Tìm được mộ anh trai nhờ một bài thơ phổ nhạc
Người anh trai cả của Hằng là Nghiêm Xuân Phú. Mặc dù anh em rất yêu quý nhau nhưng do phương tiện giao thông hồi ấy khó khăn, suốt tuổi thơ, Hằng cũng chỉ được gặp anh vài ba lần. Lần cuối cùng anh đã là bộ đội hành quân qua Vĩnh Tường ghé vào nhà cậu chia tay em để vào
Tới nay, Nghiêm Thị Hằng đã có khá nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có những nhạc sĩ tên tuổi như Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Huy Thục, Thanh Phúc, Cầm Phong, Thế Song, Đoàn Bổng... nhưng bài được nhiều người hát nhất lại là "Mùa hoa cải", do nhạc sĩ Lê Vinh phổ. Mặc dù Lê Vinh không phổ nguyên như lời thơ, nhưng hồn cốt thì vẫn trung thành với thi phẩm. Hằng cho rằng, sở dĩ bài hát này phỏng thơ của chị thành công là bởi có căn cớ của nó, không thể không kể đến yếu tố tâm linh. Ấy là một lần chị nhớ tới người anh trai Nghiêm Xuân Phú và cuộc chia tay lần cuối ven bãi sông Hồng vàng rực màu hoa cải. Hằng hình dung ra bao nhiêu cặp trai gái, vợ chồng cũng từng chia tay nhau bên bãi sông vàng rực màu hoa cải như thế, rồi người đàn ông ra đi không về nữa, y như anh trai của chị vậy. Thế là cảm xúc dâng lên mãnh liệt trào ra ngọn bút, thành bài thơ.
Được sự trợ lực tài hoa của nhạc sĩ Lê Vinh, bài hát trở thành một nhạc phẩm được nhiều người yêu thích, nhất là vào cái tháng bảy tri âm thương binh liệt sĩ, người ta không thể không hát: "Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đang thì con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng/ Có một mùa hoa cải/ Nắng vàng trong mê mải/ Cầm tay em bối rối/ Anh nói lời yêu thương/ Anh nói rồi anh đi/ Chiến tranh không ước hẹn/ Sợ làm con bướm trắng/ Thẫn thờ chiều bên sông...".
Thế rồi vào cái đêm mùng 6 tết năm Bính Tý (1996), trong giấc ngủ Hằng đang mơ thấy mình hát say mê những lời như thế thì thấy Nghiêm Xuân Phú hiện về trò chuyện với chị. Anh mặc quân phục rất mới. Anh nói chuyện với cô em gái mấy câu rồi quay đi. Những câu nói như một tín hiệu báo rằng, Hằng có thể tìm thấy nơi anh nằm, nếu chị muốn.
Nhân ngày giỗ anh vào mùng 8 tết , Hằng đem chuyện này kể với gia đình.
Căn cứ vào lời anh Phú nói với Hằng trong giấc mơ: "Em hãy tra sổ danh bạ khắc biết số điện thoại của anh", Hằng cho rằng anh có ý nói giấy tờ gốc của anh có tên đơn vị hoặc giấy báo tử có những con số cần suy ra được, như số hiệu quân nhân, đơn vị, khu vực hòm thư... Cuối cùng Hằng nói về ý định đi tìm mộ anh. Mọi người đồng tình, nhưng chỉ e khó khăn về kinh phí. Hằng nói dù chị không khá giả gì, nhưng chị sẽ tự lo được. Hôm sau Hằng cầm giấy báo tử Nghiêm Xuân Phú đến Bộ Quốc phòng nhờ bạn tra sổ giúp. Nhưng phải đợi đến tháng 5 năm 1996, gia đình mới nhận được thông tin: Nghiêm Xuân Phú hy sinh ở Gò Hà, huyện Hòa Vang, Quảng
Gần cuối tháng 9, bạn Hằng ở Bộ Quốc phòng cho chị biết có anh Viêm và anh Hoàng ở Quân khu V ra Hà Nội họp, sẽ gửi chị đi theo hai anh vào Đà Nẵng. Trước khi lên đường, Hằng còn viết bài thơ "Tìm viếng mộ anh" thay cho lời khấn: “Trong ngàn nấm mộ vô danh/ Em đi tìm viếng mộ anh, em tìm/ Khấn trời lạy đất linh thiêng/ Chỉ cho em một chốn riêng anh nằm/ Đừng như cá lặn biệt tăm/ Như chim lẻ bóng xa xăm cuối trời/ Mẹ cha mất đã lâu rồi/ Trước khi nhắm mắt lòng người còn đau/ Dặn anh em phải tìm nhau/ Nắm xương ruột thịt ở đâu cũng tìm...” (về sau bài thơ này được một số nhạc sĩ phổ thành ca khúc).
Ngày 26 tháng 9 năm1996, Hằng từ Hà Nội đi tàu vào Đà Nẵng.
Những ngày này Đà Nẵng đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6. Bước chân xuống tàu, vẫn quần áo dính nước ẩm ướt, Hằng đi về nhà khách quân khu V. Nghỉ ngơi chốc lát, Hằng lấy bộ váy đầm (thời ấy phụ nữ mặc váy dài liền mảnh) ra thay vì nghĩ rằng làm việc ở thành phố mặc như vậy cũng được. Đầu giờ chiều ngày 27/ 9, anh Viêm - cán bộ cơ yếu quân khu V (người đi cùng Hằng từ Hà Nội vào Đà Nẵng) quân phục chỉnh tề đưa xe máy đón Hằng đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đăng ký làm việc với phòng chính sách. Tại đây, hai anh trực ban đeo hàm thiếu tá tận tình giúp đỡ nhưng cuối cùng họ bảo không thấy tên anh Nghiêm Xuân Phú trong danh sách nghĩa trang liệt sĩ do Bộ chỉ huy quản lý. Họ là cán bộ trẻ nên cũng không biết Gò Hà, địa danh ghi trong giấy báo tử, ở đâu.
Anh Viêm đưa Hằng sang quân khu V, xin đăng ký làm việc thì cảnh vệ không cho vào với lý do Hằng mặc váy. Nếu quay về nhà khách để thay quần áo thì sẽ hết giờ làm việc, Hằng nói với anh Viêm:
- Anh đưa em xuống Phòng Thương binh xã hội huyện Hòa Vang hỏi những người tầm tuổi với anh trai em, cùng chiến đấu thời gian đó với anh em, may ra...
Tới huyện Hòa Vang, hỏi thăm vòng vèo mãi cuối cùng cũng tìm được Phòng Thương binh xã hội. Đã gần cuối giờ chiều, nhưng may mắn gặp được anh Búc phó phòng. Anh Búc nói ngay rằng trận đánh nổi tiếng ở Đà Nẵng là trận Gò Cà, nhưng khi đánh xong quân ta rút về Gò Hà thuộc xã Hòa Khương để lo mai táng liệt sĩ, cứu chữa thương binh và củng cố lực lượng. Thế là nhờ có anh Búc, Hằng đã xác định được Gò Hà thuộc xã Hòa Khương, cái nút đầu tiên của cuộc tìm kiếm nơi yên nghỉ của anh trai. Anh Búc còn bảo Hằng:
- Anh của em thật thiêng, nếu em không đến phòng vào chiều nay thì mai tôi đi họp ba ngày, không có ai đưa sổ liệt sĩ để mà tra tìm.
Cũng giống lúc tra tìm ở tỉnh đội, mở qua trang 1, trang 2, rồi trang 3 cuốn sổ mộ chí liệt sĩ xã Hòa Khương, Hằng cũng chỉ thấy một liệt sĩ cũng tên là Phú quê xã Đông Ngạc, gần với xã Cổ Nhuế, quê nội Hằng. Hằng lấy giấy bút ghi trường hợp này để về báo cho gia đình anh. Trong khi Hằng đang ghi tên người liệt sĩ quê ở Đông Ngạc thì anh Viêm reo lên:
- Anh của em đây rồi.
Hằng buông bút, nhoài người sang phía anh Viêm, hai tay ôm vội lấy cuốn sổ. Đúng rồi, anh Nghiêm Xuân Phú của Hằng đây rồi. Hằng òa lên khóc nức nở.
Suốt đêm ấy Hằng không sao ngủ được, cứ phấp phỏng mong sao trời chóng sáng.
Sáng hôm sau trời đã ngớt mưa, anh Viêm và anh Hoàng đến đón Hằng xuống xã Hòa Khương. Hằng ghé qua chợ mua mấy thứ cần thiết, từ túi ni lông đựng hài cốt đến vải trắng, vải đỏ, dầu gió, dầu thơm, xôi gà, hoa quả, đổi tiền chẵn ra tiền lẻ để thả dọc đường khi qua cầu phà…
Sau khi kiểm tra danh sách mộ liệt sĩ tại UBND xã, cán bộ cho biết ở nghĩa trang Hòa Khương hiện có 800 mộ liệt sĩ. Vào qua cổng nghĩa trang, các anh cán bộ xã đi sau, Hằng đi trước. Đang đi tự dưng Hằng ngã khuỵu xuống. Như một linh báo, Hằng ngẩng lên thì nhìn thấy tấm bia đúc bằng xi măng trên một ngôi mộ có khắc tên anh trai mình, kèm theo là dòng trích ngang quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh. Lặng đi một lát, Hằng đứng dậy bật lửa thắp hương lên mộ anh trai và các ngôi mộ xung quanh. Lúc bấy giờ trời lặng gió, không khí vẫn còn ẩm ướt vì mưa lớn, vậy mà cả bó hương trên mộ anh trai Hằng bùng bùng bốc cháy.
Làm các thủ tục xong, buổi chiều bắt đầu bốc mộ.
Sau khi đào sâu khoảng hơn một mét, dưới tầng cát trắng thấy có đám đất mùn nâu, người đào mộ cho rằng có thể anh trai Hằng chết trẻ nên xương cốt đã mủn hết rồi. Hằng khóc và nói với vong linh anh:
- Là nhà báo, từng viết nhiều bài về tìm hài cốt liệt sĩ, em biết răng không tan, xương sọ, xương ống không tan, vậy chẳng lẽ anh báo mộng em tìm được mộ anh mà lại không có cốt?
Hằng đề nghị người bốc mộ đào sâu mấy lớp xẻng nữa thì thấy toàn bộ hài cốt của anh trai xuất hiện. Hóa ra khi quy tập mộ hồi đó không có tiểu, chỉ lấy vải mộc bọc xương. Cũng may ở vùng này cát trắng nên xương khô và rất sạch.
Công việc bốc mộ vừa xong thì cơm mưa lại kéo đến. Mưa sụt sùi như khóc. Mọi người lên lễ đài nghĩa trang làm lễ. Hài cốt liệt sĩ Nghiêm Xuân Phú được bọc ni lông, xếp gọn trong một túi du lịch. Mưa tạnh. Hằng đeo túi hài cốt của anh, cảm ơn cán bộ, nhân dân xã Hòa Khương, cúi đầu chắp tay tạ mảnh đất đã cưu mang anh trai mình...
Sáng 30/9, tàu về đến Hà Nội. Hằng thuê một chuyến xe đưa hài cốt anh về quê. Nghiêm Xuân Phú là liệt sĩ đầu tiên của xã Cổ Nhuế cũng như huyện Từ Liêm được trở về quê hương sau gần 30 năm yên nghỉ nơi nghĩa trang chiến trường. Anh đã trở về sau giấc mơ thần bí, trong đó có lời bài hát "Mùa hoa cải" của cô em gái - nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Mộ anh được đặt trong nghĩa trang, gần mộ người cha. Được ở bên con trai, hẳn vong hồn cụ ông đã thanh thản nơi chín suối