Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận (31-5-1919 – 31-5-2019)

Tượng đài giữa đường thơm

Thứ Bảy, 01/06/2019, 08:11
Thơ Huy Cận không chỉ là nguồn “dinh dưỡng” của nhiều tài năng văn học mà còn hun đúc cảm thụ của không ít tài năng âm nhạc nước nhà... 


Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31/5/1919, nay vừa chẵn 100 năm ngày sinh của ông. Ông là bác rể thúc bá của tôi, bởi bà Ngô Xuân Như - vợ nhà thơ Huy Cận chính là em ruột nhà thơ Xuân Diệu. Tôi nhớ, trong một bài thơ Huy Cận tự sự:

Tôi sinh ra ở miền sơn cước
Có núi làm xương cốt tháng ngày
Đất bãi tơi làm da thịt mát
Gió sông như những mảng hồn bay

“Miền sơn cước” ấy là xã Ân Phú, huyện Hương Sơn (sau này thuộc huyện Đức Thọ và nay là huyện Vũ Quang) tỉnh Hà Tĩnh. Quê ông nằm dưới chân núi Mồng Gà, trước mặt là sông Ngàn Sâu, một nhánh tạo nên sông La. Ân Phú có gốc chữ Hán  nghĩa là “thịnh vượng”, “giàu có”. Trên thực tế, do tính chất “sơn cước” (ở chân  núi) nên Ân Phú ít ruộng thành ra nghèo.

Cảnh nghèo đó đã làm Xuân Diệu, người bạn tri âm, tri kỷ của Huy Cận phải thốt lên: “Cái làng nửa sơn cước, khuất nẻo bên sông vắng… chao ôi! trước Cách  mạng Tháng Tám năm 1945 sao mà vắng vẻ, hiu hắt đến thế! Nếu không thương bạn chưa chắc tôi đã về”. Vì vậy, cái tên Ân Phú không gì khác hơn là ước mơ thoát nghèo cháy bỏng của con người xứ “nác” nơi đây.

Thế nhưng về giá trị “phi vật thể”, Ân Phú lại là nơi giàu có. Đây là mảnh đất đã sản sinh ra các Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Trần Thành Đốn, Trần Tiết Việt và Binh bộ Thượng thư Cù Ngọc Xán. Cù Ngọc Xán, còn gọi là Lê Ngọc Xán do được vua Lê ban quốc tính vì có công trong kháng chiến chống quân Minh, được Triều Nguyễn sắc phong Vương. Ông là phu quân của bà Ngô Thị Ngọc Điệp, chị ruột của Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao, vợ vua Lê Thái Tông. Ông cũng chính là Tổ của hai họ Cù Hoàng và Cù Huy.

Đến thế kỷ XX, quê hương Ân Phú rất đỗi tự hào có Huy Cận - người ở "tuyến đầu" của cả hai cuộc “cách mạng”: Thi ca và Giải phóng dân tộc.

Gia đình kể lại rằng khi Huy Cận 8 - 9 tuổi, đang học Trường Tiểu học Queignec ở Huế, có thầy tướng số tên Tựa từ Nghệ An đến nhà chơi. Sau khi lập lá số tử vi của Huy Cận, ông thầy nói: “Anh này sau này sáng giá hơn người, đặc biệt sáng danh về văn chương, là người tài giỏi của quốc gia đấy!”.

Nhà thơ Huy Cận.

Nhiều nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam có chung quan điểm, tính đến đầu thế kỷ XX, thi ca của Việt Nam đã có hai cuộc “cách mạng”.

Cuộc cách mạng thứ nhất, đó là thơ Hàn luật bằng chữ Nôm, cải biến từ hai thể "thất ngôn tứ tuyệt" và "thất ngôn bát cú" của thơ Đường luật. Thơ Mới là cuộc cách mạng thứ hai, được viết bằng chữ Quốc ngữ, tức chữ Việt ngày nay, hoàn toàn từ bỏ niêm luật của thơ Đường. Chính điều sau chót này đã mang lại cho Thơ Mới vóc dáng của một cuộc “Đại Cách mạng”, của một “Big bang” – Vụ Nổ lớn, tạo ra một vũ trụ hoàn toàn mới cho Thi ca Việt Nam. Nói cách khác, thơ Hàn luật là một sự chuyển mình, còn Thơ Mới là một sự giải phóng khỏi cái “cũi Nho giáo”.

Trong tiểu luận “Một thời đại trong thi ca” mở đầu “Thi nhân Việt Nam”, cuốn sách nghiên cứu, phê bình xuất sắc nhất về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh viết: “Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba: Tế Hanh, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn ĐìnhThư, Xuân Tâm, Huy Tân, Huy Chức, Phan Thanh Phước, Nguyễn Đức Chính, Tường Đông,... Đôi nhà thơ như Lan Sơn, Thanh Tịnh, lúc nãy đã thấy một bên Thế Lữ, bây giờ lại kéo nhau về đây. Và Thế Lữ ngồi một mình trong dĩ vãng chừng thấy lẻ loi cũng về đây nốt. Tôi không biết có nên để vào xóm Huy Xuân hai nhà thơ Phạm Hầu và Yến Lan.

Tuy thơ cùng một giọng song hình như họ đã trực tiếp với các nhà thơ Pháp, ít khi nhờ Xuân Diệu, Huy Cận đứng làm trung - gian. Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ. Cùng ra đời một lần với thơ Huy Xuân nhưng kém thanh thế hơn nhiều là lối thơ tả chân. Thơ mới vốn ưa tả chân hơn thơ cũ, nhưng làm những bài thơ tả chân biệt hẳn ra một lối chỉ có Nam Trân, Đoàn Văn Cừ và Anh Thơ. Cũng có thể kể cả Bàng Bá Lân và Thu Hồng”.

Với phẩm chất “đầu bảng” như vậy, thơ Huy Cận không chỉ là nguồn “dinh dưỡng” của nhiều tài năng văn học mà còn hun đúc cảm thụ của không ít tài năng âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự: “Tôi yêu thơ Huy Cận từ khi chưa bước vào thế giới âm nhạc… Có thể nói, sau ca dao, Thơ Mới (nhất là thơ trong cuốn “Lửa Thiêng”, xuất bản năm 1940), ngay từ đầu, đã là chất liệu nuôi dưỡng con người soạn ca khúc là tôi. Trong loại nhạc tình cảm con người của tôi, nếu có thêm hồn vũ trụ, đó là nhờ ở những bài thơ Huy Cận” .

Cùng lý do, Thơ Huy Cận từ rất sớm đã trở thành kinh điển khi chiếm lĩnh học đường. Cho đến cuối đời, nhà thơ vẫn bồi hồi mỗi khi nhắc lại câu chuyện thời ông học Quốc học Huế: phòng học bên đang giảng thơ Huy Cận!

Đến đây không thể không tìm hiểu một Huy Cận “bàn Nhất” cùng Xuân Diệu, như “xếp hạng” của Hoài Thanh trong Thơ Mới do đâu mà có?

Huy Cận có may mắn được sinh ra trên đất Hà Tĩnh, còn gọi là đất Lam Hồng (Sông Lam - Núi Hồng Lĩnh). Thực vậy, người Hà Tĩnh “xuất khẩu thành thơ”. Có thể nói người Hà Tĩnh có “tư duy thơ” vậy. Mà “tư duy thơ” này, theo tôi, bắt nguồn từ việc người Hà Tĩnh nói “nôm” hay tiếng Việt cổ nhiều nhất nước. Điều này cũng dễ hiểu vì đất Lam Hồng là đất Việt Thường, gốc của nước Việt. Tóm lại, thơ là hồn dân tộc thăng hoa, mà hồn dân tộc lại nằm trong ngôn ngữ bản địa. Điều này giải thích vì sao những tuyệt văn của thế kỷ XVIII, “một thời đại trong thi ca” nếu mượn chữ của Hoài Thanh, đa phần thuộc về các tác giả đất Lam Hồng - "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Hoa Tiên" của Nguyễn Huy Tự, "Mai Đình Mộng Ký" của Nguyễn Huy Hổ, ca trù (còn gọi là hát nói hay hát ả đào, hát cô đầu) của Nguyễn Công Trứ…

Tiếp đến, đó là công lao của Xuân Diệu, người bạn đời của ông cùng quê Hà Tĩnh, dẫu “cha ở đàng ngoài mẹ ở đàng trong”- (Thơ Xuân Diệu).

Nhà thơ Huy Cận kể rằng, nhà thơ Xuân  Diệu có “con mắt xanh” trong phê bình thơ nên hầu hết thơ của Huy Cận trước khi gửi đăng báo hay in sách, ông đều đưa Xuân Diệu đọc để góp ý. Đôi khi Xuân Diệu thay đôi chữ. Chẳng hạn, trong bài “Chiều xưa”, lúc đầu Huy Cận viết “Trên thành son nhạt/ Chiều tê tái sầu...” thì Xuân Diệu chữa lại thành “Trên thành son nhạt/ Chiều tê cúi đầu...”. Hay hơn hẳn! Cũng có bài Huy Cận không kịp gửi cho Xuân Diệu xem trước khi đăng nhưng mọi người rất thích, như bài “Nhạc Sầu”. Tóm lại, Xuân Diệu là “biên tập viên” đầu tiên thơ của Huy Cận.

Huy Cận thường cứ 3, 4 giờ sáng là dậy để làm thơ và cứ được bài thơ nào là ông lại đi xuống phòng Xuân Diệu nhờ góp ý. Những lúc ấy, Xuân Diệu biến cái ghế xếp thành ghế “khảo thí”. Còn Huy Cận lẳng lặng lấy một chiếc ghế tựa đặt phía sau cái ghế xếp để ngồi đọc bài thơ vừa “ra lò”. Xuân Diệu mắt nhắm nghiền, im nghe. Chốc chốc ông lại bình, lại sửa, giọng sang sảng mà mắt vẫn nhắm. Được cái Huy Cận không bao giờ “cãi”, cứ lẳng lặng chữa thơ theo ý Xuân Diệu. Xong, ông đọc lại cho Xuân Diệu thẩm định một lần nữa và cứ thế cho đến câu thơ cuối. Trong bài thơ “Ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ”, Huy Cận đã không giấu giếm vai trò “khảo thí” ấy của Xuân Diệu.

Đêm đêm trên gác đèn chong,
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay.
Dưới nhà bút chẳng rời tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ,
Bạn từ lúc tuổi còn tơ,
Hai ta hạt chín chung mùa trái trong.
Ánh đèn trên gác, dưới phòng,
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời.
Sáng ra gõ cửa: “Diệu ơi,
Nghe giùm thơ viết đêm rồi xem sao”.
Diệu còn ngái ngủ: “Đọc mau!
Nghe rồi, xem lại, từng câu mới tường”.
Dưới nhà trên gác thông thương
Dòng thơ không dứt giữa luồng tháng, năm...

Huy Cận không phải là tài năng thơ duy nhất được Xuân Diệu “biên tập”. Trong "Hồi ký song đôi", Huy Cận viết: “Cũng ở gác Hàng Than, có lúc Đinh Hùng đã đến làm quen với chúng tôi... Đinh Hùng lúc đó còn đọc thơ cho anh Diệu nghe, nhờ anh Diệu nhận xét, và nghe chăm chú những lời phân tích của anh Diệu, rõ ràng với lòng kính nể một bậc đàn anh.

Lúc đó Nhà xuất bản Tân Việt cũng đã in vài bài thơ của Đinh Hùng trong tập “Lúa mới”. Xuân Diệu cũng góp ý và chữa thơ cho Chế Lan Viên. Cho nên, trong cuốn “Điêu tàn” ghi tặng Xuân Diệu, thi sĩ họ Chế nắn nót: “Anh Diệu ơi! Thơ của em đây, anh nhận đi!”.

Cuối cùng, đó là vai trò và ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn, đặc biệt của cá nhân thủ lĩnh Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Phải nói Huy Cận rất mê tiểu thuyết của Nhất Linh. Ông Cù Huy, em trai Huy Cận có lần kể: “Trong một lần cùng Xuân Diệu về thăm quê Ân Phú, ông Cận luôn cầm trong tay “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh. Cứ hở lúc nào một mình là ông Cận lại lôi ra đọc”.

Nghĩa là Huy Cận thần tượng Nhất Linh. Điều này giải thích vì sao thi sĩ họ Cù lấy làm vinh dự khi được gặp và được nhận xét bởi vị thủ lĩnh Tự Lực Văn Đoàn.

Sau này, cho dù đối lập nhau về chính trị, Nhất Linh và Huy Cận luôn trân quý văn tài của nhau. Năm 1949 khi xuất bản tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới – Bèo dạt”, Nhất Linh đã ghi “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng… Huy Cận” ngay đầu lời tựa cuốn sách. Bản thân Huy Cận cũng nói với tôi rằng khi ở Sài Gòn, Nhất Linh nói: “Về lục bát, Huy Cận là hậu duệ của Nguyễn Du!”.

Huy Cận, nhà thơ với phần thưởng cao quý nhất Huân chương Sao Vàng (năm 2005) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I, năm 1996), rong ruổi “đi giữa đường thơm” - như tên một bài thơ của ông giữa “vũ trụ” đã 15 năm nay, nhưng mãi còn đó một tượng đài Thi ca.

Ngô Đức Hành
.
.