Tiếng vĩ cầm từ miền ký ức

Thứ Bảy, 11/04/2009, 11:30
Đã 21 năm trong căn nhà Pháp cổ bên gốc cây long não, hàng đêm vẫn vang lên những giai điệu du dương, khắc khoải. Một khán phòng nhỏ với vài ba nhạc công, ca sĩ và vài chục người nghe đang cùng chìm vào một miền ký ức miên man...

Người khởi xướng và gìn giữ "thánh đường" tại ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo này suốt chặng đường qua được giới thiệu khiêm tốn trên một băng rôn nhỏ treo trước cổng vào "Chỉ đạo Khắc Huề". Cái tên gọi đã trở thành câu nói cửa miệng để chỉ về một chuyên gia tổ chức các chương trình ca nhạc, nhưng ít ai biết rằng đó còn là một nhạc công violin, người đầu tiên trong lĩnh vực này nhận được danh hiệu NSƯT (1984)...

1. "Mỗi một người đều có một ca từ, một giai điệu gắn liền với những kỷ niệm. Và trong cuộc đời mình, mỗi lần nghe những ca từ, những giai điệu ấy lại thấy lòng mình nhẹ nhàng và cuộc sống như đẹp hơn lên...". Nghệ sĩ Khắc Huề thường bắt đầu mỗi chương trình của mình bằng những lời tâm sự giản dị như vậy. Suốt hai thập kỷ qua, ông đã cố gắng làm hài lòng những ai yêu thích nhạc trữ tình tìm đến với "thánh đường" của ông, nơi thực sự dành cho những khúc hát trữ tình biểu diễn theo lối thính phòng.

Với cách chọn bài hát tài tình tuỳ theo thị hiếu khán giả, nghệ sĩ Khắc Huề đã khéo léo dẫn dắt khán giả tìm đến những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp, những kỷ niệm một thời đã qua. Khán giả trung niên được hài lòng với những ca khúc để đời như "Suối mơ", "Đêm đông", "Chiều", "Quê hương", "Người Hà Nội". Những người từng sống và học tập tại nước ngoài thì được nghe "Triệu triệu bông hồng", "Chiều Mátxcơva", "Bên dòng sông vắng", "Mặt trời của tôi", "Trở về Suriento". Ông cũng có sẵn những bài hát của Trịnh Công Sơn, hay Ngô Thụy Miên... cho các thính giả trẻ. Tất cả đều được ông sắp đặt tài tình trước mỗi yêu cầu của khán giả.

Ông vừa là một nghệ sĩ tài năng, có đầu óc tổ chức, vừa là một MC hoạt náo. Có lần cả một đoàn toàn các thương binh đến xem. Khi ấy ông đã thay đổi toàn bộ chương trình, những "Đêm đông", "Tuyết rơi"... được đổi thành "Mời anh đến thăm quê tôi", "Mấy nhịp cầu tre", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, "Apsara"... và kết thúc bằng "Bài ca hy vọng". Hay như một lần thính giả đều là bộ đội công binh, ông đã mời ngay nghệ sĩ Trần Hiếu ra hát bài "Đào công sự"... Tài "ứng phó" của ông đã khiến cho hội trường nhỏ ở 51 Trần Hưng Đạo trở thành địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn cho những người yêu âm nhạc không chỉ trong nước mà cả khách quốc tế. Ngay cả đại sứ các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản... cũng đến đây để được thưởng thức ngón đàn violin cùng các giai điệu đặc trưng cho mỗi nước. Theo ông, bí quyết làm nghề là phải phải đa năng, thuộc nhiều tác phẩm, biết tạo không khí và quan trọng là biết ứng phó với nhiều tính huống.

Khi xuất hiện thêm nhiều loại hình giải trí, khán phòng của ông càng trở nên chọn lọc và tinh tế hơn. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi nhiều lúc lâm vào cảnh vắng vẻ. Đã nhiều buổi diễn chỉ có vài ba người, nhưng các nghệ sĩ của ông vẫn diễn. Có lần trước buổi diễn, ông thấy chừng 10 khán giả cứ tần ngần không vào mua vé, hỏi ra mới biết họ không đủ tiền. Nghệ sĩ Khắc Huề liền ghi giấy mời cho những người chưa có vé để họ được vào xem. Dù phải bù lỗ nhưng ông muốn đây sẽ là ngôi nhà chung cho tất cả những người yêu mến vẻ đẹp thánh thiện của âm nhạc.

Cùng mong muốn ấy, không ít nghệ sĩ đã đến với ông, dù số tiền thù lao khiêm tốn. Nơi đây đã ghi dấu ấn của biết bao tên tuổi như Ngọc Bảo, Trần Hiếu, Tường Vi, Minh Đức, Tuyết Thanh, Quang Thọ, Thanh Hoa, Ngọc Lan, Trọng Tấn, Hương Mơ, Trần Thu Hà, Trung Anh, Minh Thúy, Đức Long, Minh Huyền, Quỳnh Hoa, Tuyết Tuyết... Họ tìm thấy ở đây những thính giả tri kỷ, đón nhận từng lời họ hát, trân trọng và tôn vinh công việc người nghệ sĩ.

2. Chỉ mới 22 tuổi, chàng trai trẻ Hà Nội vừa tốt nghiệp khoa vĩ cầm tại Nhạc viện Hà Nội đã sớm xuất hiện trong đoàn "xung kích", đem tiếng đàn, tiếng hát về các thôn xóm và trận địa pháo cao xạ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Người ta biết đến ông như một chiến sĩ nghệ thuật không ngại khó, ngại khổ. Một lần, khi ông biểu diễn bên cầu Hiền Lương cho dân chúng hai bờ thì bị máy bay địch đến tuần tiễu. Người thì đã kịp xuống địa đạo nấp, nhưng nhạc cụ đều bị bom phá hủy. Ông cũng từng vào các trạm xá, bệnh viện biểu diễn, nhiều khi chỉ là để phục vụ cho một chiến sĩ thương binh nặng nhớ nhà.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, cái tên Khắc Huề lại liên tục xuất hiện. Đây là thời gian ông vừa đi tu nghiệp ở nước ngoài về. Khi ấy, Nhà hát Giao hưởng (nay là Nhà hát Nhạc vũ kịch) nơi ông làm việc hầu như không có chương trình, nhiều cán bộ, diễn viên gần như ngồi không chờ việc. Lúc đó ông bèn nảy ra ý dựng một chương trình với nhiều tiết mục sinh động gồm dàn đàn dây, tốp ca, đơn ca, trích đoạn opera, hát những bài hát nước ngoài nổi tiếng, dân ca quan họ, ca cảnh...

Ông kể: "Đoàn đi đến đâu cũng được chào đón, nhiều khi tối diễn cho một đơn vị bộ đội thì buổi sáng đã làm ngay một buổi cho công nhân lâm trường, chiều lại diễn cho bà con phố huyện nữa". Cũng có hôm biểu diễn xong, được đơn vị trả tiền chỉ đủ tiền xăng xe để đi tiếp, hay được một lâm trường trả công bằng những cái thớt gỗ và bữa cơm trưa. Ông còn có lần dẫn cả đoàn vào trại phong Quy Hòa biểu diễn, nhưng vì tâm lý sợ lây bệnh, nên khi hát xong được mời dùng cơm thì anh em "lủi" sạch, chỉ còn mỗi nghệ sĩ Khắc Huề. Ông được lãnh đạo trại trao cho một bằng khen vì "đã có thành tích nâng cao đời sống tinh thần của người bệnh và người... không bệnh" và ghi nhận là Đoàn Văn công Trung ương đầu tiên dám vào tận trại để biểu diễn.

Cũng vì tài sắp xếp, lo được đời sống cho anh em, năm 1992, nghệ sĩ Khắc Huề được bầu lên làm giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch. Nhưng vì cái tính tung tẩy mà làm lãnh đạo phải sát xao chuyện nhà cửa, lương lậu... thế là chỉ được thời gian ngắn ông trốn không làm nữa... Và cũng xin nghỉ hưu luôn.

Sau đấy thì người ta thấy ông xuất hiện ở Câu lạc bộ 51 Trần Hưng Đạo. Ông đã cùng Phan Phương, Trần Hải, Quốc Đông xây dựng chương trình biểu diễn thường xuyên vào các tối thứ bảy, chủ nhật tại đây, thường xuyên có 5 nhạc công và tám ca sĩ với nhiều chương trình có chủ đề khác nhau, như ca khúc tiền chiến, ca khúc nước ngoài... Chương trình cũng không được dư dật lắm, chỉ như cách để ông và các bạn bè nghệ sĩ thỏa mãn niềm say nghề. Ông túc tắc làm "Khúc hát trữ tình", khi thì dạy thêm violin, khi lại nhận hợp đồng cho anh chị em biểu diễn phục vụ các cơ quan đoàn thể trong dịp lễ tết, mừng công, đón huân chương...

3. Hơn 40 năm trong nghề, mãi đến năm 2007, nghệ sĩ Khắc Huề mới ra một đĩa nhạc có tên "Khắc Huề và cây vĩ cầm" gồm những bài violin được công chúng yêu thích, trong đó có cả các tác phẩm cổ điển, các ca khúc nổi tiếng dành cho violin và những bài dân ca Việt Nam. Đĩa nhạc đã được trao giải thưởng năm 2007 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đây là một điều hiếm hoi và liều lĩnh, bởi thông thường các nghệ sĩ violin chỉ dám sử dụng những bản nhạc kinh điển quốc tế.  

Nghệ sĩ Khắc Huề có một người bạn Mỹ, William Bang, người đặc biệt tâm đắc với cách chơi các giai điệu dân tộc trên cây đàn violin của ông. William Bang cũng là một nghệ sĩ violin, đã từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam. Ông cùng một tốp làm phim tìm về chiến trường xưa. Đến Việt Nam, William Bang mong muốn tìm gặp được một nghệ sĩ violin ở bên kia chiến tuyến. Trong buổi gặp gỡ, nghệ sĩ Khắc Huề cùng đại gia đình của mình gồm toàn các nhạc công violin đã trổ những ngón nghề hay nhất để đãi khách. Đặc biệt khi vị khách nói rất thích nghe những giai điệu đậm chất Việt Nam, Khắc Huề cầm ngay cây violin chơi các âm hưởng của đàn T'rưng, Sáo Mèo, cồng chiêng. Vị khách này sau đó đã xin nghệ sĩ Khắc Huề truyền lại những ngón đàn ấy.

Nhiều gia đình ở Hà Nội đã nghe tiếng về một nghệ sĩ tài năng, lại xuất thân trong gia đình có truyền thống violin, nên đã sớm gửi con em mình nhờ nghệ sĩ Khắc Huề dạy dỗ và uốn nắn. Đến nay, đã không biết bao lớp học trò được ông dìu dắt, trong đó có cả học trò là người nước ngoài. Ông luôn dặn các học trò nhỏ: "Các cháu hãy nói ước mơ của mình bằng cây đàn, đưa âm nhạc đến với mọi người, và đừng nghĩ mình làm cho người khác, mà đó chỉ là làm cho chính mình thôi"

Tường Hương
.
.