Thăm lại Van Gogh
Hai ngôi mộ song song: hai tấm bia kiểu dáng giống nhau, thô sơ như nhau, chôn trên mặt đất phẳng nghĩa trang. Bia bên trái: “Ở đây yên nghỉ Vincent Van Gogh 1853-1890”. Bia bên phải, nấm mộ người em, cũng nét chữ ấy, nội dung ấy, chỉ khác dòng tên và năm sinh năm mất: “Theo Van Gogh 1857-1891”.
Thuở ấy hẳn đây chỉ là cái nghĩa trang làng. Giờ đây nước Pháp đã xóa bỏ ranh giới nông thôn với thành thị. Cái làng Auvers sur Oise ( Ôve trên sông Oadơ) mang dáng dấp một đời sống thành thị, một thứ thành phố “vệ tinh” bao quanh
Cái nghĩa trang cũng đã thành phố hóa, có nhiều ngôi mộ xây đá hoa cương, kiểu dáng sang trọng, đường bệ. Hai ngôi mộ anh em nhà Van Gogh đã không thuận với góc nhìn, lại không có nét riêng kiến trúc, khách thăm mộ vô tình dễ không để ý.
Tôi vào nghĩa trang này chỉ cốt thăm mộ ông nên phải để công tìm. Tần ngần đứng trước ngôi mộ thanh bần nhà danh họa hàng đầu của thế giới hiện đại, người đã có tranh được bán với giá 83,5 triệu USD, bức “Chân dung bác sĩ Paul Grachet”, 86 x 57cm, bán trong dịp kỷ niệm một trăm năm ngày ông mất, năm 1990.
Vincent Van Gogh đi qua cuộc đời 37 năm với nhiều khổ ải.
Nơi đây đâu phải quê ông. Quê ông ở Hà Lan, làng Groot Zundert, thuộc vùng Bắc Brabant. Ông ở quê mười sáu năm đầu đời rồi mới đi thiên hạ kiếm sống. Ban đầu chưa dính dáng gì đến hội họa, Van Gogh chỉ là người bán hàng thuê cho một của hiệu ở Hague.
Chỗ này chỉ là chốn dừng chân của người họa sĩ lang thang đi tìm cảm xúc hội họa. Van Gogh đến làng Auvers này ngày 21 tháng 5 năm 1890. Lúc đó ở làng Kim Liên, Nghệ An, chú bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới hai ngày tuổi. Liên hệ thế để dễ định hình dấu vết cái thời Van Gogh ở châu Âu, ở nước Pháp.
Auvers trên sông Oise ở phía tây bắc
Sáng ấy trên đường đi thăm một người bạn, thoáng thấy trên tấm biển ven đường dòng chữ “Nhà của Van Gogh”, sau bữa ăn, tôi nhờ anh bạn chủ nhà chở đi thăm căn nhà Van Gogh ấy. Hóa ra đấy là một cái nhà trọ, nhà trọ Ravoux. Bây giờ là một tiệm ăn.
Hôm tôi đến là chủ nhật, tiệm đóng cửa. Chủ nhật hầu hết các cửa hàng ở Pháp đóng cửa, kể cả tiệm ăn. Nghe nói những hôm mở cửa, tiệm này khá đông khách, phải điện thoại trước giữ chỗ. Đông khách vì tiệm còn lưu giữ nơi ở cuối cùng của Van Gogh.
Gọi là “nhà Van Goch” như tấm biển chỉ bên đường (maison de van Gogh) e chưa chính xác, nó chỉ là căn buồng sát mái. Trên mái có lợp một tấm kính lấy ánh sáng. Trong phòng, một cái giường hẹp, vài cái ghế dựa.
Không có gì để xem, nhưng đủ để hình dung cuộc sống rất đạm bạc của Van Gogh khi ấy. Phía trước tiệm ăn, bên kia đường, là trụ sở ủy ban xã. Van Gogh đã vẽ thành tranh cái căn nhà này. Bức tranh được in, lồng kính, đỡ trên giá sắt dựng ngay trước ủy ban.
Tác giả đứng bên một bức tranh của Van Gogh. |
Có lẽ vì đã trót vào tranh Van Gogh mà từ 1890 đến nay dáng dấp căn nhà ủy ban ấy không có đổi thay. Hơn một thế kỷ trước Van Gogh lấy căn nhà làm mẫu cho tranh. Giờ đây tranh ông lại thành mẫu cho căn nhà. Sửa chữa bảo trì gì cứ nhìn vào đấy mà làm.
Căn nhà trụ sở ủy ban, có lá quốc kỳ Pháp như từ dạo ấy, vẫn là trụ sở của hành chính bây giờ, nhưng thật sự, cũng như cái quán ăn này, nó đã thành hiện vật bảo tàng về nhà danh họa. Nó giúp cho khách thăm hình dung lại không gian hơn một thế kỷ trước, khi ông Van Gogh khăn gói quả mướp đến đây, ăn ngủ và lang thang suốt ngày trong các con đường làng, ngoài cánh đồng lúa mỳ, mê mẩn với những mái nhà trong làng còn lợp rạ, cái nhà thờ xã cổ sơ trầm mặc.
Những đoàn khách du lịch, đủ người năm châu bốn biển đến thăm Auvers hôm nay là đến vì Van Gogh. Nơi nào ông đứng vẽ thì tranh ông lại được dựng nên ở đấy. Một giá đỡ kim loại bền chắc, tranh bọc kính, chịu được nắng mưa.
Người thời nay trong giây phút ấy như được thấy lại giữa thiên nhiên của làng Auvers những gì mà Van Gogh đã thấy và lưu giữ vào tranh. Như xưa và cũng không như xưa nữa. Càng không thể như trong tranh Van Goch. Thử nhìn bầu trời trong tranh ông. Bầu trời thuở ấy với bây giờ chắc cũng tương tự như nhau. Gió thổi mây bay, xa rộng, bát ngát…
Nhưng ở tranh Van Gogh mây ít khi thảnh thơi bay. Nó cuồn cuộn vần vũ, hoảng hốt, đe dọa như báo động. Hoặc tất cả chìm trong màu tím thẳm sâu, bí ẩn của màu đêm như bầu trời trên nóc cái nhà thờ xã của nơi này. Tôi không rành về hội họa lại càng lơ mơ về Van Gogh, nhưng được đứng bên tranh ông mà đối chiếu với phong cảnh nguyên mẫu thì cũng thấy được cái cách Van Gogh cô đọng, làm đậm đặc lại, đông quánh lại những hồn vía của cỏ cây phong cảnh, bắt cái đám vô tri vô giác ấy biết cất tiếng, tự nói được những nỗi niềm sâu kín của chúng với con người.
Hôm ấy nhờ tranh Van Gogh kề bên mà tôi như lõm bõm nghe được tâm sự của cái nhà thờ làng ở Auvers, tâm sự cánh đồng lúa mỳ vàng, với những con quạ đen chấp chới bay lên bay xuống.
Nó bay như đã từng bay trong tranh Van Gogh. Hơn một thế kỷ đã đi qua. Thế giới bao nhiêu đổi thay. Hai cuộc đại chiến đã đi qua. Nhưng một vài không gian nhỏ ở đây người ta cố giữ, theo mẫu hình mà Van Gogh đã cố định trong tranh ông.
Tháng 5/1890, Van Gogh tới
Nhưng cái ông thày thuốc ấy hẳn phải có trái tim nhân hậu và tầm hiểu biết hội họa mới có thể nhẫn nại phục dịch con người “quá cỡ” kia, và rồi chân dung bác sĩ Grachet đã thành một kiệt tác của Van Gogh.
Ở làng Auvers, Van Gogh như nhập đồng một cơn vẽ mới. Ông đi suốt ngày, vẽ suốt ngày, vẽ người, vẽ cảnh. Ông say mê những mái tranh trong làng, những vòm cây thông như ngọn lửa ngoài cánh đồng, gương mặt chất phác nhọc nhằn những người ông gặp, toàn là những thứ của đời thường, những cái hàng ngày.
Van Gogh vẽ bằng một cách biểu hiện riêng. Không làm đẹp lên, cũng không khủng bố người xem, mà ông thu hút họ, làm họ bận tâm cho đến lúc họ nhìn ra cái phần khám phá của ông, cái nỗi lòng xao động của cảnh vật, cái nỗi xót xa dông bão trên những gương mặt bình yên…
Không hiểu sao đến vùng quê này của nước Pháp, hình dung những ngày tháng ấy, chiếu sang năm tháng nước mình vào cái giai đoạn hiệp ước mất chủ quyền quốc gia Patenote đã ký với Pháp, vào lúc ông Tam nguyên Nguyễn Khuyến trả mũ áo triều đình, khăn gói gió đưa về sống với dân làm ruộng thôn Bùi quê cũ, lại thấy gợi lên trong lòng những ngậm ngùi năm tháng.
Người ta thống kê: Van Gogh để lại tới bảy trăm năm mươi bức vẽ, một ngàn sáu trăm ký họa. Nhưng sinh thời ông chỉ bán được một bức tranh. Cái buồng trọ cuối cùng của nhà danh họa ấy nói với chúng ta nhiều lắm.
Ông thiếu phòng vẽ, thiếu cả màu, cả bạt. Người ta phát hiện rằng giai đoạn ở Hague, 1882, ông chuyển từ màu nước sang sơn dầu là do em trai ông, cái ông Theo Van Gogh ấy, ông này là người buôn bán tranh, đến thăm thấy ông anh vẽ đẹp lên nhiều quá, bèn xuất tiền cho anh vẽ.
Có tiền có màu, Van Gogh vào rừng vẽ miết. Nhiều bức gây chấn động giới hội họa ở Anh. Trong thư ông nói với em đợt ấy vẽ được bảy mươi bức. Nay còn lại hai mươi lăm.
Con người cực kỳ nhạy cảm và dễ bị kích động, dễ bị tổn thương ấy, ác nghiệt thay lại là người thiếu thốn tình cảm. Trong gia đình ông chỉ trò chuyện, thư từ được với Theo Van Gogh.
Sau này người ta nghiên cứu tiểu sử ông, quan niệm nghệ thuật của ông là dựa nhiều vào những bức thư ông gửi cho người em trai. Thời kỳ ông đến
Khi đến làng Auvers này chắc lòng ông cũng nhiều bất an, mới có sự theo dõi tận tình của bác sĩ Grachet. Hình như càng bất ổn, ông càng say mê vẽ. Tạo hóa “đày đọa” ông một tài năng để ông gánh chịu và ông thực thi. Và hình như khi tài năng ông trào lên đến cái đỉnh cao phải đến thì ông trời lại chọn cho ông một ngả ra đi đầy chủ động và cũng rất cực đoan (dùng súng tự sát) ở một cái làng nhỏ khiêm nhường là nơi đây.
Nơi trú ẩn cuối cùng của ông là ở cái làng này, hay nấm mộ kia, hay trong ký ức nhân loại vĩnh cửu?