Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung: “Xin đừng gọi tôi là nhà văn”
- Nhà văn xứ Đồng Nai cả đời miệt mài cầm bút
- Nhà văn Thạch Lam trong ký ức của người chị
- Nhà văn Kiều Bích Hậu: “Thử sức” với đề tài khó
Phải biết “quản trị” cảm xúc của mình
Câu chuyện giữa tôi và Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung bắt đầu từ những lời hỏi đáp xung quanh bài viết “Người kể những câu chuyện tình của thời mình sống” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết cách đây 16 năm khi cảm nhận tập truyện ngắn “Cánh hoa hình dấu hỏi” của chị. Tôi hỏi: “Hôm nay đọc lại những nhận xét ấy, cảm xúc của chị thế nào, có khác với ngày xưa không?”. Chị nhẹ nhàng bảo: “Thực sự tôi rất biết ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều, từ những lời nhận xét, động viên của anh mà tôi đã luôn ý thức được trách nhiệm của một người cầm bút và làm công tác biên tập. Hơn ai hết, chính mình phải biết “quản trị” cảm xúc của mình. Do đó, sau nhiều năm hình như những trang viết của tôi vẫn luôn bám vào hơi thở của cuộc sống đương đại, chỉ là sức viết của tôi không còn được dồi dào như hồi còn trẻ (cười)”.
Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung. |
Khi tôi dẫn lại một số đoạn tâm đắc trong bài viết ấy, như: “Đoàn Thị Phương Nhung là một cây bút trẻ trong một thời đại người ta phải nói, phải viết rất ngắn, rất hàm súc như gọi điện thoại di động hay nhắn tin, bởi thế mà chị rời bỏ được lối viết rườm rà mà các nhà văn trước kia thường mắc phải” hay “Sự khởi đầu mỗi truyện ngắn của chị luôn luôn nổ như một quả pháo không ngòi” thì chị cười lớn hơn và gật đầu cho là đúng.
Chị còn kể, một vài nhà phê bình nhận xét truyện ngắn của chị là: “Phương Nhung viết nhanh và nhiều nhưng đọc xong truyện ngắn luôn thấy bị nhanh quá (cười) kết thúc bất ngờ, đôi khi hụt hẫng”. Nói rồi chị bảo, đó là cách suy nghĩ của chị, cuộc sống mà, ngạc nhiên, bất ngờ chẳng phải là điều thú vị sao?! Nhưng chị thừa nhận cuộc sống đôi khi không giống như những gì mình ước mong, nhiều khi nó làm mình chao đảo, thậm chí, nhiều câu chuyện, sự việc làm mình đau đớn, lập tức làm bầm dập xúc cảm mỏng manh của mình.
“Do đó, tôi viết chậm hơn, tính toán hơn, dù muốn truyền tải thông điệp gì đến bạn đọc đi nữa thì mình cũng cân nhắc xem nên kể câu chuyện đó như thế nào sao cho tự nhiên nhất, không khiên cưỡng, không đơn điệu, nhất là đừng đi vào lối mòn cảm xúc. Bạn đọc rất thông minh và nhạy cảm nên tôi trân trọng họ, dù thay đổi cách viết thì cũng là một sự tất yếu khi dòng chảy thời gian cứ mặc nhiên trôi đi nên mình cũng không thể dừng lại”, Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung chia sẻ.
Chỉ vài gợi ý nho nhỏ ấy khiến cả tôi và chị đều nhớ về cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong một thời mà nhân vật của tôi - Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung chính là một trong những cây bút bước ra từ cuộc thi ấy. Chị bắt đầu viết truyện và đánh dấu bằng truyện ngắn “Mùa hoa dâu da xoan” trên Báo Người Hà Nội rồi sau đó là liên tục trên Báo Tiền Phong chủ nhật, như “Mã số M65”, “Cuối mùa hoa gạo”, “Nhan”, “Khách sạn Thiên Đường”, “Chuyện của Thản”, “Ngày nỗi nhớ ra đời”, “Một người và một ngày”, “Nhạt như nước ốc”… từ những năm đầu của thập niên 2000.
Cầm lấy từ chị tờ báo Tiền Phong đã bạc màu được in vào năm 2001, tôi ấn tượng với lời giới thiệu của truyện ngắn “Mưa rơi rất chậm” có viết “Đoàn Thị Phương Nhung viết nhanh và nhiều. Cô nói, khi viết như lên đồng nhưng sau đó thường quên rất nhanh” hay lời giới thiệu của truyện ngắn “Có nhau mấy mùa?” in năm 2002 lại viết “Đoàn Thị Phương Nhung viết nhiều và nhanh. Cô quan tâm nhiều đến những lắt léo trong tình cảm con người đương đại”. Thấy tôi tủm tỉm cười khi đọc lại những tư liệu cũ ấy, chị bảo: “Tôi viết nhiều nhưng chưa bao giờ hay” (?)
Luôn đặt mình ở vị trí một người công dân
Từ năm 2013, Đoàn Thị Phương Nhung giữ chức Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân và đến năm 2020 chị chuyển hẳn sang làm công tác biên tập, là Phó trưởng Ban Chuyên đề Truyền hình Công an nhân dân – ANTV. Chị luôn nhận thức giá trị của đề tài an ninh trật tự, đây là đề tài mang tính khu biệt, luôn mang đến những xúc cảm mãnh liệt cho bản thân chị khi cầm bút, nhất là khi viết về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Do đó, chị luôn đặt mình ở vị trí một người công dân, quan sát chiến sĩ Công an nhân dân ở nhiều khía cạnh cuộc sống, sao cho họ thật gần gũi, dung dị nhưng đâu đó luôn lấp lánh sự nhân văn, nhân ái của một người có trách nhiệm với đất nước và nhân dân. Bản thân chị luôn thấy may mắn khi được tiếp cận với chất liệu, nguyên mẫu… rất hấp dẫn, phong phú của cuộc sống thông qua công việc thường ngày của lực lượng Công an nhân dân, ngược lại chị cũng chưa hài lòng với bản thân khi mình viết chưa xuất sắc về đề tài này.
Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung (thứ 2 từ phải qua) cùng ekip bộ phim ca nhạc “Nắng lên bên mẹ”. |
Gần đây bộ phim ca nhạc “Nắng lên bên mẹ” do chị tham gia viết kịch bản giành Giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2020. Đó là bộ phim mà chị tham gia từ yêu cầu, ý tưởng của đạo diễn Dương Lan Hương và một vài buổi ra hiện trường với lý do cần yếu tố nghiệp vụ. “Có thể nói, đạo diễn Dương Lan Hương và NSƯT Phùng Lê Anh Minh rất tâm huyết với câu chuyện này. Vì vậy, họ lăn lộn ngày đêm cùng họa sĩ Đăng Tuấn lên ý tưởng cho từng phân đoạn, trường đoạn… Ca sĩ Huyền Trang Sao Mai cũng sút mấy cân cho bộ phim khi vào vai nữ điều tra viên xinh đẹp, tinh thông nghiệp vụ, giàu lòng trắc ẩn. Nhạc sĩ Xuân Trí thì viết nhạc như tằm nhả tơ… với 4 ca khúc vô cùng thiết tha, sâu lắng”, Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung chia sẻ.
Mảng đề tài an ninh trật tự là mảnh đất màu mỡ
Là cây bút viết “khỏe” trong lực lượng Công an nhân dân, Trung tá Đoàn Thị Phương Nhung cho biết, trong đời sống văn học nước nhà hiện đại thì đề tài an ninh trật tự hay nói cách khác là đề tài Công an nhân dân luôn được nhiều cây bút quan tâm, khẳng định qua sự thành công của giải “Cây bút vàng”- cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì An ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Qua kết quả các cuộc thi có sự tham gia đông đảo của nhiều cây bút nổi tiếng trong và ngoài lực lượng Công an, ngày càng được định vị và phát triển bền vững hơn. Qua đó, diện mạo và tầm vóc tác phẩm về mảng đề tài này ngày càng được nâng cao khi các tác giả có sự trải nghiệm, gắn bó với lực lượng Công an.
Đoàn Thị Phương Nhung cũng cho biết, cần duy trì những hoạt động văn học nghệ thuật thường xuyên, động viên đội ngũ sáng tác mảng đề tài này để các tác phẩm có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống văn học nước nhà, đồng thời phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân. Điều đó phải được phản ánh bằng dấu ấn của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phản ánh sinh động chân thực về cuộc chiến, cuộc đấu trí thầm lặng, gian khó, cam go, quyết liệt của lực lượng Công an nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Chị cũng bảo, khi nhiều nhà văn nói mảng đề tài an ninh trật tự là mảnh đất màu mỡ nhưng theo chị quan trọng hơn là ta có nông sản, đặc sản gì thu hoạch được trên mảnh đất màu mỡ ấy. Vì thế chị hy vọng có nhiều cây bút trẻ, nhiều nhà văn hãy mở lòng hơn với đề tài này để lan tỏa mạnh mẽ hơn hình ảnh đẹp, hành động đẹp của người Công an nhân dân tận tụy vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng nhân dân.