Rapper Đen Vâu: Từ anh dọn rác đến ông hoàng nhạc rap
Đen sinh năm 1989. Nhưng nhìn Đen, người ta cứ nghĩ Đen phải hơn cái tuổi 30 nhiều. Gầy, cao, hàng ria xồm xoàm, rậm rì. Ánh mắt đượm buồn, khắc khổ hằn lên gò má hóp. Đen ít nói, trầm tư, chỉ với âm nhạc anh mới nói nhiều đến thế.
Tên khai sinh của Đen Vâu là Nguyễn Đức Cường. Ai hỏi sao lấy nghệ danh kỳ vậy, nghe cứ bẩn bẩn, quê quê thế nào, Đen gãi đầu cười khì: "Hồi nhỏ mọi người trong làng gọi là Đen vì tôi đen như cột nhà cháy. Đến giờ thì cũng không trắng ra được tý nào. Khi đi hát thêm từ Vâu vào. Nghệ danh xấu xấu giống như ba mẹ đặt tên con xấu vậy để cho dễ nuôi".
Đồng lương công nhân của mẹ và những cuốc taxi của ba không đủ để Đen nuôi giấc mơ lên đại học. Hết cấp 3, anh bươn ra đời, kiếm một công việc nuôi thân. Đen làm công nhân vệ sinh bãi biển ở quê nhà Hạ Long, Quảng Ninh. Ngày đi thu gom rác, đêm về ra ngủ trông tàu thuyền. Công việc vất vả, nặng nhọc nhưng đồng lương ít ỏi.
Đội của Đen có 10 người nhưng biển thì có hàng nghìn tấn rác. "Lúc đó, không biết bao nhiêu lần tôi than trách tại sao mình lại long đong, khổ mãi vậy. Tôi muốn vẫy vùng để thoát ra nhưng không thể. Lương tuy thấp nhưng đó là công việc ổn định, nó cho tôi đủ cơm ngày hai bữa. Tính tôi nhút nhát, ngại mạo hiểm để thay đổi"- Đen tâm sự. Ngập trong mùi hôi tanh của rác, đôi mắt chàng trai xứ biển ấy vẫn không ngừng ngóng nhìn những con tàu vươn khơi. Anh mơ về một ngày...
Để có thêm chút tiền trang trải, Đen cùng em trai mở quán cà phê. Túng tiền đến mức ngày khai trương quán, đồng vốn toàn vay mượn để mua cân đường hộp sữa. Quán ế, Đen chán chường. Cậu em vỗ vai: "Anh, mình vứt hết đi phượt đi!". Hai anh em cưỡi xe máy lên Hà Giang.
Rapper Đen Vâu. |
Vùng rẻo cao sương lạnh, người dân quanh năm thiếu cái ăn cái mặc. Cuộc sống không điện, không xe, quanh năm toàn lội bộ đến nứt toác bàn chân nhưng họ vẫn cười đùa hồn nhiên. Nhìn họ, khối sầu và những oán thán trong lòng Đen tan ra thành dòng nước mát lành. Ở đời, sao có những người kém may mắn hơn ta mà họ vẫn vui đấy, họ vẫn sống đấy, sống rực rỡ và kiêu hãnh như những đóa hoa?
Trở lại Hạ Long, anh hăm hở chăm chút cho quán cà phê con con. Quán đông dần. Tháng 4-2016, anh quyết định nghỉ hẳn nghề công nhân gom rác và đóng luôn quán chỉ với một suy nghĩ đơn giản: Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Nghỉ làm, Đen dự tính trở thành tay cắt tóc hoặc thợ xăm. Ba mẹ biết chuyện chỉ dặn: "Con làm nghề gì cũng được, miễn lương thiện".
Nhưng trước khi mở cánh cửa mới của đời mình, anh muốn làm một chuyến phượt xuyên Việt như hồi lên Hà Giang năm nào. Lần này, anh đi và mang theo cây đàn, bộ loa để thỏa mãn khát khao một thời. Hồi cấp 2, Đen đã khoái rap. Tập vở chi chít những bản rap do Đen tự sáng tác. Hễ có dịp là Đen trổ tài rap cho bạn bè lác mắt chơi. Là dân Đồng Nai chuyển ra Hạ Long sống từ năm lớp 9 nên Đen rap giọng miền Nam đặc sệt. Chiều chiều, cậu học trò ôm cuốn tập và cây bút ra con đường bao biển. Trong gió vờn mái tóc, trong sóng vỗ rì rào, cậu viết nên những ca từ non nớt của đời mình.
27 tuổi, Đen rong ruổi khắp nơi chỉ để làm một việc duy nhất: nghêu ngao. Hát cho quên đời, cho quên nợ cơm áo. Anh cùng bạn hữu gảy đàn và rướn cổ hát giữa núi trời lồng lộng hay quậy tưng bừng bên đường bụi đỏ. Khán giả lèo tèo vài ba người hay dăm chục người, đối với anh cũng đã là niềm hạnh phúc. Lúc này, cái tên Đen Vâu đã bắt đầu được biết đến sau ca khúc "Đưa nhau đi trốn" hát cùng Linh Cáo. Năm 2015, giải Zing Music Awards tôn vinh "Đưa nhau đi trốn" ở hạng mục "Ca khúc rap/hiphop được yêu thích nhất".
Trước đó, năm 2011, Đen cũng nhận giải thưởng "Khán giả yêu thích nhất" trong chương trình "Bài hát Việt" cho ca khúc "Cây bàng". Gặt hái vài thành công bước đầu như vậy nhưng anh chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày mình sẽ nổi tiếng và kiếm sống được từ con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Chuyến đi năm 2016, chỉ đơn giản Đen muốn hát cho những ai muốn nghe mình. Xong xuôi, anh lại về quê nhà làm anh thợ xăm hoặc anh thợ cắt tóc. Âm nhạc chỉ là một cuộc chơi ngẫu hứng để cất lên khi anh muốn trò chuyện, khi anh quá mỏi mệt.
Ngày tháng lang thang đi hát, hàng xóm láng giềng nhìn vào, mách với ba mẹ rằng cái thằng Cường lông bông, vô công rồi nghề. Đen đâu ngờ rằng, chuyến đi năm 2016 hướng anh vào một cánh cửa mới, lớn hơn, xa hơn, đầy ắp những bất ngờ mà anh bảo có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi. Sau chuyến đi, Đen được mời hát ở Huế với catse 4 triệu đồng. Đó là lần đầu tiên anh đứng trên một sân khấu thứ thiệt. Đó cũng là lần đầu tiên anh nhận số tiền lớn như thế cho một buổi biểu diễn.
Sống được bằng âm nhạc, Đen dồn sức sáng tác. Hai năm qua có thể nói là thời gian sung sức của anh. Cái tên Đen Vâu lan tỏa nhiều hơn với "Đừng gọi anh là idol", "Đi theo bóng mặt trời", "Mười năm", "Ngày khác lạ", "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em". Đến năm 2019, Đen Vâu chính thức trở thành hiện tượng rap của giới underground khi loạt bài hát trở thành hit như: "Hai triệu năm", "Bài này chill phết", "Lối nhỏ", "Cảm ơn"…
Những bài rap phóng khoáng, bụi bặm và giản dị như hòn đất xù xì, đen đúa ven đường. Vậy mà từ hòn đất ấy, hoa nở, lá đơm, mượt mà đến lạ lùng. Mỗi bài rap là một lời Đen tự sự với tha nhân, trên hết là với chính mình. Đen viết theo cảm hứng và ra MV cũng theo cảm hứng. Cả ca khúc lẫn MV đều man mác một màu buồn buồn nhưng giàu ý tưởng độc lạ và ăm ắp cảm xúc.
Có lẽ đắng đót, chua cay đã nhiều nên âm nhạc của Đen dậy nên sự bất cần, khinh bạc nhưng rất đỗi chân thành. Anh thật thà tri ân bằng hữu, thật thà phô bày cái tôi không tô vẽ. Đôi khi, chính vì thật thà và đời thường quá mà ngôn ngữ rap của Đen thỉnh thoảng bị cho là quá bản năng, suồng sã.
Bỏ qua chỉ trích, âm nhạc Đen thực sự khiến người khác phải kinh ngạc. Bởi trước nay người ta vẫn nghĩ rap phải bẩn, bụi và ngông nghênh mới là rap. Nhưng Đen xuất hiện, người ta sững sờ vì ngoài vẻ bụi phủi, bình dân, rap vẫn đong đầy triết lý và những ẩn dụ, so sánh giàu chất văn học. Triết lý đường phố, chiêm nghiệm và ưu tư của những người trẻ được Đen trải vào rap. Đen không ngừng hỏi về quá khứ, về tương lai, rằng tôi là ai, tôi đến đây làm gì. Nhiều khi, nhìn Đen trầm ngâm ngồi rap, người ta cứ ngỡ anh là nhà hiền triết. Đen bảo nếu khi xưa nhạc mình thường là sự trốn chạy để tìm lối thoát, là nỗi buồn đè trĩu đôi vai, là những bế tắc quẩn quanh thì bây giờ, nhạc Đen đã nhẹ nhàng, lạc quan và yêu đời hơn.
Nhiều câu triết lý đậm chất Đen trở thành câu cửa miệng của giới trẻ: "Thế giới này vận hành theo cái cách luôn ghì ta xuống/ Nhưng mà mộng mơ anh nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh"; "Có lẽ Đác-win biết biển cả sẽ khô hơn/ Nhưng anh tin ông ta không biết chúng ta đang tiến hoá để cô đơn"; "Em vào đời bằng vang đỏ/ Anh vào đời bằng nước trà/ Bằng cơn mưa thơm mùi đất và bằng hoa dại mọc trước nhà/ Em vào đời bằng kế hoạch/ Anh vào đời bằng mộng mơ/ Lý trí em là công cụ còn trái tim anh là động cơ"...
10 năm Đen rap. Để tháng 11 vừa rồi, Đen làm liveshow đầu tiên trong đời mình với cái tên siêu mộc: "Show của Đen". 5.000 vé "cháy" sạch trong 8 phút! Đó là điều mà khó rapper nào đạt được. Sự cuồng nhiệt của những "đồng âm" (cách Đen gọi fan) khiến anh sững sờ. Ngày biểu diễn, anh không biết nói gì hơn ngoài việc bối rối và xúc động hát đến khản giọng bài "Cảm ơn". Đen vẫn giản dị thế, chiếc áo sơ mi và cái quần tây như thời "ông cố nội" được Đen vận rất oách. Quê một cục mà gần gũi, thân thương như nghệ danh, như âm nhạc của anh.
Trở thành một rapper nổi tiếng, thậm chí có người xướng tụng Đen Vâu đã tạo dựng "đế chế rap" cho riêng mình, anh không quên những ngày tháng ngụp lặn trong rác. Đen chẳng tự ti, chẳng xấu hổ. Mà ngược lại, anh tự hào kể về ngày tháng nhọc nhằn ấy bằng giọng điệu tự hào, nâng niu đầy hoài niệm. Kể lại chẳng phải để cho người ta thương hại mà bởi đó là một phần đời của Đen.
"Tôi phải cảm ơn những ngày tháng thấm đẫm mồ hồi ấy vì nó tiếp thêm động lực để tôi phấn đấu hơn trên con đường âm nhạc. Nó giúp tôi biết mình là ai để không ảo tưởng trong danh vọng" - Đen nói. Quá khứ là gia tài để Đen đưa vào bản rap của mình - một thứ rap dày dặn, chất đời mà lung linh hình ảnh, đẹp như thơ và phóng khoáng như biển.