Sự hoàn thiện tác phẩm

Thứ Sáu, 11/06/2021, 14:44
Tác phẩm viết thảo xong rồi thì cần sửa chữa. Sự sửa chữa đôi khi còn mất công hơn cả quá trình viết thực tế vì nó là giai đoạn hoàn thiện, đòi hỏi nhiều thời gian và sự kĩ lưỡng. Công đoạn này khiến cho tác phẩm có sắc, có hồn. Nó là giai đoạn quan trọng và nhiều hứng thú của người viết.


Một nhà văn có tiếng của văn học đương đại có lần phát biểu rằng, quá trình sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm của anh thường gấp ba bốn lần thời gian anh viết thảo ra nó. Nếu chỉ cần sáu tháng để tạo ra một cuốn tiểu thuyết thì cần đến hai năm để cuốn sách có một diện mạo đầy đủ. Quá trình tu chỉnh, hoàn thiện luôn phải tỉ mỉ cầu kì, cần những quãng lặng sâu lắng để tác phẩm chín dần và không sai sót.

Sự sửa chữa tác phẩm cơ bản là của người viết nhưng đôi khi xuất phát từ những biên tập viên. Ta có nhìn nhận vài ví dụ cụ thể liên quan tới các biên tập viên báo chí hoặc nhà xuất bản. Võ Huy Tâm là nhà văn được trưởng thành từ đất mỏ Quảng Ninh, ông là công nhân mỏ thực thụ. Ông viết văn từ chính những gì ông biết và chứng kiến và muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện của mình một cách rất tự nhiên. Bản thảo ban đầu của cuốn tiểu thuyết “Vùng mỏ” là một khối rất bộn bề, ngổn ngang, tên nguyên sơ của nó là “Đình công”. 

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Bản thảo khi đến tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông thấy cần phải sửa chữa, gia cố bản thảo rất nhiều thì nó mới có thể “đứng” được. Nhưng Nguyễn Huy Tưởng không làm hộ Võ Huy Tâm. Nhà văn người Hà Nội đã hướng dẫn cho người đồng nghiệp đất mỏ tự điều chỉnh, chau chuốt bản thảo của mình và quan trọng nhất là cắt gọt cho nó tinh gọn hơn. Từ bản thảo mấy trăm trang ban đầu, cuốn sách của Võ Huy Tâm  đã rút xuống còn dưới hai trăm trang và được đổi tên thành “Vùng mỏ”, sách xuất bản tại nhà xuất bản Văn Học năm 1951 và đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952.

Tượng nhà văn Võ Huy Tâm

Quá trình tự sửa chữa bản thảo của mình bao giờ cũng tốt hơn để người khác làm hộ. Nhà văn Tô Hoài đã từng có một kỉ niệm rất nhớ đời về việc này. Một lần Tô Hoài nhận được bản thảo của một người tên là Lù Dín Xiềng từ Lào Cai gửi xuống. Thấy bản thảo có những điểm tốt, Tô Hoài đã hì hục biên tập, tô vẽ, cắt xén. Từ mấy trăm trang nguyên bản ông cũng rút xuống còn khoảng trăm trang và đem in. Lúc sách được xuất bản, Lù Dín Xiềng đã kiên quyết không nhận đấy là đứa con tinh thần của mình. Người ấy bảo đó là tác phẩm của Tô Hoài chứ không giống sách của Lù Dín Xiềng nữa!

Tôi cũng từng nhận được một bài học tương tự từ việc này. Một hôm tôi nhận được bản thảo của một bạn trẻ gửi đến. Thấy bản thảo có những điểm thú vị và hấp dẫn nhưng còn vài chỗ rườm rà, thừa thãi, thiếu logic nên tôi đã bắt tay vào trang điểm, xén tỉa cho tác phẩm ít nhiều. Khi gửi lại bản biên tập có điều chỉnh để tác giả xem lần cuối thì người viết nổi giận và bảo tác phẩm ấy không phải của mình nữa và từ chối in ấn!

Sự tự sửa chữa của Võ Huy Tâm rất nhiều, của Tô Hoài cũng lớn, còn của tôi tuy không đáng kể nhưng vẫn bị tác giả từ chối. Đó là những bài học rất đáng rút kinh nghiệm. Rõ ràng ở những trường hợp nhất định thì tác giả tự sửa chữa bản thảo của mình là tốt nhất. Nguyễn Huy Tưởng đã sáng suốt hơn Tô Hoài và tôi ở điểm này. Đôi khi các biên tập viên tưởng làm điều này, điều kia sẽ tốt hơn cho tác giả nhưng chưa chắc đã phải như vậy. Sự làm hộ tốn công sức lắm khi không được công nhận và thậm chí còn gây ra những hậu quả nhất định.

Tất nhiên không phải ai cũng có phản ứng giống tác giả Lù Dín Xiềng và bạn trẻ kể trên. Nhiều người không có khả năng tự sửa chữa bản thảo của mình hoặc không nhận ra những vấn đề nó gặp phải. Một số người phó mặc cho biên tập viên và số khác thì kiên quyết không chịu sửa chữa vì cho rằng đứa con tinh thần của mình đã rất tốt hoặc cho đó là cá tính riêng, họ không chấp nhận bất cứ sự thay đổi nào khi bản thảo đã được gửi đi.

Tôi thấy câu “Văn mình, vợ người” đúng trong những trường hợp kể này. Vì người viết tạo ra tác phẩm nên sự chủ quan trong đánh giá là rất đáng kể. Tin rằng nó đã mĩ mãn, phớt lờ những đánh giá của bạn nghề hoặc người có kinh nghiệm đôi khi là những sai lầm. Khi có thời gian để nhìn lại hoặc có sự trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, người viết sẽ nhận ra những non yếu trong tác phẩm mình tạo ra. Một phương pháp tốt giúp tác giả tự sửa chữa tác phẩm là tự cắt gọt. Một đồng nghiệp đã bảo tôi kinh nghiệm thế này, cứ yêu cầu tác giả cắt đi đúng 300 chữ chẳng hạn. Anh ta sẽ phải cân nhắc, đong đếm từng chữ để bỏ đi từng chữ ít giá trị nhất đến khi đủ định mức quy định thì thôi. Thao tác này sẽ giúp loại bỏ những từ thừa, từ lặp, những đoạn dở. Một đôi lần làm những việc tương tự, người viết sẽ có kinh nghiệm biên tập, tự sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Sự sửa chữa đối với nhiều người chủ yếu là quá trình chau chuốt và loại bỏ. Lúc viết, tác giả dựa theo cảm xúc của mình nên sẽ có nhiều rườm rà, thừa thãi hoặc thiếu logic. Công đoạn tu chỉnh sẽ làm tinh gọn câu chữ, ý tứ, làm sáng rõ và thuyết phục hơn.

Với những người khác thì sự sửa chữa là nới rộng, làm cho tác phẩm dày dặn thêm. Khi viết thảo anh ta chỉ vạch ra những khung ý chính, các nét lớn rồi khi hoàn thiện mới bồi đắp, thêm thắt, tô điểm cho sinh động, hấp dẫn. Sự mở rộng này có thể là chủ ý từ trước hoặc trong quá trình hoàn thiện mới phát hiện ra những thiếu khuyết và bổ sung, gia cố.

Sự viết nếu nhanh quá thường mắc phải nhiều sai sót. Quá trình viết thực ảnh hưởng lớn bởi cảm xúc còn lúc sửa chữa, lí trí đóng vai trò quan trọng hơn. Viết thảo là cảm tính còn hoàn thiện là lí tính. Đã là lí tính thì cần có sự chính xác, thời gian lắng đọng và những suy nghĩ cẩn trọng.

Một bản thảo viết xong có độ lùi thời gian nhất định mới sửa chữa thì chất lượng sẽ tốt hơn. Thông thường với một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn, người viết sẽ đọc lại và tu chỉnh ít nhất từ 3 đến 5 lần. Những người kĩ tính hơn có thể  lên đến 7 hoặc 10 lần hoặc đến tận khi không sửa chữa được chữ nào nữa mới thôi.

Nhưng sự sửa chữa quá kĩ với một bản thảo chưa chắc đã là tốt. Tôi đã nhận thấy điều này trong tác phẩm của một đồng nghiệp. Vì sự tu chỉnh quá nhiều, cắt gọt quá sát, tác phẩm của anh đã trở nên khô khốc, chỉ còn cái xương sống trơ khấc của nội dung mà thiếu đi lớp tuyết nhung, đưa đẩy, những thứ khiến câu chuyện trở nên mềm mại, màu mỡ và hấp dẫn.

Có lần nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng từng nói rằng với tác phẩm của mình thì chị chỉ sửa đến một độ nào đấy rồi gửi đi chứ cứ sửa mãi, sửa hoài vẫn không thấy hài lòng hoặc thậm chí muốn vất bỏ. Sự lo lắng của Nguyễn Ngọc Tư là có cơ sở bởi sự đẽo gọt, mài giũa nhiều quá sẽ khiến câu chuyện sẽ không còn hồn vía nữa. Sự tuốt sạch những chỗ dềnh dàng hoặc mềm mại có thể khiến tác phẩm chỉ còn cái cốt trần trụi. Sự trần trụi đôi khi toát ra sự giản dị hoặc tiết kiệm được thời gian nhưng khô đanh quá sẽ là một món rất chóng ngán, thô lộ.

Sự hoàn thiện kĩ lưỡng và đủ liều lượng luôn là yếu tố gia tăng chất lượng sản phẩm. Một tác phẩm nghệ thuật rất khó được coi là có giá trị nếu nó thiếu đi  khâu hoàn thiện tinh tế và cẩn trọng. Bởi thế người viết sẵn sàng đầu tư vào quá trình quan trọng này. Đó là sự sàng lọc nghiêm cẩn như người ta sàng một mẻ gạo. Những hạt thóc, hạt sạn, trấu sẽ được loại bỏ đi để chỉ còn những những hạt trắng nhất, đều nhất chuẩn bị cho một bữa cơm ngon. Một ngôi nhà có ý nghĩa với đúng tên gọi chỉ khi nào nó đã được tháo dỡ cốt pha, trát tường sạch sẽ, đủ vôi ve trang trí, lắp đặt cửa ra vào, điện nước đầy đủ. Một tác phẩm văn học cũng thế, sự hoàn thiện gần như sẽ quyết định giá trị sử dụng của tác phẩm, diện mạo, ý nghĩa và sự hấp dẫn của nó.

Uông Triều
.
.