Thơ: "Viết như thế nào?"
Thật vậy. Đã có bao nhiêu thơ viết về nỗi sốt ruột của sự đợi chờ, nhất là đợi chờ người mình vô cùng yêu mến? Nhưng đã có ai viết như cách nói của nhà thơ dân gian, tác giả những câu ca dao này:
Đêm nằm lưng chẳng đụng giường
Mong cho chóng sáng ra đường gặp em...
Chắc không một ai... ngớ ngẩn kêu lên: Nói khoác! “Lưng chẳng đụng giường” thì nằm trên... không khí à?
Lại cũng ca dao, đã có anh chàng nào ghen tuông được như nhà thơ dân gian, tác giả những câu ca dao ghen tuông một cách tế nhị thế này:
Cổ tay em vừa trắng vừa tròn
Để cho ai gối đã mòn một bên?
Chắc không một ai... ngớ ngẩn kêu lên: Nói khoác! Cổ tay mà mòn thì cổ tay ấy là gỗ, là đá à?
Ở đây, ta lưu ý một thủ pháp nghệ thuật trong thơ ca: thậm xưng (nói quá lên, nói phóng đại).
Từ trái qua: Các nhà thơ Nguyễn Trãi, Rabindranath Tagore, Rasul Gamzatov. |
Lại như trước cảnh tượng (có thể là liên quan ít nhiều đến việc trọng nam khinh nữ) tác giả những câu ca dao này thật đáo để:
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ!
Chưa biết thật chính xác tác giả những câu ấy là gái hay trai, nhưng ta biết cái “chẳng mòn” với cái “chẳng sơn son mà thờ” là một, và nó là... cái gì.
Lại đã có bao nhiêu nhà thơ viết về chuyện... yêu đương, mà đã có ai hóm hỉnh được như tác giả những câu ca dao này:
Lấy anh từ thuở mười lăm,
Anh chê tôi bé, chẳng nằm cùng tôi
Đến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất, anh lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gãy một còn ba...
Không chừng, cùng với cách nói hóm hỉnh, những câu ca dao này còn có cái công chống tệ tảo hôn ngày trước (mà không chỉ ngày trước) nữa cũng nên!
Bất giác, lại nhớ các nhà thơ cổ điển, mà mấy câu đến trí nhớ tôi trước hết là những câu này của nhà thơ Nguyễn Trãi:
Non cao, non thấp: mây thuộc,
Cây cứng, cây mềm: gió hay.
Chỉ có mây mới biết hết được núi nào cao, núi nào thấp. Chỉ có gió (khi nổi giông, nổi bão lên) mới biết cây nào vững, cây nào nghiêng, cây nào đổ.
Đây không phải những câu thơ bình thường, dễ viết. Phải xuất phát từ sự từng trải, sự chiêm nghiệm của cả một đời. Và ngoài nghĩa đen, nghĩa thông thường, chúng còn mang được cả một triết lý sâu sắc, thâm thúy...
Các cụ nhà ta: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu... ngày xưa, và các nhà thơ hiện đại của chúng ta đều có nhiều cách viết riêng về những chuyện, những đề tài, những chủ đề xưa nay những nhà thơ khác đã viết.
Lại nghĩ đến mây nhà thơ trứ danh nước ngoài. Nhà thơ M.Xôrexcu (Rumani) có một cách ghen trong một bài thơ (không đề) mà bao nhiêu thơ ghen tuông cổ kim, đông tây không thấy có:
Trong ý nghĩ của anh
Em thủy chung mãi mãi,
Em vẫn phải vây quanh
Bằng hàng rào vững chãi.
Cái hàng rào cao lắm
Tuy chỉ vừa đủ cao
Cho không khí bốn phía
Từ ngoài chẳng lọt vào.
Cọc rào thì nhọn hoắt,
Cắm ở khắp mọi nơi
Cắm vào đầu những kẻ
Dám yêu người yêu tôi
Hồng Diệu dịch (từ một bản tiếng Nga)
R.Tagor (Ấn Độ) thì có một cách yêu và một cách tự đề cao thơ mình mà không ai cảm thấy khó chịu, tôi tin như thế, trong bài thơ (không đề) này của nhà thơ:
Rồi một thế kỷ nào đó
Em xinh đẹp sẽ ra đời
Xin em thứ lỗi cho tôi
Vì tôi rất là kiêu hãnh
Tôi vẽ em bằng tưởng tượng:
Em đọc thơ tôi trong đêm
Trăng soi dòng chữ lặng im...
Tôi thấy tim em rạo rực
Tôi nghe tiếng em thầm thì:
Nếu mà Tagor còn sống
Gặp ta hẳn phải mê si!
Và rồi em sẽ tự nhủ:
Đêm nay ta thức dưới hiên
Biết chắc nhà thơ không đến
Đợi chờ - ta vẫn thắp đèn
Hồng Diệu dịch (từ một bản tiếng Nga)
Không thể không nói đến việc viết về lòng yêu nước, về tình yêu Tổ quốc là thứ tình cảm thiêng liêng mà ai cũng phải mang trong mình. Đã có bao nhiêu thơ, bao nhiêu văn đề cập chuyện này?
Có lẽ, nhiều người còn nhớ một đoạn văn giàu chất thơ của nhà văn Nga I. Êrenbua, trích từ bài báo “Thử lửa” viết năm 1942 của ông:
“Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu, yêu mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...
Dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào đại trường giang Vonga, con sông Von ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Không biết, nhà thơ Xuân Diệu, khi viết những dòng thơ đầu bài “Nguyễn Văn Trỗi” (1964) có nghĩ đến những dòng trên của nhà văn I. Êrenbua:
Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi, bờ sông
Những lúc tột cùng, là dòng huyết chảy
Tuy nhiên, cùng đề cập chủ để trên như I. Êrenbua và Xuân Diệu, tôi thích thú đặc biệt hơn, là giọng điệu một bài thơ của nhà thơ R.Gamdatốp xứ Đaghextan (Liên bang Nga) - một nhà thơ miền núi mà đặc biệt thông minh, mới lạ. Bài thơ vừa giản dị, vừa độc đáo, vừa bất ngờ và lý thú này xuất phát từ một cách nghĩ không giống bất cứ một nhà thơ nào khác:
Bài hát của chim họa mi
Bạn có nghe bài hát của chim họa mi?
Niềm hân hoan ngân vang trong đó.
Chim hát những gì
Ôi, nào ai rõ!
Tôi thì tôi nghĩ
Họa mi đang ngợi ca Tổ quốc.
Bởi vì
Nếu là bài hát khác
Chắc họa mi chán đã từ lâu!
Hồng Diệu dịch (từ một bản tiếng Nga)
Người đọc thường thì chỉ thích, chỉ nhớ những câu thơ, những bài thơ có cách viết, cách nói lạ, giản dị, không lặp lại của ai, để làm nổi bật lên một ý tứ hoặc là mới, hoặc là có thể đã đọc, đã nghe ở đâu, nhưng không thấy viết, thấy nói theo cách đó.
Tôi cho đấy không thể là không là “trách nhiệm” của mỗi người làm thơ.