìn sự việc thật thấu đáo và biết sử dụng ngôn ngữ hài hước. Nghĩa là người viết phải nhìn ra được khía cạnh có thể châm biếm, chọc cười người nghe, những hủ tục cần đả phá và phải dùng lời văn châm biếm nhẹ nhàng, duyên dáng, gây cười, khiến cho người nghe dù là kẻ bị châm biếm cũng không phật lòng, còn công chúng thì tán thành lối châm biếm đó vì tác giả đã nói thay lời của họ.
Vọng cổ hài thường là đã phá thói hư tật xấu hay những hủ tục trong xã hội. Nó đưa được đời sống thường nhật lên sân khấu, để người nghe cảm nhận được điều phản ánh trong bài ca cũng thật sự tồn tại đâu đó, hoặc đã là tồn tại ở chính bản thân người nghe. Để rồi, mỗi người tự ý thức mà sửa chữa lỗi lầm bản thân hoặc giúp người khác sửa chữa, nhằm giúp cho con người được hoàn thiện hơn, xã hội được tốt đẹp hơn, đúng với tinh thần chung của cải lương Nam Bộ. Sự châm biếm phải thật nhẹ nhàng và tế nhị. Lời văn phải được chọn lựa kỹ càng, phải dí dỏm và phải được đặt đúng nơi, đúng chỗ.
Nghệ sĩ hài khi thể hiện phải thật sự có năng lực ca vọng cổ, tức phải có chất giọng tốt, phải có bộ nhịp thật vững vàng để có thế “tung hoành” trong bài ca một cách thật dí dỏm, nhằm gây tiếng cười cho khán giả, đòi hỏi phải có sự tập luyện bài bản và kiên trì để có được một lối ca điêu luyện.
Từ trước đến nay, những bài ca viết về những trái khoáy trong xã hội, từ chuyện vợ chồng, chuyện mê tín dị đoan, những chuyện lường gạt mất tín nghĩa, những suy thoái trong cuộc sống vi phạm đến đạo đức cổ truyền của dân tộc đều được đưa vào nội dung bài vọng cổ hài để nhắc nhở nhau qua rất nhiều giọng ca của các nghệ sĩ tài danh như: Văn Hường, Hề Minh, Văn Chung, Hề Sa, Hề Qưới, Hề Giang Tâm, Hề Vũ Đức, Hề Thanh Nam… Tất cả các danh hề đó mỗi người một sắc thái, một giọng ca dễ thương đem niềm vui đến cho khán, thính giả qua lối ca hài hước, góp phần không nhỏ trong việc điểm tô sắc màu cho cuộc sống.
Có lẽ từ xưa đến nay, giới thưởng ngoạn âm nhạc tài tử và cải lương chắc hẳn không thể nào quên điệu cổ nhạc độc đáo này. Vọng cổ hài đã góp phần tạo thêm sự phong phú cho các làn điệu của đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương, cũng như giới thiệu cho công chúng rất nhiều tác giả chuyên biên soạn vọng cổ hài và nhiều giọng ca hài được nhiều người yêu mến. Chắc chắn vọng cổ hài sẽ có sức sống bền bỉ, là món ăn tinh thần không thể thiếu, vẫn mãi là điệu cổ nhạc Nam Bộ được ưa chuộng.
Soạn giả - NSND Viễn Châu - cha đẻ "Vọng cổ hài".