Về sự hy sinh của tác giả bài hát “Cùng nhau đi hùng binh”

Thứ Sáu, 13/10/2006, 14:30

Những người tù cộng sản liền xông tới quật ngã tên phó sứ và rượt đuổi đánh bọn Pháp, đồng thời phá rào chạy khỏi nhà giam. Có chín người bị Pháp bắn tại chỗ, trong đó có Đinh Nhu, tác giả bài hát “Cùng nhau đi hùng binh”.

Tại Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc vượt trại giam của tù chính trị tại Căn Nghĩa Lộ (Yên Bái) ghi danh 9 người. Như mọi tấm bia, nội dung trên một trong chín tấm bia đá ốp ở thân đài tưởng niệm được khắc rất ngắn gọn “Liệt sĩ Đinh Nhu, 42 tuổi, dân tộc Kinh, quê quán Hải Phòng, hy sinh ngày 17/3/1945”. Rất ít người biết đó chính là tác giả của bài hát “Cùng nhau đi hùng binh”, được tác giả viết vào những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX.

Bài hát “Cùng nhau đi hùng binh” có thể coi là bài hát duy nhất Đinh Nhu để lại, trở thành “Bài ca đi cùng năm tháng” tiêu biểu của thể hành khúc, kiệm lời, dồn nén, lãng mạn, đầy tính hành động; hàm súc về nội dung, khúc triết mạch lạc về hình thức âm nhạc. Và đặc biệt là dễ thuộc, phù hợp với nhu cầu truyền bá trong dân chúng thời kỳ cách mạng chưa thành công.

Với tính chất hùng tráng, khích lệ, đầy hào khí, được thể hiện qua phần lời vừa giản dị, vừa có sức lôi cuốn: “Cùng nhau đi hùng binh. Đồng tâm ta đều bước… Nào anh em nghèo đâu. Liều thân cho đời sống. Ta quyết chí hy sinh…”.

Theo những bậc lão thành cách mạng tiền bối kể lại rằng, bài hát “Cùng nhau đi hùng binh” được truyền tụng và lan nhanh khắp cả nước, từ vùng đồng bằng tới miền núi, từ các xóm thợ công nhân tới khắp các làng quê, trong các lực lượng vũ trang tuyên truyền giải phóng và ngay cả trong các nhà tù của thực dân. Trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, bài hát “Cùng nhau đi hùng binh” được vang lên thôi thúc như hiệu kèn xung trận, trở thành một ca khúc tiêu biểu và hiếm hoi của cách mạng.

Cùng với “Tiến quân ca” của Văn Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, bài hát “Cùng nhau đi hùng binh” được coi như những lời hịch, hiệu triệu toàn dân đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giải phóng cho đất nước. Âm hưởng của “Cùng nhau đi hùng binh” có sức mạnh như đội quân chiến đấu, nhấn chìm kẻ thù. Bài hát đã được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền trên sóng ngay những ngày đầu thành lập. Chỉ đáng tiếc là tác giả của bài hát ấy không còn sống để được chứng kiến những giờ phút lịch sử thiêng liêng, quật khởi của đất nước đứng dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Đinh Nhu là tù chính trị, cùng một số các chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp giam tại Căng Nghĩa Lộ. Ông là người tham gia tích cực tổ chức viết bài cho tờ báo “Đường Nghĩa” do Trần Huy Liệu làm chủ bút, lưu truyền trong nhà tù và bí mật chuyển ra ngoài để vận động tuyên truyền cách mạng cho quần chúng.

Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, Chi bộ nhà tù chủ trương vận động bọn sĩ quan Pháp cai quản trại giam thả tù nhân để cùng hợp tác chống Nhật, khi Nhật chưa đặt chân đến đất Nghĩa Lộ. Biết thế yếu và nguy cơ quân Nhật sẽ chiếm đóng Nghĩa Lộ, nhưng bọn chỉ huy Pháp cố ý lừng chừng chờ thời và trì hoãn đối phó, khiến chi bộ càng quyết tâm khởi sự.

Chiều 17/3/1945, khi tên Pơ-li-ê (Pellier) Phó sứ Yên Bái và tên trưởng đồn Nghĩa Lộ vào trại, anh em tù chính trị đã căng tấm băng khẩu hiệu bằng chữ Pháp với nội dung: “Hãy vũ trang cho chúng tôi chống phát xít Nhật. Thả ngay chúng tôi ra!”. Yêu cầu không được đáp ứng, anh em tù cộng sản liền xông tới quật ngã tên phó sứ và rượt đuổi đánh bọn Pháp, đồng thời phá rào chạy khỏi nhà giam.

Trong số những người trở về toàn vẹn có tướng Vương Thừa Vũ (Vương Thời Vụ), nhà sử học Văn Tân (Trần Đức Sắc), nhà sử học Trần Huy Liệu và một số người khác đều là các yếu nhân quan trọng của Đảng Cộng sản, sau khi ra tù đã trực tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ở các nơi.

Còn chín người bị Pháp bắn tại chỗ, trong đó có Đinh Nhu. Rồi chúng cho chôn chung chín người ở phía sau Căng Nghĩa Lộ. Trong hồi ký Trần Huy Liệu viết: “Riêng anh Đinh Nhu khi đã bị quân giặc bắn thủng mắt rồi vẫn còn luôn miệng chửi giặc Pháp. Chính cái chết can đảm của các anh đã gieo vào dân chúng Nghĩa Lộ một ấn tượng không bao giờ quên”

Ngọc Bái
.
.