Siêu sao điện ảnh Audrey Hepburn vẫn là số 1

Thứ Ba, 07/12/2010, 10:51
Theo bình chọn mới nhất của tạp chí New Woman (Anh), siêu sao điện ảnh một thời Audrey Hepburn hiện vẫn đang dẫn đầu danh sách 5.000 phụ nữ tài sắc được đề cử. Trái với suy đoán rằng những người đẹp có số đo "lý tưởng" và vẻ ngoài "bốc lửa" sẽ giành các thứ hạng cao; chính vẻ đẹp cổ điển cùng với gương mặt thánh thiện, thơ ngây của huyền thoại màn bạc thế giới này đã lần lượt đánh bại Marilyn Monroe, Sophia Loren, Angelina Jolie... để giành danh hiệu "Biểu tượng sắc đẹp của mọi thời đại"...

1.Audrey Hepburn tên thật là Kathleen Ruston. Bà sinh ngày 4/5/1929 tại Brussels, Bỉ, trong một gia đình quý tộc. Cha bà là một bá tước người Anh, mẹ là nữ nam tước người Hà Lan. Năm 1935, cha mẹ Audrey ly dị, Audrey phải sang sống với cha ở Anh một thời gian rồi quay trở lại Arnhem, Hà Lan sống với mẹ.

Năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ hai nổ ra. Quân đội Đức chiếm đóng Ba Lan. Trong thời kỳ khó khăn ấy, nhất là khi Arnhem bị tàn phá bởi trận Market Garden, sự thiếu thốn và cái đói đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của Audrey. Tác giả Diana Maychick trong cuốn tiểu sử về Audrey Hepburn xuất bản ở Paris năm 1993, đã viết: "Cô ta gầy trơ xương, chế độ ăn uống tồi tệ... Tuy đã trưởng thành mà chỉ nặng 40kg".

Sau này, khi đọc cuốn nhật ký của cô bé người Do Thái Anne Frank, vốn từng trốn tại trại Amsterdam, Audrey Hepburn đã phải thốt lên: "Tôi đọc cuốn sách đó, nó làm tôi đau khổ... Đó chính là cuộc đời tôi".

Từng ước mong trở thành diễn viên múa balê, song do thể chất bị suy nhược từ những ngày chiến tranh, Audrey phải bỏ cuộc và bắt đầu đến với điện ảnh vào năm 1948 bằng một vai diễn nhỏ. Cô cũng không ngần ngại xuất hiện trong một số tiết mục quảng cáo. Năm 1951, trong một lần tham gia bộ phim "Monte Carlo Baby", cô may mắn lọt vào mắt xanh của nữ tiểu thuyết gia người Pháp Colette. Audrey được chọn vào vai chính trong vở kịch "Gigi" trên sân khấu Broadway. Thành công của vở kịch đã mở rộng cánh cửa để Audrey Hepburn vững tin bước vào Hollywood.

Năm 1953, đạo diễn William Wyler quyết định chọn Audrey vào vai công chúa Anna - vai diễn chính trong bộ phim hài lãng mạn "Roman Holiday", bất kể việc các nhà sản xuất muốn dành vai đó cho Elizabeth Taylor . Sau khi casting, William Wyler nói: "Cô ấy có tất cả những gì tôi tìm kiếm: Duyên dáng, ngây thơ và tài năng".

Audrey Hepburn trong một cảnh phim.

Bộ phim thành công vượt dự kiến. Audrey giành được giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra là một giải Quả cầu vàng và một giải BAFTA. Từ đây, vinh quang bắt đầu trải thảm dưới chân Audrey.

Tháng bảy năm 1953, Audrey gặp diễn viên, đạo diễn người Mỹ Mel Ferrer trong một buổi dạ hội. Mel Ferrer nhiều hơn Audrey 12 tuổi, đã từng kết hôn ba lần và khi ấy đã có... bốn con. Khi người ta mời Audrey tham gia vở kịch "Ondine" của Jean Giraudoux, Audrey nhận lời nhưng đi kèm "điều kiện": Phải được diễn xuất cùng Mel Ferrer. Vở kịch công diễn trong thời gian từ tháng hai tới tháng sáu năm 1954 và đã đem về cho Audrey giải Tony Award. Cũng từ đây, mối quan hệ đồng nghiệp giữa Audrey và Mel Ferrer đã có bước chuyển đặc biệt. Ngày 25 tháng 9 năm ấy, họ chính thức làm hôn lễ. Hai vợ chồng tiếp tục cùng nhau tham gia một số bộ phim, như trong "Chiến tranh và hòa bình" (1956), Audrey vào vai Natasha Rostov, còn Mel Ferrer thể hiện vai công tước Andrei Bolkonsky.

Năm 1960, Audrey mang thai con trai đầu lòng. Cô tạm vắng bóng trên màn ảnh. Một năm sau, cô trở lại trong "Breakfast at Tifanys". Bộ phim tuy không thành công về thương mại nhưng đã đưa Audrey Hepburn lên vị trí huyền thoại điện ảnh. Bài hát "Moon River" do Audrey thể hiện trong phim đã được trao giải Oscar cho ca khúc xuất sắc nhất. Audrey cũng được đề cử giải nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Trong hơn 10 năm, từ 1954 đến 1966, Audrey Hepburn luôn được vinh dự tham gia diễn xuất cùng các nam diễn viên nổi tiếng nhất của Hollywood, trong những bộ phim của các đạo diễn lớn. Những năm 60, danh tiếng của Audrey Hepburn lên tới đỉnh điểm. Thậm chí, vào năm 1963, cô còn từ chối vai Nữ hoàng Cleopatra trong bộ phim cùng tên, để rồi sau đó, vai diễn này được chuyển cho Elizabeth Taylor.

Tính ra, trong suốt cuộc đời mình, Audrey Hepburn đã gặt hái được nhiều giải thưởng quan trọng. Cô là một trong số 9 người trên thế giới từng giành được cả 4 giải thưởng lớn là Emmy, Grammy, Oscar và Tony.

Năm 1967, Audrey Hepburn tham gia một bộ phim đề cập tới vấn đề ly hôn . Ấy cũng là khi cuộc sống gia đình của Audrey gặp nhiều trục trặc. Năm 1968, sau 14 năm chung sống, Audrey và Mel Ferrer quyết định chia tay. Nguyên nhân chính là do Audrey nghi ngờ chồng có quan hệ "ngoài luồng" với các bạn diễn. Ngược lại, Mel Ferrer cũng nghi ngờ cô đi lại với nam tài tử điển trai Albert Finney, người từng đóng cặp với cô trong một bộ phim.

Cùng năm đó, Audrey tuyên bố kết thúc sự nghiệp.

Tháng 1 năm 1969, Audrey Hepburn đi bước nữa với nhà tâm lý học người Italia, tiến sĩ Andrea Dotti. Kết quả của cuộc hôn nhân này là cậu con trai ra đời năm 1970.

Cũng như cuộc hôn nhân đầu, cuộc hôn nhân mới của Audrey cũng không bền vững. Tới 1982, Audrey quyết định ly dị Andrea Dotti với lý do ông có quan hệ với cô người mẫu Daniela. Audrey chuyển tới Thụy Sĩ chung sống cùng diễn viên người Hà Lan Robert Wolders và hai người đã sống trọn vẹn với nhau tới khi Audrey qua đời mà không một lần tổ chức hôn lễ.

Năm 1988, Audrey Hepburn trở thành đại sứ thiện chí của UNICEF. Từ đó tới khi mất, bà đã thực hiện cả thảy năm mươi chuyến đi tới nhiều nước trên thế giới. Tháng 10 năm 1990, bà đã tới Việt Nam trong một chương trình về nước sạch của UNICEF.

Cuối năm 1992, Audrey Hepburn có triệu chứng đau dạ dày. Qua xét nghiệm, bà được bác sĩ cho biết đã mắc căn bệnh ung thư ruột. Đầu tháng giêng năm 1993, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ quyết định trao tặng Audrey Hepburn giải Thành tựu trọn đời. Nhưng do căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, bà không thể đến Los Angeles nhận giải, đành phải gửi thư cảm ơn tới tất cả các đồng nghiệp.

Ngày 20/1/1993, nữ diễn viên được trân trọng, yêu mến nhất ở Hollywood đã vĩnh viễn ra đi. Thi thể bà được chôn cất tại Tolochenaz, Thụy Sĩ.

Ngày 7/5/2002, UNICEF đã khánh thành một bức tượng tưởng nhớ Audrey Hepburn mang tên "Tinh thần Audrey Hepburn" đặt ngay tại trụ sở của tổ chức này.

2. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Cecil Beaton từng viết: "Trước chiến tranh, không ai mặc như Audrey Hepburn. Ngày nay, hàng triệu người bắt chước bà".

Quả tình, Audrey Hepburn được xem là một biểu tượng lớn của ngành thời trang thế giới, là "người ăn mặc thanh lịch nhất Hollywood". Ở thời kỳ mà người ta ưa thích những phụ nữ hơi "đẫy đà" như Marylin Monroe, như Martine Carol, thì chính vẻ đẹp thanh mảnh của Audrey đã thể hiện một phong cách ngược lại. Thời báo New York từng nhận xét: "Chính nhờ Audrey Hepburn, 50% các cô gái trẻ không còn nhồi bông vào suchiêng để làm nở ngực và cưỡi lênh khênh trên những đôi giày cao gót nữa".

Với chiếc áo đen không tay, chuỗi vòng cổ trắng, cặp kính mát quá cỡ, găng tay đen, tóc cắt ngắn và hút thuốc lá, hình ảnh của Audrey trong "Breakfast at Tifannys" hiện vẫn tiếp tục xuất hiện trong những trang quảng cáo...

Không đơn giản là người tạo ra xu hướng thẩm mỹ mới, Audrey Hepburn còn tạo một sự chuyển đổi trong chị em về phong cách và giá trị bản thân. "Tôi chưa bao giờ tự thấy mình đẹp, tôi thực sự quá cao, quá gầy và chẳng có tý đường cong nào" - Audrey Hepburn trả lời trong một cuộc phỏng vấn - "Ta nên đối diện với điểm yếu của mình, đừng cố gắng giấu giếm chúng. Thay vào đó, hãy tạo ra nét thu hút riêng biệt của mình". Một lời khuyên không mới, nhưng chưa bao giờ cũ của Audrey Hepburn.

Sau khi mất, hình ảnh của Audrey Hepburn vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quảng cáo, như hãng đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ Longines vẫn dùng bức ảnh của Audrey trong "Breakfast at Tiffanys" để quảng cáo từ nhiều năm nay. Sản phẩm nước hoa L'Interdit của hãng thời trang Givenchy vốn được tạo riêng cho Audrey hiện vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh của Audrey Hepburn cho các đợt quảng cáo của mình...

Mặc dù đời riêng không hoàn toàn suôn sẻ song với tất cả những gì Audrey Hepburn đã đạt được, ta có thể nói: Đó là một hình mẫu đáng để người đời hướng tới

Nguyễn Thanh Hùng
.
.