Ninh Viết Giao: Ngài xứ Thanh nên danh xứ Nghệ

Thứ Hai, 15/05/2017, 08:33
Mấy chục năm nay, người dân xứ Nghệ có câu tự trào: "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/ Ai vô xứ Nghệ thì vô / Còn choa, choa cứ Thủ đô choa về". Bởi vì đó là dòng di chuyển chính của con dân đất nghèo mà ham học, ham làm, từ nhiều đời nay. 


Nhưng hơn 60 năm trước, có một sinh viên khóa đại học đầu tiên sau hòa bình 1954, đã đi ngược chiều, và ông đã làm nên một huyền thoại dân gian mới, để được lưu danh trong bài thơ nhại lại thơ cụ Tản Đà: "Nực cười cho bác Viết Giao/ Quê hương Thanh Hóa lại vào Nghệ An/ Sưu tầm văn học dân gian/ Bàn chân trải khắp trên ngàn dưới sông/ Dạo chơi Nam Bắc Tây Đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng cách xa". Đó là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao (1933-2004), người vừa được Chủ tịch nước ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2017.

Quê ông ở làng Đông Thôn, tên nôm là Kẻ Sài, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Hà Nội. Ở trường, ông gặp lại các thầy dạy ở Thanh Hóa, trong đó gần gũi nhất có thầy Trương Tửu, Trần Đức Thảo.

Ngày tốt nghiệp, ông nhận nhiệm vụ vào Khu IV dạy cấp 3. Ông nhớ, trước buổi lên đường, tới chào và xin ý kiến thầy Trương Tửu, thầy bảo: "Anh có năng khiếu và chịu khó, nếu ở lại Hà Nội thì đi vào lĩnh vực nghiên cứu văn học hiện đại, bây giờ về địa phương thì nên đi vào văn học dân gian". Thầy còn nói thêm: "Trong văn học dân gian có một loại hình chưa ai khám phá, đó là câu đố. Ra dạy cấp 3, anh nên dành thời gian đế sưu tập và tìm hiểu câu đố".

Hành trang vào đời của người giáo viên trẻ khi được phân công về khu IV là hai bồ sách, hai bộ áo quần và chiếc áo khoác cũ. Lọc cọc mấy ngày mới từ Thủ đô về Vinh. Nhưng khi xuống xe, trước một vùng đất nhà tranh, cửa liếp tan hoang sau cơn bão lớn, Ninh Viết Giao ngơ ngác hỏi thành phố Vinh ở đâu? Hóa ra, bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Pháp, mấy năm sau hòa bình, Vinh vẫn là một thị tứ cơ hàn.

Ninh Viết Giao và bìa cuốn “Xứ Nghệ và tôi” của ông.

Không được về Thanh Hóa quê nhà như nguyện vọng, ông xin về dạy cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Trường học lúc đó là một khu đất trên đó nhà nhà xiêu vẹo, đổ nát, tranh tre, nứa ngổn ngang sau bão. Nhưng ông không ngờ, chính trên mảnh đất đó, thầy giáo trẻ Ninh Viết Giao đã bắt đầu một sự nghiệp làm thầy, làm nhà nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian mà số lượng tác phẩm, cho đến nay, ở nước ta, không có mấy người sánh kịp.

Mới đi dạy năm thứ hai, nghe lời dặn thầy Trương Tửu, tận dụng đóng góp của các học sinh chung tay sưu tầm câu đố và biên soạn cuốn sách. Một ngày nọ, thầy giáo trẻ Ninh Viết Giao sung sướng nhìn thấy trên giá ở hiệu sách nhân dân thành phố Vinh cuốn sách "Câu đố Việt Nam" của chính mình sưu tầm biên soạn. Tôi may mắn có mặt trong đám học trò hôm đó chứng kiến những ngày thầy trò cả trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng mừng sự kiện người thầy trẻ của mình đã có sách được in...

60 năm qua, niềm tự hào của thế hệ học sinh chúng tôi về trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, về những người thầy dạo ấy, trong đó có  thầy Ninh Viết Giao vẫn là nguồn cội của mọi cuộc gặp gỡ. Cũng lạ, hầu hết các thầy ngày ấy sau này đều chuyển lên  dạy các trường đại học hay cấp 3 ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ môn văn có các thầy: Nguyễn Đức Bính (tác giả hai bài chân dung từng gây sửng sốt trên văn đàn: "Người Cổ nguyệt - Chuyện Xuân Hương", "Ngô Tất Tố như tôi đã biết"), thầy Hoàng Triều, thầy Trần Đình Hượu, thầy Nguyễn Đức Nam, thầy Hoàng Thiệu Khang, thầy Tôn Gia Các, thầy Đinh Xuân Hiến… chỉ riêng thầy Ninh Viết Giao là vẫn kiên trì bám trụ lại mảnh đất Nghệ An.

Thực ra, ông dạy ở trường Huỳnh Thúc Kháng chỉ có 4 niên khóa, nhưng trong thời gian không dài đó, Ông đã kịp thực thi lời dặn của thầy Trương Tửu về sưu tầm và tìm hiểu văn học dân gian theo phương thức riêng của mình: Huy động sự đóng góp của học sinh. Dạo đó, cả tỉnh Nghệ An và mấy huyện phía Bắc Hà Tĩnh chỉ có một trường cấp 3.

Một nhiệm vụ được nhà trường giao cho học sinh trong các dịp được nghỉ là về quê sưu tầm văn học dân gian ở ngay địa phương của mình. Sau mấy năm kháng chiến, rồi cao trào cải cách ruộng đất, đền thờ, miếu mạo, bị biến thành kho phân hay chuồng bò của hợp tác xã, những tàn tích của chế độ phong kiến bị quét sạch, nhiều tủ sách cổ quý giá bị đốt hay vứt bỏ.

Cùng với sự tàn phá ký ức bởi thời gian, thì ý thức của người dân được giác ngộ, chủ động thanh lý không thương tiếc những di sản văn hóa xưa đọng bám vào ký ức, vốn văn hóa phi vật thể giàu có ở xứ Nghệ đã có thời ngỡ được quét sạch. Cho nên, khi đến địa phương, thầy đặt vấn đề cho học sinh sưu tầm ca dao, hò, vè, ví giặm… không  dễ được chấp nhận.

Cho đến những năm chống Mỹ, khi thầy được giải phóng mọi công việc hành chính, có mấy năm đi khắp các xóm làng miền xuôi, thôn bản miền ngược xứ Nghệ. Trực tiếp sưu tầm và thẩm tra, đối chiếu, xác minh lại các nguồn tư liệu, cũng nhiều lần bị xét hỏi, tra vấn: Tại sao cả nước đang dốc lòng cho đánh Mỹ, lại có người đi tìm hỏi những câu hát hò xưa cũ để làm gì? Có lợi dụng moi móc tin tức, kích động nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ không?

Có phải lần mò các địa chỉ bí mật quân sự để chỉ điểm cho Mỹ bắn phá không? Dù đã có giấy giới thiệu của cấp tỉnh, lần nào thầy cũng phải nhờ đến các học trò đang làm các chức vụ quan trọng khắp tỉnh, huyện, xã, hay giáo viên cấp 2, cấp 1 ở ngay địa bàn giải thoát. Sau mấy năm dạy cấp 3, do lý do sức khỏe, thầy được điều chuyển về Trường Sư phạm Trung học, vừa dạy học, vừa làm công tác bồi dưỡng giáo viên.

Trên cơ sở những cuốn sách đã được xuất bản, như  "Hát phường vải" (1961), "Hát giặm Nghệ Tĩnh" (cộng tác với Nguyễn Đổng Chi, 1962)  "Vè  Nghệ Tĩnh", "Truyện Phương Hoa" (1964), nhìn thấy khả năng của thầy, và trầm tích văn hóa dân gian xứ Nghệ, Tỉnh ủy Nghệ An đã đưa Ninh Viết Giao về Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, với nhiệm vụ sưu tầm thơ văn yêu nước và cách mạng, cũng như văn hóa dân gian.

Tận dụng thời gian và điều kiện, trong những năm chiến tranh ác liệt nhất (1966-1972), ông đã lăn lộn khắp hang cùng, xóm vắng, vừa tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức trò chuyện để khơi gợi tình yêu quê hương, truyền thống văn hóa và cách mạng, vừa lắng nghe các nhân chứng cung cấp thêm tư liệu, cứ liệu cho các văn bản đã sưu tầm.

Nhờ tài thuyết khách của ông, từ hoài nghi, cảnh giác, nhiều nơi, bà con đã cùng ông ôn dựng lại không gian hoạt động lễ hội xưa, để những câu ca, vè, ví, giặm, phường vải tưởng bị vĩnh viễn bị vùi lấp nay được nhớ lại và có cơ hội được diễn xướng cho nhiều người thưởng thức. Xuất phát từ văn học dân gian, khi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, ông mới thấy mối gắn kết giữa văn hóa, địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán… là vô cùng quan trọng.

Ông xác định: Một người nghiên cứu văn học dân gian, muốn đi xa, đi dài thì phải nhanh chóng trở thành một nhà địa phương học. Tự thấy vốn kiến thức hạn chế của mình, Ninh Viết Giao đã phải tìm nhiều cách để trang bị thêm những hiểu biết về triết học, lịch sử, dân tộc học, tôn giáo, thần tích. Nhờ thế khi có điều kiện, hàng loạt tập sách liên quan đến các loại hình văn học dân gian, văn hóa, địa lý, lịch sử của tỉnh, các huyện, các dân tộc thiểu số đã được ông trực tiếp biên soạn và tổ chức thực hiện: "Thơ văn Xô Viết Nghệ Tĩnh", "Nghệ Tĩnh trong Tổ quốc Việt Nam", "Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ", "Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ", "Kho tàng Ca dao xứ Nghệ", "Truyện cổ Thái", "Kho tàng vè xứ Nghệ", "Tục thờ Thần và Thần tích xứ Nghệ".

Cho đến nay, đã có gần 60 đầu sách liên quan đến văn hóa xứ Nghệ  của ông đã được xuất bản, dù 15 năm cuối ông phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Đánh giá đúng công lao và giá trị khoa học các công trình của ông, ngay từ năm 1984, Ninh Viết Giao là người thầy giáo cấp 3 duy nhất ở địa phương được phong hàm Giáo sư cấp 1 (nay gọi là Phó Giáo sư), và được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

Gần 60 năm, kiên trì bám trụ ở một địa phương, với khả năng và năng suất lao động kiên định, kiên nhẫn, nỗ lực, có phương pháp khoa học, thầy Ninh Viết Giao đã có công đầu làm hiển lộ và cố định kho báu văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc của xứ Nghệ. Những ngày cuối, tới thăm thầy, ông còn đưa ra giới thiệu hàng vạn trang bản thảo đã hoàn thành mong có ngày được in.

1-5-2017

Ngô Thảo
.
.