"Truyện Kiều" qua góc nhìn hội họa

Thứ Hai, 30/11/2020, 07:13
Kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ họa sĩ vẽ minh họa. Bằng tài năng của mình, mỗi họa sĩ đã có cách riêng để đọc, nhìn, và vẽ các nhân vật trong "Truyện Kiều" qua đó để lại những dấu ấn thế hệ.


Kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ họa sĩ vẽ minh họa. Đến nay, người ta vẫn còn nhắc nhớ tới 11 họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... từ những năm 1940 đã thực hiện 11 bức tranh in trong "Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du". 

Sau này, vào năm 1992, NXB Văn hóa - Thông tin có in "Kiều" với minh họa của các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Sang đầu thế kỷ XXI, các họa sĩ đương đại cũng đã vẽ minh họa "Truyện Kiều". 

Bằng tài năng của mình, mỗi họa sĩ đã có cách riêng để đọc, nhìn, và vẽ các nhân vật trong "Truyện Kiều" qua đó để lại những dấu ấn thế hệ.

Nối bước tiền nhân

Danh sách những họa sĩ vẽ minh họa Kiều chắc chắc còn dài, trong đó có những người lặng lẽ nhưng bền bỉ theo đuổi đề tài này suốt mấy chục năm qua. Không thể không nhắc đến họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (nghệ danh Sơn Kiều). Từ ngày 18 đến 21-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm "Hội họa Truyện Kiều" sẽ được tổ chức, trưng bày 96 tác phẩm của anh.

Tác phẩm "Nguyệt ước" của cố họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. 

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978, quê ở thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù là thế hệ đi sau, nhưng Nguyễn Tuấn Sơn vẫn tìm được cho mình một cách riêng để tiếp cận "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. 

Bức "Đoàn viên" của họa sỹ Thành Chương.

Nguyễn Tuấn Sơn cho biết, anh bắt đầu vẽ năm 1999, vẽ nhiều từ lúc đi học, đi làm cho đến khi hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp. Họa sĩ Tuấn Sơn tâm sự: "Hồi bé đọc "Truyện Kiều" không hiểu nhiều, sau này tôi mới nhận ra, "Truyện Kiều" có ý nghĩa và giá trị to lớn với cuộc đời mình. Ở mỗi giai đoạn thăng trầm, tôi đều đọc "Truyện Kiều" để suy ngẫm và bình tĩnh hơn". 

Anh quan niệm, vẽ minh họa "Truyện Kiều" không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của Truyện Kiều trước thời đại mới.

Có ý kiến cho rằng, các tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn không chỉ minh họa tác phẩm "Truyện Kiều" mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng. 

Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về "Truyện Kiều" là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác… Tranh Kiều của Tuấn Sơn còn cho thấy những những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống…

Không chỉ đam mê vẽ Kiều, anh còn là người có thú sưu tập "Truyện Kiều". Hồi đầu tháng 8 năm nay, tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, hội thảo và triển lãm "Minh họa Truyện Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt" đã diễn ra. 

Nguyễn Tuấn Sơn cũng đã có nhiều hoạt động gắn với "Truyện Kiều" như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường; Viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong "Truyện Kiều"; đem các tác phẩm vẽ về "Truyện Kiều" giới thiệu tại nước ngoài… 

"Tôi luôn mơ ước về một "không gian văn hóa Kiều" tại Hà Nội, nơi mà chúng ta, bạn bè nước ngoài đều có thể đến và cảm nhận. Ở đó sẽ trưng bày các tác phẩm liên quan đến Kiều như tranh, ảnh, tài liệu cổ. Tôi đang cố gắng từng ngày để thực hiện điều đó" - họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ.

Dấu ấn thế hệ

"Truyện Kiều" là một kiệt tác để lại nhiều cảm hứng có các họa sĩ, nghệ nhân dân gian. Bằng chứng là trong tranh dân gian và các cuốn sách cổ đã có những bức họa Kiều. Tiếp đến, các họa sĩ đầu thế kỷ XX như Trần Văn Cần, Lê Phổ, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… cũng đã vẽ về các nhân vật trong "Truyện Kiều". 

Sang đầu thế kỷ XXI, các họa sĩ đương đại như Nguyễn Quân, Thành Chương, Đinh Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa... cũng đã có bộ minh họa "Truyện Kiều" mang dấu ấn riêng và đã được in trong cuốn "Truyện Kiều" do NXB Văn học và Đông A xuất bản năm 2017.

Tranh "Chị em Thúy Kiều - Thúy Vân" của họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn.

Đúng như họa sĩ Thành Chương nhận xét: "Mỗi thế hệ, mỗi thời kỳ lại có cách nhìn, cách đọc và cách minh họa khác nhau về Kiều. Ngày xưa các cụ vẽ cho giống theo kiểu mô phỏng, minh họa từng câu chữ. Còn anh em họa sĩ hôm nay vẽ minh họa rất phóng khoáng, tự do và mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tác phẩm minh họa trong ấn phẩm "Truyện Kiều" được coi là văn bản thứ hai của Kiều, mang dấu ấn tạo hình riêng của họa sĩ. Nó là một tiếng nói độc lập chứ không minh họa theo kiểu mô phỏng. Đây là một quan niệm mới của các họa sĩ đương đại, chỉ như thế họ mới có đóng góp một tinh thần mới, gần gụi hơn với cuộc sống hôm nay" - họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, họa sĩ Thành Chương cũng thừa nhận, khi các họa sĩ đương đại vẽ Kiều cũng là một thách thức. Chính vì thế, mặc dù nhìn nhận Kiều "bằng góc nhìn, thẩm mỹ của thời nay, của những năm tháng này" nhưng nhiều họa sĩ đương đại vẫn phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới chọn ra được một bức ưng ý. 

Đánh giá về bộ minh họa của các họa sĩ đương đại, họa sĩ Thành Chương quả quyết: "Thông thường, nghĩ đến Kiều là nghĩ đến câu chuyện buồn, thâm trầm… chứ còn mảng miếng, màu sắc tươi trẻ như trong 15 bản tranh minh họa của các họa sĩ đương đại thì xưa nay chưa từng có. Muốn bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc, chúng ta không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ...".

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, minh họa không phải là thứ áp đặt chặt chẽ, truyện thế này thì phải minh họa thế này. Lối đó là một lối cổ. Lối của họa sĩ hiện đại là đọc và cảm nhận, họ vẽ theo cảm nhận của họ về "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du. 

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ thêm: "Truyện Kiều" nói riêng và các truyện nói chung có nhiều cách minh họa. Một là người ta bám chặt vào câu chuyện, về phong tục tập quán, về nhân vật; hai là vẽ theo cảm nhận người ta đọc; ba là vẽ theo đúng thời kỳ câu chuyện diễn ra và người ta cũng có thể vẽ theo con mắt của con người bây giờ...".

Tại một cuộc tọa đàm mới đây nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1820 - 2020) diễn ra ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: "Truyện Kiều" đã tạo nguồn cảm hứng lớn đến tất cả thế hệ họa sĩ của Việt Nam. Cái hay ở đây là, trong hội họa nói chung, họa sĩ có thể sáng tác theo bất kỳ cảm hứng nào, nhưng riêng với tranh Kiều, thì cảm hứng, cách tiếp nhận cũng như năng lực sáng tạo phải tinh tường hơn những người khác. Và minh họa đó phải gắn bó với nội dung của câu Kiều mà tác giả lựa chọn để vẽ và viết bên dưới bức tranh. Minh họa đó còn phải mang đậm cá tính, phong cách của họa sĩ. Và có thể thấy những tiêu chuẩn đó thể hiện ở toàn bộ những bức tranh được trưng bày tại triển lãm này" - họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách cảm của mỗi họa sĩ là khác nhau. Thậm chí cách "đọc và hiểu văn bản" của mỗi họa sĩ cũng khác nhau. Thế nên mới có câu chuyện có họa sĩ vẽ nàng Kiều vừa lùn vừa béo, hoặc có người vẽ Kiều mặc trang phục được cho là bộ Kimono, hay xảy ra hiện tượng nhiều họa sĩ đều vẽ Thúy Kiều ôm đàn tì bà, trong khi đó ở trong tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Du nàng Kiều ôm cây đàn nguyệt của Trung Quốc, cần ngắn và có bốn dây...

Quả thực, "Truyện Kiều" đã tạo ra nhiều cảm hứng sáng tác cho giới họa sĩ. Dấu ấn cá nhân, dấu ấn thời đại, thậm chí những vênh lệch trong cách nhìn, cách cảm có thể xuất hiện qua những bộ minh họa "Truyện Kiều". Là người đam mê và dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tập "Truyện Kiều", họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn cho biết, anh luôn tự nhủ mình không được thỏa mãn với chính mình trong sáng tạo, không chấp nhận những gì đang có sẵn và luôn muốn thúc đẩy các hình thức tranh luận về "Truyện Kiều".

Hà Anh
.
.