Nỗ lực hồi sinh dòng tranh hàng Trống

Thứ Năm, 08/04/2021, 13:31
Rất nhiều năm nay khi nói đến tranh Hàng Trống, một dòng tranh cổ nổi tiếng của đất Thăng Long – Hà Nội, nhiều người vẫn nghĩ chỉ còn mỗi mình Nghệ nhân Ưu tú Lê Ðình Nghiên theo nghề mà không mấy ai biết rằng con trai ông - nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cũng đang nỗ lực hồi sinh dòng tranh dân gian độc đáo này. Với nghệ nhân sinh năm 1988 này thì việc nối tiếp nghề của cha một phần vì đam mê, một phần vì trách nhiệm trước tổ tiên và dân tộc.


Quyết nối nghiệp cha

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên sinh năm 1950 trong một gia đình có nghề truyền thống làm tranh tại làng Bình Vọng (Hà Tây cũ). Khi còn nhỏ, ông đã theo gia đình đến lập nghiệp tại phố Hàng Trống (Hà Nội). Ông nội và người cha thân sinh ra ông là hai cụ: Lê Xuân Quế, Lê Đình Liệu cũng là hai nghệ nhân làm tranh Hàng Trống có tiếng một thời. Có lẽ, chính những tháng ngày được “mài mực” bên cạnh cha và ông nội mà ông đã lĩnh hội được những kỹ thuật tinh túy nhất của nghề làm tranh. Sau khi cha mất, tuy gia đình có tới 7 anh chị em, nhưng chỉ có ông là người kế nghiệp.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cả cuộc đời theo đuổi nghiệp làm tranh, chơi tranh với bao ấp ủ, dự định. Giờ đây khi tuổi đã cao ông lại dồn hết tinh hoa đó truyền cho người con trai cùng chung niềm đam mê nghệ thuật tranh như ông. Bộc bạch với tôi, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: “Gia đình tôi có nhiều đời làm tranh nhưng nghề này phải nói rất kén người làm, đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, kiên trì, khéo tay, phải thật sự yêu và đam mê mới làm được. Học lâu, khó truyền mà cũng khó kiếm ăn, nhưng tôi vẫn bắt cháu Hoàn theo bằng được, không thì sau này còn có ai làm nữa. Tôi cố gắng hướng cho con giữ gìn được nét đẹp dân gian này y như cha tôi,- nghệ nhân Lê Đình Liệu- đã từng truyền dạy cho tôi”.

Nói về bước đường đến với nghề, nghệ nhân trẻ Lê Hoàn tâm sự: từ những lần xem cha ngồi tỉ mẩn khắc gỗ, lên màu đã nhen nhóm niềm yêu thích và đam mê khi anh mới 9 tuổi. Anh đã không mất quá nhiều thời gian để “nhập cuộc”, những bỡ ngỡ thuở ban đầu dần trôi đi, anh đã nhớ từng mảng này đi vào màu này, mảng kia đi với màu kia. Thế rồi màu vẽ, bút vẽ, những bản khắc gỗ và những bức tranh gắn bó với cuộc đời anh từ đó đến nay và nó cứ diễn ra tự nhiên như một thói quen ăn vào máu. Bởi thế hiện nay những kĩ thuật khó trong làm tranh Hàng Trống như bồi tranh, cản màu… anh đều đã rất thành thạo. Anh cho biết chính giá trị mộc bản cũng như cái tôi cá nhân hiện rõ qua từng tác phẩm là yếu tố thách thức người nghệ nhân nhưng cũng làm cho người nghệ nhân say mê với nghề.

Thu những “trái ngọt”

Những khó khăn vất vả trong suốt những năm tháng theo nghề của Lê Hoàn giờ đây đã được đền đáp xứng đáng. Nhiều bức tranh Hàng Trống đã được lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn lựa đặt trang trọng trong phòng triển lãm các dòng tranh dân gian Việt Nam. Nhiều khách đến tham quan bảo tàng đã không khỏi ngỡ ngàng, không chỉ vì đây là những bức tranh Hàng Trống có kích thước lớn nhất từ trước đến nay mà bởi sự hài hòa về màu sắc, sự tinh tế trong từng nét vẽ, sự linh hoạt trong sắc thái đậm, nhạt trong từng gam màu. Đặc biệt hơn là những tác phẩm đó không mặc nhiên thuộc về nghệ nhân Lê Đình Nghiên như mọi người vẫn nghĩ, đó là sản phẩm chung của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và cậu con trai Lê Hoàn. Tất cả chứng minh cho những năm tháng miệt mài học hỏi của chàng trai trẻ.

Mặc dù không được học bất cứ khóa đào tạo bài bản nào nhưng những gì người cha của mình “cầm tay chỉ việc” thì giờ Lê Hoàn đã có thể độc lập vẽ những bức tranh Hàng Trống hết sức tinh xảo, đẹp mắt. Một số bức do anh vẽ đã có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – nơi cha anh rồi anh đang công tác. Việc anh được công tác tại đây, ngoài việc phục chế tranh giấy cổ còn là nơi mà anh có thể hoàn thiện được tay nghề. Bởi ở đó anh đã được học thêm kỹ thuật bồi tranh, sửa tranh do Bảo tàng cử đi học nâng cao và Bảo tàng cũng là nơi sưu tầm được nhiều tranh cổ từ khắp mọi miền Tổ quốc để anh có cơ hội được phục dựng. Đó là môi trường, là kinh nghiệm quý báu để anh có thể phát triển được tài năng.

Giờ đây Hoàn đã có thể độc lập vẽ những bức tranh Hàng Trống hết sức tinh xảo, đẹp mắt, thế nhưng trong ký ức của mình anh vẫn còn nhớ đến kỷ niệm với hai bức vẽ chung với cha và đem đi triển lãm “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” tại Bảo tàng Hà Nội năm 2016. Đó là bức “Tứ phủ công đồng” và “Ngũ hổ” với cùng kích thước 1,4m x 1,8m và được coi là bức tranh Hàng Trống có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Để hoàn thành nó, hai cha con anh đã phải lao động miệt mài suốt mấy tháng trời.

Mơ một triển lãm riêng

Với niềm say mê dòng tranh Hàng Trống, nhiều đồng nghiệp của Lê Hoàn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn tin tưởng và hy vọng Hoàn sẽ là “nhịp cầu” “kéo” người trẻ đến với dòng tranh này. Họa sĩ Lê Quốc Huy, Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm, Giám định tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho biết: thật may mắn khi ở dòng tranh Hàng Trống còn một nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một điều may mắn nữa là ông có một truyền nhân là người con trai yêu quý của mình – nghệ nhân Lê Hoàn. 

Họa sĩ Nguyễn Thế Hiển, Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) nhận xét: “Hoàn là người trẻ tuổi nhưng có đam mê nhiệt huyết với dòng tranh Hàng Trống, một dòng tranh đang bị thất truyền. Trong hiện tại người trẻ ít quan tâm đến tranh dân gian mà Hoàn gìn giữ được là điều rất đáng quý”.

Nghệ nhân trẻ Lê Hoàn thể hiện bức tranh Hàng Trống.

Với sự giúp đỡ của cha và mong muốn giữ nghề gia truyền, Hoàn đã dần học hỏi và nắm vững cơ bản các thao tác, kĩ thuật để xử lý tranh cũng như bảo tồn vốn quý của dân tộc. Thành quả bước đầu đã được công chúng ghi nhận nhưng với Hoàn quan niệm rằng ngủ quên trên chiến thắng là thất bại. Hoàn mong muốn sẽ mở được triển lãm riêng cho mình, đó sẽ là dấu ấn, kỷ niệm, công sức phấn đấu của chàng trai trẻ với lòng đam mê không mệt mỏi với nghiệp tranh Hàng Trống. Và đó cũng là cách truyền bá tranh tốt nhất đến với công chúng, nhất là với giới trẻ. Xem tranh Hoàn vẽ, nghe Hoàn kể chuyện, tôi nghĩ rằng nghệ nhân trẻ Lê Hoàn hoàn toàn có thể mơ về một ngày không xa ấy bởi người nghệ nhân này mới chỉ bước vào tuổi 33, độ tuổi tràn đầy năng lượng và sự sung sức với nghề.

Suốt gần 20 năm qua trong căn nhà nhỏ ở ngõ Cửa Đông (Hà Nội) là xưởng vẽ và cũng là nơi người nghệ nhân trẻ đã và đang nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa xưa mà cha ông để lại. Nhìn những bức vẽ qua bàn tay Hoàn, người xem cũng phần nào nhìn thấy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc gìn giữ văn hóa của dân tộc. Câu chuyện nối nghiệp của hai cha con nghệ nhân Lê Đình Nghiên – Lê Hoàn cũng cho thấy sức sống mạnh mẽ của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Giờ đây ở cái tuổi “xưa nay hiếm” khi “mắt đã mờ, chân đã chậm”, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã phần nào yên tâm về việc tìm người nối nghiệp. Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì việc gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian này có mình nghệ nhân trẻ Lê Hoàn là chưa đủ, rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý văn hóa, sự đồng lòng, quyết tâm, tâm huyết của những người yêu tranh dân gian Hàng Trống.

Ngô Khiêm
.
.