Số phận lận đận của một danh cầm
- Nghệ sĩ ghi ta mù Văn Vượng: Tiếng đàn từ những khổ đau
- Nghệ sĩ ghi ta Phạm Văn Phúc: Âm nhạc là niềm an ủi lớn trong đời
Một thời gian sau, tôi nghe nói Hải Thoại đã lên sinh sống ở Hà Nội. Thế là tôi lập tức đến xin học ông. Đó là cái cớ để tôi được quen biết chứ nếu chỉ học để biết đánh đàn này thì ở Hà Nội khi ấy có rất nhiều người cũng dạy. Và tôi trở thành học trò, sau đó nhanh chóng trở thành bạn vong niên của ông.
Mặc dù khi ấy hoàn cảnh ông rất khó khăn, cần có nhiều học trò để tăng thu nhập mới đủ nuôi vợ con nhưng ông vẫn khuyên tôi: “Để chơi a-ma-tơ, đệm cho người khác và tự đệm cho mình hát thì San học thế là được rồi. Còn để trở thành nghệ sỹ chơi ghi-ta chuyên nghiệp thì mới phải học thêm, mà phải vào trường nhạc học đàng hoàng. Nhưng San đã là cử nhân văn chương và có thiên hướng sáng tác thì nên theo đuổi con đường sáng tác hơn.
Vả lại, giả sử mê ghi-ta quá mà bỏ tấm bằng cử nhân để theo học đàn, đi vào con đường chuyên nghiệp thì bây giờ đã muộn. Thường phải học từ năm lên 7-8 tuổi mới có thể thành tài”. Lúc này tôi đã có một vài ca khúc được phát trên đài nên tự tin, lao vào sáng tác. Và dừng việc học ghi-ta. Nhưng vẫn thi thoảng lui tới thăm ông, nghe ông chơi đàn. Ông vẫn sẵn sàng “gà” cho tôi vài ngón đàn khi tôi hỏi.
Nghệ sĩ ghi-ta Hải Thoại. |
Hải Thoại ngày càng nổi tiếng hơn khi ngoài biểu diễn, còn chuyển soạn nhiều ca khúc và sáng tác cho ghi-ta độc tấu. Tôi từng mê mẩn mỗi khi nghe bài hát “Quê em” (Nguyễn Đức Toàn) và “Bài ca hy vọng” (Văn Ký) do ông chuyển soạn và diễn tấu.
Phải nói là khó có tác phẩm chuyển soạn nào cho cây đàn này hoàn hảo hơn hai bài trên của Hải Thoại. Bạn hãy nhắm nghiền mắt lại mà nghe ông đánh bài “Quê em” sẽ hình dung được hết bối cảnh vùng quê này trong kháng chiến chống Pháp. Đó là một vùng trung du bán sơn địa đầy vẻ thơ mộng nhưng không kém phần hào hùng, quật khởi khi đương đầu với giặc và chiến thắng.
Trémolo (vê dây đàn) và harmoni (bồi âm) là những thủ pháp quen thuộc trong kỹ thuật diễn tấu ghi-ta từng được nhiều người vận dụng. Nhưng với Hải Thoại, đã phát huy hiệu quả đặc biệt khi ông sử dụng thật đúng chỗ, “đắt”. Mấy lời “Từ mờ sáng tinh mơ” nếu chỉ đánh âm bình thường sẽ không lột tả được hết cái không khí “tinh mơ”, mờ ảo của những buổi sáng sớm ở trung du (vùng Vĩnh Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang). Ông đã “bồi âm” mấy tiếng này nghe vô cùng thú vị. Cố nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn phải thừa nhận: “Hải Thoại đã làm cho bài hát của mình hay lên rất nhiều. Mình nghe cậu ấy đánh ghi-ta thích hơn nghe ca sỹ hát”.
Tuy ít gặp nhau nhưng mối tình thâm của tôi và Hải Thoại không gián đoạn. Sau này, tôi còn cho đứa con trai theo học ông từ năm cháu lên 6 tuổi. Đó là khoảng năm 1985 -1986. Lúc này, ông ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ tại Hà Nội. Hai vợ chồng ông cùng mấy đứa con chỉ sống trong căn phòng chừng hơn 20m2.
Ông ăn mặc xuềnh xoàng ngay cả khi ra đường, đến những chỗ cần tươm tất, đi chiếc xe đạp cà tàng. Điều đó cho tôi hiểu cuộc sống của ông nghèo khó hơn rất nhiều so với mặt bằng văn nghệ sỹ. Ông hơn tôi đúng 10 tuổi nhưng tình bạn vong niên không hề có khoảng cách.
Ông tâm sự với tôi đủ mọi chuyện buồn vui, nhất là chuyện nghề nghiệp, chuyện liên quan đến những người cùng quen biết. Nhưng không thấy ông nói về chuyện riêng tư, về gia cảnh, nhân thân bao giờ. Tất cả những gì tôi biết được về ông đều do người khác kể.
Và mãi đến bây giờ - sau khi ông đã qua đời được 9 năm (mất năm 2009) – tôi vẫn còn day dứt và tự trách mình đã không hay biết gì về nỗi đau, thống khổ của ông suốt nhiều năm dài. Ông đã từng ngậm đắng, nuốt cay để sống, để đánh đàn và dạy đàn một cách thầm lặng, không màng bất cứ danh hiệu nào.
Khi tôi biết rõ sự thật ngang trái gia cảnh của ông khiến ông phải chịu rất nhiều thiệt thòi, kìm hãm sự thăng hoa thì ông đã ở cõi vĩnh hằng. Ông có bậc sinh thành thật đáng tự hào. Cha ông là một kỹ sư công chính đồng thời là nhà viết kịch nổi tiếng với bút danh Nam Xương. Cụ tham gia cách mạng từ rất sớm, về sau trở thành điệp viên của ta, chui vào hàng ngũ địch để hoạt động.
Như vậy, cái vỏ bên ngoài của Nam Xương phải là phần tử theo địch. Điều này ai cũng phải nghĩ như vậy - trừ tổ chức. Chính điều này mà Hải Thoại cùng những người con khác của kẻ “phản bội” gặp phải hết trở ngại này đến rủi ro khác. Đang học đại học, ông phải rời ghế giảng đường. Lao vào tự học ghi-ta, rồi làm thuê ở Đài Phát thanh cũng chỉ được một thời gian lại bị đuổi khi người ta phát hiện ra lý lịch của ông. Không ai dám nhận một người có lý lịch bất hảo như vậy vào làm việc.
Ông chỉ có cách dạy đàn kiếm sống. Những năm chiến tranh phải đi sơ tán, việc dạy này gần như phải chấm dứt. Ông quay nước mía bán kiếm tiền, đêm về lôi ghi-ta ra ôn luyện kẻo cứng ngón. Chẳng những ông bị mọi cơ quan quay lưng mà nhiều bạn bè cũng dần xa lánh. Đây mới là nỗi đau đớn đáng kể của một nghệ sỹ.
Nghệ sĩ Hải Thoại với cây đàn ghi-ta thân thuộc. |
Cho mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam, nhà tình báo Nam Xương được công nhận là liệt sỹ. Khi ấy mọi người mới hiểu rõ sự oan khuất của gia đình Hải Thoại. Ông được Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thương nhận vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) dạy đàn dưới hình thức hợp đồng rồi đến năm 1979 vào biên chế chính thức.
Lúc này, ông đã 43 tuổi (sinh năm 1936). Nhưng khoảng thời gian không nhiều là giảng viên ở Trung tâm đào tạo âm nhạc lớn nhất nước này đã đủ để Hải Thoại có những đóng góp không nhỏ. Ông đề nghị đàn ghi-ta trở thành một bộ môn chính thức trong chương trình giảng dạy từ sơ cấp đến hết đại học. Ông là người đầu tiên chủ trương thay thế dây sắt bằng dây ni-lon được mọi người hưởng ứng.
Dây ni-lon tạo nên tiếng đàn vừa đầy đặn, vừa ấm áp chứ không lanh tanh, có âm sắc kim khí như dây sắt. Ông cũng kiện toàn giáo trình dạy ghi-ta một cách chính quy. Đặc biệt, nhiều tác phẩm chuyển soạn cho đàn ghi-ta của ông được chính thức giảng dạy trong các khóa đào tạo tại Nhạc viện cho đến tận bây giờ.
Là một nghệ sỹ ghi-ta tài hoa, nổi tiếng nhưng Hải Thoại luôn biết mình, biết người. Một thời gian dài, tại Hà Nội xuất hiện câu lạc bộ ghi-ta thu nạp nhiều người thích chơi đàn này và cũng có dạy tư ở nhà. Nhiều người trong số đó chỉ là “nghiệp dư”, còn thì làm những nghề khác. Là một thành viên, Hải Thoại được mọi người quý mến bởi sự hòa đồng, chân tình, không bao giờ tự coi mình nổi tiếng. Nhiều bậc cha mẹ rất thích cho con học ông ngay cả khi ông đã về hưu, tức không còn vai trò gì trong việc giúp con họ thi vào bộ môn ghi-ta ở Nhạc viện (gọi là học “ô”, học “dù” theo thông lệ).
Thấy nhà họ ở cách xa nhà mình, ông đã giới thiệu họ đến học người khác có địa chỉ thuận tiện hơn. Nhưng họ vẫn cứ muốn cho con học ông mặc dù ở xa đến chục cây số. Tôi luôn chứng kiến cả chục cháu chờ đợi, ngồi chật ních nhà ông (bố mẹ cháu tế nhị đi chỗ khác, đến giờ quay lại đón con). Ông không ấn định học phí chung mà tùy theo từng hoàn cảnh. Cháu nào con nhà nghèo, ông thu ít. Dân buôn bán hoặc con nhà VIP, ông thu nhiều hơn. Nhưng dạy trò nào cũng hết mình.
Ông có tính cách khảng khái, rất “kẻ sỹ Bắc Hà”. Một lần tôi chứng kiến ông từ chối, không nhận dạy một người đàn ông đã ở trạc “ngoại tứ tuần”, ăn mặc bảnh bao, có vẻ là dân kinh doanh đến đặt vấn đề nhờ ông dạy để đánh được mấy bài cụ thể khi anh ta chưa biết chơi chút gì. Hải Thoại cho anh ta biết đã lớn tuổi, tay cứng, chưa sờ đàn bao giờ, lại học luôn những bài cụ thể vào loại khó thì không thể được. Anh ta bèn nói:
- Tôi sẽ trả anh tiền công một buổi bằng cả tuần anh dạy với điều kiện anh cố sắp xếp theo lịch của tôi và dạy để tôi đánh bằng được. Cần thì anh dẹp bớt đám học trò lau nhau kia đi, không bõ công.
Hải Thoại cho anh ta bài học:
- Anh biết tôi có nhận lời hay không mà đã ra điều kiện. Anh không thể học được đâu dẫu có trả tôi bao nhiêu tiền chăng nữa, vì đánh đàn đâu chỉ bằng tay.
Nói rồi, ông đứng lên chủ động chìa tay ra bắt, tống tiễn người khách hợm hĩnh ra khỏi nhà mình.
Nhắc đến Hải Thoại, ngoài ngón đàn rất tài hoa, điêu luyện, các học trò của ông hôm nay có nhiều người cũng đã rất nổi tiếng đều nhắc đến những chuyện về ông đại loại như thế.