Văn nhân tương giao
Hàn Mặc Tử - Bích Khê là một trong những cặp văn nhân tương giao hiếm có. Bích Khê ban đầu đã từng coi thường Hàn Mặc Tử nhưng khi đã biết Hàn, hiểu Hàn thì coi Hàn Mặc Tử là một bậc tri kỷ, thậm chí là một người thầy. Vì thế khi vừa viết xong một tập thơ, Bích Khê gửi ngay cho Hàn Mặc Tử đọc.
Rất yêu quý bạn nhưng Hàn thấy tập thơ quá dở, gửi lại và kèm theo những lời phê phán rất thực tình. Bích Khê nhận được thư Hàn thì vô cùng đau đớn, thi sĩ tin rằng bạn mình nói đúng. Bích Khê đã xé tập thơ ngay tức khắc và quyết tâm làm lại với lời thề độc rằng nếu không “làm nên chuyện” thì sẽ từ bỏ viết lách. Với khát khao và cháy bỏng vô tận, Bích Khê đã dồn hết tinh lực viết tập thơ mới và một lần nữa gửi bản thảo ra cho Hàn Mặc Tử đọc.
Lần thứ hai đã khác trước, Hàn đọc tập thơ mới của bạn mình, say mê và ngưỡng mộ, một thi phẩm xuất sắc. Chính Hàn là người viết giới thiệu tập thơ của Bích Khê với những lời lẽ rất nồng nàn trang trọng. Tập “Tinh Huyết” của Bích Khê trở thành một đoá hoa đặc biệt trong vườn thơ tiền chiến và cũng là giai phẩm xuất sắc của thi nhân xứ Quảng.
Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu. |
Tình bạn giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê còn thắm thiết đến độ, hai “người tình trong mộng” của Hàn đều là những người thân thuộc của Bích Khê. Người thứ nhất là Mộng Cầm, cháu gọi Bích Khê là cậu, người thứ hai là Ngọc Sương - chị ruột của Bích Khê. Tôi đặt một giả thuyết nếu không có một tình bạn chân thành, Bích Khê ngưỡng mộ Hàn Mặc Tử và quyết viết để sánh ngang bằng bạn và Hàn Mạc Tử không thật lòng phê phán bạn thì liệu thi phẩm “Tinh Huyết” có được ra đời và người đời có biết đến một thi sĩ Bích Khê? Và cũng tài hoa bạc mệnh như bạn mình, Hàn Mặc Tử rời cõi tạm khi mới 28 tuổi, Bích Khê mất năm 30 tuổi vì bệnh lao.
Một tình bạn khác đẹp và thâm giao không kém là giữa Xuân Diệu và Huy Cận. Xuân Diệu yêu quý bạn mình đến mức đã đi làm “công chức sở Tây” để có tiền trang trải giúp Huy Cận ăn học, đến khi Huy Cận tự lo được cho mình, Xuân Diệu mới thôi công việc.
Hai người từng ở cùng nhà với nhau, và đi xa hơn như Hàn Mạc Tử và Bích Khê, Huy Cận đã cưới người em gái của Xuân Diệu làm vợ. Hai nhà thơ lớn còn dự định viết chung một tập hồi kí lấy tên là “Hồi kí song đôi” nhưng mới viết xong phần “tuổi trẻ” thì Xuân Diệu đã mất. Huy Cận từng viết về người bạn tri kỉ của mình khi sống cùng ngôi nhà ở số 24 phố Cột Cờ (Điện Biên Phủ) Hà Nội:
“Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ
Bạn từ lúc tuổi còn thơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời
Sáng ra gõ cửa: “Diệu ơi,
Nghe dùm thơ viết đêm rồi xem sao”.
Diệu còn ngái ngủ: “Đọc mau!
Nghe rồi, xem lại từng câu mới tường”.
Dưới nhà trên gác thông thương
Dòng thơ không dứt giữa luồng tháng năm...”.
Tô Hoài và Nguyễn Tuân cũng có một tình bạn lâu dài và thân thiết, thậm chí Tô Hoài đã viết một quyển hồi kí “Cát bụi chân ai” rất đặc sắc với nhân vật trung tâm là Nguyễn Tuân. Tô Hoài đã khiến cho Nguyễn Tuân sáng láng và “huyền thoại” hơn trong làng văn, ngược lại cuốn sách viết về những người bạn văn của mình trong đó có Nguyễn Tuân cũng khiến cho ngòi bút của Tô Hoài mở rộng biên độ và cá tính hơn rất nhiều.
Hemingway tác giả của “Ông già và biển cả” cũng rất thân thiết với Fitzgerald tác giả của “Đại gia Gastby”, hai nhà văn thuộc loại nổi tiếng và cá tính nhất của văn học Mỹ hiện đại thường viết thư cho nhau và gửi bản thảo để bạn mình đọc trước.
Tuy thân thiết thế nhưng phong cách viết của Hemingway and Fitzgerald rất khác nhau và trong công việc đều rất nghiêm khắc, họ sẵn sàng “chê bai” bạn mình nếu thấy tác phẩm có vấn đề hoặc không được như kì vọng.
Thông thường ta sẽ ít thấy những nhà văn lớn và cá tính mạnh thân thiết với nhau nhưng có lẽ Hemingway and Fitzgerald là những trường hợp rất đặc biệt và khác thường, hai văn tài của nước Mỹ đã “chịu đựng” được nhau ở những điểm nhất định.
Tôi nói từ “chịu đựng” vì những những cá tính sắc sảo và tài năng thường khá khó dung hoà với những người xung quanh nhất là với những đồng nghiệp. Tôi có một người bạn văn vong niên rất nổi tiếng, số người yêu ghét ông gần như ngang bằng nhau. Khi tôi viết bài về ông, tôi đề cập vấn đề ấy và một vài người đặt câu hỏi, tại sao lại có sự yêu ghét với một tài năng như thế.
Lý do rất đơn giản, văn nhân thường là những người cá tính rất mạnh, cái tôi của họ rất lớn, họ ít khi chịu công nhận và tin có ai đó giỏi hơn mình. Cho nên trên một bình địa thông thưởng bỗng nổi lên một người xuất sắc thì rất dễ thành tấm gương đáng ghét”. Tôi tin rằng các “ngôi sao” thì luôn có cả người yêu và ghét nhưng tôi cũng tin rằng những người ghét như thế không nhiều, đa số những người tài hiểu và trân trọng nhau, có thể họ không ưa nhau về cá tính hoặc phong cách nhưng thâm tâm thì không thể phủ nhận những tài năng vượt trội.
Tôi cũng có một người bạn văn rất sắc sảo khác, câu cửa miệng của cô ấy là “quý nhau vì liên tài” và phương châm của cô ấy là chỉ chơi với những người giỏi bằng hoặc hơn mình. Đó cũng là một cách nghĩ, cách sống mà đôi khi chúng ta phải chấp nhận, thích nghi với nó.
Nhà văn Hemingway và nhà văn Fitzgerald. |
Tương giao chỉ giúp ích cho người viết chứ không hại gì. Có những người bạn viết thân thiết là điều kiện thuận lợi để trao đổi những ý tưởng, đóng góp những điều tốt cho mỗi cá nhân mà nếu đứng tách biệt hẳn ra đôi khi không thể tự nhận ra được.
Rất nhiều người viết đã gửi bản thảo cho bạn mình đọc trước, lắng nghe những ý kiến đóng góp, chỉnh sửa bổ sung, làm cho nó hay hơn, hoàn thiện hơn. Viết văn là một nghề cô độc và lặng lẽ, nếu may mắn có được những tri âm, tri kỉ thì còn gì hạnh phúc bằng. Nếu may mắn Bá Nha nào cũng tìm được những Chung Tử Kỳ thật sự thì đó là nguồn khích lệ và động viên lớn lao.
Thực sự, tôi vẫn thèm một không gian “salon” văn học đã từng tồn tại ở phương Tây và từng có ở Việt Nam, nơi những người bạn tâm giao, đồng nghiệp có thể gặp gỡ, cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề quan tâm và ý hướng phát triển, đó sẽ là nguồn động viên, sự “tranh thủ trí tuệ” rất hữu ích trong sáng tạo và lao động nghệ thuật.
Thực tế thì tôi có nhiều bạn văn hơn là những người “ghen ghét” mình và nhìn ra xung quanh tôi thấy cơ bản mọi người cũng thế. Có những cá tính khác thường khó dung hoà nhưng vẫn có thể tìm thấy ở họ những điểm đáng quý và đáng học hỏi. Những người sáng tạo văn học, nghệ thuật ít khi sở hữu một tính cách “thuần” được, họ thường “nhô ra” ở một vài điểm nào đấy nhưng cuộc sống và xã hội vốn không bao giờ một màu và đơn điệu. Tôi tự hỏi những người như Tản Đà, Nguyễn Tuân hay Hemingway “thuần màu” đi một chút thì văn chương của họ có còn sắc sảo, cá tính như thế.
Và kể cả những người “gai góc” như thế vẫn có những người bạn tâm giao và được nhiều người yêu quý. Rõ ràng “văn nhân tương giao” thì hữu ích hơn “văn nhân tương khinh” rất nhiều. Sự yêu quý và trân trọng bao giờ cũng làm cho người ta sống dễ hơn và tốt hơn.