Nữ văn sĩ Khánh Phương: "đừng gọi anh là em"
Người đẹp lạ trong đời thường
Trước khi viết về sách và nỗi buồn người viết sách, tôi muốn kể về Khánh Phương, người xứng là một người đẹp của làng văn mà tôi được quen biết. Khi mới gặp Khánh Phương năm 2018, tôi nghĩ cô là một người mẫu. Không phải một người mẫu thời trang với cặp chân dài miên man và gương mặt lạnh không biểu cảm, mà thuộc típ người mẫu cho họa sĩ sáng tác, một vẻ đẹp độc đáo, có chiều sâu. Cô và tâm hồn cô mang một vẻ đẹp khiến người ta tò mò, và tạo cảm hứng mạnh mẽ cho giới họa sĩ, điêu khắc sáng tạo.
Ngoài thời gian làm công việc viết báo, viết văn, tham gia những dự án về môi trường thì Khánh Phương làm mẫu cho các họa sỹ. Sau này, gần gũi hơn với Khánh Phương, tôi còn biết cô từng du học ở Ý, là một thạc sỹ ngành môi trường, và hơn hết, còn là một nhà thơ, nhà văn, với 4 cuốn sách từng xuất bản.
Năm 2020 cô ra mắt cuốn sách thứ 5 với nhan đề "Đừng gọi Anh là Em" (NXB Hội Nhà văn). Đây là một hợp tuyển gồm các truyện ngắn và tiểu luận, đề tài đàn ông nhỏ tuổi yêu phụ nữ lớn tuổi. Một đề tài đã và đang là xu hướng trong cả cuộc sống và văn chương, nhất là từ khi cuộc hôn nhân kỳ lạ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (vợ lớn hơn chồng 25 tuổi) được truyền thông khai thác triệt để, trở thành hiện tượng trong lĩnh vực tình yêu và hôn nhân toàn cầu, và là nguồn cảm hứng vô tận cho những cặp vợ chồng ngược tuổi, vợ già chồng trẻ.
Nữ văn sĩ Khánh Phương. |
Viết sách như một sự phản kháng và bảo vệ tình yêu
Khánh Phương cũng có đời sống riêng lạ. Chồng cô nhỏ tuổi hơn cô, và cũng nhờ mối tình lạ, mà cô chú tâm nghiên cứu đề tài này trong nhiều năm, để tựu thành cuốn sách "Đừng gọi Anh là Em". Bản thân mối tình giữa "Chàng nhỏ tuổi, Nàng lớn tuổi" đã là một sự phản kháng lại tập tục, thói quen chung xưa nay trong quan hệ tình cảm nam-nữ.
Thói quen, tập tục này nghiễm nhiên trở thành cái "ĐÚNG", cái "ĐƯƠNG NHIÊN" trong xã hội. Ai đi ngược lại tất yếu chịu sự gièm pha, phê phán. Đến nỗi, nhà báo, nhà văn Dương Phương Vinh từng cay đắng kết luận "Đàn ông 20 tuổi có thể cưới cô gái 18 tuổi. Đàn ông 30 tuổi vẫn có thể cưới cô gái 18 tuổi. Đàn ông 40 tuổi vẫn cưới cô gái 18 tuổi. Ông 50 tuổi vẫn cứ cưới cô gái 18. Thậm chí lão 70 vẫn lấy gái 18. Còn phụ nữ 40 ư, đừng có mơ lấy đàn ông cùng tuổi! Chớ nói đến chuyện lấy đàn ông ít tuổi hơn".
Vậy nhưng, "hiếm" mà vẫn "có". Xu hướng phụ nữ hiện nay có người tình nhỏ tuổi hơn mình, lấy chồng nhỏ tuổi hơn mình đang ngày càng nhiều. Câu chuyện tình riêng của Khánh Phương và cuốn sách mới "ra lò" của cô "Đừng gọi Anh là Em" viết về người phụ nữ đang có mối tình với người nhỏ tuổi hơn nói riêng, và phụ nữ nói chung đã chuyển tải thông điệp mãnh liệt rằng, tình yêu chân thực, có thể vượt qua rào cản của tuổi tác. Từ niềm tin đó, giúp phụ nữ có sức mạnh để vượt qua mọi lời chỉ trích từ người thân, thách thức nghiệt ngã, sự lạnh sắc của dư luận, để ngẩng cao đầu mà đến với tình yêu đích thực của đời mình.
Điều miệt thị kinh khủng nhất mà xã hội đóng dấu lên người phụ nữ lớn tuổi, quyến rũ đàn ông nhỏ tuổi, là cụm từ "máy bay - bà già". Ngôn ngữ Việt mới đáng sợ làm sao trong ngữ cảnh ấy. Ai đang trong mối tình chênh lệch ngược này đều khiếp hãi cụm từ đó, và khiến người trong cuộc tổn thương sâu sắc, dù đã nỗ lực gồng mình mỗi phút giây để bảo vệ tình yêu. Khánh Phương đã hơn một lần nhắc đến cụm từ đớn đau đó trong các truyện ngắn của cô.
Dũng cảm yêu và "hứng đạn"
Trong cuốn sách "Đừng gọi Anh là Em", nữ sĩ Khánh Phương thể hiện sự đa dạng trong ngòi bút, khi kết thúc mỗi truyện ngắn là một đoạn thơ, như một dư âm sóng, một nét nhạc, khi thì bay lên, khi kéo chìm xuống đáy, nhưng hầu hết là sự hân hoan, thăng hoa của tình ái say nồng, đê mê, không một chút vướng bận của những kỳ thị mà xã hội áp lên mối tình của "Nàng lớn tuổi, Chàng nhỏ tuổi". Có cảm giác như, càng bị cấm đoán, càng bị đè nén thì mối tình khác thường này càng được tích thêm năng lượng, mồi thêm lửa để cháy dữ dội nhất.
Bìa sách “Đừng gọi anh là Em”. |
"Tôi đã ấp ủ cuốn sách này trong hơn chục năm qua. Không chỉ tìm hiểu câu chuyện sâu kín của các cặp đôi "Nàng lớn tuổi, Chàng nhỏ tuổi" trong đời thường, tôi còn tìm đọc các công trình nghiên cứu về tâm lý tình yêu, về đàn ông, đàn bà của cả Ta và Tây, để lý giải cặn kẽ vấn đề. Các câu chuyện mà tôi viết trong sách đều căn cứ trên câu chuyện có thật, trải nghiệm thật của nguyên mẫu ngoài đời, thêm sự phân tích của tôi dựa trên những kiến thức khoa học, những hiểu biết mà tôi có được" - Nữ văn sĩ Khánh Phương chia sẻ về việc viết cuốn sách thứ năm của mình.
Chính vì rất tâm huyết với cuốn sách này, ấp ủ ước mơ viết sách, nên cô đã âm thầm tích lũy tài chính. Trong hai chục năm qua, kể từ khi đi làm, cô đã miệt mài làm bất cứ việc gì để có tiền, và cô biết tận dụng tối đa đồng tiền mình kiếm được để đầu tư cho sự nghiệp viết.
Ấp ủ cuốn sách, như mang nặng đẻ đau, khi cuốn sách ra đời, có thể bị thờ ơ bởi độc giả đương đại, hoặc do những quan niệm đã đóng đinh trong người Việt không dễ dàng tiếp nhận những vấn đề được cho là "đi ngược", âu đó cũng là trải nghiệm tất yếu mà những người sáng tạo phải đi qua. Khánh Phương đang từng giờ thấm sâu cảm giác này.
"Tại sao đàn ông nhiều tuổi có quyền yêu cô gái trẻ, trong khi phụ nữ đứng tuổi yêu chàng trai trẻ lại bị xã hội mỉa mai? Tôi có đủ bằng chứng, nhân chứng và cơ sở khoa học cho bạn thấy điều ấy là quá lạc hậu trong thời đại ngày nay. Yêu cho bản thân, chứ không phải vì chiều theo ý muốn của đám đông ngoài kia. Hãy cứ yêu chân thành khi còn có thể, miễn sao không vi phạm những chuẩn mực đạo đức. Khi xung quanh tràn ngập tiêu cực thì bản thân hãy tỏ ra tích cực. Thiên hạ vẫn sẽ bàn tán cho dù ta hạnh phúc hay bất hạnh. Vì thế, chỉ làm những gì khiến ta hạnh phúc và ở bên cạnh người luôn mang lại cho ta cảm xúc thăng hoa!" - Tác giả Khánh Phương |
Những sách đã xuất bản của Khánh Phương: 1- Tình nhân và những chuyện khác 2- Đàn ông và những cuộc phiêu lưu tình ái 3- Làm gì khi bị tình phụ 4- Cảm xúc và tình yêu 5- Đừng gọi Anh là Em |