Những cây "viết thuê" kỳ cựu

Thứ Tư, 11/04/2007, 14:00

“Tác giả vô hình” William Novak, 55 tuổi, người Mỹ là nhà văn được trả thù lao cao nhất cho việc chấp bút mảng sách hồi ký – tiểu sử tự thuật trên văn đàn thế giới hiện nay. Trung bình, ông hoàn thành một cuốn sách “bán chạy nhất” dạng này trong vòng từ 18 đến 24 tháng.

Trong ổ cứng máy tính của W. Novak hẳn còn lưu những cuốn tự truyện từng bán được nhiều triệu bản, ví như sách của Chủ tịch Hãng xe hơi Chrysler giàu sụ Lee Yakoka, vận động viên bóng rổ lừng danh bị nhiễm AIDS Majic Johnson, rồi kiều nữ cao cấp Sidney Bidel, hay cựu Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ kiêm diễn viên màn bạc Nancy Reagan...

William Novak phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình hoàn toàn ngẫu nhiên.

Một thời kỳ dài “ông vua vô hình của những cuốn tiểu sử tự thuật” trong tương lai rất lận đận với việc ấn hành các cuốn sách dạng “sưu tầm và biên soạn”. Thất bại điển hình trong lĩnh vực “sở trường” này của Novak là cuốn “Tuyển tập những câu chuyện thông thái Do Thái hiện đại”.

Tới đầu năm 1983, ông quyết định chuyển ngòi bút của mình qua nghề “viết thuê”. “Lần đầu tiên có một đại diện nhà xuất bản gọi điện đến hỏi tôi, rằng có dám “thử sức” trong mảng hồi ký không – W.Novak nhớ lại – Cụ thể là tiểu sử tự thuật của Lee Yakoka.

Tuy chưa từng nghe thấy cái tên “lạ hoắc” ấy bao giờ, nhưng tôi vẫn phấn chấn đáp: “Ồ đó là một ý cực hay đấy”. Sau 40 tiếng đồng hồ phỏng vấn Lee Yakoka có ghi âm, cũng như những buổi trò chuyện với cả bạn lẫn thù của nhân vật chính, Novak bắt tay vào soạn bản thảo. Nhưng nhà xuất bản gửi trả ngay lại, bởi ông viết quá hay, khác xa với sự thật.

Ngoài ra Lee Yakoka còn đích thân gửi tới một bức fax dài, phủ nhận và đính chính như muốn xé nát bản thảo ra... “Tình bằng hữu giữa kẻ “viết thuê” và người “đặt hàng” thật hiếm hoi – W.Novak nhận định – Chỉ đơn giản là hai kẻ chưa hề quen biết gặp nhau, cùng hoàn thành thứ công việc văn chương thuần túy mà họ lưu tâm. Xong xuôi lại “đường ai nấy đi” như những kẻ xa lạ cố hữu”.

Gay go nhất là khi phải sửa lại bản thảo. Như hồi ký của Đại kiện tướng cờ vua người Nga Natan Scharansky chẳng hạn. “Tác giả” viết xong chừng một nghìn trang, còn nhà xuất bản một mực đòi “gút” lại cỡ 600 trang thật xúc tích cho “dễ bán hơn”. Quả là hết sức nan giải, trong khi Scharansky cứ nằng nặc phải giữ lại toàn bộ, vì chỗ nào cũng... “hết sức quan trọng”.

Đôi khi William và Natan phải “đánh vật” cả ngày mới giản lược xong một trang tiểu sử cá nhân. “Thật khó khăn khi bạn phải gắng thuyết phục một kẻ sống kiếp lưu vong bất đắc dĩ như N. Scharansky. Trong khi ngoài đời anh ta đang bị các cơ quan mật vụ Nga săn lùng ráo riết!” – vị văn sĩ chuyên viết hộ hồi ký cho người khác thở hắt ra.

Khi mức nhuận bút của W.Novak lên tới 250 nghìn USD/đầu sách, mặc nhiên ông cho mình có quyền “kén cá chọn canh”, ngay cả với các nhân vật cộm cán cỡ... tổng thống cũng vậy. “Tôi đã cự tuyệt thẳng thừng những lời đề nghị của cả R. Reagan lẫn Bush-cha. W.Novak hồ hởi cho biết:  Xem ra sau một vài năm nữa chuyện của vợ chồng nhà Bush-con lại hấp dẫn hơn...”. “Vậy ông từng “chấm” ai mà không được toại nguyện?”. “Ca sĩ Paul McCartney người Anh, huyền thoại còn sống cuối cùng của ban nhạc “tứ quái” Beatles. Nhưng anh ấy đã coi thường bút lực của tôi và đặt người khác hành văn hộ”.

So với kỳ tích của giới viết thuê Mỹ thì cánh đồng nghiệp người Đức có vẻ khiêm nhường hơn, hay đúng ra họ là cái “bóng râm đích thực” từ “người đặt hàng”. Ký giả kỳ cựu Edgar Fokse ở Munich đang là cây bút “ăn khách” hàng đầu Âu lục bây giờ.

Chẳng cần máy ghi âm, ông vẫn hoàn thành cuốn hồi ký nổi tiếng của cầu thủ nhà nghề Franz Beckenbauer, qua văn phong mạch lạc ứng đúng với “lời ăn tiếng nói” của “hoàng đế bóng đá”. Nhưng, E. Fokse chỉ nhận được khoản thù lao không đáng kể, nếu đem so với số tiền mà một nhà xuất bản phải trả cho Beckenbauer để được quyền phát hành rộng rãi.

Một trong những cây bút viết thuê cự phách khác là Frank Iozef Vagner, tác giả của vô số thiên hồi ký tự thuật đăng thường kỳ trên tuần báo “Bild”, nơi nhiều cá nhân tiêu biểu và nổi tiếng xuất hiện bằng danh xưng “tôi”. F.I. Vagner thường lao động miệt mài bằng bút lực hiếm có của mình.

Để hoàn thiện cuốn sách viết về danh thủ quần vợt Boris Beker (tên tác giả in ngoài bìa là ông bầu Gunter Bosch của B. Beker), Vagner đã phải tháp tùng Beker và Bosch suốt sáu tháng ròng qua những giải đấu quốc tế khác nhau.

“Cần phải đặt linh hồn mình vào tâm hồn của người khác – R.I. Vagner bộc bạch – Biết “lặn ngụp” trong biển đời của họ và lôi lên những gì quan trọng nhất. Mặt khác giống như con tắc kè biết chậc lưỡi ứng với nội tâm của nhân vật chủ đạo”. “Nguyện ước hiện giờ của tôi là được viết về cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, vốn là một chính khách cực kỳ khôn khéo. Phải hết sức cẩn trọng trước những khoảnh khắc tế nhị...” – Vagner cho biết thêm.

Còn với giới xuất bản thì sao? Đại diện một nhà xuất bản uy tín ở Munich giãi bày: “Thông thường tới điểm kịch tính khi danh nhân và “bóng râm” không thỏa thuận được với nhau, thậm chí còn không muốn nhìn mặt nhau nữa thì chúng tôi xuất hiện. Qua vai trò trung gian hòa giải chúng tôi sẽ gắng tìm ra một đường hướng chung”.

Rốt cục ắt có người sẽ nói rằng, xem ra cái nghề ‘viết thuê” chẳng mấy vẻ vang gì. Xin chớ lầm! Phải chăng “Thánh kinh” – “ấn bản bán chạy nhất mọi thời” – cũng hình thành theo cách này bởi bốn kẻ ngoan đạo vô danh đó sao(?!)

Trần Quang Long
.
.