Nhà văn Nguyễn Công Hoan và Anh hùng Nguyễn Tài:

Những người khai sinh tờ công an mới

Thứ Hai, 27/11/2006, 14:30

Theo các tài liệu để lại thì hồi đó Chủ nhiệm Báo Công an mới là đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, chủ bút là Phan Mạnh Hân, ủy viên trị sự là Phùng Duy Tiếu. Báo in tipô, số 1 dày 16 trang, số 2 và 3 đều dày 20 trang, khổ 20x25cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Mỗi tháng báo ra hai kỳ vào ngày 1 và 15.

"Cây cao cả ôm là do mầm non nhỏ bé tạo ra. Lâu đài chín tầng là do từng viên gạch nhỏ xây lại.  Chuyến đi nghìn dặm là do bước chân đầu tiên"

Tôi nhớ mãi triết lý ấy - triết lý khẳng định cội nguồn, muốn có hiện tại, có tương lai thì trước hết phải có cái khởi đầu trong quá khứ.

Cũng theo triết lý ấy, từ "bước chân đầu tiên" là tờ Báo Công an mới - tiền thân của Báo CAND, dù bước đi còn chập chững thuở ban đầu, qua 60 năm phát triển, ngày nay Báo CAND đã khẳng định vị thế trong làng báo Việt Nam. Đó là một trong những tờ báo hàng đầu, sớm có mặt ở nước ta.

Trong những ngày kỷ niệm tròn 60 năm đầy ý nghĩa này, những người làm Báo CAND muốn nhắc tới những người có công khai sinh ra tờ báo. Một trong những con người ấy là ông Nguyễn Tài, Anh hùng LLVTND, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, người mà cách đây 60 năm đã đi xin giấy phép - giấy khai sinh tờ Công an mới. Điều đặc biệt là chính thân sinh của ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ đã ký giấy phép đó.

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...

Sau giây phút trầm tĩnh để hình dung lại quá khứ, ông Nguyễn Tài kể rằng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã lập ra Đoàn Cảnh sát cứu quốc. Năm 1946, với Sắc lệnh sáp nhập Liêm phóng và Cảnh sát thành Công an, lập Nha Công an Trung ương thì Đoàn Cảnh sát cứu quốc được mở rộng thành Đoàn Công an cứu quốc. Lúc đó, ông Nguyễn Tài là Bí thư Chi bộ Đảng. Tại Đại hội Đoàn Công an cứu quốc đã bầu ông làm Bí thư Đoàn. Thời điểm này, sau khi có Sắc lệnh về báo chí, ông cùng mọi người bàn nhau xin ra một tờ báo của Đoàn, định lấy tên là Công an mới.

Các đồng chí Trần Quyết, Trần Đông, Lê Thế Tiệm và đồng chí Nguyễn Tài (thứ 2 từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Báo CAND (năm 2001).

Dự định ban đầu coi đó là việc của Đoàn và là tờ báo của Đoàn, chứ không phải là lực lượng Công an. Hồi đó, vì Đảng rút vào hoạt động bí mật nên Trung ương chỉ thị những người lãnh đạo cơ quan tuy là đảng viên nhưng không sinh hoạt chi bộ, mà sinh hoạt Đảng Đoàn, và Bí thư Chi bộ được tham gia sinh hoạt Đảng Đoàn. Cụ thân sinh của ông là nhà văn Nguyễn Công Hoan đã cấp giấy phép ra tờ báo Công an mới.

Ông Nguyễn Tài nhớ lại: "Một lần họp Đảng Đoàn, tôi báo cáo việc ra báo của Đoàn Công an cứu quốc. Giấy phép cho ra Báo Công an mới đã được cấp, do tôi đứng tên với danh nghĩa Bí thư Đoàn Công an cứu quốc. Nghe tôi nói như vậy, anh Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương - hỏi tôi về nội dung, về người viết, việc quản lý... định ra sao? Thú thật hồi đó tôi chưa có kinh nghiệm gì nhiều ngoài việc có tham gia làm báo Nước Nam Mới ở chiến khu Tân Trào trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự chỉ đạo của anh Võ Nguyên Giáp.

Cuối cùng, anh Lê Giản kết luận rằng với giấy phép đã được cấp, vì Đoàn không đủ sức làm, vậy nên để Nha Công an lo việc này. Do đó, Báo Công an mới vẫn ra đời nhưng do Nha Công an phụ trách và chính thức là tờ báo của ngành, được bán rộng rãi trong nhân dân. Ngày 1/11/1946, Báo Công an mới, tờ báo đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam được xuất bản, có trụ sở tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội".

Theo các tài liệu để lại thì hồi đó Chủ nhiệm Báo Công an mới là đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, chủ bút là Phan Mạnh Hân, ủy viên trị sự là Phùng Duy Tiếu. Báo in tipô, số 1 dày 16 trang, số 2 và 3 đều dày 20 trang, khổ 20x25cm, bìa in màu, số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Mỗi tháng báo ra hai kỳ vào ngày 1 và 15.

Trong lời "trình làng" dưới đầu đề "Mới", tờ báo viết: "... Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của Công an, để thắt chặt tình liên lạc giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Việt Nam Công an vụ cho xuất bản tờ Công an mới.

Đứng về phương diện Báo, Công an mới sẽ có những mục điều tra, phóng sự, tường thuật viết theo tài liệu xác thực và đầy đủ, những sản phẩm đặc biệt của Công an mà chỉ Công an mới có. Gây một tinh thần vui vẻ, gợi khiếu tò mò, nhận xét của độc giả, phổ cập những thường thức về những vấn đề xã hội, luật pháp, chuyên nghiệp của Công an v.v... Đó cũng là một phần chính của tờ Công an mới".--PageBreak--

Tiêu chí "Mới" đã được thể hiện trên từng trang báo. Ngay từ số 1, Báo Công an mới đã dành 2 trang cho cuộc phỏng vấn cấp tốc. Mười lăm người được phỏng vấn, từ anh Vệ quốc, Công an viên, nhà văn đến ông làm bếp... đã trả lời mỗi người một vẻ để góp phần xây dựng Công an cách mạng.

Cũng từ số 1, Công an mới đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành bởi một tinh thần và nội dung mới. Công an mới ra đến số 3 thì bầu không khí chiến tranh bao trùm khắp đất nước. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vì vậy, số 4 Báo Công an mới tuy đã in 5.000 bản nhưng phải dừng phát hành. Tờ Công an mới đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc gần xa. Ban lãnh đạo Báo sau đó đã lên chiến khu, chuẩn bị cho việc xuất bản nội san Rèn luyện.

Tôi hỏi ông Nguyễn Tài: "Hồi làm Báo Nước Nam mới đã cho ông kinh nghiệm gì để làm Báo Công an mới?". Ông cho biết, đó là sự nhạy bén nắm bắt cái mới để phản ánh kịp thời; phải khiêm tốn học hỏi để nhanh tiến bộ viết phải đa dạng, chính xác; viết và biên tập phải thận trọng không được ẩu đoảng.

Ông kể: "Hồi ở chiến khu Tân Trào, sau khi học Trường Quân chính kháng Nhật, tôi được phân công làm Báo Nước Nam mới. Có một chuyện nhớ đời: Dạo đó in báo bằng đá nên việc lên trang rất khó khăn. Một lần có một bài mà khi viết lên đá, không còn đủ chỗ. Tôi đã quyết định cắt bỏ đoạn cuối cho vừa khuôn. Sau đó, tôi nhận được một bài báo, nội dung châm biếm cán bộ tuyên truyền thì nói những điều mà người nghe không hiểu được, còn bài báo thì cắt đầu cắt đuôi mất hết ý nghĩa. Anh Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải đăng nguyên văn bài này. Tôi cảm thấy không vui, nhưng vẫn chấp hành. Sau có dịp hỏi lại thì anh cho biết đó là bài của "ông Ké" (Bác Hồ). Tôi nghĩ bụng, mình thật là "điếc không sợ súng". Sau đó, tôi rất cẩn thận trong việc tính toán lên trang".

Lần giở lại lịch sử Báo CAND, tôi được biết, hồi năm 1962, lần đầu tiên Báo mở lớp bồi dưỡng cách viết một số thể tài cho thông tin viên, cộng tác viên. Báo đã mời nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhiều nhà báo giỏi tới giảng bài.

Giờ đây đâu dễ đã ai quên

Chính sự góp công của hai cha con nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan và Anh hùng Nguyễn Tài đối với Báo CAND đã nói lên nhiều điều đặc biệt.

Có một sự kiện đáng chú ý là mới đây, ngày 6/6/2006, tại trụ sở Báo CAND (66 Thợ Nhuộm, Hà Nội), đã tổ chức lễ gắn bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hôm đó, vợ chồng ông Nguyễn Tài; nhà văn Lê Minh (con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan); nhiều con, cháu, chắt của nhà văn; cùng các văn nghệ sĩ, nhà báo đã tới dự. Đó là sự tri ân chẳng những với nhà văn Nguyễn Công Hoan - một nhà văn tài năng có tầm nhìn xa trông rộng, đã duyệt cấp giấy phép khai sinh tờ báo - mà còn đối với đại gia đình ông đã có những đóng góp vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển của Báo CAND từ thuở sơ khai cho đến ngày nay.

Theo nhà văn Lê Minh, chính tại ngôi nhà này, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết quyển sách "Hỏi chuyện các nhà văn" và quyển "Nhớ gì ghi nấy". Những trang văn của nhà văn trào phúng bậc thầy đã để lại cho những người đương thời và hậu thế nhiều điều suy ngẫm.

Cũng tại ngôi nhà này trong hơn 10 năm đó, những người con của ông Nguyễn Tài đã trải qua tuổi thơ dưới sự nuôi nấng, dìu dắt của ông bà nội, vì thời đó vợ ông phải đi công tác xa, ông Nguyễn Tài là cán bộ cấp cao được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn biệt phái vào Nam hoạt động suốt hơn 10 năm trong lòng địch. Chính tại ngôi nhà ấy đã in dấu biết bao kỷ niệm trong mỗi cuộc đời... Chính vì vậy, khi tới dự lễ gắn biển kỷ niệm người cha thân yêu của mình, ông Nguyễn Tài rất xúc động, không cầm được nước mắt...

Giờ đây, tấm biển lớn tại trụ sở Báo CAND còn khắc ghi dòng chữ: "Nhà văn Nguyễn Công Hoan (6/3/1903 - 6/6/1977), Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật (1996), người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học và báo chí cách mạng Việt Nam, đã sống và sáng tác tại căn phòng tầng 1 toà nhà này từ năm 1964 đến 1976".

Đó là sự tri ân, cũng là một cử chỉ nhân văn hiếm thấy đối với những ân nhân của Báo CAND khi tờ báo vừa tròn 60 tuổi

Bùi Quang Hào
.
.