Nhớ mãi nhạc sĩ Vũ Thanh
- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Luôn “tin ở hoa hồng”
- Nhạc sĩ Dương Cầm: Cánh cửa phát triển của âm nhạc Việt không quá hẹp...
Mỗi lần đến Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), đi qua khu tập thể Đài này ở 128C Đại La (Hà Nội) hoặc dự bất cứ sinh hoạt nào ở Hội Nhạc sỹ Viêt Nam, tôi lại nhớ ông khôn xiết. Nỗi nhớ này thật đặc biệt, cứ như đối với người rất thân yêu, ruột thịt vậy. Có lẽ bởi tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với ông và còn mang nặng ơn ông trong việc nâng đỡ, dìu dắt trên bước đường sáng tác.
Cố nhạc sỹ Vũ Thanh. |
Vũ Thanh có quê gốc ở Từ Liêm (Hà Nội) nhưng lại được sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Tuổi thơ của ông gắn với vùng đất trung du thơ mộng này. Thấy tôi khi đang còn là sinh viên đã thuộc lòng và rất thích hát những bài của ông khi đó đang lan tỏa nên ông quý tôi chăng?. Tôi kém ông hơn một con giáp, lại chỉ như một học trò trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Vậy mà ông rất bình đẳng trong quan hệ, thể hiện ở cách xưng hô và mọi cư xử. Ông luôn “ông, tôi”, xuề xòa và thân thiện cứ như cùng trang lứa vậy.
Tôi bắt đầu quen biết và chơi với ông từ lúc là tôi còn là sinh viên Văn khoa, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV). Ngày ấy, tôi thường xuyên hát hai bài “Lời anh vọng đến ngàn năm” (viết về người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi) và “Bài ca Hà Nội” (viết về Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ) nhưng chưa được gặp tác giả. Khi tiếp xúc, tôi rất ngưỡng mộ Vũ Thanh.
Mỗi lần gặp ông ở nhà riêng tại khu tập thể 128C Đại La, ông lại đệm piano cho tôi hát các bài của ông. Ông khen tôi hát hay và đã giới thiệu tôi sang thử giọng để thu cho buổi phát thanh binh vận. Ông bảo rằng giọng tôi trầm, ấm, rất phù hợp với lối hát thủ thỉ, tâm tình khi thể hiện những bài hát khuyên nhủ binh lính phía bên kia trở về với cách mạng hơn là hát ở làn sóng do ông đang phụ trách vì ở đây cần sự hùng dũng, sôi động. (Lúc này Vũ Thanh là Phó ban Âm nhạc của Đài TNVN).
Để thuận tiện, ông sáng tác luôn một bài binh vận và trao cho tôi hát để chuẩn bị thu thanh. Ông tỏ ra rất khó tính. Lúc đầu ông nói tôi hát hơi bị cứng. Đến khi tôi sửa thì ông lại nói hát mềm quá như nhạc vàng. Thế là tôi phải sửa đi sửa lại cho đúng yêu cầu của ông: “Rất nhẹ nhàng, tình cảm nhưng không được nỉ non, sướt mướt”.
Được nhạc sỹ Trọng Loan (nay cũng đã mất) – người phụ trách làn sóng nhạc binh vận chấp nhận thu chính thức, tôi rất vui và trở nên tự tin hơn. Thế là sau đó, tôi thu được tới cả chục bài. Đến bây giờ, tôi vẫn còn biết ơn mãi Vũ Thanh. Nhờ ông chỉ bảo và khó tính mà tôi bỗng làm ca sỹ một thời gian.
Tôi “ngồi chơi xơi nước” tới quá nửa năm – trong khi các bạn khác cùng lớp đã đi làm ngay chỉ vài tuần sau khi tốt nghiệp đại học. Lý do vì bị tổ chức nhà trường “cảnh cáo” do phân về đâu cũng không nhận mà đòi được về nơi đúng ý mình. (Ngày ấy, sinh viên chúng tôi khi ra trường rất “đắt hàng” chứ không phải tự lo công việc như bây giờ. Không ít bạn còn được nhiều cơ quan xin về làm việc như đã nói).
Vũ Thanh gợi ý sẽ giới thiệu tôi xuống Đoàn Ca nhạc của Đài làm hợp đồng. Ông nói hãy cứ tham gia hát tốp ca, hợp ca. Ở dưới đó họ thấy giọng có thể đơn ca được thì sẽ thu đơn ca. Lúc này ở đây đã có các nam ca sỹ Trần Khánh, Trần Thụ, Thịnh Trường… nổi tiếng từ lâu. Nghe Vũ Thanh gợi ý, tôi băn khoăn vì thực bụng chỉ muốn hát đơn ca ngay chứ tốp ca thì không thích.
Đang lưỡng lự, không biết có nên nghe lời khuyên của Vũ Thanh không thì tôi nhận quyết định đi làm. Vũ Thanh lúc này mới khuyên tôi trở lại với chuyên môn văn chương, kẻo học 4 năm mà rẽ ngang thì phí. Ông cũng khích lệ tôi sáng tác. Ông đã nhiều lần sửa bài cho tôi và ký cho sử dụng trên làn sóng. Tuy nhiên, để được ông chấp nhận, tôi phải sửa chữa rất nhiều lần, nát bét cả bản thảo. Có bài phải viết lại, cả năm sau mới được ông ký. Thế là tôi đã không trở thành ca sỹ chuyên nghiệp mà thành người sáng tác.
“Em đi trong tươi xanh”, nhạc và lời của nhạc sỹ Vũ Thanh. |
Hẳn nhiều người còn nhớ một sự việc xảy ra vào ngày 15/10/1964: Chính quyền Sài Gòn dưới thời Nguyễn Khánh đã xử bắn người thợ điện có tên Nguyễn Văn Trỗi bởi anh đã giết hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara dịp ông ta sang thăm Sài Gòn vào tháng 4 cùng năm này. Sự việc gây rúng động cả nước khi ấy bởi tử tù tại pháp trường đã không cần bịt mắt, miệng hô vang: “Ðả đảo bọn xâm lược Mỹ và tay sai! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Vũ Thanh kể rằng ngay sau đó, Giám đốc Đài khi ấy là Trần Lâm chỉ thị cho các nhạc sỹ ở Đài sáng tác bài hát để ca ngợi người anh hùng này. Nhưng không hiểu sao, mọi thông tin ban đầu đều ghi nhận tên anh là Nguyễn Văn Trôi (không có dấu “ngã”). Vậy là hàng loạt ca khúc ra đời đều có lời hát là “Nguyễn Văn Trôi…”.
Ông Trần Lâm về sau đề nghị các nhạc sỹ sửa lại “Trôi” thành “Trỗi”. Nhưng chính Vũ Thanh đã mạnh dạn đề đạt với “sếp” rằng sửa lại cả chục bài rất rắc rối vì hồi đó chưa có kỹ thuật thu thanh hiện đại, chỉ cần sai một tiếng là phải thu lại cả bài (Bây giờ thì chỉ cần “vá” tiếng hát sai là được). Hơn nữa, nếu giữ nguyên nốt nhạc thì chỉ có thể là Trôi, hát thành Trỗi thì buộc phải sửa thành nốt khác, sẽ không thể hay. Trần Lâm đã nghe.
Vậy là tên người anh hùng đã được đổi trong ca khúc là thế. Nhưng công chúng và ngay cả chị Phan Thị Quyên - vợ anh Trỗi - khi nghe bài hát cũng chấp nhận.
Tôi không thể quên những lần đi thâm nhập thực tế sáng tác cùng Vũ Thanh. Trừ khi cơ sở mời đích danh nhạc sỹ, còn nếu không thì bao giờ ông cũng rủ tôi đi cùng. Tôi có phần ngần ngại vì lúc ấy trong đoàn gồm toàn những tên tuổi gạo cội, chỉ có tôi là còn trẻ, chưa có thành tựu gì đáng kể.
Nhưng Vũ Thanh đã động viên tôi: “Ai cũng bắt đầu bằng con số 0. Không ai bỗng dưng thành nổi tiếng được. Hơn nữa, nơi này họ chỉ cần tác phẩm hay mà không quan tâm đến tên tuổi của tác giả. Ông còn là nhà báo. Người ta cũng muốn ông viết cho họ một bài về phong trào của họ”. Chỉ khi nghe ông nói vậy, tôi mới yên tâm tham gia.
Thường một đợt đi như thế có từ 3 đến 5 nhạc sỹ. Các nhạc sỹ được cơ sở đón tiếp rất nồng hậu, ăn uống vô cùng thịnh soạn. Lần đó chúng tôi về một cơ sở cách thị trấn phải đến chục cây số. Đến bữa, có một nhạc sỹ không uống rượu, chỉ thích uống bia, mà là Heineken chứ không dùng loại khác. Ông rất tự nhiên đề đạt ý muốn với người thủ trưởng sở tại. Lập tức được đáp ứng. Người lái xe đã chở cô phục vụ ra thị trấn mới mua được. Cả mâm phải chờ chừng 30 phút mới khai tiệc.
Sau khi ăn, lúc chỉ còn mấy nhạc sỹ với nhau, Vũ Thanh “góp ý” thẳng thắn với nhạc sỹ kia: “Theo tôi, ta nên có sao dùng nấy. Yêu cầu họ phải có bia ngoại e gây khó cho họ. Ở đây xa xôi hẻo lánh, phải đi xa mới kiếm được. Quá phiền phức”. Vị nhạc sỹ phản ứng: “Ông buồn cười! Đón được chúng ta về là may mắn cho họ, vì sẽ tăng thêm uy tín với mọi người. Vậy cứ để họ có dịp thết đãi ta cho thỏa tấm lòng hiếu khách. Chẳng mấy khi”. Vũ Thanh không dè dặt, nói: “Đó có thể là tâm lý của lãnh đạo. Nhưng việc lại được giao cho nhân viên cụ thể. Giờ đó, chị ta cũng cần phải về gia đình vì đã tối. Để thỏa mãn ta, chị ấy phải vất vả thì có nên chăng?”.
Vũ Thanh là như thế. Ông giản dị, xuề xòa, rất gần gũi và cảm thông với những người lao động nghèo. Tuy có tài và nổi tiếng, lại là Phó ban Âm nhạc, có quyền duyệt tác phẩm, giọng hát trước khi đưa lên sóng nhưng ông đồng hòa, chân tình, luôn khiêm nhường và cả nể. Đặc biệt, ông rất không thích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Tuy thân thiết với ông nhưng tôi không thể viết được bài báo nào về ông vì ông không đồng ý. Mọi nhạc sỹ có rất nhiều ảnh trên mạng internet. Ông đã không có tấm nào. Sau mỗi đợt đi sáng tác về, ông luôn cho thu thanh tác phẩm của các nhạc sỹ khác mà tự loại bỏ bài của mình. Ông nói với tôi: “Mình ở Đài mà chiếm sóng thì không hay. Hãy dành cho các tác giả khác. Vả lại, nhiều khi bài của họ hay hơn hẳn thì sao lại cố tình đưa bài mình lên?”.
Tên của ông hầu như rất ít được nhắc đến. Nhưng những ca khúc ông để lại thì sống mãi theo thời gian, trở thành những kỷ niệm sâu sắc trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng.