Tiến sĩ Cù Thu Hương: Cuộc sống là những ngã rẽ bất ngờ
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và 54 cú lắc có một không hai
- Nhà văn Võ Bá Cường và bút lực mạnh mẽ
- Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Trong thế giới của sáng tạo, biến đổi và khác thường
Những ai đọc truyện ký của chị cũng nhận ra một lối viết chuyên nghiệp chứ không hề “nghiệp dư” như chị tự nhận. Có lẽ cũng bởi, chị vốn xuất thân từ một gia đình học vấn, tuổi thơ lớn lên từ những trang sách của bố - Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú.
Bố chị vốn là Chủ nhiệm khoa Ngữ văn hai trường đại học lớn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay thuộc Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh). Mẹ chị cũng là Chủ nhiệm một khoa trong Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Bạn bè thân đều nghĩ rằng học xong, chị sẽ đi theo con đường nghiên cứu và thành danh để nối tiếp truyền thống gia đình. Nhưng từ ngày còn nhỏ, cô gái Thu Hương đã nuôi giấc mộng ra nước ngoài du học và lúc đó chị cho rằng, muốn du học thì phải học khối A và học toán. Chị theo toán học, được giải lớn của toàn miền Bắc rồi sang Nga tu nghiệp.
22 năm sống ở Nga, Cù Thu Hương tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ Tâm lý của Đại học Tổng hợp Leningrad. Với chị, đó là quãng thời gian đáng nhớ của tuổi trẻ, của khát vọng, của tình yêu và trí tuệ. Chị nói, đó là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời chị, khi chị có gia đình, tình yêu và cậu con trai.
Tiến sĩ Cù Thu Hương. |
Nhưng cuộc sống là những ngã rẽ bất ngờ. Có lẽ, không ai nghĩ được rằng, một người phụ nữ tràn đầy năng lượng sống, trẻ trung ấy đã đi qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống. Thập niên 90 của thế kỷ 20, nước Nga đầy biến động, chị chọn Pháp làm điểm đến vì nghĩ đến tương lai của con trai. Chị bắt đầu khởi nghiệp với ngành thời trang tại Pháp dù lúc đó tiếng Pháp còn bập bẹ.
“Tôi vượt qua được và thành công nhờ chính những kho công cụ, tri thức của nước Pháp và sự đam mê tận cùng đối với công việc mình lựa chọn. Tôi nghĩ, làm gì cũng cần sự dũng cảm và trí tuệ. Với tôi, ngành thời trang luôn tạo cho tôi sức sáng tạo, sự tươi trẻ, lãng mạn và những tiềm năng được đánh thức trong mỗi con người. Thời trang mang đến cho tôi sự trẻ trung, yêu thương cuộc đời”. Chị chia sẻ.
Có lẽ, với tình yêu và niềm tin đó, chị đã đi những sóng gió của cuộc sống mà vẫn giữ được tinh thần sống lạc quan. Nhưng tận sâu, tôi nghĩ, chị là một nhà tâm lý học, luôn biết cân bằng nội tâm và hướng đến các giá trị tích cực của cuộc đời.
Những trang viết đến với chị cũng vậy. Chị là người đi trong chuyến bay cuối cùng vào ngày 14-3 từ Pháp về Việt Nam, để lại gia đình con trai bên đó. Chị lựa chọn trở về với một tâm trạng ngổn ngang, lo lắng, bất an. Trong chuyến bay cuối cùng ấy, cảm xúc đã khiến chị nghĩ rằng mình sẽ viết điều gì đó. “Paris +14” đã ra đời từ những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc như vậy.
Đầu tiên là những bài viết của chị chia sẻ trên trang cá nhân nhận được sự động viên, đọc và chia sẻ của nhiều độc giả. Nhà thơ Hữu Việt, một người bạn thân của chị nói rằng, tại sao không in thành một cuốn sách. Cù Thu Hương ngập ngừng vì lần đầu tiên cầm bút. Nhưng cuối cùng, chị quyết định sẽ làm sách.
“Đúng là chưa có những trang viết đầy đủ về bức tranh này mà chỉ có từng nơi, từng phần, vì thực ra cũng hiếm có ai có một hành trình trải nghiệm dài như tôi. Tôi viết “Paris+14” với hy vọng rằng tất cả những câu chuyện trong cuốn sách là một bức tranh toàn cảnh về nạn dịch chưa có hồi kết. Sẽ giúp ích được tất cả mọi người ngoài vòng cách ly nhưng là trong cuộc của đại dịch này hiểu rõ: Cách phòng chống virus cho bản thân mỗi người; Phải bảo vệ thiên nhiên, phải yêu thương thiên nhiên và phải coi đó là người bạn đồng hành vĩnh viễn của mình; Hãy tôn trọng nhau, đối xử với nhau nhân văn, phải vì nhau mà sống; Chỉ có đoàn kết mới có thể cùng nhau vượt qua nạn dịch; Quê hương là nơi mà ta có thể quay về bất cứ lúc nào cho nên ta phải trân quý giá trị đó” - Chị nói.
Tác phẩm mới của chị Tiến sĩ Cù Thu Hương. |
Sẽ có nhiều bài báo viết về cuốn sách của chị và những câu chuyện chị kể tỉ mỉ trong hành trình trở về, những câu chuyện của thế giới trong trận đại dịch này sẽ là bằng chứng của lịch sử. Nhưng với tôi, tôi ấn tượng ở chị, như ai đó từng nói, văn là người, đó là tính nhân văn trong từng trang viết của chị. Có lẽ đó cũng chính là thông điệp ý nghĩa nhất mà chị, một người phụ nữ kiên cường, luôn nở nụ cười rộng mở với cuộc đời muốn chia sẻ với cộng đồng.
Thế nên sau những bôn ba, sau những trải nghiệm, có cả những mất mát lẫn đắng cay, cây trái ngọt lại đậu quả an lành bên đời chị. Con trai duy nhất của chị chính là thứ quả ngọt quý giá ấy khi con là chàng trai gốc Việt duy nhất làm việc trong Quốc hội Pháp với vai trò Trợ lý cho đại biểu Quốc hội đảng En Marche năm 2017-2018.
Bây giờ cháu rẽ lối đam mê trở thành người viết hài kịch và kiêm luôn diễn viên hài độc thoại và tổ chức sự kiện biểu diễn hài độc thoại, là thành viên sáng lập club stars up khá nổi tiếng. Giờ đây hai mẹ con chị dường như đã tìm được lối rẽ vào con đường nghệ thuật đầy yêu thích của mình.
“Câu chuyện thời sự của cả thế giới nhưng ta phải đọc thật chậm để lắng nghe cảm xúc sau từng con chữ. Tác giả truyện ký “Paris +14” đã chinh phục độc giả bằng sự mộc mạc, chân thành tới mức da diết qua những trang viết giàu cảm xúc, thấm đẫm tình yêu thương con người. Cảm ơn tác giả đã thay chúng ta ghi lại nhật ký về một giai đoạn khó quên của nhân loại mà hôm nay và rất lâu sau nữa loài người còn phải tiếp tục nhắc tới. Trong cuốn sách này, không chỉ có những câu chuyện xúc động, đẹp đẽ, kiên cường, giàu nhân bản giữa đại dịch thế kỷ COVID-19 mà còn có cả những hồi ức về quá khứ, về quê hương biết mấy thân yêu luôn giang rộng vòng tay cưu mang, vỗ về, che chở những đứa con của mình dù ở bất cứ phương trời nào”. (Nhà thơ Hữu Việt) “Xuyên suốt hơn 300 trang ký là những sự việc tác giả trải qua trong sự nhốn nháo, hoảng loạn, thậm chí cả sự nghi kỵ, e dè giữa người với người khi loại giặc virus không phải là một thực thể nhất định. Giữa sự bát nháo, vụ lợi và cả những giả dối đáng sợ của con người trong đại dịch nguy hiểm thì tình người, sự đoàn kết, tương trợ, sẻ chia, bao bọc tạo thành sức mạnh nội tại của một đất nước tuy chưa mạnh về kinh tế, phương tiện y học còn nhiều hạn chế. Hơn cả, “Paris +14” ngoài việc nhận tình thương của mẹ, tác giả cũng như những người con Việt Nam sinh sống trong nước và từ nước ngoài trở về nhận được sự quan tâm, chở che từ mẹ Tổ quốc”. (Nhà biên kịch Trần Thị Thu Hương) “Là người đa cảm, tác giả để ý đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống quanh mình thời COVID-19. Vì thế, tôi thấy điểm gì đó chung giữa cuốn sách này với nhật ký “Vũ Hán những ngày phong thành” của nữ nhà văn Trung Quốc Phương Phương mà tôi đọc được một số phần trên mạng, có lẽ đó là tính nhân văn… Tác giả cuốn “Paris+14” đã “chụp hình” một cách sống động nhiều khoảnh khắc của đại dịch mà chính tác giả là người trong cuộc, là nhân vật. Tôi hy vọng là bạn đọc tìm được nhiều điều thú vị, thậm chí nhìn thấy chính mình khi đọc cuốn sách này”. (Tiến sĩ Lương Hoài Nam) Tiến sĩ Cù Thu Hương sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học và nhận bằng Tiến sĩ Tâm lý học tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrad (nay là thành phố San Peterburg- Nga) năm 1991. Hiện chị là Giám đốc thương mại và thời trang tại Pháp. Chị đồng thời cũng là một chuyên gia tư vấn tâm lý. Cuốn sách “Paris +14” là tác phẩm đầu tay của chị do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách gồm 12 phần: “Tôi không phải là virus”, “Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng”, “Thiên đường yêu thương”, “Sân bay trong mây”, “Đất mẹ”, “Ngôi nhà chung”… |