Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Những giọt nước mắt tháng 7

Thứ Hai, 24/07/2017, 13:38
Ở hai đầu đường dây điện thoại, chúng tôi đã khóc, những lời nói nghẹn lại, những khoảng lặng đầy nhức nhối, đau buốt. Dù chúng tôi chưa từng quen biết, nhưng câu chuyện nhắc đến đã hòa chung cảm xúc của hai bác cháu. Đó là cảm xúc của một người lính nguyện suốt đời ở bên đồng đội dù âm dương cách trở và cảm xúc của thế hệ sau đầy cảm phục trước tinh thần hi sinh anh dũng của lớp lớp cha anh.


1."Cho cháu hỏi, bác có phải là bác Nguyễn Văn Hiền quản trang của Nghĩa trang liệt sỹ Sa Thầy, tỉnh Kon Tum không ạ?". Phía bên kia trả lời: "Đúng rồi! Sao cháu biết số điện thoại mà gọi?". Câu chuyện của tôi với ông bắt đầu như vậy đó. Rồi, ông nghe từng thông tin về người bác liệt sỹ mà gia đình tôi chưa tìm được mộ. Khi tôi nói đến đơn vị, nhắc tên Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 và thời gian người bác hy sinh là xuân Mậu Thân 1968, ông bỗng nghẹn lại, giọng lạc đi.

Ông vừa khóc, vừa kể lại trong ngắt quãng: "Đó là đơn vị anh hùng cháu ạ! Năm ấy đồng đội hi sinh nhiều lắm! Sau cuộc chiến đấu ở cao điểm Chư Tan Kra, đối phương gom nhiều thi thể các chiến sỹ của ta vào một hố chôn tập thể... Giờ nhiều người đã được đưa về đây (nghĩa trang liệt sỹ) nhưng chưa xác định được danh tính…".

Tiếng ông nhỏ dần. Tôi không còn nghe rõ giọng của người quản trang ấy, nước mắt cứ nhòe đi. Nhưng tôi thấy rõ là, ông đang nói giọng Bắc. Tôi hỏi: "Bác không phải người Kon Tum?". Ông bảo: "Tôi quê Thanh Hóa. Tôi cũng là đồng đội của các anh đang nằm đây. Tôi ở đây để chăm nom đồng đội". Một lần nữa, trái tim tôi tan chảy theo lời nói của ông. Hòa bình đã lâu lắm rồi, vậy mà cả đời ông vẫn sống trong cuộc chiến. Nước mắt người lính vẫn không ngừng rơi, trái tim người lính vẫn không ngừng đau khi quá khứ, hiện tại cứ đan xen. 

Để có cuộc nói chuyện với bác Hiền, trước đó tôi đã đi tìm đồng đội của bác tôi. May mắn vẫn còn có đồng đội cùng đơn vị, cùng chiến đấu với bác. Các đồng đội của bác kể rằng, họ là những chàng trai Hà Nội tuổi đôi mươi cùng xuất quân và được huấn luyện tinh nhuệ ở Thái Nguyên, mùng 6 Tết Mậu Thân 1968 chuyển quân đến Hòa Bình rồi đưa thẳng vào huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đơn vị của bác tôi được mệnh danh là "biệt đội lính mũ sắt", là niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Nhiều năm sau chiến tranh, đồng đội và người thân của các anh vẫn mỏi mắt đi tìm hài cốt liệt sỹ giữa rừng sâu núi thẳm.

Đồng đội của bác kể rằng, trước giờ lên cao điểm đánh đồn địch, họ đã cùng nhau ăn lương khô là gạo rang trộn muối và đường. Bác tôi còn cho đồng đội xem tấm ảnh chụp chung với cô người yêu xinh xắn cùng làng. Ngày bác lên đường nhập ngũ mới 17 tuổi và ra đi khi tròn 18. Thế rồi, sau trận chiến đầu đời, bác tôi mãi mãi nằm lại giữa núi rừng Chư Mom Ray. Ông bà ngoại tôi có 3 người con đi chiến đấu ở nhiều chiến trường, và ông bà vẫn còn may mắn hơn nhiều người cha, mẹ khác khi được đón hai người lính trở về bằng xương bằng thịt. Chỉ còn người con trai thứ 3 thì chưa tìm được mộ. Ông bà nằm xuống vẫn còn nguyên nỗi trăn trở về người bác đã hy sinh của tôi. 

Dù mới khởi đầu cuộc hành trình tìm người thân, nhưng tôi đã được gặp những người lính năm xưa, được nghe chuyện về các cuộc chiến đấu, về tinh thần bất khuất, xả thân, về sự gian nan, khổ luyện… Trong tôi không có cảm xúc nào khác ngoài sự cảm phục, lòng tự hào. Nước mắt liên tục rơi khi tôi trò chuyện với các ông - những người lính may mắn được trở về.

Sau chiến tranh, các cựu chiến binh tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng nhiều công việc khác nhau. Có người trở về vẫn là ông nông dân hiền lành chất phác. Có người tôi vẫn gặp hàng ngày mà không biết được rằng, ông đã từng là người lính đầy quả cảm, ông đã từng vào sinh ra tử, là nhân chứng sống của cuộc chiến khốc liệt giành độc lập dân tộc. Cơm áo đời thường khiến họ quên đi quãng đời gian khổ. Nhưng, chỉ cần gợi lại thôi, biết bao câu chuyện, bao cảm xúc chợt ùa về khiến những người đàn ông rắn rỏi ấy bỗng trở nên yếu lòng.

2. Tháng 7. Dòng người đổ về các nghĩa trang, các di tích lịch sử ghi dấu ấn cuộc chiến. Trên đài tưởng niệm những người đã ngã xuống để bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong trận chiến 81 ngày đêm, hương khói tưởng như không bao giờ dứt. Mà, cũng lạ kỳ thay, tôi đã nghe rất nhiều người kể rằng, khi đến địa danh này, trời nóng như đổ lửa. Thế nhưng, đúng vào lúc thắp hương, trời bỗng đổ mưa như vong linh liệt sỹ đang trở về.

Và, hôm chúng tôi đến viếng thành cổ, đúng như lời kể, một làn mưa bất chợt ào đến giữa ánh nắng chói chang của trưa hè. Tiếng nhạc "Hồn tử sỹ" vang lên cũng là lúc tất cả những con người đang cúi mình kính cẩn trước đài tưởng niệm òa khóc. Nơi đây, dưới mỗi thảm cỏ đều có thể là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ. Bởi thế, khi đến mảnh đất thiêng này, mọi người đều đặt bước nhẹ nhàng vì sợ "động" đến các anh.

Mỗi câu chuyện được kể từ hướng dẫn viên, mỗi hình ảnh trong khu tưởng niệm đều khiến khách đến thăm không thể cầm lòng. Nụ cười ngạo nghễ giữa ngổn ngang đổ nát của thành cổ như chứng minh tinh thần bất diệt của những người lính mong chờ chiến thắng. Mỗi lời thơ gắn với thành cổ, với sự hy sinh của các anh luôn làm lay động lòng người, đặc biệt hơn giữa ngày tháng 7:

Thuyền xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Dưới sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Tháng 7. Vẫn tiếp tục có những người con trở về từ các chiến trường. Ngày 13-7-2017, tham dự lễ bàn giao hài cốt liệt sỹ đưa về từ nước bạn Lào, tôi đã gặp các cán bộ, sỹ quan quân đội trong Đội quy tập thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Thật xúc động khi nghe chuyện của những người lính thế hệ sau đi tìm hài cốt người lính thế hệ trước.

Trung tá Phạm Xuân Tám là người nhiều năm vượt suối băng rừng tìm hài cốt ở nước bạn Lào kể rằng, mỗi khi tìm được hài cốt, trong lòng những người lính hôm nay vừa vui mừng, vừa ngậm ngùi trước những mất mát to lớn của thế hệ trước. Vì lo sợ thú rừng tha mất hài cốt, nhiều khi các anh phải ôm hài cốt ngủ qua đêm.

Thông tin tìm hài cốt được lấy từ sơ đồ hoặc từ thông tin của thân nhân liệt sỹ, có sự trợ giúp của các cựu chiến binh. Trẻ đi chiến đấu, già đi tìm đồng đội - đó là tinh thần chung của những cựu chiến binh không quản ngại đường xa, khó khăn trở lại chiến trường xưa, tìm lại dấu vết của bạn chiến đấu. Trong những cánh rừng già, nơi khe núi, bờ suối… có nhiều, rất nhiều giọt nước mắt của những người lính già để lại.

Suốt đời, không bao giờ họ quên cuộc chiến, không bao giờ họ nguôi nỗi nhớ, trăn trở về các đồng đội nằm lại nơi chiến trường. Đến mỗi nghĩa trang liệt sỹ, đâu đâu cũng thấy có những ngôi mộ không tên nghi ngút hương khói. Nhiều người anh hùng hi sinh không để lại tên tuổi. Sự hi sinh ấy đã hóa thành bất tử.  

"Chiến tranh lùi xa
Những vết thương đã lành trên mặt đất
Máu thịt các anh hóa vào chồi biếc
Phía dương gian vẫn cuộn chảy không ngừng
Ba mươi năm các anh không hề khuất
Hai đầu khắc khoải gọi tìm nhau
Các anh chỉ nghe không thể nào nói được
Những nén nhang không biết đỏ về đâu?..."

"Những nén nhang vẫn đỏ mắt đi tìm" như lời tâm sự của nhà thơ Hà Văn Thể trong "Khúc bi tráng tháng bảy" sau khi dự lễ quy tập ngôi mộ tập thể các liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân tại sân bay Biên Hòa. Người thân, đồng đội vẫn đi tìm các anh. Nhưng, dù không được tận mắt gặp các anh thì các anh vẫn ở đâu đó quanh đây phù hộ cho đất nước luôn bình yên, nhân dân luôn hạnh phúc. Máu thịt các anh đã hóa vào chồi biếc để Tổ quốc mãi mãi xanh tươi.

Việt Hà
.
.