Viên ngọc vô giá nơi góc chợ, lề đường

Thứ Ba, 21/05/2019, 07:44
Những ai yêu thích âm nhạc, nhất là âm nhạc dân gian không thể không nghe danh  nghệ nhân Hà Thị Cầu (1917 - 2013) bởi bà có giọng hát xẩm rất đặc biệt, khi cất lên thì bất cứ người khó tính nào cũng phải lắng nghe và thích thú.


Giọng bà cho đến những năm cuối đời lúc đã bước sang tuổi 90 vẫn lanh lảnh, vang như chuông, nhưng lại ấm áp, truyền cảm và đặc biệt là rất "chuẩn" ngay cả khi hơi không còn trường, khỏe như trước. Một điều độc đáo nữa ở người nghệ nhân này là miệng hát, tay kéo nhị, gõ sênh, trống, phách rất "ngọt". Bà hát ở đâu thì tất thảy mọi người đều xúm lại nghe.

Nhiều người biết tên tuổi bà, từng nghe bà hát trên sóng phát thanh, truyền hình. Nhưng nghe trực tiếp thì không nhiều. Được tiếp xúc, nghe bà kể chuyện cuộc đời mình thì lại càng hiếm có cơ hội. Tôi có may mắn nằm trong số hiếm hoi đó.

Lần thứ nhất vào mùa đông năm 2011. Nghe tin tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra chương trình biểu diễn hát xẩm Hà thành, biết rõ có sự tham gia của Hà Thị Cầu, tôi đã tới nghe. Lúc này, bà đã rất già yếu vì ngoài 90 tuổi.

Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Có tới hai người dìu bà ra sân khấu. Cả Nhà hát vỗ tay tán thưởng hồi lâu đón chào bà. Phải sau cả phút bà mới ổn định được tư thế ngồi để chuẩn bị hát. Khi bà cất giọng, cả Nhà hát im phăng phắc. Sự im lặng gần như tuyệt đối khiến người nghe thấy được cả tiếng thở lúc lấy hơi của bà. Tối hôm đó cũng có nhiều giọng hát hay khác nhưng người ta vẫn chỉ nhớ phần bà trình diễn. Không phải vì bà cao tuổi nhất - đáng tuổi bà của nhiều nghệ sỹ khác - mà vì giọng bà đặc sắc nhất.

Có thính giả nhận xét: Nghe bà hát thấy "gai" người. Đã già, yếu nhưng giọng bà còn rất "chuẩn", hát nốt nào đúng nốt nấy, không chênh, phô, hơi còn rất trường, vẫn dồi dào âm lượng trong khi dáng người mảnh khảnh. Thật lạ, trông người thì có vẻ yếu nhưng giọng lại vang hơn nhiều so với giọng của đám nghệ sỹ trẻ.

Đã từng nghe hàng trăm, hàng ngàn nghệ sỹ hát, trong đó có những ngôi sao thượng thặng của thế giới ở lĩnh vực thanh nhạc nhưng chưa lần nào tôi thấy thú vị và bị lôi cuốn như nghe Hà Thị Cầu lần ấy. Sau đó, nhân có việc về Ninh Bình, tôi quyết định tìm đến nơi bà đang cư trú để thăm. Đó là một ngôi nhà rất bình dị, có thể nói là sơ sài ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Bà sống cùng vợ chồng người con gái tên Nguyễn Thị Mận.

Tuy nổi tiếng từ lâu và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT nhưng gia cảnh bà vẫn rất nghèo bởi chỉ trông vào 3 sào ruộng, không thể đủ ăn. Vợ chồng chị Mận phải đi bắt cá, lươn bán. Người con rể của bà làm thêm nghề thợ xây nhưng công việc thất thường. Chị Mận lại hay đau ốm hơn cả mẹ.

Cuộc sống nghèo khó như vậy nhưng Hà Thị Cầu không phàn nàn, kêu ca và luôn vui vẻ, lạc quan. Bà có tính cách xuề xòa, hóm hỉnh và dễ gần. Bất cứ ai thích là bà có thể cầm nhị kéo và hát say sưa dù cho nhiều hay chỉ một người nghe. Sau khi tôi tự giới thiệu và nói rõ do hâm mộ, muốn được nghe bà hát mà tìm đến thăm chứ không có việc gì khác, bà tỏ ra rất vui và "xuất khẩu thành chương" để hát luôn: "Hôm nay có khách đến chơi/ Nhà ta thêm rộn tiếng cười hân hoan/Đường xa, hãy ở ăn cơm/ Cùng ta cạn chén rượu thơm quê nhà".

Tất nhiên là tôi rất vui sướng và nhận lời. Bữa cơm hôm đó có món canh cá và lươn om do người con rể đánh bắt thật tuyệt. Bà thích uống rượu và tửu lượng cũng khá nhưng không bao giờ say xỉn mà luôn tỉnh táo và nói rất hay, rất hóm. Khả năng thơ phú của bà cũng khá đặc biệt, nhất là có thể ứng tác nhanh như mấy câu thơ trên.

Vậy nên tôi thấy thật dễ hiểu khi bà sáng tác được bài xẩm "Theo Đảng trọn đời" trở nên nổi tiếng sau khi bà đi dự một Hội diễn ca nhạc quần chúng toàn quốc với những lời lẽ bình dị mà sâu sắc: "Từ khi có Đảng dẫn đầu/ Tự do độc lập qua cầu nguy nan/ Mẹ con ta thoát cảnh bần hàn/ Tìm về quê để muôn vàn mến thương/ Hòa bình được mấy năm trường/ Ngày vui chưa thỏa bước đường lại xa/ Lũ giặc kia là giống quỷ ma/ Ăn gan uống máu dân ta bao lần…"

Trong không khí vui vẻ, thân mật, Hà Thị Cầu đã rất cởi mở kể về cuộc đời mình. Bà sinh ra ở huyện Ý Yên (Nam Định) trong một gia đình 3 đời làm nghề hát xẩm. Cha bà khiếm thị, hát xẩm nổi tiếng ở vùng Nam Định. Lên 8 tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo cha mẹ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở quê để hát xẩm.

Đến năm 11 tuổi, bà mồ côi cha, sau đó cùng mẹ đến sinh sống ở thôn Quảng Phú, xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Định cư ở đây, hai mẹ con bà nương nhờ nhà ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu khi đó là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình và tiếp tục làm nghề hát xẩm.

Đến năm 16 tuổi, bà làm vợ lẽ ông Mậu khi ông này 49 tuổi và đã từng có 17 vợ, trong đó có 8 người chính thức. Khi ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con nhưng 4 đứa bị chết vì bệnh đậu mùa. Không còn nơi nương tựa, bà lại dẫn 3 đứa con lang thang khắp nơi để tiếp tục hành nghề hát xẩm như trước và làm nghề này suốt cả đời, mãi đến năm 80 tuổi mới dừng.

Có thể nói Hà Thị Cầu là người hát xẩm hay nhất ở Việt Nam từ trước tới nay. Cho đến nay vẫn chưa thấy có ai hát hơn bà. Tất cả những gì là tinh túy nhất với những đặc điểm độc đáo mang đậm dấu ấn riêng của hát xẩm có thể thấy rất rõ trong giọng hát và cách hát của Hà Thị Cầu. Loại hình ca nhạc dân gian này ra đời và bắt đầu thịnh hành ở nước ta vào thời nhà Trần, cách đây chừng 700 năm. Nhưng dưới chế độ cũ, loại hình này bị coi là loại ca nhạc hạ đẳng, kẻ chợ của những người đui mù, đi hành khất lang thang để mưu sinh.

Dưới chế độ mới, quan niệm trên vẫn còn bị chi phối nên không được phát triển nhiều, nhất là việc lưu truyền, bảo tồn. Đặc biệt là việc truyền dạy hầu như bị lãng quên. Nhạc sỹ Thao Giang - người chơi nhị nổi tiếng và là Phó Giám đốc Trung tâm phát tiển âm nhạc dân tộc đã nhìn nhận rằng giờ đây ta không có truyền nhân trong thể loại hát xẩm (truyền nhân: người truyền dạy). Ông đã tổ chức biểu diễn hát xẩm định kỳ hằng tuần ở một số điểm tại Hà Nội (miễn phí) và cho dạy môn này ở Trung tâm trên.

Nhưng số người hưởng ứng không nhiều. Ông tỏ ý rất tiếc là không thể mời nghệ nhân Hà Thị Cầu tận Ninh Bình lên dạy do đường sá xa xôi, điều kiện không cho phép có thể về tận nơi đón bà lên được. Tôi hỏi bà có bao giờ đích thân dạy ai hát xẩm không thì bà cho biết cũng từng làm việc này nhưng hiếm người theo đuổi được đến cùng. Người yêu thích môn này và nhiệt tình học thì ít năng khiếu, hát không "ra" được chất xẩm. Ngược lại có người hát được đúng như bà truyền dạy thì lại không đủ kiên trì do phải chạy theo cuộc mưu sinh hằng ngày, không còn thời gian.

Trẻ em quây quần nghe bà Cầu hát.

Lần đến thăm Hà Thị Cầu của tôi cách thời điểm bà qua đời không lâu. Lúc này bà đã yếu nhiều, nên hát không còn vang như trước. Nhưng bà vẫn nói chuyện hào hứng. Tôi tranh thủ thực hiện cuộc "phỏng vấn" người nghệ sỹ lão thành đặc biệt:

- Thưa bà. Bà nghĩ gì khi mình được nhiều người trầm trồ mến mộ, Nhà nước tôn vinh bằng việc phong tặng danh hiệu NSƯT nhưng cuộc sống vẫn khốn khó?

Không một chút đắn đo, Hà Thị Cầu trả lời:

- Tôi không nghĩ gì vì cả đời đã rất quen với cuộc sống này. Tôi cũng không bận tâm nhiều đến sự giàu nghèo, chỉ nghĩ sống sao cho phải đạo, có nhân có đức. Làm được gì tốt cho ai thì làm. Rồi thì mình sẽ gặp được điều tốt đẹp.

- Có lần, có vị có trách nhiệm trong ngành Văn hóa hứa sẽ đề nghị lên để bà có được quyền lợi tốt hơn, xứng đáng với tài năng và cống hiến của bà. Điều đó có diễn ra không? Nếu chưa, bà có nhắc nhở gì không?

- Tôi đã nói là không mấy bận tâm đến những việc đó. Con gái tôi nó có ý làm đơn gửi lên trên nhưng tôi không muốn. Điều gì đến ắt sẽ đến, chưa tức là chưa. Hát xướng, phục vụ là việc của mình, xem xét quyền lợi là của Nhà nước. Mình chẳng nên can dự làm gì.

Vậy là người nghệ sỹ dân gian đã rất thanh thản với cuộc sống đạm bạc của mình. Viên ngọc sáng, đẹp, quý hiếm gần hết cả đời lăn lóc chốn lề đường, góc chợ đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời đã được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Nghệ nhân Hà Thị Cầu mất đi đã để lại một sự khuyết trống không thể bù đắp. Từ tài năng quý hiếm của bà, chúng ta đã nhìn nhận, đánh giá khác về hát xẩm - một thể loại âm nhạc dân gian độc đáo của dân tộc. Đó mới là giá trị lớn nhất của tài năng Hà Thị Cầu.

Nguyễn Đình San
.
.