Soạn giả Yên Lang - bậc thầy tuồng cải lương "kiếm hiệp kỳ tình"
- Người tiên phong sáng lập cải lương tuồng cổ
- Vở cải lương “Hừng đông” đến với khán giả TPHCM
- Vọng cổ-làn điệu "vua" trong âm nhạc tài tử và cải lương1
- Khơi gợi tình yêu cải lương trong công chúng trẻ
Người mộ điệu ai cũng nhớ và thuộc lòng những vở tuồng như: Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang; Mùa thu trên Bạch Mã Sơn; Nắng thu vàng ngõ trúc; Tâm sự loài chim biển; Người phu khiêng kiệu cưới; Thằng điên vùng Bến Hạ; Khi rừng thu thay lá; Nhất kiếm bá Vương...
Cố Nghệ sĩ nhân dân - soạn giả Viễn Châu từng nhận xét về ông: "Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu đã từng được khán giả khắp nơi ái mộ không chỉ bằng ngòi bút trữ tình sâu lắng mà còn là bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản mang mầu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao và đã từng tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sỹ trở nên nổi tiếng".
Bạc Liêu là xứ cơ cầu… nhưng là nơi đã sản sinh ra rất nhiều danh nhân, tài tử góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản "Dạ cổ hoài lang" đã đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành di sản phi vật thể của nhân loại. Danh cầm khiếm thị Văn Vĩ cũng từng sống nơi đây nổi danh "đệ nhất danh cầm" cổ nhạc mà đời sau không có ai sánh được.
Sau này còn có nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển coi Bạc Liêu là quê hương thứ hai đã sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca nghe đến nao lòng… và Bạc Liêu còn là nơi sinh ra soạn giả Yên Lang, một bậc thầy về tuồng cải lương kiếm hiệp kỳ tình…
Tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1940 tại Giồng Me - Cầu Kè, thuộc phường 2, TP Bạc Liêu ngày nay. Ông sinh ra và lớn lên ngay trong "xóm cải lương" thủy tổ của đất Nam Bộ, nơi có nhạc sĩ Hai Khị (Nhạc Khị), Ba Chuột, Bảy Cao và Cao Văn Lầu… Nhà của soạn giả Yên Lang chỉ cách nhà của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngày xưa độ chừng 500m đường chim bay.
Vào năm 1955, Yên Lang được gia đình cho phép khăn gói lên Sài Gòn để học nghề và lập nghiệp. Nhân duyên đến với ông từ khi quen biết với ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc, luôn khuyến khích động viên ông dấn thân vào con đường sáng tác kịch bản cải lương.
Gắn một ý tưởng về cuộc đời, khát khao hạnh phúc, sự đổ vỡ, chia ly vì chiến tranh, tình yêu, bạo lực… gắn với nhãn mác của tích tuồng xưa theo dòng truyện kiếm hiệp ỷ mị, sướt mướt tình của thế hệ người dân Sài Gòn thập niên 1960, khá nghèo khổ, kinh tế khó khăn, bộ máy chính quyền nhiều biến cố, biến động làm xã hội hoang mang…
Yên Lang đã trút hết những tâm sự, trăn trở về cuộc đời, nhân tình thế thái qua ngòi bút trữ tình, sâu lắng nhưng rất mượt mà, êm ái, dễ đi sâu vào lòng người. Một tâm sự của Quận chúa Mông Cổ Hồ Bảo Xuyên (NS Lệ Thủy) với kiếm khách Tần Lĩnh Sơn (cố NS Minh Phụng) và Cao Nguyên Bình (NS Minh Cảnh)… luôn dâng trào những vần thơ ngọt ngào.
Những trích đoạn trong nhiều vở tuồng của ông sáng tác cho đến ngày hôm nay vẫn còn thấm thấu rất sâu trong lòng người mộ điệu thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Một Trần Tự Tâm (NS Minh Cảnh) trong "Máu nhuộm sân chùa" giằng xé tâm can bởi chữ tình và hiếu. Đoạn gặp nhau trước giờ hôn lễ của Bạch Thiên Nga trở thành những trích đoạn bất hủ về tình yêu, ngang trái và đắng cay.
Ca từ của ông sáng tác bay bổng như những vần thơ mà không chút gượng ép hay xa vời gì, nó luôn rất gần gũi, dung dị trong lời nói thôn dã của người miền Nam. Ai từng nghe "gió thu buồn heo hắt, chở nỗi sầu" trên đường về Bạch Mã Sơn trong tâm sự thổn thức, nghẹn ngào của Bách kiếm Vương Hồ Vũ và tâm sự cháy lòng của tiểu thư Phùng Cẩm Loan bị sát hương phấn của Chu Mộng Thúy làm mù đôi mắt.
Những cặp phạm trù tình thù, yêu hận - hờn ghen và kết cục vô cùng bi thảm trong tiếng gió mưa thét gào, tuyết trắng rơi khô cả dòng lệ huyết. "Ở đây mùa thu có buồn lắm không/ mà sao gió heo may mưa sầu như giục giã/ Tiếng chuông chiều văng vẳng vọng canh phu/ Như tâm tư nức nở của người con gái nhỏ" (Mùa thu trên Bạch Mã Sơn). Cảnh biệt ly ấy, không thể tìm đâu thấy lần 2 trong cuộc đời người. Yên Lang đã mang cả những hoàn cảnh giả tưởng xây nên những tòa thành tráng lệ, ly biệt vĩnh cửu màu thời gian.
Sáng tác tuồng cải lương của Yên Lang được ông ví như một món nợ đời, rất dễ thương: "Tôi thấy cuộc đời mình mắc nợ tấm màn nhung sân khấu, nên mỗi lần đặt bút viết là được công chúng đón nhận. Ai từng thiếu nợ đều khổ, còn với tôi… cứ mong mình mắc nợ hoài để còn được… trả nợ". Món nợ đầu đời phải kể đến trong sự nghiệp sáng tác của ông là "Nắng chiều lên cổ tháp" và "Bếp lửa chiều ly biệt" viết chung với đàn anh soạn giả Nguyễn Liêu, biểu diễn lần đầu tiên trên sân khấu Song Kiều.
Cô đào chánh Kiều Oanh thủ vai chánh cùng nhiều nghệ sỹ tên tuổi tham gia như: Thanh Sang, Tấn Tài, Phương Quang… Soạn giả trẻ Yên Lang từng nghẹt thở vì quá hồi hộp, mừng vui, xúc động với những vở tuồng đầu tiên của mình được công diễn. Và đây cũng là định mệnh của tình yêu dành cho cuộc đời của soạn giả trẻ Yên Lang.
Cô đào Kiều Oanh chính là ái nữ của bà bầu gánh hát Song Kiều, thật sự rung động trái tim với soạn giả Yên Lang - thật sự chứ không phải cảm xúc hóa thân thành nhân vật trong tuồng. Cô quyết định giã từ sân khấu để theo soạn giả trẻ Yên Lang kết thành phu phụ đến cuối đời. Trong ba người con của ông bà, có soạn giả Lam Tuyền (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) là một trong những người con trai nối nghiệp ông với nhiều sáng tác nổi tiếng.
Soạn giả Yên Lang với Cố NSND, soạn giả Viễn Châu (tư liệu). |
Tiếp theo những thành công, ông sáng tác hai vở "Cuối mùa lá rụng" và "Đường về quê ngoại" trên sân khấu Bạch Vân đã thật sự khẳng định tên tuổi Yên Lang nổi bật trong làng soạn giả sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Từ năm 1963, Yên Lang trở thành soạn giả nổi tiếng trong lòng người ái mộ cải lương, chiếm trọn vẹn cảm tình của khán thính giả miền Nam.
Lúc này, Yên Lang hợp tác với đoàn Kim Chung và Tiếng chuông vàng Bắc Việt do hai cô đào nổi tiếng đương thời làm đào chánh là Kim Chung và Bích Hợp. Vở "Manh áo quê nghèo" của Yên Lang lần đầu ra mắt ở đoàn Kim Chung, do Kim Chung đóng đào chánh, Hùng Cường kép chánh đã thu hút khán giả chưa từng có, đoàn phải diễn đi, diễn lại nhiều lần.
Ông là soạn giả danh tiếng, từng đưa nhiều tên tuổi nghệ sỹ lên đỉnh cao vinh quang nghệ thuật cải lương như: Minh Cảnh, Thanh Sang, Tấn Tài, Diệp Lang, Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Phượng Liên, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Hoài Thanh…
Soạn giả Yên Lang sáng tác trên 30 kịch bản cải lương với bài bản vọng cổ nhịp 32, nội dung nhiều nhất mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình và hàng trăm bản tân cổ giao duyên. Nhiều đoàn cải lương, gánh hát dàn dựng và thu băng đĩa diễn, bán đã mang về lợi nhuận lớn và danh tiếng vinh danh một thời. Ông tâm sự: "Mỗi nhân vật trong kịch bản của tôi đều có những tâm tư, tình cảm mà bản thân tôi gởi gắm vào. Yêu ghét, giận hờn, buồn vui, chung thủy đều là những cung bậc tình cảm mà sự trải nghiệm trong đời cho tôi trưởng thành hơn để viết, để chiêm nghiệm và nhìn lại chính mình".
Bản vọng cổ còn là nơi tìm về, nơi xích lại gần nhau hơn những tâm hồn Việt, những sự đồng điệu đó cũng chính là câu chuyện gần nhất về soạn giả Yên Lang. Sau nhiều năm định cư tại Hoa Kỳ, soạn giả Yên Lang trở về thăm quê hương Bạc Liêu và đã được chính quyền địa phương tiếp đón trọng thị, tình cảm tại Nhà hát Hùng Vương trong buổi giao lưu, gặp gỡ với người dân.
Trong buổi gặp đầy xúc động ở tuổi 74, soạn giả Yên Lang đã tâm sự: Ông là đứa con Bạc Liêu lạc loài đất mẹ từ lâu, từ xa xôi nửa vòng trái đất trở về đây. Khi xe chạy đến cầu Xa Bảo, ông đã cảm thấy hơi thở của đất mẹ. Đó là cái mùi mằn mặn của gió biển. Hơi thở của quê hương làm ông nhớ không nguôi về thời quá khứ. Ngày xưa gia đình ông rất nghèo, ngày tết phải chèo xuồng về quê ngoại ở Thông Lưu (Châu Hưng) để các cậu dì cho nếp, thịt, lá chuối về gói bánh tét.
Đây cũng là cảm hứng để ông sáng tác vở tuồng đầu tiên "Đường về quê ngoại". Quê hương bao giờ cũng rộng mở vòng tay đón những người con trở về. Bạc Liêu hôm nay là miền đất có di sản thế giới được UNESCO vinh danh, là thành phố trẻ năng động và phát triển nhanh, là quê hương của bài vọng cổ với bao giá trị thăng trầm của lịch sử. Trong những con người góp công xây nên những công trình văn hóa cho Bạc Liêu, soạn giả Yên Lang là một trong những con người xứng đáng được vinh danh.