Nhà văn Phạm Việt Long:

Sống với nhiều đam mê

Thứ Tư, 21/10/2015, 08:00
Thú thật cho đến tận bây giờ, tôi vẫn ngạc nhiên không biết Phạm Việt Long lấy đâu thời gian và sức lực để cùng lúc có thể làm được nhiều việc như thế. Với những tác phẩm văn học, văn hóa, âm nhạc và các công trình nghiên cứu khoa học đều đặn ra đời, Phạm Việt Long đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian và Hội Nhà báo Việt Nam từ nhiều năm nay.

Những ngày này, cho dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng anh vẫn đang hoạt động rất năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Tôi ngạc nhiên còn bởi lí do khi làm việc cùng nhau ở Bộ Văn hóa, anh là Chánh Văn phòng Bộ, một cương vị phải nói là khá bận rộn. Văn hóa, nghệ thuật với công việc nghiên cứu, hành chính, sự vụ là hai lĩnh vực như có vẻ hoàn toàn đối lập, hiếm khi song hành để có thể cùng đem lại thành công. Được nọ phải mất kia. Vậy nhưng với Phạm Việt Long xem ra lại có vẻ "hài hòa".

Từ Thông tấn xã Việt Nam chuyển sang Bộ Văn hóa, anh được bổ nhiệm theo từng nấc: phó phòng, trưởng phòng, phó văn phòng rồi chánh văn phòng. Ở cương vị Phó Văn phòng anh chỉ phải lo có mảng chuyên môn, nghiệp vụ nên ít nhiều vẫn có thời gian rảnh rỗi. Chánh Văn phòng một Bộ thì trăm công việc có tên và cả không tên đều đổ lên đầu. Từ nội dung, kế hoạch, kinh tế, đối nội, đối ngoại, rồi trong nước, ngoài nước. Thậm chí đến cả những việc nhỏ cũng phải lo như nơi ăn chốn ở, xe cộ…

Tất nhiên có các bộ phận chuyên trách nhưng cương vị Chánh Văn phòng buộc anh không thể không "để mắt". Giữa Bộ trưởng, các thứ trưởng, các cục, vụ, viện, trường…thì Chánh Văn phòng là một đầu mối, một mắt xích quan trọng phải liên hệ, điều phối hài hòa. Phạm Việt Long như con thoi, hết nơi này sang nơi khác, lắm việc sự vụ như họp hành hay thừa ủy nhiệm của lãnh đạo Bộ đến chỉ để đọc quyết định, giới thiệu hay trình bày văn bản… Vợ con bảo, nhiều tối, rồi ngày lễ, chủ nhật gia đình người ta thì đi đây đi đó, còn Phạm Việt Long thì riêng chỉ nghe gọi, trả lời điện thoại cũng đã đủ mệt.

Tưởng công việc đã đủ ngập đầu, thì bất ngờ một lần Phạm Việt Long đề nghị tôi cùng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học: "Phát huy những giá trị truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" do anh làm chủ nhiệm. Tôi ngạc nhiên, anh lấy đâu thời gian? Tất nhiên ban biên soạn còn thêm chuyên gia ở nhiều cơ quan…

Đáng nói, trách nhiệm chủ nhiệm đề tài với Phạm Việt Long không phải chỉ hình thức như không ít ai đó cần có danh vị để đánh bóng tên tuổi, kiếm lợi nhuận, tôi thì thấy anh làm việc thực sự. Mọi kế hoạch triển khai, văn bản, báo cáo, tư liệu thuộc nội dung đề tài anh đều đọc và tham gia nghiêm túc. Không đại khái, qua loa. Kết quả đề tài được tập thể hội đồng khoa học không chỉ nhất trí nghiệm thu mà còn đánh giá cao, rồi được in thành sách gửi các địa phương. Công bằng nhận xét, dù công sức nhiều người nhưng Phạm Việt Long là nhân tố quyết định.

Thấy Phạm Việt Long bận rộn với nhiều công việc như thế, tôi nghĩ đã là quá sức nhưng bất ngờ trong năm 1999 tôi bỗng thấy anh cùng lúc xuất bản tập truyện ngắn "Âm bản" tại nhà xuất bản Hội Nhà văn và cuốn tiểu thuyết "B Trọc", dày tới gần nửa gang tay ở nhà xuất bản Thanh Niên. Cuốn tiểu thuyết tư liệu với rất nhiều chất liệu sống phong phú và cảm động được tác giả kể lại với tư cách một người trong cuộc - một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã sống, làm việc và chiến đấu ở chiến trường khu V trong những năm 1966 - 1967, quãng thời gian khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng khốc liệt.

Sách vừa ra đời lập tức đã có phản hồi tích cực, đã liên tục được tái bản trong suốt những năm 2001, 2002, 2003 và còn nhận được nhiều giải thưởng văn học từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Trương Hán Siêu và giải thưởng Đào Tấn. Còn cuốn"Âm bản" sau đó cũng đã được nhà xuất bản Văn học cho tái bản.

Cầm trong tay mấy cuốn sách bạn tặng, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Phạm Việt Long, con người lành hiền, nhỏ nhắn, thậm chí gầy yếu ấy không hiểu lấy đâu thời gian, sức lực và quan trọng hơn, đã phân thân như thế nào để có thể biến thành hai con người khác hẳn nhau, vừa lo hoàn thành tốt chức phận của một công chức trách nhiệm lại vừa có được những tác phẩm văn học? Để làm tốt một việc thôi cũng đã quí, còn Phạm Việt Long lại được cả hai. Tôi thực sự khâm phục lao động và năng lực của anh.

Gần Phạm Việt Long tôi còn thấy ở anh một tấm gương tự học đáng nể. Khi tham gia trong đoàn cán bộ Thông tấn xã vào chiến trường Miền Trung Trung bộ công tác, anh mới chỉ qua chương trình phổ thông. Năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở lại cơ quan cũ, khi ấy anh mới bước chân vào đại học. Chuyển sang Bộ Văn hóa, anh theo học hàm thụ để có trình độ thạc sĩ, ngày ấy học vị này còn quí hiếm. Nhưng đương chức Chánh Văn phòng thì Phạm Việt Long lại lặng lẽ theo học tiếp và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình", sau đó được nhà xuất bản Chính trị quốc gia in thành sách, lại được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian thì tôi càng cảm phục nghị lực vươn lên không ngừng của anh.

Công việc hàng ngày bận rộn, nhưng khi kiên trì theo học tiến sĩ thì hầu như một ngày làm việc của anh không phải 8 hay 9 tiếng mà phải là 14, 15 tiếng. Tạm ngưng công việc ở Bộ là anh phóng xe lên trường theo lớp rất đầy đủ và nghiêm túc cùng với các em nghiên cứu sinh tuổi như con anh suốt hơn 2 năm trời.

Với học vị tiến sĩ, cương vị Chánh Văn phòng của một Bộ thì với không ít người đã như quá đủ để thoả mãn và tự hào, nhưng Phạm Việt Long vẫn không ngừng đam mê với văn học. Anh có thêm cho mình một cuốn sách mới. Cuốn "Du khảo Hoa Kì sau thảm họa 11 tháng 9" viết sau chuyến công tác tại Mỹ. Cuốn kí sự đầy khám phá, phát hiện độc đáo, sắc sảo sau sự kiện từng làm rung chuyển thế giới của Phạm Việt Long đã được tái bản thêm 2 lần.

Không thể không nói thêm, lần thăm dò để bổ sung một thứ trưởng, Phạm Việt Long nhận được số phiếu tín nhiệm rất cao, nhưng hiềm nỗi khi ấy Long đã cao tuổi, không còn đủ thời gian cho một nhiệm kì nên tổ chức đã điều chuyển anh sang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty  Sách Việt Nam, khi ấy đang có những khó khăn.

Ở cơ quan mới này, vừa không được xa rời chức năng một cơ quan văn hóa lại vừa phải đảm bảo hoạt động kinh doanh, có kinh tế nộp ngân sách cho nhà nước. Đây thực sự  là thử thách nhiều mặt với một người vừa chân ướt, chân ráo sang. Nhưng Phạm Việt Long một lần nữa khiến tôi lại bất ngờ. Bên cạnh nhiệm vụ điều hành yên ổn công việc chuyên môn ở cơ quan, anh vẫn không ngừng đam mê văn chương, để tiếp tục có thêm tác phẩm mới. Đó là tập truyện ngắn và tản văn "Ngờ vực" do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Càng bất ngờ hơn khi thấy Phạm Việt Long chợt xuất hiện trong tư cách một nhạc sĩ, với sự liên tục ra đời các CD ca nhạc: "Mơ hình bóng quê nhà", "Những bản tình ca mới", "Giàn thiên lí" và đặc biệt là hai chương trình biểu diễn riêng các tác phẩm âm nhạc của anh vào năm 2009 với tên gọi "Nhớ một thời", cùng 2 chương trình chuyên đề trên VTV1 giới thiệu về sự nghiệp văn học và âm nhạc của anh trong chuyên mục "Người của công chúng" và "Quán âm nhạc".

Ngày Phạm Việt Long nghỉ hưu theo chế độ, tưởng anh sẽ dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng không. Muốn rủ anh đi đây đi đó cũng khó. Anh vẫn quá bận rộn. Bên cạnh tư cách của người tham gia lãnh đạo tạp chí Văn Hiến, rồi sau đó đứng ra trực tiếp làm Tổng biên tập tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, anh còn là một trong những người đứng ra thành lập rồi trực tiếp tham gia ban lãnh đạo nhà xuất bản Dân Trí.

Và rồi, năm 2008, Phạm Việt Long tham gia và nhận được giải thưởng báo Văn Nghệ trong cuộc thi bút kí, phóng sự "Việt Nam tổ quốc tôi", rồi năm 2010 anh cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết "Giã từ". Cuốn tiểu thuyết này là một bước tiến mới của Phạm Việt Long, dày trên 400 trang và được in ngay lần đầu tới 3000 bản, đã từng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam.

Nhà văn Ma Văn Kháng sau khi đọc và bị cuốn hút vào "Giã từ" đã nêu nhận xét:"Có cảm nhận rằng đây là một cuốn sách có khuynh hướng cao, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn, có màu sắc tố cáo và chống lại một cách không khoan nhượng những cái xấu, cái tiêu cực. Cuốn sách hấp dẫn…". Và nhà văn cao tuổi vốn rất thận trọng này đã không ngần ngại kết luận: "Phạm Việt Long trong suy nghĩ của tôi lúc này đã là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng".

Tôi hỏi, đã có nhiều thành công, bây giờ cao tuổi rồi, anh có quyền để yên tâm nghỉ ngơi, vui vầy cùng vợ con, gia đình, bạn bè, sao thấy vẫn đam mê lao vào cùng lúc nhiều công việc? Long tâm sự: "Gần suốt cuộc đời làm việc đã quen nếp sống đó rồi. May mắn là bà vợ, cũng dân thông tấn xã ở chiến trường hiểu mình nên rất ủng hộ".

 Hỏi thêm, anh nghĩ sao khi các tác phẩm văn học của mình luôn được tái bản. Về điều này anh khiêm nhường: "Mình không may mắn được học hành cơ bản từ nhỏ nhưng đam mê văn chương và nghệ thuật như một phần tố chất con người nên ngoài chức phận một công chức, mình vẫn lặng lẽ làm việc, đem hết trăn trở, suy nghĩ để rồi phản ảnh sáng tạo bằng tất cả tấm lòng. May mắn sao nó lại được công chúng đón nhận. Mình chỉ biết cám ơn sâu sắc đến mọi người và sẽ cố gắng để hi vọng có thêm những sản phẩm mới".

Huy Thắng
.
.