Về lại Triều xem làm hương sạch

Thứ Năm, 31/12/2020, 14:20
Vào năm học lớp 10 (hệ 10 năm) để tập trung cho việc học hành, ngày đó thế hệ chúng tôi phải trọ học, bởi trường quá xa nhà. Tôi trọ học ở nhà Thanh, bạn học cùng khóa. Thanh người làng Thuyền Đỗ, thuộc xã Thụy Phúc nơi trường cấp 3 Tây Thụy Anh (bây giờ là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đứng chân.


Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái buổi sáng đầu tiên mở đầu cho chín tháng trọ học. Sáng ấy, trong lúc mắt nhắm mắt mở, cảm giác đầu tiên của tôi là thoảng trong cái không gian làng quê dân dã, thanh bình là thứ hương thơm ngan ngát dịu dàng. Và, nó e ấp vừa như có thực, lại vừa như không nhuốm màu cổ tích, khiến cho người ta rơi vào trạng huống nửa tin, nửa ngờ. 

Hiểu được cảm giác của bạn, Thanh giải thích, đấy là hương thơm đặc trưng của rễ cây bài được trộn với bột bã mía, cùng “món” tâm sen - những thứ nguyên liệu quan trọng bậc nhất để làm hương (nhang) từ làng Lai Triều bên cạnh rong ruổi sang Thuyền Đỗ mỗi bình minh. Làng Lai Triều thuộc xã Thụy Dương, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Từ hơn 300 năm nay, các thế hệ người Lai Triều chỉ thực hiện việc làm hương bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Thanh háo hức kể, làng Lai Triều có nghề làm hương gia truyền từ hàng mấy trăm năm nay, nổi tiếng nhất nhì vùng châu thổ sông Hồng. Để minh họa cho điều mình nói, Thanh cao hứng làm bộ cụ non cất giọng lẩy Kiều, vẻ như trải đời lắm; mà cũng mơ màng lãng mạn lắm:

Mía Thu Cúc;  thóc Trường Sơn,
Khoai Bái Thượng; hương thơm Lai Triều
!”

Người đàn ông đầu tiên của thôn Lai Triều mà tôi gặp là bác Phạm Văn Khoa,  vốn có dây mơ rễ má với đằng ngoại của mẹ Thanh. Kể về cái “lý lịch trích ngang” nghề làm hương, ông Khoa tự hào bảo, làng Lai Triều có “căn duyên” với nó từ thế kỷ thứ XVIII. Người khai nghiệp cho bà con Lai Triều là cụ Bùi Nhân Toàn. Thật ra, địa chỉ bản quán của cụ Bùi Nhân Toàn, cả làng Lai Triều đều không một ai tỏ tường. 

Nhưng người Lai Triều lại nhớ rất rõ, hôm đó là một ngày đẹp trời của năm 1720, cụ Toàn bỗng xuất hiện với cỗ tay nải trên vai, cứ như trong sương khói huyền thoại bước ra. Lúc đi ngang qua làng Lai Triều, thấy đất đai màu mỡ rất “hợp tạng” với loài cây bài, cụ Toàn liền tạt vào làng xin nước uống.  Gặp lúc mặn chuyện với người trên kẻ dưới, cái ông lão như từ trên trời vén mây bước xuống ấy đặt vấn đề xin được “ăn nhờ ở đậu” với bà con làng Lai Triều.

Được các bậc tiên chỉ của làng một lòng đồng thuận, cụ Toàn chính thức trở thành “con dân” của làng Lai Triều. Ngay sau đó,  ông lão bày cho dân Lai Triều cách trồng cây bài với mục đích lấy nguyên liệu làm hương. Từ đó, ngoài việc đồng áng, người làng Lai Triều có thêm nghề làm hương để giải bài toán miếng cơm manh áo.  

Một ngày nọ, khi thấy người Lai Triều đã thạo cách trồng cây bài; thuần thục với công việc làm hương, bấy giờ cụ Bùi Nhân Toàn mới thanh thản rũ áo bụi trần rời cõi tạm vân du về trời. Tưởng nhớ công ơn trời biển của người, dân làng Lai Triều lập đền thờ, tôn cụ Bùi Nhân Toàn làm đức thánh Thành hoàng làng.

Có một điều rất đặc biệt, người Lai Triều không bao giờ dùng trầm như một thứ nguyên liệu phụ gia số một để tạo nên “thương hiệu” riêng cho sản phẩm của mình.  Và nữa, trong khi thiên hạ dùng rễ cây bài để chuyên làm ra loại hương bài quấn giấy bản, người Lai Triều lại dùng nó (rễ bài) là một trong những thành phần cơ bản làm ra một cây hương mang “bản sắc” riêng biệt của họ.

Người Lai Triều cho rằng, tinh chất rễ cây bài của họ “trên tài” loại rễ cây cùng loại của thiên hạ chính là nhờ những tính chất khu biệt có trong thứ đất cát pha thịt luôn mềm mại, tơi xốp. Và cùng với đó là nguồn nước tưới tự nhiên, nhưng cũng rất đặc biệt của họ. Lạ sao, cùng trên địa bàn xã Thụy Dương (và các thôn, xã giáp ranh) cũng là đồng đất thôn quê thân thuộc đó, song phải là rễ cây bài được trồng ngay trên chính đất làng Lai Triều mới cho ra được thứ hương liệu mang nét duyên riêng có duy nhất.

Có lẽ bởi thế cho nên, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà cách đây hơn  300 năm, bậc cao nhân Bùi Nhân Toàn lại chỉ chọn Lai Triều này là địa chỉ dừng chân cuối cùng trong cuộc hành trình “trên từng cây số” của mình để truyền nghề cho dân nghèo. Phải chăng lúc đó ông tổ nghề hương của Lai Triều cho rằng, chỉ có đất và người làng này mới “đủ tư cách” cho ra đời những nén hương mang giá trị đặc biệt chăng?!

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hấng thổ lộ, xưa nay, người thiên hạ thích dùng hương Lai Triều là bởi lý do: mùi hương đặc trưng, thơm ngào ngạt song lại không nồng nàn khiến cho người ta cảm thấy khó chịu, ngột ngạt bởi cảm giác “điếc mũi”, dễ gây ô nhiễm. Lão nghệ nhân ấy thủng thẳng giải thích, có được điều đó là bởi, toàn bộ nguyên liệu làm hương chỉ hoàn toàn là cây cỏ tự nhiên, chốn hương đồng gió nội vô cùng thân thuộc, dân dã.

Rễ cây bài sau khi được làm sạch; làm khô xong sẽ đem tán thành bột mịn. Còn bã mía, nhất định cứ phải là “cái anh” mía làng Thu Cúc, xã Thụy Hưng bên cạnh.  Bã mía cho vào máy (xưa là giã tay) nghiền thành bột sau đó đem phơi thật khô, bảo quản kỹ, dùng dần. Với người Lai Triều, để có được một que hương thơm vừa lòng tất cả mọi tầng lớp khách hàng, nhất định không thể thiếu cái món tâm sen - một trong những thứ tinh túy nhất của loài sen cao quý, thanh tao.

Rễ cây bài - nguyên liệu cơ bản hàng đầu làm nên thương hiệu hương Lai Triều.

Riêng khoản tre để làm tăm hương, cứ phải là loại tre bánh tẻ. Có thứ  tre “chuẩn không cần chỉnh”, đem cắt thành từng khúc.  Tiếp đến chẻ khúc tre đó thành từng cây tăm, mang đặt lên trên gác bếp. Lửa và khói bếp sẽ làm khô dần những que tăm hương. Nghệ nhân Hấng kể, chỉ riêng có món nhựa trám, người Lai Triều buộc phải cất công lặn lội đặt mua của bà con vùng núi phía Bắc.

Để có một cây (nén) hương, người Lai Triều trộn đều bột rễ cây bài và bột mía với nhau. Việc pha trộn hai nguyên liệu trên như thế nào để đạt chuẩn chính là cái cách bí truyền hơn 300 năm nay của người Lai Triều. Sau đó, người ta lấy những cây tăm tre sau khi đã được phủ một lớp bột than đen cùng nhựa trám mà lăn đều qua lại với hỗn hợp bột mía và rễ cây bài. Người Lai Triều thực hiện công đoạn nói trên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống thành ra sự tỷ mỉ và kỹ thuật cao của người nghệ nhân là vô cùng quan trọng.

Kể từ thuở đấng tổ nghề Bùi Nhân Toàn dạy cho người Lai Triều cách làm hương, dẫu có bị áp lực cung cầu khủng khiếp tới nhường nào, song  họ cũng không bao giờ sử dụng phương pháp sấy khô sản phẩm bằng mọi thủ thuật, mánh lới. Với người Lai Triều, sản phẩm sau khi làm ra chỉ được mang phơi khô tự nhiên nhằm mục đích để cây hương đạt độ thơm thuần khiết nhất nhờ sự kết hợp giữa TRỜI và ĐẤT; giữa ÂM và DƯƠNG.

Thời đại công nghệ số, ở rất nhiều làng nghề chuyên sản xuất hương truyền thống, với mục đích “nhàn thân” và đặc biệt là vì muốn nâng cao năng suất lao động, người ta đã áp dụng dụng hình thức “công nghiệp hóa; hiện đại hóa” trong quá trình sản xuất. Vậy nhưng ở Lai Triều, đời truyền kiếp, bà con vẫn cứ duy trì phương pháp thủ công. Phải chăng là người Lai Triều “bảo thủ” và muốn duy trì lối sống... “chậm” truyền thống?!

Hóa giải cho điều thắc mắc nói trên của tôi, chị Phan Thị Thoan giải thích: "Người Lai Triều dùng nhựa trám để làm hương. Mà nhựa trám rất dẻo, do vậy, nếu sử dụng máy móc, nhựa sẽ bám vào máy khiến chúng không thể hoạt động được. Mới lại, hương làm thủ công, không những tất cả các nén (cây) đều chặt chẽ, cứng cáp  mà còn rất mịn, nén nào “ra hồn” nén ấy. Còn nếu làm hương theo kiểu công nghiệp, độ nóng của máy móc sẽ vô tình làm cháy hết hương liệu vốn chỉ là cây cỏ tự nhiên. Như vậy khi hương được đốt lên sẽ không còn mùi thơm tự nhiên của các thứ nguyên liệu dân dã nữa!”.

Trả lời câu hỏi: “tại sao người Lai Triều lại “dị ứng” với các loại phụ gia hóa chất công nghiệp nhằm tạo mùi hương cho sản phẩm của mình”, chị Bùi Thị Thao thật thà đáp: “Đức tổ nghiệp của làng dạy chúng tôi rằng, “đừng vì mình mà làm khó cho người!”. Muốn có được nén hương thơm vừa tâm ý với ta để khiến người khác hài lòng thì, phải làm ra nó bằng chính cái tâm; cái tình của mình! Có đức mặc sức mà ăn, anh ạ!”. Dứt lời nghệ nhân Bùi Thị Thao nhoẻn một nụ cười thuần khiết, hồn hậu.

Ra là vậy, vì trân trọng nâng niu đạo đức làng nghề nên người Lai Triều không bao giờ vì lợi ích cá nhân mà làm trái với đạo lý bằng việc sử dụng hóa chất trong quá trình làm hương nhằm tạo ra mùi hương quyến rũ giả tạo cho sản phẩm. 

Mặc cho thời buổi kinh tế thị trường đầy những náo hoạt, xô bồ này không thiếu những góc khuất màu xám, hơn 300 năm qua, người Lai Triều vẫn chỉ toàn tâm toàn ý làm ra những nén hương mang hương vị tinh khôi thuần khiết của đồng quê; của núi rừng để giữ cho được “nếp nhà”, “nếp nghề” truyền thống, ấy vậy!

Lê Công Hội
.
.