Tôi đã học từ anh Phạm Tiến Duật
- Nhớ Phạm Tiến Duật
- Nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Một người rất cô đơn..."
- Phạm Tiến Duật: Nhà thơ của những sự thiếu hụt
1.Năm 1973, khi đi dọc Trường Sơn, trong ba lô của cánh lính trẻ thuở ấy, có những tập thơ đáng nhớ: "Đất ngoại ô" của Nguyễn Khoa Điềm, "Cây xanh đất lửa" của Nguyễn Đức Mậu", "Thơ giải thưởng Báo Văn nghệ 1969"… Riêng "Thơ giải thưởng Báo Văn nghệ 1969" được chúng tôi chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Không ít người đã mê mẩn chùm thơ đoạt giải nhất: "Lửa đèn", "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Gửi em cô thanh niên xung phong", "Nhớ" của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Những câu: "Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là Thạch nhọn", "Không có kính không phải vì xe không có kính", "Cái vết thương xoàng mà đưa viện"… luôn được nhiều đồng đội của tôi nhập tâm vì sử dụng ngôn ngữ rất gần gũi, đời thường và rất lính tráng của tác giả.
Ban đầu, khi đọc "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Nhớ" (lời một chiến sĩ lái xe), chúng tôi cứ ngỡ Phạm Tiến Duật là một người lính lái xe. Sau này mới biết: Phạm Tiến Duật lúc đó đang là phóng viên mặt trận của Báo Trường Sơn và do đi thực tế thường xuyên bằng ôtô vận tải trên đường 559, mà anh viết được hai bài thơ trên.
Phải nói là ngày ấy, thơ Phạm Tiến Duật có ảnh hưởng lớn đến những người yêu thơ, nhất là những người đang tại ngũ, đang có mặt ở chiến trường, đang ngày đêm làm nhiệm vụ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai" (Tố Hữu).
Mà ngày ấy, "phơi phới dậy tương lai" hay "đường ra trận mùa này đẹp lắm" (một câu thơ trong "Trường Sơn đông Trường Sơn tây" cũng của Phạm Tiến Duật) là một hiện thực, một tâm thế có thật. Bản thân tôi, khi vượt Trường Sơn, vào chiến trường B2, cũng đã nhập vào một không khí rạo rực và hào hứng rất tự nhiên như vậy. Tôi nghĩ đó là "sức mạnh tinh thần" của những người trai thời chiến, của cả một dân tộc được đưa vào thơ và chỉ có những ai trong cuộc mới thực sự thấm thía, cảm nhận được điều này.
Đã không ít người lính đọc thơ của "thi sĩ Trường Sơn" và có một đồng đội của tôi - một người cầm bút ở thuở ban đầu tâm sự: "Rõ ràng cái điệu tâm hồn trong thơ Phạm Tiến Duật đã khác, nếu so với thơ mới, thơ chống Pháp và cả những người khác trong cùng thế hệ thơ chống Mỹ.
Thơ Phạm Tiến Duật tuy rất thơ, vẫn thơ nhưng lại có cách diễn đạt gần với văn xuôi. Có vẻ như anh chú trọng tổng thể hơn là chi tiết, "thượng ý' chứ không "thượng từ". Đặc biệt là khả năng lật ngược vấn đề với nhiều phát hiện khác biệt, bất ngờ trong "Đèo Ngang" với "Bao nhiêu người làm thơ đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc", trong "Tiếng bom ở Seng Phan" với "Thế đấy ở chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ". Anh đã mở ra một lối viết, lối tiếp cận…Tôi muốn viết được như anh".
Có lẽ tâm sự này không chỉ của riêng một đồng đội của tôi, mà còn của nhiều người khác nữa. Rất nhiều năm sau, có lần tôi đã nghe nhà thơ Nguyễn Hồng Hà - người được coi là "người lính ít lời" trong thơ, nói: "Ban đầu, tôi muốn làm thơ theo cách Phạm Tiến Duật, vì tưởng làm thơ như thế thì không khó. Nhưng sau, tôi mới hay: Làm thơ như thế, cũng khó lắm. Vả lại, nếu làm thơ có giống thiên tài thì dù thế nào, cũng vẫn là "bản sao". Vì thế, tôi đã làm thơ theo kiểu của tôi".
2.Phạm Tiến Duật là người đọc nhiều và hiểu rất sâu về thơ. Sinh thời, nhiều lần, trước các nhà thơ trẻ, anh thường nhắc đến những câu thơ đặc biệt ấn tượng trong bài "Dạo chơi buổi tối" của Nazim Hikmét và trong bài "Sau trận đánh" của Victo Hugo.
Đây là những câu trong "Dạo chơi buổi tối" qua bản dịch của Xuân Diệu: "Anh mới ra tù/ Và tức khắc/Anh đã làm vợ anh có chửa".
Còn đây là nguyên văn "Sau trận đánh" qua bản dịch của Khương Hữu Dụng: "Cha tôi người anh hùng với nụ cười hiền dịu/ Cùng một tên lính hầu thân cận người thương/ Vì tầm vóc trượng phu và lòng dũng cảm phi thường/ Giong ruổi buổi chiều sau trận đánh/ Chiến trường xác ngổn ngang đêm xuống lạnh/ Có tiếng kêu yếu ớt vẳng bên đường tường/ Một tên lính Tây Ban Nha thuộc đám bại quân/ Nằm rên rỉ máu đầy người bê bết/ Mặt tái nhợt như chỉ còn đợi chết: "Cho tôi… xin… hớp nước… làm ơn!"/ Cha tôi mủi lòng nhìn kẻ bị thương/ Tháo bình rượu sau yên trao cho người lính hầu trung dũng/ Và bảo: "Ngươi cầm lấy rót cho hắn uống"/ Trong lúc người cận vệ nghiêng mình/ Đưa bình rượu… tên bại binh/ Thình lình giơ súng lên quyết liệt/ Nhằm trán cha tôi la to: "Mày phải chết!"/ Viên đạn bay quá gần làm chiếc mũ bắn tung/ Và con ngựa nhảy lui một bước hãi hùng/ Cha tôi nói: "Cứ cho hắn uống".
Chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh. |
Phạm Tiến Duật bảo: "Thoạt đọc, thấy những câu thơ trên rất gần văn xuôi, rất gần với một câu chuyện kể và nhiều người rất dễ bỏ qua. Nhưng đọc kỹ, mới thấy ở trong chúng, hàm lượng và giá trị tư tưởng rất cao. Những câu thơ của Nazim Hikmét có ý tố cáo nhà tù của bọn phát xít đã giam cầm cả sự sinh sôi nữa.
Bởi thế cho nên mới có chuyện: "Anh mới ra tù/ Và tức khắc/ anh đã làm vợ anh có chửa". Còn cả bài thơ của Victo Hugo nhằm ca ngợi tính nhân bản lớn lao của một vị tướng. Ngay cả khi ra tay làm vơi cơn khát kẻ thù của mình, rồi bị kẻ thù của mình đã ra tay cứu vớt bắn, mà trước khi từ giã cõi đời, vị tướng vẫn nói: "Cứ cho hắn uống". Viết được những tứ thơ như thế là rất khó. Đó là những điều giản dị khó làm. Nên nhớ, giản dị khác với đơn giản, nhưng phải là giản dị khó làm kia, mới đáng được đánh giá cao. Ý tại ngôn ngoại của thơ, cũng là vậy".
Phạm Tiến Duật cũng là người coi trọng những nhà thơ có những câu thơ hạng nhất. Anh bảo: "Thi Hoàng ít nhất có hai câu thơ hạng nhất: "Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc". Chế Lan Viên ít nhất có một câu thơ hạng nhất: "Anh nhớ em như đông về nhớ rét". Nói ít nhất vì cả Thi Hoàng và Chế Lan Viên vẫn còn những câu thơ hạng nhất khác.
Riêng câu: "Anh nhớ em như đông về nhớ rét", quá hay, vì nó được viết như không, như bắt được vậy! Bởi vì đã nói đến mùa đông là nói đến rét. Không có rét thì làm sao ra mùa đông. Nhớ em đến thế là cùng kỳ cả lý lẫn tình rồi còn gì.
3.Phạm Tiến Duật là người sắc sảo, thông minh và rất tinh thông trong nghề. Khi nhận xét về một người làm thơ, anh cũng bộc lộ mình rất rõ. Anh từng khuyên một nhà thơ trẻ: "Khi một người làm thơ mà lúc thì giống nông dân, lúc thì giống công nhân, lúc thì giống trí thức… là anh đã pha loãng và uốn éo cá tính của mình rồi đấy. Cần phải biến cá tính của mình thành cá tính của ngòi bút và gìn giữ được cá tính của mình.
Mà cá tính, suy cho cùng cũng chính là sự khác biệt và độc đáo của mỗi cuộc đời cầm bút". Anh từng nhắc nhở khéo một người làm thơ thực thà như đếm: "Nói về thuộc tính của một sự vật mà nó vốn có, tức là chưa nói gì. Đọc thơ bạn, tôi có cảm giác bạn quê ở... Thế có đúng là quê bạn ở trong ấy không?".
Anh cảnh tỉnh khéo một người làm thơ trùng với đề tài của người khác: "Khi cầm bút viết một bài thơ giống với tên một bài thơ người khác, rất cần phải dè chừng. Nếu không hơn họ thì đừng viết, nếu hơn họ thì hãy viết. Cần phải biết sợ và biết không sợ.
Tuyển tập của nhà thơ Phạm Tiến Duật được bạn bè đồng nghiệp biên soạn trước khi nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời. |
Âu cũng là chữ "biết" trong việc làm thơ vậy!" Anh nói với một người ưa chạy theo hình thức trong thơ: "Hình thức có gì quá quan trọng lắm đâu. Nội dung bao giờ cũng đẻ ra hình thức. Hay nói một cách khác: Nội dung luôn là cái gốc, còn hình thức chỉ là cái ngọn.
Bây giờ, nếu cậu viết được một bài, không phải là thơ, cũng không phải là văn, mà là "the", lại rất hay, thì bạn đọc vẫn chấp nhận như thường". Anh nói với một người quá thiết tha trong việc thơ được đăng báo, cho dù chất lượng chưa đạt chuẩn, cố viết mãi cũng không đạt chuẩn: "Nếu đăng bài thơ này lên mà cứu được một mối tình hoặc làm cho mẹ cậu sống thêm được mấy năm, thì tôi sẵn sàng… Nhưng chỉ đăng duy nhất một lần thôi nhé!".
Năm 1980, vừa viết xong bài thơ "Tiễn người bên bến nước sông Thương", tôi đã vội vã gửi đến Báo Văn nghệ. Khi đọc mấy câu: "Người đi có nhớ sông Thương/ Bến nước rợp trời chim trắng/ Đôi mắt ai như hai dấu nặng…", anh lắc đầu: Câu "Đôi mắt ai như hai dấu nặng" không ổn. Em định viết về đôi mắt của người mù sao? Trong thơ, rất cần lựa từ, chọn chữ. Em phải sửa ngay câu thơ này đi".
Đôi khi, Phạm Tiến Duật còn là người rất hoạt và rất có hàm ý khi trong vai người viết phê bình văn học. Có lần, nhận xét về một nhà thơ đoạt giải Hội Nhà văn trong năm, anh viết: "Thú thực, trước 1975, tôi chưa biết nhà thơ này là ai". Có lần, nhận xét mang tính tổng kết về một cuộc thi thơ không mấy thành công, anh giật cái tít: "Màu xanh cùng với chân trời ló ra…".
Phạm Tiến Duật được coi là "Người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ", "Con chim lửa Trường Sơn"… Tôi đã học từ anh nhiều điều bổ ích và sâu sắc qua nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ. Đó cũng may mắn trong cuộc đời làm thơ của tôi ở thủa ban đầu.