Tết đặc biệt của người Mông

Thứ Tư, 03/02/2016, 08:00
Dân tộc Mông vốn là cư dân trồng lúa nước. Họ dùng lịch mặt trăng - âm lịch. Tuy nhiên, cách tính của người Mông có sự xê dịch so với lịch của người Kinh là không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 "Tết của một năm”.


Theo cách tính của lịch người Mông, cuối tháng con Bò (tương ứng với tháng 11 âm lịch của người Kinh), hoặc đầu tháng con Hổ (tháng 12 âm lịch) là các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí Tết. Đó là khi mùa màng xong xuôi, ngô lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân, cỏ khô đã chuẩn bị cho bò, ngựa... Tết truyền thống của người Mông kéo dài suốt tháng chạp (tháng 12 âm lịch) tới Tết Nguyên đán của người Kinh... Tùy theo sự chuẩn bị về vật chất, khả năng từng gia đình, dòng họ, các làng bản đã bắt đầu ăn Tết. Thường thì Tết vùng Tây Bắc diễn ra sớm hơn vùng Đông Bắc trước 15 - 20 ngày.

Việc mổ lợn Tết dứt khoát phải mời bà cô dòng họ, ông cậu hoặc người thân thích trong dòng họ đến chứng kiến. Chọc tiết lợn xong, chủ nhà lấy một xấp vàng mã đặt lên chỗ xoáy trán lợn để đốt. Thủ tục này nhằm phân biệt con lợn để ăn Tết với con lợn bình thường; để tổ tiên, thần ma thừa nhận đó là con lợn Tết.

Lễ hội của người Mông khi tết đến.

Việc ăn Tết cổ truyền của người Mông mang nặng tính cộng đồng dòng họ (Xênh), gắn liền với tín ngưỡng của dòng họ mang tính nội tộc là chủ yếu. Vì vậy không phải ai cũng được mời đến ăn Tết, hoặc tự tiện đến chúc Tết gia đình họ. Dịp này chỉ những người cùng dòng máu, ruột thịt, cùng dòng họ về gặp nhau nhận họ, ăn uống, chúc tụng, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống. Việc tổ chức mổ lợn Tết được luân phiên từ nhà này sang nhà kia.

Gia đình mổ lợn phải mời Người cầm quyền dòng họ (trưởng họ), bà cô, ông cậu, bố mẹ vợ, anh chị em ruột, người cùng dòng họ. Trong các câu chuyện có bàn việc của dòng họ. Khi chia tay để sang ăn Tết nhà khác người cùng Xênh (tức cùng dòng họ hẹp biết nhau qua cách bày cúng ma Bò) sẽ được gia chủ biếu một khoanh thịt lợn nhỏ hình bán nguyệt xẻ từ giữa đốt sống con lợn đến giữa bụng lợn - nhưng dứt khoát phải có một rẻ xương sườn để làm quà cùng một chai rượu nhỏ. Người được mời đến ăn Tết cũng mang biếu gia chủ một khoanh thịt lợn như thế, cút rượu. Nếu là nhà khá giả thì biếu thêm một con gà thiến cho gia chủ.

Lễ trừ tà

Vào những ngày cuối tháng con Bò (tương đương tháng 11 âm lịch của người Kinh), chủ nhà mời người cầm quyền ma khách (hoặc Tsi H`ninhs, trợ lý của người cầm quyền ma khách - mà từ trước đến nay người Kinh gọi chung là thầy mo - sau đây gọi chung là thầy mo cho dễ nhớ) đến nhà để làm lễ trừ đuổi tà ma. Ông được gia chủ đưa cho một túm lá có 3 cành nhỏ, hoặc 3 nhành cỏ cứng, hay 3 bông lau  chập vào nhau buộc bằng chỉ ngũ sắc. Ông cầm túm lá đi quanh nhà vừa phất phất, miệng tấu lên bài đuổi tà ma, cái xấu xa ác độc ra khỏi nhà gia chủ. Xong việc, ông mang túm lá ra ngã 3 đường mòn phía Tây ngôi nhà vứt túm lá ở đó.

Xong nghi lễ này, người nhà mới được phép dọn dẹp nhà cửa. Tất cả bụi bẩn, rác rưởi gia đình phải mang ra nơi thầy mo ném túm lá để đổ ở đó - với ý nghĩa cái xấu xa, độc ác, tà ma, xúi quẩy, rủi ro...theo mặt trời lặn mà biến đi cùng bóng tối không tìm ra đường quay về nhà làm hại gia đình. Sau lễ trừ tà, các thành viên trong gia đình tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ để chờ đón năm mới.

Lễ quét phép

Để lo cho lễ này gia chủ phải kiếm một loại cây mọc thẳng, lá thuôn dài, thân có gai dài và nhọn, thân cây chừng bắp tay, cao độ 3-4 mét. Trên cùng cây, ngọn bị cắt cụt để một nhánh làm mấu treo. Gia chủ bện một sợi dây cỏ dài 5-7 mét, Tết cho mỗi người trong gia đình một vòng cỏ quấn chỉ ngũ sắc để đeo vào tay. Hai ngày giáp Tết, cả gia đình kiểm tra lại thực phẩm, cỏ dự trữ cho dê, bò, ngựa, các vật dụng xem còn thiếu sót gì? Gia chủ lấy những xấp giấy vàng mã, có đục lỗ hình đồng tiền tròn dán vào tất cả mọi thứ quanh nhà: từ kèo cột, hòm xiểng, cửa, cày cuốc, dao gùi, nồi niêu, cây cối quanh nhà...để giữ vía chúng ở lại ăn Tết.

Khi đã sẵn sàng, gia chủ mời thầy mo đến hành lễ. Chủ nhà buộc chặt con gà trống và một đầu dải cỏ buộc vào mấu trên ngọn cây nêu, nâng cây nêu chôn chặt vào hố ngay sau cổng vào sân, kéo căng dây cỏ tạo ra một chiếc cổng hình tam giác vuông chặn hòn đá to để giữ dây cỏ cho căng. Người nhà xếp hàng dọc phía trong cổng.

Khi thầy mo cất lên bài quét phép, lần lượt từng người được thầy mo đeo cho chiếc vòng cỏ vào cổ tay. Họ đi 3 vòng sang bên này, 3 vòng sang bên kia rồi trao trả cho thầy chiếc vòng cỏ. Xong xuôi, nhổ cột nêu, thầy giao cho một thanh niên khỏe mạnh trong nhà vác cây nêu đi về phía Tây ngôi nhà tìm một tảng đá to đặt cây nêu xuống. Rồi cắt tiết gà, lấy máu vẩy vào dây cỏ. Nhổ lông đuôi, lông cánh gà cứ 2-3 gang tay cắm 1 chiếc lông vào dây cỏ. Móc tất cả số vòng cỏ đeo tay vào mấu trên đỉnh cây nêu. Dựng cây nêu vào kẽ đá, rồi mang gà về nhà làm thịt.

Năm 2013 vào tháng 3 tôi có chuyến đi Hà Giang. Trên đường từ Lũng Cú đi Đồng Văn vẫn nhìn thấy 2 chiếc cây cột cao vút của người bản Mông cắm vào khe đá. Tuy đã 3 - 4 tháng  kể từ Tết nhưng vẫn nhìn rõ những lá cờ tam giác nhỏ cùng những chiếc lông gà trên dây bện cỏ bay bay trước gió.

Lễ gọi vía

Sau lễ quét phép là lễ gọi vía. Một chiếc ghế được đặt chính giữa nhà. Trên ghế đặt một bát gạo hoặc ngô, trên gạo, ngô đặt 1 quả trứng sống. Dưới gầm ghế đặt chiếc ống bơ hoặc nồi đất bên trong chứa những cục than hồng. Thầy mo thành kính thắp hương cắm vào bát gạo, rắc ít sáp ong trên các cục than đang hồng để tạo khói. Rồi tay trái ông ôm một con gà trống lớn, mào to đỏ chói (tượng trung cho Gà thần)  tay phải cầm 1 chiếc kéo đứng giữa cửa ra vào quay mặt ra phía cổng. Ông cất lên một bài hát lễ nghi nghiêm trang trong khói hương, khói sáp đang bốc lên nghi ngút. Đoạn cuối nội dung lời hát  như sau:

"Hôm nay là ngày lành, đêm nay là đêm tốt. Hôm nay là ngày cùng , năm nay là năm tận, tháng này là tháng trăng cùng, mặt trời cũng tận để sang năm mới. Tao đứng đây lớn tiếng gọi: Không gọi tiếng Krềnh (tức là tiếng khèn), tiếng trống đám ma; không gọi tiếng rên xiết ốm đau, không gọi lời thị phi xấu xa, không gọi ma tà ác độc... Tao chỉ gọi gia đình này có bao nhiêu vía về mà ăn Tết. Ông bà, bố mẹ, con cháu chắt, vía tiền của, thóc gạo , trâu bò gà lợn... mau mà về.

Nếu đứa nào chưa về thì hơi hương, khói sáp giúp tao đi rước nó về. Đứa nào rơi xuống vực thẳm sông sâu, theo khói hương khói sáp mà tìm đường về. Đứa nào bị đất hút, đi đầu thai, mắc nạn hay bị gì nữa không về được... thì gà ơi! Mày hãy tới đó lấy chân mà cào, lấy mỏ mà mổ, lấy cánh mà đập đưa chúng nó về đây. Chúng mày cứ về đi, môn thần (thần cửa) đã rộng mở đón chúng mày về. Hãy về đi, về đi cho nhanh, về đi cho đầy đủ nhé".

Thầy mo gõ chiếc kéo vào thành cửa vài lần, rồi ném chiếc kéo qua vai vào phía trong nhà - nơi có bàn thờ thần Skap (là thần giữ của, quản việc nhà - mà mọi người nhầm lẫn cho đó là bàn thờ tổ tiên). Nếu mũi kéo chỉ về phía bàn thờ tức là các vía đã về đầy đủ. Nếu chệch hướng, thầy phải làm lại từ đầu (nhưng thường thì được ngay bởi thầy đã quen thành chuyên nghiệp).

Gọi vía xong, thầy giao gà cho người nhà làm thịt. Bát hương có quả trứng thầy đặt lên bàn thờ thần Skap. Gia chủ bắt tiếp một con gà trống nữa giao cho thầy mo làm lễ cúng thần Skap. Thầy cắt tiết gà, di cổ gà còn bết máu vào tập tiền vàng mã và dính vài lông tơ gà vào đó - tập tiền vàng mã đã được đóng cố định trên bàn thờ. Nếu nhà có người ốm thì phải làm thêm một con gà nữa nhờ thầy gọi vía về (người Mông cho rằng người bị ốm là do người đó bị mất vía, hay do vía giận bỏ đi).

Cúng tất niên và đón giao thừa

Khi các món ăn đã đầy đủ, gia chủ bày ra mâm cùng bát đĩa, thìa đũa (đặc biệt không có món rau nào). Thầy mo ngồi xuống tấu lên bài mời tổ tiên về hưởng thành quả lao động của con cháu, phù hộ cho đại gia đình có sức khỏe, làm ăn phát đạt gấp trăm nghìn năm cũ. Rồi chủ nhà trực tiếp mời thứ tự tên tuổi từ xa đến gần 4,5,6,7 đời về ăn Tết với con cháu. Thầy mo ngồi cạnh chủ nhà lắng tai nghe xem có mời đúng không? Nếu thấy sai thì sửa ngay.

Cứ mời một đời chủ nhà lại lấy tay bấu một tí xôi, một tí thịt để vào cạnh mâm. Tiếp theo thầy mo cúng mời các vong hồn lang thang về hưởng Tết cùng gia chủ. Từ lúc này gia đình cùng thầy mo bắt đầu hưởng lễ. Khi thầy mo chia tay, gia chủ biếu thầy ít quà Tết là thực phẩm và chai rượu. Cả nhà đánh chén, uống rượu say nghiêng ngả. Riêng chủ nhà không được uống say, phải tỉnh táo đến giờ giao thừa lắng nghe xem con vật nào cất tiếng đầu tiên để đoán xem năm sau tiết trời lành hay độc, người và gia súc gia cầm có bị bệnh dịch gì không?

Qua giao thừa, phụ nữ mang thùng, xô đi ra suối gánh nước mang về lấy may có ý nghĩa no đủ, đầy đặn. Đồng thời cân thùng nước mới lấy so sánh với thùng nước năm cũ xem thùng nào nặng hơn. Nếu thùng nước giao thừa nặng hơn tức là năm nay sẽ mưa nhiều, mùa màng thuận lợi, sẽ được mùa no ấm.

Ngày nay các phong tục cổ truyền này bị hao hụt mất đi ít nhiều không còn đầy đủ như xưa để phù hợp với cuộc sống đương đại có nhiều cái mới trong sản xuất, sinh hoạt. Tết Mông cũng không còn khép kín trong dòng họ, mà cởi mở hơn thành sinh hoạt có tính cộng đồng xã hội để các dân tộc cùng chung vui.

Đinh Đức Cần-Xuân 2016
.
.