Vi Hồng - ngòi bút nhà văn mãi chảy

Thứ Bảy, 13/08/2016, 08:15
Ngày còn đóng quân dưới chân núi Voi (Đồng Bẩm, Thái Nguyên), tình cờ tôi được đọc một số truyện ngắn của Vi Hồng in rải rác trên Báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội… Đến nay vẫn còn nhớ “Cây su su nọong ỷ”, “Cọn nước”, “Eng Nhàn”… đặc biệt là tiểu thuyết “Vãi Đàng” và “Đin phiêng” (Đất bằng) với một giọng Tày xịn. 


Văn ông vừa mang đậm phong vị thơ ca dân gian Tày Nùng, vừa đậm chất trí tuệ bác học. Đọc Vi Hồng tôi thấy hồn cốt văn chương ông gần gũi, thân thuộc, bình dị như cơm tẻ, như bát canh thịt gà gừng, như bánh cuốn nóng, như phở chua mùa hè, như bát coóng phù mùa đông, như ngửi thấy mùi măng chua xào thịt vịt.

Tôi mê ông từ đấy. Và tôi cất công hỏi thử những người xung quanh về nhà văn Vi Hồng. Nhưng những người lính chỉ cười cười, chẳng ai biết Vi Hồng vuông tròn ra sao? Câu hỏi ấy trong tôi nối dài ra ngõ. Ra đường cái. Vào các bản làng xa xôi. Về những thành phố lớn... Vẫn mờ mờ xa ngái. Vi Hồng là ai?

Tôi ra quân, chuyển ngành về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin Cao Bằng. Một buổi sáng cuối thu đầu đông, tôi bỗng thấy có ông già tóc mốc, dáng người nhỏ thó, vai đeo chiếc túi “pác mạ” màu chàm, áo bông màu xanh công nhân đã nhàu nhạt. Ông đang lúi húi xuất trình giấy tờ trước cổng thường trực. Lát sau ông thoăn thoắt bước vào cơ quan. Trưởng ty Văn hóa – Thông tin vừa nhác thấy, đã vội vàng ra tận cửa, vòng cả hai tay ôm chặt lấy khách. Họ ngồi rì rầm những gì với nhau, không ai biết. Thỉnh thoảng lại một chuỗi cười to, vang, tung tóe lên ngỡ có thể làm rung cả mái ngói.

Ông già đi rồi, tôi mới biết đó là nhà văn Vi Hồng. Thật tuyệt vời! Người mà tôi yêu mến bởi tài năng văn chương bỗng nhiên xuất hiện. Ông như một ngọn núi từ trời rơi xuống đất. Kỳ thực năm ấy ông mới ngoài 40 tuổi. Ông là người Tày, cùng quê hương với tôi.

Ngay sau đó, tôi rủ mấy anh em viết văn làm thơ lao đi tìm ông. Vi Hồng là một người thật dễ gần. Ông giản dị thuần phác hệt một lão nông ở bản. Đặc biệt ông có đôi mắt rực sáng và ấm nóng. Đôi mắt biết cười nhưng hầu như rất ít cười. Nhưng đôi mắt ấy không giấu nổi nỗi buồn. Nỗi buồn trĩu nặng cong cả hai hàng mi.

 Ông chăm chú nhìn và nói với chúng tôi như những người cùng làng. Giọng trầm ấm, trìu mến, chân tình. Ánh mắt của ông toát ra niềm tin cậy ngay từ buổi đầu tiên gặp mặt. Cái tình người viết văn làm thơ nó thế. Lạ lắm. Như là có hẹn từ tiền kiếp. Mới gặp lần đầu mà thân thiết được ngay.

Ông nói tiếng Kinh. Khi phát ra, giọng ông vẫn mang thổ âm đặc sệt của người Hòa An. Một người con xa quê từ lâu, đến khi trở thành một nhà văn, nhà khoa học, ông vẫn là người cày cuốc, chài lưới. Một người đang nổi tiếng khắp cả chín phương trời mười phương đất nhưng vẫn rất mực “nhà quê”.

Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980. Hồi ấy ở miền núi Cao Bằng, danh tiếng nhà văn nhà thơ có cái gì đó thiêng liêng mê hồn và đầy sức hút. Mặc dù ông xuất hiện chưa lâu, tác phẩm xuất bản chưa nhiều, nhưng văn chương Vi Hồng đầy cá tính. Ông có lối viết không giống ai. Một kiểu tư duy nghệ thuật không giống ai. Một cá tính cực đoan không giống ai.

Ông từng nói muốn viết văn hay trước hết phải chịu nghèo tiền bạc. Ở ông có một tâm hồn cực kì nhạy cảm và phức tạp cũng không giống ai. Một tình yêu con người sâu đậm không giống ai. Ông tin vào con người. Một niềm tin trong suốt đến kỳ lạ. Cả đời ông chỉ biết yêu thương những con người lương thiện và luôn bị thua thiệt. Thương yêu con người là bản chất rõ nhất, nổi bật nhất ở tính cách nhà văn Vi Hồng. Và ông cũng là người ghét cay ghét đắng cái ác, cái giả dối, cái lươn lẹo, cái đổi trắng thay đen, cái phản thùng, cái thớ lợ của người đời.

Ông coi các cây bút trẻ Cao Bằng như những người em ruột thịt. Ông sẵn lòng dốc bầu tâm sự, không hề giấu giếm tay nghề. Đến cả niềm riêng tư cất kỹ tận đáy lòng, ông cũng đem ra tâm sự giãi bày. Ông nhiệt tình, vô tư giúp những ai thực sự có tâm hồn, có năng khiếu nghệ thuật và muốn trở thành nhà văn. Còn những ai ham thích, mong muốn trở thành nhà này nhà nọ nhưng “ngửi” tịnh không thấy có “mùi” văn, ông thẳng thắn góp ý đừng viết nữa.

“Anh hãy tập trung cho công việc mình đang làm. Phấn đấu thật tốt chuyên môn của mình còn vinh dự hơn là làm anh nhà văn nhạt hoét”. Thoạt đầu cũng có người giận ông, cho rằng ông kiêu căng, ông coi thường người khác. Nhưng càng về sau này, họ mới hiểu tấm lòng của ông là chân thật.

Còn một điều này không thể không nhắc: Vi Hồng là người có công phát hiện, khơi dậy, động viên, nâng đỡ nhiều anh em cùng lứa với chúng tôi sau này trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là nhà thơ Y Phương, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Nguyễn Hữu Tiến… Có thể kể thêm mấy nhà thơ nhà văn người Tày ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái... từng là sinh viên khoa Văn, học trò của thầy Vi Hồng.

Tôi có với ông một kỷ niệm nhỏ. Ấy là năm Trường viết văn Nguyễn Du mở khóa học đầu tiên, Vi Hồng trực tiếp viết thư tay gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, giới thiệu tôi với trường (hình như hồi ấy nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là cán bộ phòng giáo vụ. Lá thư hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ). Lời lẽ trong thư ông giãi bày cặn kẽ, nói về sự cần thiết bồi dưỡng đào tạo các nhà văn dân tộc thiểu số. 

Ông luôn nhắc nhở tôi, mình là người Tày. Phải hiểu biết cặn kẽ, thấu đáo và chỉ viết những gì gắn bó máu thịt với người đồng bào mình. Tuyệt đối không vay mượn. Ở đời có vay có trả. Chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ. Tự làm lấy. Chậm cũng được. Khắc đi khắc đến. Nhiều khi cơn hứng lên, không kìm nén được, ông chê trách nhà văn người Tày nọ dám cả gan làm thơ lục bát. Ông bảo cái đó không phải của mình. Truyền thống người Tày không có thể thơ lục bát. Rồi ông tiếp tục giảng giải cho tôi về bản sắc văn hóa dân tộc Tày - Nùng. Ông nói rất kỹ về cái khác nhau, cái giống nhau trong quá trình tiếp biến văn hóa dân tộc này với các dân tộc khác.

Sau đó không lâu, ông vĩnh biệt người thân, học trò của mình. Ông trút hơi thở cuối cùng bởi một căn bệnh hiểm nghèo, đã nhiều năm ủ sẵn trong người. Tôi còn nhớ rất rõ, đó vào một ngày mưa như trút. Người bạn văn, một học trò xuất sắc, đồng thời là người đồng nghiệp của thầy Vi Hồng – Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn đã đau đớn nghẹn ngào báo tin cho tôi.

Một số tác phẩm của nhà văn Vi Hồng.

Hội Văn nghệ Cao Bằng tổ chức một đoàn lên đường về Thái Nguyên chịu tang nhà văn ngay trưa hôm ấy. Ai cũng muốn đi, nhưng xe lại quá nhỏ. Chỉ có tôi, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Hữu Tiến và nhà thơ Bế Thành Long được cử làm đại diện cho quê hương Cao Bằng đến thắp nén hương vĩnh biệt ông.

Xe vượt đèo Gió đèo Giàng trong màn mưa. Mưa trắng xóa như muôn ngàn cây gậy bạc, chống nỗi buồn tái tê xuống đất. Sương trắng lòa xòa như dải khăn xô choàng lên núi đồi Việt Bắc. Xe vừa đi vừa gạt nước trời. Người vừa đi vừa gạt nước mắt. Một tài năng văn chương hiếm hoi của khu vực dân tộc ít người, nay đã phải vĩnh viễn ra đi. Một người con ưu tú của quê hương miền núi Cao Bằng, nay đã phải về trời. Văn chương đang vào độ chín, ông đã phải vĩnh biệt cây bút. Xót lắm bút mực ơi! Xót đến từng sợi tóc trên người. Buốt từ gan bàn chân buốt lên tim óc. Buốt từ trong buồng tim buốt ra ngón chân ngón tay ròng ròng mặn chát.

Khi chúng tôi vừa đến nơi thì gia đình, anh em, bạn hữu, học trò đã đưa tiễn ông ra đồng rồi. Mới cuối tháng Giêng đầu tháng Hai mà mưa như đang hạ. Dưới gầm trời chiều hôm ấy mưa đan hình mắt lưới. Dằng dặc những mắt lưới. Nhìn những người thân đeo khăn tang ra đường đón, ướt nẫu trong lòng mỗi chúng tôi.

Đứng trước di ảnh người quá cố, nhà văn Cao Duy Sơn nói nhỏ vào tai tôi: “Anh đang nhìn chúng mình kìa. Hai con mắt còn chớp”. Đúng! Vi Hồng vẫn sống! Nhà văn mãi sống! Ông vừa đi câu cá bên bờ sông Cầu. Chỉ vắng nhà đúng một thôi mưa.

Từ ngày ông về với tổ tiên đến nay, bao mùa nước tràn qua mặt ruộng. Lòng người được nguôi ngoai, mắt không còn ướt nữa. Nhưng cứ đến ngày rừng dẻ vỡ hạt, đàn em lại bùi ngùi nhớ đến ông. Một người nhỏ thó tóc mốc, vừa đi vừa ôm ngực, bước năm bước lại ngồi. Đi được một quãng đường con con lại liêu xiêu đứng thở. Ông ngước lên nhìn trời. Ông hỏi trời thời nay làm người tốt sao mà khó thế? Trời thấu hiểu lòng ông. Và trời cũng đành thở dài. Trời tự biết mình bất lực. Ông bèn ngoảnh lại nhìn đàn em văn chương. Đàn em văn chương cô đơn lơ phơ ngơ ngác.

“Tôi là người miền núi... Phận sự của nhà văn miền núi là làm sao giúp cho dân tộc mình canh chừng cái ác… Người miền núi thật thà, ngây thơ nên rất dễ mắc lừa …”. Đó là lời tâm sự gan ruột của nhà văn Vi Hồng nhắc nhở anh em nhà văn người dân tộc thiểu số.

Hình như biết trước quỹ thời gian của đời mình không còn nhiều, nhà văn Vi Hồng đã dồn sức cho sáng tác. Ông chạy đua với tử thần và hình như không có cả thời gian để ăn và uống thuốc.

Cảm ơn cha Trời. Cảm ơn mẹ Đất đã ban cho ông tài năng sáng tạo văn chương. Cảm ơn nước suối nguồn bản Phai Thin đã cho ông tấm lòng khoan dung bao la. Nhưng tại sao Trời lại bắt ông phải cong người lên lấy từng hơi thở. Tại sao Đất lại bắt ông co rúm người lại trong từng cơn đau tim vật vã. Hơi thở nhà văn rung lên bao nỗi đắng cay giữa cõi làm người. Muôn năm số kiếp, ngòi bút nhà văn mãi chảy. Ông Vi Hồng ơi!

Y Phương
.
.