Triển lãm minh họa báo, tạp chí lần thứ 2: “Minh” là Sáng

Thứ Bảy, 07/05/2016, 07:52
14 năm sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2002, Triển lãm minh họa báo và tạp chí lần thứ hai mới lại được Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện. Triển lãm diễn ra từ ngày 27-4 đến ngày 10-5-2016 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.


Bất kỳ ai, khi quá khó khăn về diễn đạt thì họ đành phải vẽ ra cho người đối diện nhanh nhận ra vấn đề. Việc minh họa là công việc thường ngày của bất kỳ ai chứ không phải của riêng họa sĩ. Tất nhiên thiếu năng khiếu thì nét vẽ ngô nghê nhưng vẫn dễ hiểu hơn là nói tràng giang đại hải. Chữ “minh” trong “minh họa” cho thấy trách nhiệm của họa sĩ là làm sáng vấn đề.

Hãy khoan nói về mỹ thuật minh họa mang tính nghệ thuật mà chỉ bàn về tính thực dụng. Khi mua bất kỳ một mặt hàng từ xe máy đến cái điện thoại di động, bạn sẽ thấy trong hộp xốp có 1 cuốn hướng dẫn sử dụng với những hình vẽ đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Thậm chí chưa đọc bạn đã hiểu tính năng của từng cái nút. Trên giao diện máy tính tùy phần mềm có từ trăm lệnh cho đến nghìn lệnh đều được nhìn rõ bởi mỗi lệnh thường kèm theo một hình vẽ nhỏ (icon) hết sức dễ hiểu.

Các họa sĩ gặp nhau tại triển lãm chung.

Nếu bạn tới những đất nước xa lạ dùng hệ chữ gốc Trung Hoa hay Ả Rập thì mắt như nhìn vào bức vách. Nhưng một vài tấm biển chỉ dẫn có hình vẽ sẽ làm bạn dễ thở hơn nhiều. Đơn giản như hình vẽ nhà vệ sinh thì nó là sản phẩm quốc tế hóa toàn diện. Để làm được điều đó, thế giới không chỉ sáng tạo mà còn tổ chức các hội nghị chuẩn hóa các icon để 7 tỷ con người không bị lúng túng.

Người hiện đại phải cảm ơn các họa sĩ nguyên thủy đã dùng nhựa cây, bột đá, vẽ lên hang động vô cùng nhiều hình vẽ giúp chúng ta hình dung tổ tiên đã sinh tồn cùng muôn loài ra sao. Nhìn sang châu Âu thì suốt mười mấy thế kỷ, họa sĩ chỉ xoay quanh đề tài tôn giáo và sau này là hoàng gia. Gần như mọi mặt đời sống bị bỏ quên.

Các họa sĩ châu Âu đã sốc khi lần đầu tiên được tận mắt thấy tranh khắc của Nhật Bản với hình thức giấy gói hàng. Những bức tranh tuyệt đẹp được sử dụng với vai trò vô cùng khiêm tốn. Ở đây, người ta có thể thấy nguồn đề tài vô tận. Bất cứ điều to nhỏ nào cũng có thể là đối tượng vẽ. Ngay cả chuyện phòng the thì với nét bút tài tình của họa sĩ Nhật Bản đã trở nên dễ chấp nhận và rất hấp dẫn.

Hội họa châu Âu đã chuyển biến với trào lưu Nhật Bản. Thiên tài Van Gogh là người rất chăm chỉ chép tranh Nhật Bản. Từ đây, cách tiếp cận đường nét đã phá bỏ khuôn thước và đặt nền móng cho các trào lưu sáng tạo đồ họa suốt thế kỷ 20 và 21.

Công nghệ in khắc gỗ Á Đông phát triển sớm là nguyên nhân cho các bức họa trở nên khúc triết. Các họa sĩ chỉ dựa vào đường nét đồ họa chứ không thể vờn màu được. Chính vì vậy, các bộ minh họa khắc gỗ bao giờ cũng sáng sủa hắc bạch phân minh. Phong cách này được tiếp nối và thể hiện rõ qua các bộ truyện tranh nổi tiếng Tây Du Ký, Tam Quốc.

Khi công nghệ in Gutenberg được ra đời từ thế kỷ 15 thì sách in phát triển khắp châu Âu. Minh họa đi kèm sách là điều không thể thiếu. Sách sử dụng minh họa từ lớn đến nhỏ bằng cái vinette trang trí cuối chương.

Khi chưa có máy ảnh thì các nhà thám hiểm bất lực khi mô tả về những miền đất họ khám phá. Vì vậy, các tàu thám hiểm bao giờ cũng có họa sỹ đi cùng. Các họa sĩ này vẽ rất chính xác con người, phong cảnh, cây cỏ, con vật nơi họ tới. Yêu cầu này giản dị nhưng lại đòi hỏi trình độ cơ bản của họa sĩ phải cực hoàn hảo. Gần đây, một số sách cũ của Pháp được in lại cũng cung cấp không ít hình ảnh An Nam qua nét vẽ của người Pháp.

Máy ảnh ra đời đã làm hội họa chao đảo nhưng ảnh vẫn không thể thay hoàn toàn cho minh họa trên báo và tạp chí.

Mỗi một sự kiện xảy ra, một cuộc xung đột, một thảm họa...; ảnh sẽ tạo cảm xúc và sự chân thực ngay tức thì. Trăm nghe không bằng một thấy. Tuy nhiên ảnh chỉ cung cấp hình ảnh trực quan chứ không tham dự vào quá trình thuyết trình cho vấn đề. Việc này minh họa đảm nhiệm. Đặc biệt có những trường hợp phóng viên ảnh không thể, không được phép tới nơi hoặc không thể tới nơi nếu điều muốn nói lại ở nhiều thế kỷ trước. Với nét vẽ, vấn đề rắc rối trở nên mạch lạc. Nét vẽ có thể trình diễn toàn bộ câu chuyện, có thể xuyên cắt qua công trình, vật thể...

Thí dụ việc minh họa cho cuộc tập kích tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. Chỉ có nét vẽ mới cắt được khu nhà cho độc giả thấy rõ Bin Laden ở vị trí nào. Đặc nhiệm tập kích ra sao. Tương tự như vậy là các vụ đánh bom liều chết giữa lòng châu Âu gần đây hay chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Cả một trang báo, đôi khi chỉ cần hình vẽ là đủ. Viết thêm nghìn chữ thành thừa. Minh họa không chỉ cho thấy một trạng thái mà diễn tả cả chiến dịch. Ảnh cho độc giả thấy. Minh họa cho độc giả hiểu.

Trong truyền thông thì thị giác không bao giờ có vai trò thứ nhì. Vì thế hình ảnh, hình vẽ luôn là tâm điểm gây chú ý cao nhất trên các ấn phẩm. Minh họa không chỉ trình diễn lát cắt vấn đề mà còn tạo tiến trình câu chuyện dài hơi, cho người đọc nhìn thấy rõ bản chất nguồn gốc tình thế của một cuộc khủng hoảng di cư, một thảm họa thiên tai…

Các vấn đề khó nói như chính trị dễ làm chạnh lòng các quốc gia được minh họa thể hiện sáng sủa, thậm chí hài hước và nhẹ như lông hồng.

Hãy tưởng tượng, dùng ảnh chụp để minh họa một ca mổ thì độc giả có dám cầm tờ báo mà nhìn không. Đừng lo. Việc này đã có họa sĩ vẽ. Hãy tưởng tượng một chiến dịch truyền thông hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình. Nếu dùng ảnh chụp liệu có phản cảm không? Đừng lo. Đã có họa sĩ vẽ.

Một minh họa Nguyễn Đăng Phú trên Văn nghệ Công an.

Để các hội thảo không bị chán ngấy với những tập tài liệu trăm trang. Đừng lo đã có họa sĩ minh họa bằng infographic (thông tin đồ họa). Cả một lịch sử dài có thể chỉ gói trong một sơ đồ thoáng mát.

Bên cạnh việc vẽ cho đẹp, phải thấy rõ, vẽ để bán hàng tốt hơn. Trong cơ chế thị trường thì cái đẹp cũng phải năng động. Minh họa cần phối hợp với các yếu tố khác để có sản phẩm ăn khách nhất có thể.

Thấy rõ sự biểu đạt sâu của minh họa nên từ nhiều năm nay, các ấn phẩm của Báo Công an nhân dân như An ninh thế giới Cuối tháng - Giữa tháng, Văn nghệ Công an, Cảnh sát Toàn cầu… khai thác khá bền bỉ dạng minh họa với phong cách trào lộng. Câu chuyện của chữ và câu chuyện của hình có thể là một, có thể đồng điệu và có những sáng tạo riêng biệt, nhưng đầy trào lộng và nói hết được bản chất câu chuyện. Độc giả đánh giá tích cực xu hướng này với những tác giả biếm như Hữu Khoa, Lê Tâm, Lê Phương… Họa sĩ vẽ minh họa luôn đồng hành cùng tác phẩm nào đó nên ý thức cộng sinh vô cùng quan trọng. Họa sĩ biết rõ tỷ lệ bao nhiêu cái tôi, bao nhiêu cái ta trong bức vẽ. Điều quan trọng là họa sĩ phải có tư duy đủ sâu để hiểu rõ tác phẩm gốc.

Một biên tập viên Báo Văn nghệ nói rằng: Có những tác phẩm “đỗ vớt” cho in. Có minh họa vào tự nhiên thấy đáng đọc. Cái này là công hay tội của họa sĩ đây?

Cho đến nửa cuối của thế kỷ 20 thì mọi minh họa của chúng ta vẫn phải khắc gỗ. Họa sĩ vẽ xong, có thợ khắc lại để in hàng loạt. Sự gián tiếp khiến nét vẽ của tác giả phải vẽ tối giản hơn và ít phần thừa. Thời in offset thì họa sĩ có thể vẽ đủ màu theo ý mình vì tranh sẽ được chụp lại thành bản kẽm và sản phẩm tái tạo từng nét vờn nhỏ nhất.

Thời công nghệ máy tính lại chắp cánh cho họa sĩ bằng các phần mềm mô phỏng nét vẽ như thật. Họa sĩ dùng chuột có thể diễn tả đường nét như màu nước, sơn dầu, chì, phấn màu bằng đủ loại phần mềm như Adobe Photoshop, Corel Painter… Ngày xưa vẽ xong trên giấy can phải đợi phơi cho khô. Phần mềm giúp cho bức tranh vẽ đến đâu “khô “ đến đó. Câu hỏi bây giờ không phải là điều kiện gì mà là tài năng đâu?

Triển lãm minh họa lần này thu hút trên 40 họa sĩ tham gia. Trong đó một phần lớn là cộng tác viên thân thiết của Văn nghệ Công an. Các họa sĩ đều đang độ chín. Một số người còn viết văn xuôi, thơ như họa sĩ Lê Trí Dũng, Lê Tiến Vượng, Ngô Xuân Khôi… Viết nhiều cũng là một lợi thế khi các anh thẩm tác phẩm để có độ thâm hậu trong bút pháp. Minh họa văn nghệ không đòi hỏi như một ghi chép tư liệu, nhưng bút pháp phải bay bổng trên đôi cánh thi ca.

Vẽ được như vậy đòi hỏi phải đủ duyên trong nét vẽ tài hoa. Minh họa Văn nghệ thường không quá nặng nhọc. Họa sĩ cần nhìn thấy mắt của câu chuyện để đưa vào là xong. Có thể thấy điều này trong minh họa Văn nghệ Công an của Phạm Minh Hải, Thành Chương, Nguyễn Đăng Phú, Đỗ Dũng, Hà Trí Hiếu, Lương Xuân Đoàn, Đào Quốc Huy, Tô Chiêm…

Vẽ tranh được chưa chắc đã minh họa nổi. Không ít họa sĩ đã minh họa một thời gian rồi bỏ. Có thể chưa đủ say nó, chưa đủ bút lực và có thể chưa đủ khả năng đáp ứng áp lực tiến độ. Thời gian vẽ không bao giờ dài hạn mà thường nay đưa mai lấy, sáng đưa chiều lấy. Họa sĩ chả khác nào 113, í ới gọi nhau toàn trên Facebook.

Ngược thời gian, ngẫm lại, mọi thăng trầm của cách mạng Việt Nam, từ gian khó tới thắng lợi, chưa khi nào vai trò minh họa vắng mặt. Các họa sĩ, chiến sĩ đã đồng hành cùng công tác tuyên truyền bền bỉ nhiều thập kỷ. Trong mọi chiến thắng, vai trò của các họa sĩ đáng tự hào cho dù họ chưa bao giờ tự nói về mình.

Nói chung người đời có định kiến tranh giá vẽ mới là tác phẩm. Minh họa chỉ là tác phẩm “bia kèm lạc”. Thực ra tầm của tác phẩm không giới hạn bởi đề tài và chất liệu. Một trường ca bất tận đôi khi không đủ thấm bằng một bài thơ. Không ít các bức minh họa được các nhà sưu tầm săn tìm và hiện nằm trong các bộ sưu tập ngoại quốc.

Nói vậy thể độc giả thấy, minh họa tồn tại không chỉ để cho vui mắt mà là không thể thiếu. Các họa sĩ minh họa đang làm điều chúng ta cần.

Mỹ An
.
.