Thơ của một người “đi lạc”

Thứ Sáu, 18/10/2019, 08:28
Thiên Sơn có tập truyện ngắn mang tên “Người bên lề”. Anh nhận mình là một kẻ suốt đời đi bên lề những những gì mà mọi người xung quanh muốn đứng vào bên trong, ở giữa, như danh vọng, quyền lực, tiền bạc, chức tước.


Không ít nhân vật trong truyện ngắn của anh thường mang bóng dáng của người không “hợp thời”, không thức thời, những người đi trong đời có chăng chỉ mang một nỗi buồn thiên di, một kẻ không biết mình đến từ đâu và đi về phương nào.

Trong thế giới thơ ca của Thiên Sơn - thế giới mà để đếm con chữ, chắc nó chỉ bé xíu, nhỏ xinh khi so sánh với với thế giới văn xuôi “Đại gia” anh đã có, với ngồn ngộn tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình... tôi vẫn nhận ra cùng một tâm thế ấy của người viết.

Bìa tập thơ mới của nhà văn Thiên Sơn.

Thế gian phiền phức hơn, buồn bã hơn bởi đã sinh ra một loài, gọi là “loài thi sĩ”. Kẻ làm thơ đích thị là những kẻ đi lạc trong đời. Kẻ mang theo bên mình cả cái vô định của trời đất, cùng với bao nhiêu câu hỏi về thân phận mình, thân phận người. Kẻ “đứng chìm trong đêm” để tìm lại một nụ cười, một hơi ấm đã mất.

Hát mãi những bài xưa cũ
Đi lang thang vô định suốt mùa đông
Cây cầu gãy chơ vơ gục xuống dòng nước tối
Ta đứng chìm trong đêm

Về đâu cho thôi gió lạnh
Đâu bàn tay ấm dịu dàng
Nụ cười thân thương ngày ấy
Kỷ niệm giờ bỏ hoang

(Người đi lạc)

Những câu thơ không ăn được, không bán được, có thể chẳng mấy ai cần trong đời

sống mưu cầu vật chất, nhưng nó lại có thể nhắc người ta về những hoang lạnh, trống rỗng của tâm hồn. Cảm giác đi lạc của nhà thơ có lúc lại làm cho những người được gọi là đi đúng đường hoài nghi chính bước chân mình. Khi họ chợt nhận ra, phù du chính là bản chất của đời sống này.

Thơ Thiên Sơn là thơ của một “người đi lạc”. “Đi lạc” hay là cách hiểu khác về một tâm hồn tự do, không gì có thể ràng buộc.

“Đi lạc” để nhìn rõ con đường của mình, của người. Có khi để nổi giận và có khi xót thương cho sự chọn đường của kẻ khác:

Anh hề nói những lời có cánh
Nói, cười rồi khóc
Thì vẫn biết quyền của anh là hề
Nói những lời không ai tin
Nghĩ những điều không có trong sự thật
Chỉ nỗi đau chồng chất mỗi phận người

Con đường sắp đến chỗ gấp khúc
Tôi nín thở sợ chiếc xe bị lật
Sợ máu người lại chảy
Thôi đi anh hề ơi

(Anh hề)

Những hổ báo cứ việc nhai xác hươu nai
Rừng rộng thế, hoang vu, tự mình làm bá chủ

Cúi mặt xuống
Bàn chân bị xiềng xích trong đầm lầy hôi hám
Rỉ máu hoàng hôn
Không một con đường

(Cúi mặt xuống)

Thơ Thiên Sơn buồn. Nỗi buồn đó được khởi nguyên từ một người không ngừng chiêm nghiệm đời sống mình mang theo. Buồn dưới đáy, buồn căn cốt, không phải buồn trên đầu ngọn sóng lúc thủy triều dâng. Thật tình tôi rất ngại những nỗi buồn như vậy. Nó giống như đá chìm sâu trong lòng hồ:

Từng mẩu tháng năm quay lại nhìn ta
Trên con đường thẳm sâu mờ mịt
Hồn ta đã gọi ta
Những tiếng nồng nàn, đớn đau, tuyệt vọng

Ta tới hay lùi
Ta còn hay mất sau gió bụi thời gian?

(Những chiếc lá non tươi đã rụng)

Như thể con người phải dành nhiều hơn một cuộc đời, một kiếp sống, chỉ để đặt ra một câu hỏi như vậy, rồi quăng vào trời đất, để vô tăm tích, cho mặt hồ phẳng lặng một lời đáp lại.

Tôi không biết trong văn xuôi Thiên Sơn có chủ đích gì, còn trong thơ tôi nhận ra anh không có chủ đích. Một người tự biết bản-ngã-đi -lạc của mình. Một người ân cần, dành dụm mỗi bước chân đi, bởi biết rằng ngay cả khi ngoái lại, ta đã ở ngoài không gian đó, hơi thở đó. Với Thiên Sơn, thơ là những khoảnh khắc mà tâm hồn chớp được, là một tiếng gọi của tiềm thức, của sâu thẳm cội rễ. Thơ Thiên Sơn khi thì trữ tình, yếu đuối, giàu nhạc tính, khi thì lý tính, thế sự, thời cuộc, như thể thói quen tư duy của một người viết văn xuôi ngập tràn chất liệu hiện thực đời sống đã chen vào.

Tập thơ này không thể gọi tên thống nhất thơ Thiên Sơn, vì có không ít bài thơ đối nghịch về phong cách, nhưng tác giả có lẽ cũng không mưu cầu điều này. Nó đơn giản là những mảnh ghép của 10 năm “đi lạc” của thi sĩ. Những tâm trạng thành thật thâu nhận từ đời sống, hiển hiện trên giấy là để có thể giữ lại, cầm nắm được, khi thời gian vô định tiếp tục như bánh xe đẩy chúng ta về phía trước.

Mà đời dần khuyết hao Giấc mộng tàn bên gối
Sương tan và gió thổi
Hương nhòa trên lối xưa...

(Người đi)

Người làm thơ thường buồn và có thể rất buồn. Như thể trong những niềm vui trần gian, thơ ca khó mà bén mảng tới. Như thể chỉ có buồn mới đủ khả năng làm “kinh động” thơ ca. Nếu bạn ngắm kĩ gương mặt của các nhà thơ đích thực trên cõi đời này, bạn sẽ nhận ra, tất cả họ đều buồn. Họ cũng là những kẻ cô độc nữa. Phải chăng Thượng đế đã ấn định một phẩm chất đó cho họ, như một ân huệ và như một sự trừng phạt. Sứ mệnh của nhà thơ là ca hát về nỗi buồn. Nhưng hãy tin tôi, trong trái tim họ luôn là tiếng gọi thiết tha, ấm nóng với cuộc đời. Bằng không, hãy đọc bài thơ này của Thiên Sơn:

Tôi đi về phía ấy
Vắng
Mây mù
Gió ngược

Càng lúc càng hun hút
Những ngọn núi chắn ngang
Những vũng lầy hôi hám
Thú dữ gầm gừ

Tôi vẫn đi
Mệt mỏi
Cô độc
Cuối con đường in bóng một nhành hoa

(Hi vọng)

Bởi một nhành hoa đó, một tiếng gọi đó, hành trình “đi lạc” của nhà thơ là hành trình tìm về bản nguyên của chính mình. Tìm một hoài hoa mà rất có thể trên đường đời tấp nập, nhân loại đã quên mất mùi hương của nó. Và với Thiên Sơn, ý nghĩa của hiện hữu đôi khi chỉ giản dị thế này thôi, giản dị làm ta trào nước mắt:

Con đi giữa đời gắng làm người tử tế
Dẫu thế cuộc chuyển xoay dâu bể

Người tốt hôm qua có thể không còn tốt nữa hôm nay
Lý tưởng ngày hôm qua, có thể ngày hôm nay thành chuyện tầm phào
Những lúc cô đơn tận cùng muốn về bên mẹ khóc
Khi bình yên mơ thấy mẹ đang cười...
(Nửa đêm thức dậy nghĩ đến mẹ)

Hà Nội, Tháng 5/2019

Bình Nguyên Trang
.
.