Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp:

Từ Tiểu đoàn 307 đến những thước phim kháng chiến

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:08
Mỗi lần nghe câu hát: "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy...", ký ức về Tiểu đoàn 307 dội về với ông hào hùng, bi tráng. Lần gặp gỡ ngẫu nhiên với một anh chiến sĩ quay phim trong đơn vị như định mệnh đưa đẩy Trung đội phó của Tiểu đoàn 307 oai hùng năm nào trở thành một đạo diễn tài ba của điện ảnh cách mạng. Những thước phim gắn bó với đồng đội, với những người đã ngã, mải miết trên dòng Cửu Long Giang sóng trào...

1. Mới 15 tuổi, cậu bé Nghiệp đã được bầu làm Trưởng đội Thiếu niên Tiền phong xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Thấy Nghiệp nhanh trí, can đảm, các chiến sĩ cách mạng đã đưa truyền đơn để cậu rải khắp làng và đồn bốt của Pháp. Có lần, Nghiệp còn nhận lựu đạn, liều lĩnh ném vào đám địch đang đi tuần tra. Chuyện bị bại lộ, địch điên cuồng vây bắt Nghiệp. Cậu bé nhanh chóng được các chiến sĩ đưa vào Khu 9 rồi sau này tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 307.

Nghiệp đã được nghe nhiều về chiến công lẫy lừng của Tiểu đoàn 307 anh hùng - tiểu đoàn chủ lực của chiến khu 8. Được điều về Tiểu đoàn sau trận Mộc Hóa vang dội, lại được giữ vị trí Trung đội phó Trung đội B (rồi C), thuộc Đại đội 931, Tiểu đoàn 307, Nghiệp ngỡ ngàng. Đó là vinh dự quá lớn lao và cũng là áp lực nặng nề với một chàng trai đôi mươi chưa có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Thế nhưng, nhìn "thành tích" của Nghiệp trước khi vào Khu, anh em chiến sĩ ai cũng vỗ vai khen: "Tay này chơi được đây".

Trận Cầu Kè năm 1949 - trận đầu tiên Nghiệp tham dự, lập tức chứng minh cho lời khen ấy. "Trận đó một chiến sĩ bắn súng máy đang xông lên thì bị thương, người chiến sĩ nạp đạn lại hy sinh. Tôi xốc ngay cây FM nã luôn một mạch vào toán địch đang dựa vào xe quân sự chống trả quyết liệt. Nhờ loạt đạn đó, toán xung kích của ta mới có cơ hội tràn lên" - đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp kể.

Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp.

Trong một đêm phục kích, lần đầu tiên anh lính Nguyễn Kế Nghiệp ở cạnh một chiến sĩ quay phim tên Lý Cương. Nghiệp tròn xoe mắt và vui sướng vì đơn vị mình có phóng viên chiến trường. Lý Cương không có xẻng để đào hố cá nhân. Nghiệp cùng hai chiến sĩ đào giúp, ấn anh ta xuống rồi dùng cành cây ngụy trang.

Phục kích đến 12h trưa hôm sau, địch vẫn chưa đến. Anh phóng viên để đầu trần giữa trời nắng chang chang. Thấy vậy, Nghiệp gỡ cái nón sắt của mình đội lên đầu anh ta. Thật không ngờ, cái nón sắt đó đã cứu anh ta bởi hai vết đạn trượt qua đầu. Nghiệp tặng luôn chiếc mũ sắt. Để trả ơn, sau trận đánh, Cương chụp cho Nghiệp vài kiểu ảnh. Đáng tiếc đến nay chúng đều bị thất lạc.

Nhưng có lẽ điều ám ảnh nhất trong tâm trí người đạo diễn này là cái chết của phóng viên nhiếp ảnh, quay phim Dương Trung Nghĩa. Cái chết của người thanh niên trí thức, từ chối mọi vinh hoa phú quý ở chốn đô hội mà lăn xả vào chiến trường khói lửa với chiếc máy quay phim, đã khiến anh bộ đội Nguyễn Kế Nghiệp cảm kích.

"Trong trận chiến đấu giải phóng quận An Biên (Rạch Giá) năm 1954 của Tiểu đoàn 307, phóng viên chiến trường Dương Trung Nghĩa tham gia tác nghiệp. Tôi không xa lạ gì Nghĩa vì Nghĩa đã từng cầm máy tham gia cùng trung đội của tôi trong các trận đấu trước đó. Mỗi lần như thế, tôi lại đào hầm cá nhân giúp Nghĩa nên hai người rất thân nhau. Nghĩa dạy tôi vài kỹ thuật quay phim, tôi khoái lắm. Thỉnh thoảng, những cảnh sinh hoạt đời thường của tôi với anh em trong trung đội, Nghĩa cũng tinh nghịch ghi lại.

Hôm đó, khi quân ta hô: "Xung phong!", Nghĩa cùng anh em chạy vọt lên trước để quay lại cảnh chiến đấu. Tôi chạy sau, bỗng thấy Nghĩa đổ gục xuống. Chiếc máy quay phim rơi xuống ruộng. Tôi quên tất cả, nhào tới ôm Nghĩa. Nghĩa chưa chết, môi mấp máy như muốn nói điều gì. Tôi áp tai lắng nghe nhưng đầu Nghĩa đã nghẹo xuống" - đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp rơm rớm nước mắt.

2. Năm 1954, Nguyễn Kế Nghiệp tập kết ra Bắc, thuộc lính Sư đoàn 330. Đến năm 1965, ông chuyển ngành, học Đại học Kinh tế, mặc dù ông không hứng thú gì. Tình cờ, một đạo diễn biết ông từng hoạt động ở Tiểu đoàn 307 lừng danh, lại nghe tiếng ông có tài làm thơ, sáng tác kịch hồi còn ở Tiểu đoàn nên đã mời ông về Xưởng phim Thời sự tài liệu tại Hà Nội của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Những khát khao ngày còn ở chiến trường và ký ức về đồng đội, về chiếc máy quay phim bê bết máu của Dương Trung Nghĩa đã giục ông gật đầu. Ông xin chuyển sang Xưởng phim Giải phóng, có tên giao dịch là Xưởng phim Thời sự tài liệu 2, với cương vị là biên tập, viết lời bình cho phim từ miền Nam gửi ra. Tại đây, ông học nghề làm phim dưới sự dìu dắt của nhà quay phim Khương Mễ.

Giai đoạn này có nhiều bộ phim tài liệu quay trong chiến tranh máu lửa ra đời: "Miền Nam anh dũng", "Chiến thắng Bình Giã", "Đồng Xoài rực lửa", "Đội nữ pháo binh", "Du kích Củ Chi"... Mỗi lần nhắc tới cố đạo diễn Khương Mễ, một trong những người khai sinh điện ảnh bưng biền, chiếc nôi của điện ảnh miền Nam, ông lại bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Sau này, tình cảm đó được gửi gắm sâu sắc trong phim tài liệu "Ông Lumiere Tháp Mười" ra đời năm 998. Bộ phim được vinh dự góp mặt ở nhiều Liên hoan phim quốc tế danh tiếng.

Có năng khiếu nên Nguyễn Kế Nghiệp học rất nhanh. Không chỉ biết cách làm phim ông còn viết kịch bản rồi làm đạo diễn. Ông được đi tu nghiệp ở Liên Xô, Nam Tư rồi theo học lớp đạo diễn phim truyện truyền hình ở Bungari từ năm 1973 đến ngày miền Nam giải phóng. Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp về miền Nam làm ở Đài truyền hình, rồi làm việc ở Hãng phim Giải Phóng.

Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp thời còn ở Tiểu đoàn 307.­

Những bộ phim tài liệu lịch sử của ông chủ yếu xoay quanh đề tài kháng chiến bởi ký ức đời lính như: "Tiểu đoàn 307", "Hồn cố quốc", "Trận Cái Răng", "Cuộc không chiến lịch sử", "Giấy bạc Cụ Hồ ở Nam Bộ", "Biệt động Sài Gòn" … Ngoài ra còn có các phim tài liệu về các lãnh đạo cấp cao của cách mạng như: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ", "Hồi ức về anh Hai Phạm Hùng", "Trung tướng Võ Viết Thanh", "Đại tướng Lê Văn Dũng"… Trong đó, phải nói rằng, bộ phim tài liệu "Tiểu đoàn 307" gây được tiếng vang hơn cả bởi chính ông là người trong cuộc.

Năm 2002, Nguyễn Kế Nghiệp cùng các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 307 về lại đồn Bắc Xa Ma (Trà Vinh) để lấy lại bối cảnh cho bộ phim. Đặt chân đến đây, ông nghe tiếng bom rơi đạn nổ của trận đánh bi hùng năm xưa như vẫn vang vọng. Chợt nhớ đến Thượng sĩ người Khơ-me mà ông bắt sống trong đồn này rồi sau đó lại thả hắn tự do, ông bồi hồi buột miệng: "Không biết ông ta còn sống không?". Đột nhiên, một người đàn ông đen nhẻm trạc 70 tuổi nãy giờ đứng quan sát đoàn làm phim giơ tay lên: "Tui đây! Người đó là tui đây!". Nguyễn Kế Nghiệp nhớ ra gương mặt, khổ người nhỏ thó mà ông đã bắt được sau bức tượng Phật màu vàng. Người cựu binh Khơ-me vỗ vai ông: "Nếu 52 năm trước ông cho tôi một phát súng thì bây giờ chúng ta đâu có gặp lại nhau. Tôi nghe có người làm phim Tiểu đoàn 307 đánh Bắc Xa Ma, tôi lặn lội đến đây để giúp các ông làm phim cho đúng với lịch sử. Thiệt không ngờ lại gặp ông. Đúng là duyên trời". Nguyễn Kế Nghiệp sung sướng đến ngỡ ngàng khi trận đánh mà ông dựng lại trên phim sau 52 năm lại có được một nhân chứng sống phía bên kia chiến tuyến bất ngờ như thế này. Hai người bắt tay nhau, mừng tủi.

Bây giờ, đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp định cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông nay đã vào tuổi 84 nhưng vẫn tiếp tục tham gia viết kịch bản, làm cố vấn cho các đạo diễn trẻ mới tập tành với dòng phim tài liệu "khô khan". "Thế hệ tôi, biết bao người đã ngã, đó là thời kỳ hào hùng của nhân dân mình, mãi mãi thế hệ những người lính như chúng tôi không thể nào quên. Làm phim là cách để tôi ngược về quá khứ, tìm lại gương mặt đồng đội vào sinh ra tử, giải tỏa bao tâm tình chất chứa trong tôi. Những bộ phim cũng là gạch nối giữa thế hệ trẻ lớp trước với thế hệ trẻ lớp sau" - ông nói.

Đối với Nguyễn Kế Nghiệp, đời lính và những thước phim là hạnh phúc của ông. Thời chiến, ông cầm súng bảo vệ quê hương thì thời bình, cầm máy quay phim về chiến trường xưa, ông tri ân đồng đội đã ngã xuống, nối kết tình hữu nghị của những người đang sống, trao gửi bài học cội nguồn cho thế hệ mai sau…

Phan Thi Uyên
.
.