Nhớ mãi một câu nói

Thứ Năm, 19/11/2020, 13:24
Nhạc sĩ Lê Thương - một trong những lá cờ đầu của nền tân nhạc Việt Nam những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ông là tác giả những bài hát mà những người yêu thích âm nhạc ở tuổi từ 80 trở lên không thể không biết: “Bản đàn xuân”, “Nàng Hà Tiên”, “Một ngày xanh”… Đặc biệt là hai bài có sức lan tỏa rộng rãi: Trường ca “Hòn Vọng phu” và “Thằng Cuội”. 


Khi tiễn tôi ra về, ông nói câu cuối cùng trước khi tôi lên xe: “Không mang đậm phong vị dân tộc, chớ mong tác phẩm sống được lâu, nhất là âm nhạc”.

Năm 1985, khi đang làm phóng viên nghệ thuật ở một tờ báo Trung ương, trong một lần vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi lần mò tìm được địa chỉ của ông tại số nhà 55 phố Bùi Viện, quận 1. Tôi biết tên tuổi ông từ lâu bởi thuộc lòng nhiều bài hát của ông với sự ngưỡng mộ lớn.

Cố nhạc sỹ Lê Thương.

Ông là nhạc sĩ Lê Thương - một trong những lá cờ đầu của nền tân nhạc Việt Nam những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Một tên tuổi lớn cùng thế hệ với những nhạc sỹ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước… 

Ông là tác giả những bài hát mà những người yêu thích âm nhạc ở tuổi từ 80 trở lên không thể không biết: “Bản đàn xuân”, “Nàng Hà Tiên”, “Một ngày xanh”, “Thu trên đảo Kinh Châu”, “Bà mẹ Việt Nam”… và một số bài phổ thơ: “Lời kỹ nữ” (thơ Xuân Diệu), “Tiếng thu” (thơ Lưu Trọng Lư), “Ngậm ngùi” (thơ Huy Cận), “Bông hoa rừng” (thơ Thế Lữ)… Đặc biệt là hai bài có sức lan tỏa rộng rãi: Trường ca “Hòn Vọng phu” và “Thằng Cuội”. 

Riêng bài “Thằng Cuội”, đến hôm nay, nhiều người trẻ cũng thuộc mà không biết tác giả là Lê Thương: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một giấc mơ. Lặng yên ta nói Cuội nghe. Ở cung trăng mãi làm chi?”... Mỗi năm cứ đến Tết Trung thu, thiếu nhi vẫn hát “Chiếc đèn ông sao” của Phạm Tuyên. Nhưng người lớn, nhất là lớp cao tuổi lại thích nghe và hát “Thằng Cuội” của Lê Thương hơn bởi bài này không hẳn chỉ dành cho tuổi thơ mà còn là một khúc tâm tình của người lớn. 

Thời gian trước năm 1975, ở Sài Gòn không học sinh, sinh viên nào không biết ca khúc “Học sinh hành khúc” rất quen thuộc của nhạc sĩ Lê Thương: “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau/ Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao/ Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập/ Học sinh nề chi tuổi xanh chung sức phấn đấu…”. Nhạc sỹ cho biết ông viết bài này khi chứng kiến đám đông học sinh, sinh viên đi đưa tang chàng sinh viên yêu nước Trần Văn Ơn trong ngày 9/1/1950. (Về sau, chúng ta lấy ngày này là Ngày Học sinh, sinh viên toàn quốc).

Do yêu cầu của công việc khi còn làm báo đồng thời cũng là sở thích, tôi thường chủ động làm quen với các văn nghệ sỹ mình mến mộ, mong tìm thấy ở họ những điều mình có thể học tập trong lao động nghệ thuật. Lần gặp nhạc sĩ Lê Thương đầu tiên và cũng là duy nhất nói trên, tôi đã bộc lộ với ông mục đích đến thăm ông như thế. Ông tỏ ra rất hứng khởi để trò chuyện thân mật, cởi mở, nhất là biết tôi người Hà Nội – nơi ông sinh ra và sống cả tuổi thơ. 

Thoạt nhìn, dễ nghĩ ông khó tính, thiếu cởi mở bởi dáng vẻ có phần mô phạm, đạo mạo, giống như một quan chức hơn là nhạc sỹ. Nhưng tiếp xúc lâu, càng nói chuyện, nhất là chuyện về âm nhạc, văn chương, càng thấy ông thâm thúy, uyên bác và hài hước, dí dỏm. Ông có lối sống giản dị, khiêm nhường, không ồn ào, khoa trương tuy nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ. Tôi càng lúc càng bị ông cuốn hút bởi những tâm sự về cuộc sống, về sáng tác và mọi thứ nhân tình thế thái trên đời. Trong lần tiếp xúc ấy, tôi được biết nhiều về ông.

Lê Thương có tên khai sinh là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1914 tại phố Hàm Long, Hà Nội. (Có người lúc đầu chưa biết ông là người Bắc nên đã tưởng ông là em Ngô Đình Diệm – Tổng thống Đệ nhất cộng hòa). Ông lấy họ của mẹ (Lê) ghép với con sông nên thơ của vùng Kinh Bắc (Thương) thành nghệ danh Lê Thương. Mồ côi mẹ từ nhỏ, Lê Thương được bà nội nuôi. 

Bà là một trùm họ đạo Thiên Chúa ở phố Hàm Long. Vậy nên ông đã sớm được giáo dưỡng trong môi trường sùng đạo và khuôn phép. Cũng nhờ môi trường này mà ông phát triển năng khiếu âm nhạc từ rất sớm. Năm 1936, ở tuổi 22, ông sáng tác bài hát đầu tay “Trưng Vương” được cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước khen, đánh giá là giàu màu sắc dân tộc và giới thiệu để Lê Thương đăng bài hát này trên báo “Lên đàng”. Được cổ vũ, chàng nhạc sỹ trẻ càng cao hứng lao vào sáng tác.

Ca sỹ Hoàng Oanh – người thể hiện thành công bài “Hòn Vọng phu” của Lê Thương.

Khi Lê Thương chuẩn bị thi Đip-lôm thì có một hãng buôn của Pháp tuyển người vào làm việc tại Sài Gòn. Ông đã tham dự và trúng tuyển, liền khăn gói lên đường vào Nam lập nghiệp để bớt gánh nặng cho bà nội và thỏa chí ngao du. Chính dịp vào Nam lần đầu tiên này đã thai nghén trong ông bài hát nổi tiếng “Hòn Vọng phu” để đời.

Lê Thương kể: Đó là năm 1934, ông bắt đầu chuyến đi vào Sài Gòn. Lúc qua đèo Cù Mông – ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa, ông rất ấn tượng khi nhìn thấy hòn đá vọng phu trên núi Đá Bia phía Đông đèo Cả. Sau đó, có dịp xuống Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) chơi, ông cũng nhìn thấy hòn vọng phu trong vịnh Thái Lan. 

Hồi đi học, ông từng bị ám ảnh mãi những câu thơ trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn: “Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung…” và “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Reo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao…”. Tất cả những chi tiết ấy cứ thôi thúc Lê Thương. 

Cho đến một ngày mùa xuân năm 1943, Lê Thương chứng kiến hoàn cảnh một người phụ nữ phải nuôi đứa con nhỏ, cứ mong chồng hoài mà không thấy về. Cuối cùng, biết được người chồng đã bỏ mạng ngoài chiến địa, chị ngẩn ngơ, đau khổ, buồn bã, suốt ngày bế con đi thơ thẩn. 

Rất đỗi thương cảm người phụ nữ này, Lê Thương viết một mạch xong bài hát “Hòn Vọng phu” với những câu mở đầu trầm hùng, bi thương, ai oán: “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn/ Quan với quân lên đường/ Đoàn ngựa xe cuối cùng/ Vừa đuổi theo lối sông…”. Lê Thương kể rằng mấy lời ca trên sở dĩ ông viết ra được là từ sự gợi ý bởi hai câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”: “Trồng tràng thành lung lay bóng nguyệt. Khói cam tuyền mờ mịt thức mây”. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, bài hát này được nhiều ban nhạc lúc đó trình diễn, nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở khắp Sài Gòn và Nam Bộ. Cao hứng, ông viết tiếp “Hòn Vọng phu” 2 và 3 cũng rất hay. Nhưng đến bây giờ người ta vẫn thuộc “Hòn Vọng phu”1 nhiều hơn. 

Có thể nói, nhắc đến nhạc sĩ Lê Thương cũng như nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai, không thể không nhắc đến trường ca “Hòn Vọng phu”. Bài này vượt trội, hơn hẳn nhiều bài của các nhác sỹ dòng cải cách khác cũng rất nổi tiếng cùng thời. Là bởi giai điệu thì không bị ảnh hưởng nhạc phương Tây, nôi dung không chỉ nói chuyện luyến ái, tương tư trai gái mà có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đề cập đến thân phận người phụ nữ trong chiến tranh với sự hy sinh, mất mát vô cùng lớn lao của họ. Bài hát này hiện tại vẫn được nhiều ban nhạc của đồng bào ta ở hảỉ ngoại trình diễn, luôn thu hút được lượng người nghe đông đảo.

Tuy say mê với nghiệp âm nhạc nhưng công việc chính để ăn lương của Lê Thương lại là dạy học. Ông từng dạy các môn âm nhạc, văn học, lịch sử ở các trường Nguyễn Bá Tòng, Pê-truýt-ký, Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ. Thi thoảng ông được các đạo diễn điện ảnh mời đóng phim. Vai linh mục Phục trong phim “Đất khổ” của đạo diễn Hà Thúc Cần gây được ấn tượng khó quên cho người xem.

Tuy có tài, nhiều hoạt động nhưng nhạc sĩ Lê Thương có cuộc sống nghèo về vật chất, luôn eo hẹp về tài chính bởi có những… 9 đứa con. Sau năm 1975, Lưu Hữu Phước đến thăm Lê Thương, cảm thông cảnh nghèo của ông mà có ý định tìm cách giới thiệu để ông có thể in một tập sách viết về cuộc đời một số nghệ sỹ cải lương nổi tiếng với hứa hẹn tiền nhuận bút đáng kể. Nhưng khi nhà xuất bản nọ đề nghị thay đổi một số nghệ sỹ, ông đã từ chối. 

Nhiều hãng thu băng, đĩa nhạc sẵn sàng mua bài hát của ông với giá cao kèm điều kiện phải để cho họ tự ý sửa chữa lời nhằm phục vụ cho những ý định nào đó, nhưng ông kiên quyết khước từ. Điều này chứng minh ông luôn có chủ kiến rất cao về mọi tác phẩm của mình, không vì tiền mà dễ dàng để cho tác phẩm bị sửa chữa.

Sau ngày miền Nam được giải phóng (30/4/1975), mặc dù có nhiều người rủ ông ra nước ngoài, hứa hẹn sẽ có cuộc sống sung túc, nhưng ông từ chối. Ông nói với tôi: “- Không ở đâu có cuộc sống tốt bằng Tổ quốc, quê hương mình. Rời xa, có thể giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn về tinh thần”. Và ông đã nói thêm câu nói lúc tiễn tôi ra về mà tôi đã nhắc tới ở đầu bài viết này.

Ông vĩnh biệt tất cả vào ngày 17/9/1996, hưởng thọ 82 tuổi, để lại một sự nghiệp đáng trân trọng với những dấu ấn không thể phai mờ gắn với buổi sơ khai của nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam.

Nguyễn Đình San
.
.