Vinh quang dành cho người đã khuất

Thứ Bảy, 04/01/2020, 17:58
Người nghệ sĩ được hưởng vinh quang khi còn sống là phần thưởng  đương nhiên, nhưng có nhiều người, vinh quang chỉ đến với họ sau khi đã mất đi, thậm chí rất lâu mới được công nhận một cách xứng đáng.


Franz Kafka có lẽ là nhà văn đúng nhất trong trường hợp này. Ngày nay  trong giới ai cũng biết Kafka là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong văn học thế kỉ XX, thậm chí có người đã gọi thế kỉ XX là “thế kỉ của Kafka”, nhưng lúc nhà văn còn sống, ông gần như là một nhân vật vô danh không được ai để ý.

Lúc sinh thời Kafka chỉ in được một hai tập sách mỏng và không được mấy quan tâm. Tôi cho rằng cảm giác thất bại đã đeo đuổi Kafka suốt thời gian sống, đến nỗi khi ốm nặng, ông đã di chúc cho người bạn là Max Brod thiêu huỷ toàn bộ bản thảo của mình. Di nguyện này đã bị người ta tranh cãi rất nhiều  khi có ý kiến cho rằng, liệu Kafka có thực sự muốn thiêu huỷ bản thảo của mình? Tranh luận và phân tích về Kafka vẫn còn tiếp tục, người ta vẫn hứng thú về ông, tác phẩm của Kafka vẫn còn nhiều tầng ý nghĩa, khơi gợi những hấp dẫn. 

Nhưng rõ ràng lúc sống, thiên tài người Séc gốc Do Thái viết văn bằng tiếng Đức đã cảm thấy thất bại với những tác phẩm của mình. Chúng không tạo được tiếng vang hoặc chính nhà văn cảm thấy bi quan chán nản, tôi cho rằng đó là lí do lớn nhất dẫn đến lời di chúc kia.

Nhưng có một sự đảo chiều lớn, sau khi ông mất đi, vị thế của Kafka ngày càng nổi bật và quan trọng. Trong hành trình thay đổi ngoạn mục này có công rất lớn của người bạn của ông: Max Brod. Trước hết, Max Brod đã không đốt bản thảo như di nguyện của bạn mình, ông biên tập và cho xuất bản, quảng bá những tác phẩm của Kafka. 

Và giống như một cái lò xo bị nén quá lâu, tác phẩm của Kafka được cả thế giới ngỡ ngàng và kinh ngạc. Kafka được tôn vinh là một trong những nhà văn cách tân lớn nhất thế kỉ XX và có ảnh hưởng rất quan trọng, rất nhiều nhà văn xuất sắc trở thành môn đệ của ông. Kafka trở thành một nhân vật kiệt xuất.

Họa sĩ Van Gogh.

Một nhân vật quan trọng khác, lúc sống trong cơ cực nghèo khổ, khi chết mới được hưởng vinh quang là hoạ sĩ Van Gogh. Suốt cuộc đời mình Van Gogh sống trong nghèo túng và bệnh tật, luôn phải nhận sự giúp đỡ của người em trai và bạn bè. Điều đắng cay nhất là dù vẽ đến cả nghìn bức tranh, sinh thời Van Gogh chỉ bán được một bức duy nhất và hầu như rất ít người biết đến. Hoạ sĩ sống trong cảnh tiêu điều, tuyệt vọng gần như bị điên và cuối cùng phải tự sát.

Sau cái chết bi thảm, Van Gogh vụt nhiên trở thành một trong những cái tên đáng kể nhất trong lịch sử hội hoạ hiện đại. Những bức tranh của Van Gogh như “Hoa hướng dương”, “Chân dung bác sĩ Gachet”, “Hoa diên vỹ” và nhiều bức tranh khác bán được với giá hàng trăm tỉ đồng, mỗi bức tranh của ông trở thành một gia sản, Van Gogh trở thành một trong những hoạ sĩ đắt giá nhất thế giới và cực kì được hâm mộ.

Rất nhiều cuốn sách, bộ phim viết về ông, Van Gogh trở thành một cái tên huyền thoại bậc nhất trong số các hoạ sĩ thế giới.  Nhưng cả Kafka và Van Gogh có những cảnh ngộ và bi kịch gần giống nhau lúc sống và chết. Những văn nghệ sĩ được hưởng vinh quang khi còn sống, đó là món quà cực lớn và may mắn. Picasso nổi tiếng từ rất sớm và được hưởng sự giàu sang phú quý, ông nổi tiếng đến mức có lần vào ăn ở một nhà hàng sang trọng, khi ông gọi thanh toán thì chủ nhà hàng đã từ chối và bảo người hoạ sĩ chỉ cần kí tên mình trên tấm khăn trải bàn là đã tương xứng với số tiền cần thanh toán! Tôi cũng nhớ trường hợp gần tương tự với Mạc Ngôn khi ông viết xong cuốn “Gia tộc cao lương đỏ”, chủ một chuỗi nhà hàng cao lương đỏ đã cấp cho ông một phiếu ăn để ông có thể ăn cao lương miễn phí trong chuỗi nhà hàng trên toàn lãnh thổ Trung Quốc!

Ở Việt Nam cũng có những trường hợp gần tương tự. Xưa thì có Nguyễn Du. Tôi tin rằng sau khi hoàn thành xong danh tác “Truyện Kiều”, chắc chắc Nguyễn Du chưa có địa vị như một “thi hào dân tộc” như người ta công nhận ông sau này. Có thể lúc ấy ông đã là một nhà thơ nổi tiếng và được nhiều coi trọng nhưng là một danh nhân của dân tộc thì chắc chắn không. Và chính Nguyễn Du đã biết điều đó khi trong “Truyện Kiều” và những tác phẩm khác của mình, ông đã dự cảm:

“Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”

Hay:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng”

Nguyễn Du đã tự biết về danh vọng của mình lúc sinh thời nhưng may mắn thay, ông đã được tôn vinh sớm hơn rất nhiều so với dự liệu.

Vũ Trọng Phụng trong thời kì thăng hoa nhất của ngòi bút cũng sống trong túng nghèo gian khó. Khi đó Vũ Trọng Phụng đã một cây bút có tiếng tăm nhưng rõ ràng vị trí của ông không thể lớn như bây giờ, thậm chí đã có lúc Vũ Trọng Phụng bị những quan điểm giáo điều và lạc hậu làm cho lệch lạc đi. Nhiều người chê bai ông viết thứ văn chương dâm uế, ô trọc...

Sau khi ông mất đi và thêm một khoảng thời gian nữa, Vũ Trọng Phụng mới trở lại đúng giá trị của mình. Ông đã được tôn vinh và nhìn nhận đúng mức và đặc biệt tiểu thuyết  “Số đỏ” của ông đã được coi là một trong những kiệt tác của văn học Việt Nam. Nhà văn đã được đặt tên đường, tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa và có rất nhiều những nghiên cứu về ông.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Một người bạn cùng thời với Vũ Trọng Phụng là Nam Cao cũng thế. Lúc sinh thời, Nam Cao đã là một tên tuổi sáng giá nhưng nếu có một vị trí cao trong nền văn học và “Chí Phèo” được coi là kiệt tác thì vẫn chưa. Nam Cao may mắn hơn Vũ Trọng Phụng vì người ta đánh giá thành tựu của ông sớm hơn nhưng cũng là sau thời điểm nhà văn đã khuất núi.

Bây giờ ta trao đổi vấn đề là tại sao nhiều nhà văn chỉ được hưởng vinh quang sau khi mất. Theo tôi có mấy điểm đáng lưu ý.

1. Người nghệ sĩ đi trước thời đại của mình. Đó là trường hợp của Kafka và Van Gogh. Những sáng tác của Kafka ở thời điểm xuất hiện quá mới mẻ và đa nghĩa, trong khi người ta vẫn quen với một hiện thực cũ, tư duy cũ. Trong bối cảnh đó Kafka khó bề được chấp nhận hoặc quan tâm. Hoặc giả Kafka cũng không thật sự đầu tư cho sự lan toả những tác phẩm của mình. Nhưng tôi nghĩ, kể cả nếu Kafka có một tính cách mạnh mẽ hơn và có những nỗ lực thì lúc ông sống, những cố gắng ấy chưa chắc đã hiệu quả. Trường hợp ấy gần tương tự với Van Gogh, người ta chưa thể quen ngay với một phong cách tranh khác biệt và ấn tượng như thế, hoặc chính hoạ sĩ cũng không có một cơ hội đáng kể nào để “lăng xê” những tác phẩm của mình.

2. Tâm lý hoài nghi những người còn sống. Tôi biết một người ham đọc sách có một quan điểm khá bảo thủ. Anh thường chỉ đọc những tác phẩm của những tác giả đã chết được trên… ba mươi năm vì cho rằng, đó là thời gian cần thiết để minh định giá trị thực sự của một tác phẩm. Một tác giả còn sống rất dễ tạo ra những thiên kiến hoặc có những ảnh hưởng lệch lạc. Người chết không nói được nữa thì tác phẩm sẽ nói.

Với triết lý này tôi nhớ một truyện ngắn của nhà văn Ý Dino Buzzati: “Kẻ giả chết”. Một hoạ sĩ tình cờ bị báo chí đưa tin nhầm là đã chết, trong khi anh ta đang còn sống sờ sờ. Bi kịch là sau “cái chết lố bịch” ấy,  công chúng bắt đầu quan tâm và anh ta trở lên nổi tiếng, tác phẩm bán rất đắt. Anh ta tiếp tục vẽ tranh và kí lùi ngày trước khi “chết” nhưng rốt cục, bi kịch cuộc đời trôi đến ào ào như dòng lũ, kẻ giả chết buộc phải chết thật trong cái quan tài dành sẵn cho mình!

3. Chưa có một môi trường thuận lợi để hiểu đúng giá trị của tác phẩm. Trường hợp này có lẽ đúng với Vũ Trọng Phụng và một số người khác. Khi xã hội vẫn còn những thiên kiến hoặc chưa có đủ một bầu khí quyển thích hợp và công bằng thì người ta rất dễ đánh giá sai lệch tác phẩm. Thậm chí chỉ cần một phát biểu của một nhân vật có ảnh hưởng, giá trị của một tác phẩm có khi bật khỏi những giá trị vốn có.

Ta từng biết chỉ vì những đánh giá của một “nhân vật có thế lực” mà những tác phẩm của Dostoievsky đã bị hạ thấp một thời gian dài ở chính Tổ quốc của ông.  Hoặc khi còn sống, tác giả cũng ở một vị trí rất khó để toả hào quang hoặc chưa được ai có “thẩm quyền” phát hiện. Rất nhiều những giá trị chỉ được minh định vì có một “con mắt xanh” phát hiện ra, khi Chung Tử Kỳ tìm được tiếng đàn Bá Nha…

Được cống hiến và tôn vinh những lao động nghệ thuật của mình là mong muốn và khát vọng của bất cứ người nghệ sĩ nào, nhưng ước nguyện và sự thực không phải khi nào cũng đi cùng nhau. Nhưng tôi tin rằng, bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào có giá trị thực sự, dù có bị khuất lấp, lu mờ ở đâu đó thì nhất định sẽ có ngày được trưng ra trong ánh sáng và toả hào quang rực rỡ.

Uông Triều
.
.