Tiểu thuyết “Bố già” ra đời vì... tiền

Thứ Tư, 01/03/2006, 09:02

Độc giả Việt Nam hẳn không xa lạ gì với “Bố già” - cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhất về giới giang hồ, mafia ở Mỹ. Nhà văn Mario Puzo, cha đẻ của “Bố già” lại thú nhận rằng ông không hề hào hứng khi viết cuốn sách bán chạy nhất này, ông chỉ viết nó vì đang... túng tiền!

Mario Puzo sinh năm 1920, trong một gia đình người Italia nhập cư sang Mỹ. Cha mẹ Mario hoàn toàn mù chữ và tuổi thơ của cậu bé này đã trôi qua “dưới đáy” xã hội ở New York. Trong Chiến tranh thế giới II, Mario Puzo phục vụ trong quân đội Mỹ. Ông từng có mặt trên chiến trường nước Đức và vùng Đông Á. Sau đó Puzo học Cao đẳng Khoa học Xã hội New YorkĐại học Tổng hợp Colombia rồi công tác gần 20 năm tại các cơ quan của Chính phủ ở New York và nước ngoài.

Năm 1955, Puzo cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Đấu trường đen”. Đây không phải là một cuốn sách về mafia mà về cuộc đời một chàng cựu binh Mỹ trong bối cảnh thành phố Berlin hoang tàn sau chiến tranh với những vụ áp phe, buôn lậu, lừa đảo và cả những mối quan hệ nồng ấm tình người. Tuy nhiên, “Đấu trường đen” không thuộc số những cuốn sách ấn tượng nhất của Puzo.

Từ năm 1963, Mario Puzo bắt đầu tác nghiệp như một phóng viên tự do, đồng thời coi viết văn là công việc nghiêm túc của mình. Năm 1969, với sự xuất hiện lừng lẫy của “Bố già”, Puzo đã trở thành nhà văn được cả thế giới ngưỡng mộ. Suốt một thời gian dài, “Bố già” luôn chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất hành tinh. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có con số xuất bản đáng kinh ngạc: 11 triệu bản trong năm 1969 và 21 triệu bản tính đến tháng 7/1999.

Bố già Don Vito Corleone trong tiểu thuyết của ông và những sự kiện bạo liệt quanh ông ta dường như được bao phủ bởi một màu sắc lãng mạn khiến cuốn sách có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuy nhiên Puzo không chỉ dừng lại ở việc lãng mạn hóa “Bố già”. Tác giả đã xây dựng câu chuyện dựa trên những chất liệu có thật, đã tiểu thuyết hóa các nhân vật bằng những nét miêu tả chân chất. Nhiều tư liệu gần đây về mafia cho biết bố già ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh đầu tiên của giới mafia Italia di cư sang Mỹ. Ông này cầm đầu giới giang hồ ở Sicily (Italia) và sau đó là thống soái của nhóm “Bàn tay đen”, tiền thân của mafia Mỹ.

Tuy nhiên, bản thân Puzo thì nói rằng ông chưa bao giờ tiếp cận với một tay gangster bằng xương bằng thịt, rằng nguyên mẫu cho nhân vật bố già chẳng phải ai xa lạ mà chính là mẹ ông, một phụ nữ Italia nhập cư đã phải làm mọi thứ để có thể nuôi sống con cái và giữ cho gia đình hòa thuận. Trong cuốn “Bố già” Puzo cũng cẩn thận ghi chú rằng: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có đều là ngẫu nhiên… Độc giả cũng như giới phê bình đều công nhận rằng, Puzo đã miêu tả thế giới của Bố già tuyệt vời đến nỗi có người còn ngờ ông là “tay trong” của mafia.

Năm 1972 Francis Coppola đã chuyển thể “Bố già” thành phim. Sau đó vị đạo diễn tên tuổi này lại đề nghị Puzo hợp tác để viết tiếp kịch bản “Bố già II”. Bộ phim bất hủ này đã đi vào lịch sử Hollywood và điện ảnh thế giới với các giải Oscar cho phim hay nhất và cho kịch bản hay nhất. Vai diễn Bố già cũng đem đến cho hai diễn viên gạo cội Marlon Brando và Robert De Niro 2 giải Oscar. Kịch bản cho phim “Bố già III” (xuất hiện trên màn bạc vào năm 1990) cũng được viết chung bởi  Puzo và Coppola.

Puzo tâm sự về việc viết “Bố già” như sau: “Một lần tình cờ có một đồng nghiệp ghé đến chỗ tôi. Tôi đã đưa bản thảo “Fortunate Pilgrim” (bản tiếng Việt là “Đất khách quê người”) cho anh ta đọc. Một tuần sau anh ta quay lại và tuyên bố: Mario là một nhà văn vĩ đại! Tôi rất phấn chấn và đã thết anh bạn một bữa thịnh soạn tại nhà hàng. Trong khi ăn, tôi kể cho anh nghe những câu chuyện về mafia và đọc một vài đoạn trong bản thảo “Bố già”. Bạn tôi đã bị sốc. Một tuần sau anh ấy lại đến và nói rằng đã lên lịch hẹn cho tôi gặp một chủ xuất bản.

Tại cuộc gặp đó, tôi cũng kể rất nhiều về mafia. Ông chủ xuất bản rõ ràng là rất thích. Vì vậy ông ta đặt tôi viết một cuốn tiểu thuyết về những chuyện đó và ứng trước cho tôi 5 nghìn đôla. Chuyện xảy ra như thế đấy. Thật  kỳ lạ và không thể hiểu nổi. Tôi đã bắt tay vào viết “Bố già” nhưng thực lòng không hề thấy hứng thú… Tôi viết cuốn sách trong vòng 3 năm. Thời gian ấy tôi đồng thời còn viết cho Martin Gudman một số truyện phiêu lưu mà không đòi hỏi nhuận bút…--PageBreak--

Còn với “Bố già”, tôi cảm thấy xấu hổ khi nói về điều này, nhưng quả thật tôi đã viết chỉ vì lý do duy nhất là... kẹt tiền. Tôi buộc phải hoàn tất “Bố già” vào tháng 7/1968, bởi vì tôi rất cần đến 1.200 đôla mà nhà xuất bản còn giữ. Trước đó tôi đã đưa vợ con đi nghỉ ở châu Âu và khi trở về thì khoản nợ của chúng tôi đã lên đến 8 nghìn đôla… Tôi đi gặp người trợ lý của mình và thật bất ngờ khi được thông báo: một nhà xuất bản muốn mua bản quyền phát hành “Bố già” với giá 410 ngàn đôla! Tôi gọi điện báo tin tốt lành cho anh trai tôi và quyết định bỏ luôn chân phóng viên hợp đồng ở tờ tạp chí trinh thám để lao vào viết. Trong khoản nhuận bút “Bố già”, tôi dành 10% cho anh tôi, người đã đỡ đần tôi rất nhiều trong suốt thời gian tôi viết tác phẩm này”.

Mafia đã trở thành chủ đề ám ảnh Puzo suốt đời. Những cố gắng của ông nhằm bứt ngòi bút khỏi “thế giới ngầm” ấy dường như đều thất bại. Phần lớn những cuốn sách mà ông viết về chủ đề khác đều không gây tiếng vang. Tuy nhiên, theo lời Puzo, chính cuốn “The Fortunate Pilgrim” (kể về cuộc đấu tranh ngoan cường của một phụ nữ Italia vì sự sống còn của gia đình mình trên đất Mỹ) mà ông cho ra mắt trước “Bố già” mới là tác phẩm văn học hay nhất của ông. Về chủ đề khác ông còn có các cuốn: “Ngu thì chết” (xoay quanh việc kinh doanh cờ bạc); “Người mang họ Kenedy bị ám sát” (nói về bi kịch của gia đình Tổng thống Kenedy).

Năm 1984 ông trở lại đề tài mafia với cuốn “Sicilian khúc ca bi tráng”. Cuốn này đã được Michel Trimino dựng thành phim vào năm 1987. Năm 1991 Puzo suýt bỏ mạng vì nhồi máu cơ tim tại thủ phủ cờ bạc Las Vegas, nơi ông đã nhiều lần mất toi cả gia sản. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, ông lại phục hồi và tiếp tục viết. Năm 1996, Puzo trở lại văn đàn với tiểu thuyết “Bố già cuối cùng”. Ngay sau đó, một xêri phim truyền hình cùng tên đã ra đời. Tác phẩm này cũng kể về gia đình bố già Corleone nhưng ở  thời điểm 30 năm sau.

Ngày 2/7/1999, Mario Puzo qua đời vì bệnh tim tại nhà riêng ở Long Island, thọ 79 tuổi. Trước khi qua đời không lâu, ông còn kịp hoàn thành một  tiểu thuyết nữa về mafia - “Luật Omerta”. Cuốn sách này được ấn hành vào năm 2000. Nhưng đây chưa phải là tác phẩm cuối cùng của Puzo. Mùa thu năm 2001, người ta còn thấy tiểu thuyết “Gia đình” dưới tên Mario Puzo ra đời. Đây là cuốn sách ông chưa kịp hoàn tất và bà Carol Zina, người vợ gắn bó với Puzo suốt 20 năm, đã làm thay ông.

Mùa Giáng sinh 2004, bạn đọc lại thấy xuất hiện một cuốn tiểu thuyết mới với nhan đề “Bố già trở lại”. Tất nhiên, Mario không thể đội mồ sống dậy để viết. Tác giả cuốn sách này là nhà văn Mark Winegardner, người đã chiến thắng trong cuộc thi viết tiếp về gia đình bố già do Nhà xuất bản Random House và Mario Puzo đứng ra tổ chức trước khi ông qua đời. “Bố già trở lại” cũng rất thành công và đã chiếm được vị trí sách bán chạy nhất một thời gian dài. Tuy nhiên, theo giới phê bình, tiểu thuyết của Puzo vẫn “kinh khiếp” và đặc trưng hơn, các nhân vật hấp dẫn và sắc bén hơn, các chi tiết “đắt giá” và khó quên hơn

Phan Minh Ngọc
.
.