Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đoàn Ca nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam

Như khúc quân hành...

Thứ Năm, 18/12/2014, 08:00
Xin chúc mừng Nhà hát Đài TNVN đã cống hiến, đã ca hát 65 năm trên sóng phát thanh như khúc quân hành đầy kiêu hãnh. Xin cảm ơn các nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiều thế hệ đã để lại những tác phẩm ca nhạc sống mãi cùng tháng năm.

"Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" là danh xưng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ra đời ngày 7 tháng 9 năm 1945 sau sự hiện diện trước thế giới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ 5 ngày. Cùng với danh xưng là nhạc hiệu của Đài với bài "Diệt phát xít" của tác giả Nguyễn Đình Thi đã vang lên với giọng ca của 10 cô gái Thủ đô do Hội Phụ nữ cứu quốc cử đến trong những ngày đầu của cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa Thu năm 1945, tại phòng bá âm nhỏ xíu số 2 Phạm Ngũ Lão (đằng sau Nhà Hát Lớn Hà Nội).

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Đài TNVN phải dời Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn.

Trải qua bao gian nan, bao địa điểm bí mật vì sự an toàn và không bao giờ được dứt tiếng nói của Chính phủ kháng chiến, của Đảng, của Bác Hồ, tất cả các chương trình ca nhạc lúc bấy giờ vẫn được tiếp tục nhưng chưa được chuyên nghiệp cho lắm.

Do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn Ca nhạc của Đài chính thức được thành lập tháng 12/1949 tại Chiến khu Việt Bắc, lúc đầu chỉ có chưa đầy chục người: Nhạc sĩ Cầm Phong, ca sĩ Trần Thụ, ca sĩ Thương Huyền, nhạc sĩ Lê Lôi, Đỗ Như, ca sĩ Mai Khanh, nhạc sĩ Trần Tất Toại... với các nhạc cụ như đàn ăccoocđêông, manđôlin, banzô-alto, ghi ta và phải vừa đàn vừa hát nhưng các anh chị em nghệ sĩ đã vượt qua bao khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài ra còn phải tăng gia tự túc một phần lương thực.

Vào thời kỳ đó Đài chưa có máy ghi âm, anh chị em đều phải hát, đàn trực tiếp trong buồng thu âm cũng là buồng phát thanh chỉ có 4m2 được cách âm bằng chiếu và lá gồi. Mùa đông còn đỡ, mùa hè nóng nực, anh em phải cởi trần ngồi tựa lưng vào mảnh chiếu làm vách cách âm, lâu ngày muối mặn thâm xì hôi hám.

Một đêm anh em trong cơ quan và cảnh vệ thấy lục đục trong phòng, tưởng là ăn trộm hay việt gian phá hoại bèn lấy đèn pin soi để bắt, hóa ra là hai chú ngựa thồ của cơ quan vì thiếu muối đã xơi mất chiếc chiếu cách âm vì có muối mặn của mồ hôi! Thế là phải làm lại lán thu âm để có thể đàn và hát tiếp phục vụ cho sóng.

Một tiết mục của Hợp ca Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cũng từ phòng thu này, các chương trình ca nhạc lại nhận thêm nhiều bài của các nhạc sĩ gửi đến phản ánh cuộc kháng chiến sôi sục đang gần đến ngày thắng lợi và niềm tin vào Đảng và Bác Hồ.

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc có một chuyện cảm động thể hiện sự quan tâm ưu ái của Bác Hồ, Chính phủ đối với Đài. Đó là việc Đài quốc gia nhưng không có nổi một cái đồng hồ tốt để báo giờ và nhạc hiệu cho các chương trình phát thanh. Chuyện đó Bác Hồ biết được và Bác đã gửi cho Đài một đồng hồ đeo tay do Việt kiều Thái Lan tặng Bác, hiệu Movado. Đoàn ca nhạc được vinh dự ưu tiên giữ đồng hồ đó, trước giờ phát thanh người giữ đồng hồ có trách nhiệm báo cho mọi người chuẩn bị sẵn sàng.

Năm 1954, hòa bình được lập lại, Đài TNVN trở về Hà Nội như đã hẹn từ lúc ra đi (Năm cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Hà Nội vang tiếng quân ca). Phòng Âm nhạc được hình thành gồm Ban ca nhạc và Ban biên tập, ngoài các anh chị em từ chiến khu trở về lại có thêm các anh, các chị nghệ sĩ từ Đài Nam Bộ tập kết như: Hoàng Mãnh, Lưu Cầu, Xuân Mai, Khánh Vân, Kim Nhụy và được bổ sung ban nhạc Lúa Vàng, một ban nhạc nổi tiếng trong vùng bị tạm chiếm Hà Nội ở lại, rồi lại được thêm một số nhạc sĩ: Nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu, nhạc sĩ Phan Phúc, nhạc sĩ Trần Dư, ca sĩ Trần Khánh, Kim Oanh, Thịnh Trường, Văn Hạnh...

Trước yêu cầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước, đoàn đã thành lập một bộ phận ca nhạc dân tộc cổ truyền gồm các bộ môn chèo, ca Huế, cải lương. Đến năm 1958, đội hát thiếu nhi "Sơn ca" ra đời. Đội đã góp công đào tạo nên những nghệ sĩ nổi tiếng sau này như: NSND Thanh Huyền, NSƯT Bích Liên, NSƯT Tô Lan Phương... với một lực lượng khá hùng hậu các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong từng bộ môn nghệ thuật ca nhạc. Đoàn Ca nhạc Đài TNVN trở thành trung tâm âm nhạc được các nhạc sĩ trong cả nước tin yêu, đồng nghiệp trọng thị, nhân dân yêu mến.

Trong những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những giờ phút hào hùng của đất nước đều được phản ánh bằng lời ca tiếng nhạc của các nghệ sĩ trong đoàn qua sáng tác của các nhạc sĩ từ khắp mọi miền gửi về. Điều nổi bật ở Đoàn Ca nhạc là tính thời sự, nhạy bén, kịp thời, những ca khúc còn đọng mãi trong tâm trí người nghe như "Tình trong lá thiếp", "Câu hò bên bến Hiền Lương" với giọng ca Thương Huyền. Trần Khánh với "Tôi là người thợ lò", "Người chiến sĩ ấy"; Tuyết Thanh với "Nổi trống lên rừng núi ơi"; Kim Oanh với "Quảng Bình quê ta ơi". Ở nhiều cung bậc khác nhau, các ca sĩ Thanh Hoa, Thu Phương, Hữu Nội, Tiến Thành, Hương Giang, Thúy Lan, Hồng Ngát, Hồng Liên, Phan Muôn, Tiến Hỷ... đều ghi lại những dấu ấn trong nhiều ca khúc còn vang mãi cùng năm tháng. Và khó ai có thể quên giọng chèo xao xuyến lòng người của Như Hoa, Kim Đức, Minh Tâm; giọng ca cải lương mùi mẫn của Kim Nhụy, Thu Chung, Thúy Đạt, Trang Nhung; giọng hò lưu luyến bất tận của Châu Loan, Hồng Lê, Hoàng Thanh, Lài Tâm và giọng thơ trầm bổng của Trần Thị Tuyết, Kim Dung...; rồi tiếng đàn đáy xao xuyến của Đinh Khắc Ban, tiếng vĩ cầm réo rắt của nhạc sĩ Phan Phúc, tiếng sáo ngọt ngào của Ngọc Phan và những nhịp điệu sôi nổi của cây đàn áccoócđêông của Kiều Linh, và ào ào như thác khi ta thấy Hoàng Mãnh bên cây dương cầm.

Với Đoàn Ca nhạc, chất lượng nghệ thuật bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, biểu hiện rõ ràng nhất là trong ngày cả dân tộc đau buồn tiếc thương vĩnh biệt Bác Hồ, Đoàn Ca nhạc luôn túc trực tại phòng thu nhạc M để dàn dựng tất cả các tác phẩm của các nhạc sĩ trong nước và quốc tế gửi đến vĩnh biệt Người và chia sẻ nỗi đau cùng dân tộc.

Rồi trong những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử, cả nước vỡ òa trong niềm vui bất tận khi Đài TNVN báo tin trưa 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Đoàn dàn dựng bằng hợp xướng cùng dàn nhạc lớn tập không kể ngày đêm để phát kịp ngay trên sóng vào hồi 17h ngày 30/4, hòa trong niềm vui của cả dân tộc trong ngày đại thắng.

Trong thời kỳ Đổi mới, giữa một nền kinh tế thị trường vô số các loại hình ca nhạc, giải trí, để phục vụ tốt, thu hút khán thính giả, các thành viên của Đoàn đã chú ý tiếp cận có sàng lọc sáng tạo các hình thức dàn dựng nâng cao chất lượng bộ phận phối âm, phối khí cho các ca khúc, sử dụng nhiều loại dàn nhạc cho phù hợp với tác phẩm. Dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc nhẹ, dàn nhạc bán cổ điển đã chú ý phần tiết tấu để gần gũi hơn với khán thính giả trẻ, các giọng hát có âm sắc đẹp, lạ đã được khích lệ, kịp thời đảm nhiệm những tiết mục phù hợp với chính mình và phù hợp với ý đồ của các nhạc sĩ sáng tác.

Từ năm 2003, nhằm đưa chất lượng sóng phát thanh lên tầm cao mới, cạnh tranh lành mạnh với các phương tiện thông tin giải trí khác, lãnh đạo Đài TNVN đã tăng cường cho đoàn một kíp các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, sung sức, có uy tín trong làng ca nhạc bổ sung cho đoàn như Đăng Dương, Việt Hoàn, Hoàng Tùng, Thu Lan, Đăng Thuật, Thu Huyền, Thành Lê, Minh Phương, Mai Hoa, Văn Chương, các nhạc sĩ Doãn Nguyên, Hà My, Mạnh Cường, Sơn Hải, Phan Kiên, Cường Nguyễn...

Có thể nói Đoàn Ca nhạc Đài TNVN có một lực lượng ca sĩ mạnh, có chất lượng tốt nhất hiện nay trong các đoàn nghệ thuật ca nhạc.

65 năm hoạt động và trưởng thành, Đoàn Ca nhạc Đài TNVN (nay là Nhà hát Đài TNVN) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Ngoài ra, các nghệ sĩ của Đoàn còn đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Lào, Campuchia, Cuba, Mỹ... Do những đóng góp to lớn, Đoàn đã được tặng nhiều huân, huy chương cao quý, nhiều giải thưởng vàng bạc trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Nhiều nghệ sĩ các thế hệ của Đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đoàn Ca nhạc đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất nhân 55 ngày thành lập (12/1999).

65 năm đã đi qua, nhiều nghệ sĩ của đoàn đã không còn, nhiều người đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác không còn đến phòng thu nhạc nữa. Và chúng ta cũng mãi mãi ghi nhớ công lao của các nghệ sĩ, nhạc sĩ lãnh đạo đoàn các thế hệ như: Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, nhạc sĩ Cầm Phong, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Phan Phúc, nhạc sĩ Cát Vận, nhạc sĩ Đặng Hùng, nhạc sĩ Hoàng Lương, nhà văn Hoàng Ngọc Sơn..., trong cương vị lãnh đạo đã đóng góp nhiều công sức cho sự lớn mạnh của Đoàn và Nhà hát.

Với mục tiêu tất cả vì sự nghiệp âm nhạc trên sóng phát thanh, các nghệ sĩ, cán bộ diễn viên của Đoàn đang bước tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước, bước tiếp trên con đường âm nhạc xây dựng đất nước ngày thêm tươi đẹp, xã hội công bằng, văn minh.

Xin chúc mừng Nhà hát Đài TNVN đã cống hiến, đã ca hát 65 năm trên sóng phát thanh như khúc quân hành đầy kiêu hãnh. Xin cảm ơn các nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiều thế hệ đã để lại những tác phẩm ca nhạc sống mãi cùng tháng năm.

Lê Gia Hiếu
.
.