Thanh niên xung phong, những ngày đầu giáp trận

Thứ Năm, 30/07/2020, 14:45
Nay nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập TNXP, mời các bạn xem vài hình ảnh TNXP trong những ngày đầu giáp trận, để thấy những “cây non” trước khi trở thành “trụ thép” đủ sức chống chọi với đủ loại bom đạn của kẻ thù...


Trong mấy năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tôi được sống cùng các chiến sĩ TNXP trên đường 12A lên đèo Mụ Giạ và đã từng viết nhiều bài về những tấm gương chiến đấu dũng cảm của đội quân đó mà tiêu biểu là các anh hùng Trần Đức Hè, Nguyễn Thị Kim Huế (Đại đội 759 anh hùng) cùng những chiến sĩ trên trận địa “Đồi 37”, nơi 7 TNXP hy sinh cùng lúc sau loạt bom “tọa độ” đêm 3-7-1966... 

Nay nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập TNXP, mời các bạn xem vài hình ảnh TNXP trong những ngày đầu giáp trận, để thấy những “cây non” trước khi trở thành “trụ thép” đủ sức chống chọi với đủ loại bom đạn của kẻ thù...

Chiều 15-7-1965 - tình cờ, đúng ngày này 15 năm trước (1950), Bác Hồ sáng lập lực lượng TNXP Việt Nam - tôi rời thành Vinh, một mình đạp xe suốt đêm, theo đường 15 qua Đồng Lộc, Chu Lễ và về đến La Khê khi trời vừa sáng. Thời điểm này ngã ba Đồng Lộc vẫn là chốn bình yên. Hôm rời La Khê về phép, tôi cũng theo tuyến này. Đạp xe một mình qua vùng đồi hoang mênh mông trong bóng đêm mờ ảo, tưởng như là cảnh thảo nguyên trong phim Liên Xô…

Nhà bia Tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên Đồi 37 đường 12A.

Tôi về đến công trường khi đội quân TNXP hơn ngàn người đã được bố trí ở những điểm xung yếu trên đoạn đường dài khoảng 80 cây số, từ Tân Đức đến Cha Lo. Đội TNXP mang phiên hiệu N.75 chia thành 9 đại đội, gọi tắt là “C”, gồm 1.163 thanh niên (trong đó có 411 nữ) các huyện của Quảng Bình. Do đường 12A là con đường duy nhất xe pháo có thể vượt Trường Sơn lúc đó nên được “ưu tiên” một đôi quân đông đảo như thế!

Tôi được cử về Phòng Bảo đảm giao thông, có trách nhiệm xử lý các vấn đề mới nảy sinh trên cả tuyến, nên có dịp “thăm” và “hóng chuyện” ở nhiều đơn vị.

Đội quân “Ba sẵn sàng” từ lúc rời quê hương cho đến lúc đặt chân đến trận địa mới, là hình ảnh một đoàn quân hăng hái “trăm người như một”. Nhưng thực tế nghiệt ngã, từ đời sống ngày ngày phải chui rúc trong những mái lán thấp tè ẩn kín dưới rừng cây ẩm ướt, thiếu giấy viết thư, xà phòng giày dép chưa kịp phát… cho đến cuộc chiến đấu trên mặt đường ngày càng ác liệt, chết chóc cận kề, đã khiến một số dao động. Kể cũng là điều dễ hiểu. Cả ngàn con người, hầu hết mới lần đầu rời làng quê với mái nhà và sự chăm chút của bố mẹ, anh chị em, dấn thân vào một môi trường xa lạ, biết bao nhiêu là tâm sự và những đòi hỏi khác nhau…

… Một ngày sau, tôi đi lên Bãi Dinh xem hệ thống đường tránh đoạn từ La Trọng đi lên. Một tháng tôi xa công trường, sau mấy trận ném bom, cầu vòm Bãi Dinh “đẹp như tranh vẽ” đã bị đánh sập.

“… Ghé đơn vị làm ở Khe Cấy, tức C.TNXP 759. Ở đây, tuy là lần đầu gặp gỡ, nhưng vẫn có cảm tình. Các chị em vui vẻ, hát hò luôn. Mấy cô gái rõ dáng học sinh, chụm đầu bên cuốn sổ tay, đọc cho nhau nghe những “danh ngôn” về tình yêu… Tuy vậy, C Tuyên Hóa có C trưởng P. - một cán bộ lớn tuổi được Huyện cử phụ trách đơn vị - người có đôi mắt lờ đờ qua nhiều đêm mất ngủ, rất nhát. Nghe có bom, không dám ra mặt đường, hoặc ngồi tít trên cao. P. cũng sợ lại gần ánh đuốc, sẽ dễ bị máy bay bắn. Tuy vậy, đại đa số anh chị em rất tốt. Chỗ ăn ở khó khăn đã chịu đựng được. Vừa mới lên đã đi lấp hố bom ở cầu La Trọng. Lấp xong thì lại chạy lên lấp hố bom ở Y Leng…” (Nhật ký 18/7/1965)

Đoạn nhật ký ghi vội, đơn sơ, nhưng đây là hình ảnh ban đầu về C. 759 mà tôi gắn bó, cuối năm 1966, là đơn vị TNXP đầu tiên cùng với Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Kim Huế, đã được tặng danh hiệu Anh hùng. Trong cuộc chỉnh huấn cho đảng viên, cán bộ công trường đầu tháng 8-1965, đồng chí bí thư Đảng ủy đã phê phán gay gắt hiện tượng TNXP đào ngũ và cách chức C trưởng P. Điều đó là cần thiết giữa cuộc chiến gay go, nhưng ngẫm kỹ thì đây cũng là biểu hiện bình thường của con người. Thử hỏi, mấy ai dám quả quyết mình không sợ chết?

Hai cựu TNXP C.759 tìm thấy mộ đồng đội hy sinh ngày 3/7/1966 (Nghĩa Trang Minh Hóa - Quảng Bình, năm 2014).

Sau này, khi cuộc chiến ác liệt hơn, có vị giữ chức trách cao hơn mà tôi biết, cũng chọn cách đốc thúc quân lính đằng sau hoặc qua điện thoại! - một số cá nhân không vượt qua được nỗi sợ bình thường của con người như thế càng làm bật nổi cách sống khác thường, cũng có thể gọi là phi thường, là anh hùng của đại bộ phận đội quân TNXP.

“… Trong thời gian này, chúng bỏ bom phá đường và bom nổ chậm lung tung trên tuyến. Bom nổ cả sau đồi gần lán sơ tán. Giấy báo tử của những người hy sinh đợt trước chưa đánh máy xong thì tin từ Cha Lo báo về: Kỹ thuật viên Vân chết và đồng chí đại đội phó C.758 bị thương. Kỹ thuật viên Bành Trọng Vinh, liền được lệnh lên Cha Lo thay Vân. Lúc sắp ra đi, Vinh nói nửa thật nửa đùa: “Chả biết rồi có lên đến nơi không đây!”.

… Mùa mưa bắt đầu, việc vượt lũ nhiều khi còn khó hơn đối phó với bom đạn. Chiều ngày 29/8, sau khi “liên hoan sớm” ngày Quốc khánh 2/9. mình và kỹ  sư Minh ra Ca Tang xem lại tuyến tránh mới dài đến 4 km và vị trí làm cầu-tràn vượt khe khi lũ. Hai anh em vượt Khe Ve - do cầu đã bị bom đánh sập - phải cởi hết quần áo, gói vào ni lông rồi bơi qua. Đến Ca Tang, mới biết trận lũ đã làm sụt đất đầu ngầm rất lớn. Cả mấy đơn vị cùng tập trung quân làm rất khẩn trương. Ngay trong đêm đó, chúng ném bom khiến 1 chiến sĩ TNXP C.753 (Quảng Trạch) hy sinh và mấy người bị thương… (Trích Nhật ký ngày 1-9-1965).

Cũng trang Nhật ký này, tôi đã ghi vắn tắt: một đêm cuối tháng 8-1965, bom rơi đúng lán khiến 8 TNXP (4 nữ, 4 nam) C.757 Lệ Thủy hy sinh gần La Trọng. Ngay hôm sau, tôi đã cùng Ban chỉ huy C.757, “rúc vào rừng tìm chỗ dựng lán mới. Trời mưa, quần áo các anh bê bết máu không kịp thay, lại nhịn đói từ sáng…”. Vậy mà do sau đó, nhiều công việc cấp thiết, nhiều vụ hy sinh liên tiếp xảy ra, nên sự kiện bi thảm đầu tiên này của TNXP hầu như không được nhắc đến! Mãi cho đến năm 2015, có dịp xem lại các sổ Nhật ký, tôi mới cùng các đồng chí ở Quảng Bình đi thăm mộ 8 liệt sĩ và viết bài đăng trên một tờ báo…

“…Tối 2-9, ghé lại C.753. Ở lán một tiểu đội (gọi tắt là “A”) gồm người Cảnh Dương và thị trấn Ba Đồn, các cô gái hầu hết trẻ măng, trắng trẻo, do ở quê không làm ruộng. Mặc trời mưa lầy lội, mặc trong đơn vị vừa có thương vong, anh chị em vẫn tụ tập diễn văn nghệ ngay trên sạp nằm yếu ớt, chật hẹp, không đủ chỗ cho dàn diễn viên múa, đầu cụng mái tranh. Tiết mục phong phú: Múa đưa bộ đội qua sông; nhạc cảnh đón Cụ Hồ về; vè “con cá”, ngâm thơ, hò Huế, hò Lệ Thủy và nhiều hơn cả là đồng ca. Hết bài này đến bài khác, không thể tính được… Không khí văn nghệ cuốn hút, khiến mình cũng “xung phong” lên hát liền hai bài

Sáng, trời nắng, ra hiện trường. Xe chở gạo sa lầy đêm qua đã trôi mất tăm và đống đất sụt càng lớn. Tình hình bảo đảm giao thông sẽ rất khó khăn. Một đồng chí ở đơn vị pháo đóng tại Khe Hà đi lấy gạo đang lo anh em bị đói. Đồng chí S. trong Ban chỉ huy tuyến đến yêu cầu cho xe qua trong đêm vì có những mặt hàng rất khẩn cấp…  Không lẽ bó tay?..

Sau khi thông xe, gặp anh Lỏn, Đại đội trưởng C.753. Anh nói: “Đơn vị có nhiều nữ, trẻ, chưa quen lao động, chịu khổ (dân Quảng Thuận làm nón, Ba Đồn buôn bán…), vừa tập trung đã có 4 đội viên đào ngũ. Hành quân đi bộ 6 ngày, gặp máy bay luôn, càng hoang mang. Đến nơi, chị em nữ khóc luôn…Chi bộ, rồi chi đoàn thanh niên họp, bàn các biện pháp động viên tư tưởng, kịp thời động viên qua buổi phát thanh hàng ngày, lập tổ văn nghệ trong các A, củng cố lán trại, vệ sinh sạch sẽ…Từ đó, không khí đơn vị dần thay đổi…”.

(Trích Nhật ký ngày 3-9-1965)

Tôi hiểu ra, lãnh đạo đơn vị đã tốn không ít công phu mới tạo nên được một đời sống tinh thần lạc quan như đêm văn nghệ hồn nhiên tràn đầy sức trẻ mừng ngày Quốc khánh 2-9. Hầu như đơn vị nào trên con đường này đều phải “công phu” như thế. Cả trăm ngàn con người như măng mới mọc, mỗi người một tính một nết, “bỗng chốc” phải rời xa lối sống quen thuộc, phải thay đổi tất cả và lập tức phải gánh vác công việc nặng nhọc, nguy hiểm dưới đạn bom lúc nào cũng có thể rơi xuống đầu mình. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cả ngàn chiến sĩ trẻ ấy đều đã sống như những anh hùng, chứ không chỉ có C.759 và Nguyễn Thị Kim Huế…

Nguyễn Khắc Phê
.
.