Thi nhân Việt Nam và cuộc tình không phai trong màu thời gian

Thứ Sáu, 25/09/2020, 15:46
Tháng 9/2020, dịch COVID - 19 vẫn chưa qua, nên ít ai nhớ đến dịp kỷ niệm 110 năm sinh nhật nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ. Thế nhưng, bài thơ "Màu thời gian" của ông thì vẫn còn lưu dấu trong lòng công chúng hôm nay và ngày mai. Và sẽ thú vị hơn, nếu độc giả biết rằng, bài thơ ấy là kết quả của một mối tình lãng mạn và vô vọng.


Nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10/9/1910 tại Hà Nội. Từ nhỏ, vượt qua gia cảnh chật vật, ông học rất giỏi. Từ năm 15 tuổi, Đoàn Phú Tứ đã có tác phẩm in trên Đông Pháp Thời Báo. Năm 27 tuổi, Đoàn Phú Tứ nổi tiếng với hai vở kịch "Ngã ba" và "Thằng Cuội ngồi gốc cây đa". Hai bậc thầy đầu tiên của nền kịch nghệ Việt Nam là Vũ Đình Long và Thế Lữ đã không tiếc lời ca ngợi tài năng sân khấu của Đoàn Phú Tứ.

Thế nhưng, khi Đoàn Phú Tứ có mặt trong "Thi nhân Việt Nam 1932-1941" thì đồng nghiệp rất ngạc nhiên. Hai nhân vật chủ biên "Thi nhân Việt Nam 1932-1941" là Hoài Thanh và Hoài Chân cũng biết được sự thắc mắc của dư luận trong giới cầm bút, nên viết những lời giới thiệu Đoàn Phú Tứ khá mạch lạc: "Người ta vẫn nghĩ Đoàn Phú Tứ chỉ có tài viết kịch và diễn kịch. Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài, mà hầu hết là những bài đặc sắc. Ấy là một lối thơ rất tinh tế và kín đáo. Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng. Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh của một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia ra thế nào. Có khi cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ".

Nhà thơ Đoàn Phú Tứ qua nét vẽ Nguyễn Đình Phúc.

Nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ góp mặt trong "Thi nhân Việt Nam 1932-1941" đúng một bài thơ có tên gọi "Màu thời gian" với bút pháp độc đáo: "Sớm nay tiếng chim thanh/ Trong vườn xanh/ Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình/ Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi/ Ta lặng dâng nàng/ Trời mây phảng phất nhuốm thời gian/ Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh".

Vì sao đang được chào đón nồng nhiệt ở giới kịch nghệ, Đoàn Phú Tứ lại chuyển sang mơ màng vần điệu thi ca? Vì một chữ tình. Đoàn Phú Tứ phải lòng con gái thứ năm của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là Nguyễn Thị Vân. Vừa đẹp người đẹp nết lại vừa biết chơi dương cầm, Nguyễn Thị Vân hiện ra đúng nghĩa một tiểu thư khuê các trong mắt kẻ si tình bần hàn Đoàn Phú Tứ.

Trước khi kinh tế sa sút vào những năm cuối đời, thì nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh từng là một quý tộc giàu sang. Do đó, ngôi biệt thự mà Nguyễn Thị Vân cư ngụ ở phố Thụy Khuê thực sự là chốn kín cổng cao tường đối với Đoàn Phú Tứ. 

Tuy nhiên, Đoàn Phú Tứ vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp, nhờ quan hệ đồng nghiệp với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938). Là chị em cùng cha khác mẹ, Nguyễn Thị Vân lớn hơn Nguyễn Nhược Pháp đúng 1 tuổi. Đoàn Phú Tứ nhiều lần lấy cớ đến thăm Nguyễn Nhược Pháp để được gặp Nguyễn Thị Vân.

Tình chàng ý thiếp giữa Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Thị Vân có ai biết không? Những người xung quanh đều biết, nhưng Đoàn Phú Tứ không dám mở lời, còn Nguyễn Thị Vân cũng không dám bước qua lễ nghi khoảng cách nam nữ lúc ấy vẫn mang nặng truyền thống phong kiến. Đoàn Phú Tứ chỉ có một hành động duy nhất là đứng nép bên cổng để nghe Nguyễn Thị Vân đánh đàn mỗi đêm.

Oái oăm thay, sau khi nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh qua đời thì hai chị em Nguyễn Thị Vân và Nguyễn Nhược Pháp cũng lâm trọng bệnh. Đoàn Phú Tứ hay tin liền đánh bạo đến tìm người trong mộng, nhưng Nguyễn Thị Vân lánh mặt vì không muốn xuất hiện với dung mạo tiều tụy. Nguyễn Thị Vân và Nguyễn Nhược Pháp đều qua đời năm 1938, chỉ cách nhau vài tháng. Đoàn Phú Tứ ôm nỗi hụt hẫng ấy mà viết bài thơ "Màu thời gian" vào năm 1939.

Sự khước từ gặp mặt lúc đau yếu của Nguyễn Thị Vân, được Đoàn Phú Tứ liên hệ với câu chuyện Dương Quý Phi cũng không nỡ để Đường Minh Hoàng thấy mình nhan sắc hao gầy, mà thành câu chuyện hư ảo trong bài thơ "Màu thời gian" lâm ly: "Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng quân vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng/ Duyên trăm năm dứt đoạn/ Tình một thủa còn vương/ Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát".

Rõ ràng, cơn cớ của bài thơ "Màu thời gian" đã được Hoài Thanh và Hoài Chân tìm hiểu được hoặc phán đoán được, vì vậy trong cuốn "Thi nhân Việt Nam 1932-1941" mới có lời bình "hình ảnh của một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá" như một cách nhắc khéo về mối tình câm giữa Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Thị Vân.

Sau khi sáng tác bài thơ "Màu thời gian", Đoàn Phú Tứ cùng với Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đỗ Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu Nhã Tập lừng lẫy. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đoàn Phú Tứ tham gia Đoàn Sân khấu Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu Quốc. Năm 1946, Đoàn Phú Tứ trở thành Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Có một sự kiện ít người biết về nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ, đó là ông đã có ý thức chống quan liêu và tham nhũng từ rất sớm. Năm 1950, tại Việt Bắc, Cục trưởng Cục Quân nhu - Trần Dụ Châu đã tổ chức đám cưới rất xa hoa trong một ngôi đình lớn. Lúc ấy, Trần Dụ Châu là một Đại tá, rất oai phong. Thấy trong khách mời đám cưới có nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ, nên Trần Dụ Châu lập tức ra lệnh đọc một bài thơ chúc mừng. 

Sau mấy phút nén giận, Đoàn Phú Tứ đứng lên giữa quan khách và đọc to, nhấn nhá từng chữ uất nghẹn: "Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/ Được dọn bằng xương máu của bao nhiêu chiến sĩ". Trần Dụ Châu tức giận, hét cận vệ xông vào hành hung Đoàn Phú Tứ. Nhiều người can ngăn, Đoàn Phú Tứ bỏ về và lấy tư cách Đại biểu Quốc hội để viết một đơn tố giác Trần Dụ Châu gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phiên tòa xét xử Trần Dụ Châu đã diễn ra sau đó, là vụ án hình sự đầu tiên của Chính phủ cách mạng Việt Nam.

Năm 1951, nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ quay lại Hà Nội và sống bằng nghề dạy học. Trong các học trò của Đoàn Phú Tứ, có nữ sinh Nguyễn Thị Khiêm ở phố Lãn Ông rất hâm mộ thầy giáo. Dù nhỏ hơn Đoàn Phú Tứ đến 21 tuổi, nhưng Nguyễn Thị Khiêm vẫn một mực xin phép gia đình cho làm vợ của tác giả "Màu thời gian". Đám cưới của họ diễn ra mùa thu năm 1952, và nhanh chóng sinh đôi một cặp con trai. 

Vì nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ đột ngột rời bỏ chiến khu, nên lý lịch của ông bị nhiều người dòm xét. Vợ chồng Đoàn Phú Tứ sống rất kham khổ trong căn phòng nhỏ được người quen cho mượn ở phố Châu Long, rồi dọn ra bãi An Dương ven sông Hồng. Để có tiền phụ vợ nuôi con, nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ phải dịch sách, với bút danh Tuấn Đô. 

Thế nhưng, dù là dịch để cốt kiếm cơm độ nhật, nhưng tài năng thiên bẩm của Đoàn Phú Tứ đã giúp công chúng Việt Nam có được nhiều danh tác chuyển ngữ như "Đỏ và đen" hoặc "Người thợ cạo thành Xê Vin". Nổi bật nhất là những vở hài kịch tầm cỡ thế giới đều đã được Đoàn Phú Tứ dịch sang tiếng Việt như "Kẻ hà tiện", "Kẻ ghét đời", "Trưởng giả học làm sang", "Nhà búp bê"…

Nhà thơ - nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông mất ngày 20/9/1989, sau khi vợ ông - bà Nguyễn Thị Khiêm qua đời được 2 tháng. Bài thơ "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ vẫn trường tồn đến hôm nay, và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một ca khúc quen thuộc với công chúng.

Tuy Hòa
.
.