Nhớ không gian Lê Bá Đảng

Thứ Bảy, 14/01/2017, 08:03
Lê Bá Đảng sinh năm 1921 ở làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị và mất năm 2015. Ông bị Pháp đưa đi làm lính thợ ở châu Âu trong thế chiến thứ hai, sau đó định cư ở Pháp. Từ một người lao động bình thường, bằng tài năng và khổ công rèn luyện, ông đã trở thành một họa sĩ bậc thầy.


Có một bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Người đứng bên phải cạnh Hồ Chủ tịch chính là Lê Bá Đảng. Ông là một trong hai sinh viên xuất sắc được Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp cử ra tận sân bay Charles de Gaules  đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn ngoại giao Việt Nam.

Sau này, ông cũng đã có nhiều đóng góp cho kháng chiến, đặc biệt đã giúp đoàn ngoại giao để giành thắng lợi trong việc ký Hiệp định Paris 1973. Dù cho ở tận chân trời góc bể, trái tim ông vẫn luôn cùng nhịp đập với đồng bào Việt.

Nghệ sỹ Lê Bá Đảng tại một buổi triển lãm

Hành trình nghệ thuật của Lê Bá Đảng là con đường khai sáng những chân trời mới, bắc một nhịp cầu vững chãi và ngoạn mục nối liền hai phía Đông-Tây của nhân quần. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, uỷ viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nhận định như thế. 

Họa sĩ Tựu cho biết thêm, Lê Bá Đảng đã kết hợp nhuần nhị tư duy phương Đông và kỹ thuật phương Tây trong sáng tác của mình, khai sáng một hướng sáng tác mới được thế giới công nhận mang tên đồ họa Lê Bá Đảng. Điều này càng có ý nghĩa ngay ở Paris, "kinh đô ánh sáng".

Dấu ấn Lê Bá Đảng vẫn còn in đậm ở cố hương Bích La Đông (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đó là bốn phòng học được xây dựng bằng tiền dành dụm mà ông đã trao tặng cho con cháu của làng trong những tháng năm quê hương gian khó. Những hòn đá được họa sĩ cho mang về triển lãm ở làng quê chôn nhau cắt rốn vẫn nằm im trong buổi sáng thanh bình, yên ắng trước đình làng.

Tâm hồn người nghệ sĩ tài ba như vẫn còn nương náu đâu đây trong gốc cây, phiến đá, sân đình, trong cảnh vật làng quê nơi cố xứ níu kéo những bước chân đi xa rồi vẫn muốn quay về. Ông Lê Văn San, Trưởng thôn Bích La Đông kể, mỗi lần về thăm họa sĩ Lê Bá Đảng đều hỏi han ân cần chuyện làng xóm, chuyện làm ăn của bà con, chuyện học hành của lớp trẻ. Nhiều lần về quê mắt ông rưng rưng.

Người thân và làng xóm quê hương vẫn luôn nhớ về  ông. Bà Lê Thị Sửu, em dâu họa sĩ Lê Bá Đảng tuổi gần tám mươi, sức khỏe đã yếu, giọng đầy xúc động khi nhắc về người anh đã khuất: "Ông ấy thương em út lắm, nghe gió bão, lũ lụt đều gọi điện về hỏi thăm. Làm được điều gì, ông luôn quan tâm, san sẻ cho em út, cho gia đình, làng nước. Ông sống tình cảm lắm!".

Quê cũ đầy ắp một không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng. Từ bình phong, cổng nhà cho đến khu vườn như vẫn còn đọng lại ánh mắt và tâm hồn của người nghệ sĩ. Một người đã sống gần trọn đời người ở phương Tây mà vẫn có cách cảm, cách nghĩ rất Việt Nam, vẫn nằm lòng âm dương, ngũ hành, vẫn nhớ những điều quê kiểng nhất. Và ông đã tái tạo bằng nghệ thuật, thứ nghệ thuật vừa hiện đại, đa tầng, đa nghĩa lại vừa cụ thể, gần gụi với cảm thức Á Đông.

Tất cả những hình ảnh toát lên từ ngôi nhà của ông, từ những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc đều mang  vẻ bình dị, an nhiên và vẫn ánh lên sắc thái trí tuệ và sang trọng. Đó chính là cái khác người và hơn người của danh họa Lê Bá Đảng, nó đã chinh phục công chúng phương Tây vốn thiên về kỹ thuật biểu hiện và khán giả phương Đông vốn coi trọng cảm xúc, cốt lõi tâm tình.

Ngoài ngôi nhà hương hỏa ở Bích La Đông còn có một không gian Lê Bá Đảng cũng rất quan trọng ở Việt Nam, đó là Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng ở cố đô Huế, nằm ở 15 Lê Lợi bên bờ sông Hương, con đường đẹp nhất của thành phố Huế. Có thể khẳng định rằng, đây là một cơ duyên quý giá trong việc bảo tồn và phát huy tác dụng của nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Những hoạt động tích cực của cán bộ, công nhân viên ở trung tâm đã góp phần đáng kể trong việc quan tâm đến cuộc sống và nghệ thuật của danh họa. Chị Lê Thị Ngọc Viễn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng TP Huế cho biết, Trung tâm này ra đời vào năm 2006 sau khi họa sĩ Lê Bá Đảng quyết định tặng toàn bộ tác phẩm của mình cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Xứ Huế đã dành một không gian nên thơ và sang trọng để tạo nên một không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Đặt tên là Trung tâm nghệ thuật mà không gọi là bảo tàng chính là để ngụ ý nói rằng, họa sĩ vẫn sống động nơi đây. Mỗi lần về nước, ông đều đến thăm, sống và làm việc ở chính địa chỉ này.

Tác phẩm “Dấu chân Giao Chỉ” trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng ở TP Huế.

Lê Bá Đảng quan tâm rất nhiều đến hạt gạo nuôi sống con người trong nền văn minh lúa nước. Nhưng hạt ngọc nhà trời này không chỉ là lương thực nuôi sống con người mà qua cách nhìn đầy sáng tạo của nghệ sĩ, nó còn là tổ ấm, là bầu khí quyển, là sự chở che, đùm bọc chúng sinh. 

Tác phẩm điêu khắc nhờ thế trở nên đa nghĩa và thú vị, mở ra những chân trời triết lý vừa thiết thực vừa sâu xa, thay vì tả thực đơn thuần. Trong không gian này, hàng trăm bức tranh và tác phẩm điêu khắc của ông từ "Con mèo câu cá" khởi đầu cho sự nghiệp mỹ thuật cho đến "Dấu chân Giao Chỉ" đánh dấu một cột mốc sáng tạo trong cảm hứng về nguồn của người nghệ sĩ.

Thưởng thức và cảm nhận hàng trăm tác phẩm nghệ thuật trong không gian Lê Bá Đảng thật sự là một điều thú vị nhưng cũng không hề đơn giản, như lệ thường khi ta đứng trước một nghệ sĩ lớn, hơn nữa mang đầy hơi thở của cuộc sống hiện đại. Tranh, tượng Lê Bá Đảng phong phú về đề tài, chất liệu và thủ pháp thể hiện trong cách nhìn về một không gian ba chiều, dù bức tranh được trình bày trên mặt phẳng.

Cảm hứng sử thi, cảm hứng đồng quê và cảm hứng triết học thường trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của ông, hoặc đan xen, hòa quyện, cộng hưởng với nhau tạo nên nhiều tầng nghĩa, nhiều trường liên tưởng và cảm xúc. 

Bức "Dấu chân Giao Chỉ" với sự tạo hình về bàn chân tổ tiên thời cổ đại trong hành trình nước Việt như một ám dụ về cội nguồn với những họa tiết ngay trên chính bàn chân, trong lòng bàn chân; rồi "Đường mòn Hồ Chí Minh", "Thời đại Hùng Vương đến Hồ Chí Minh" mang hơi thở lịch sử dân tộc từ cổ xưa đến hiện đại như một sự nhận thức bằng mỹ thuật về những chiến công của dân ta trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Những bức sơn dầu phong cảnh như: "Mùa xuân muôn một", "Không đề", hay "Graphic Lê Bá Đảng" bằng chất liệu giấy hoặc "Lê Bá Đảng với những người bạn"… đều có hồn riêng. Ở một bình diện khác lại có những tác phẩm mang những ẩn dụ tư tưởng triết học, nhất là triết học phương Đông như: "Tranh để mà tranh", sưu tập sơn dầu "Có có, không không"… bảng lảng sâu xa chất thiền và triết lý Lão Trang.

Dù với đề tài và chất liệu gì thì tác phẩm của ông vẫn thấp thoáng hồn vía quê nhà, vẫn có bóng dáng con người hiện ra đem lại hy vọng dù trong những bức họa thể hiện những điều cam go, cay đắng và lo âu nhất. Hướng dẫn viên tiếng Pháp Phạm Quý Hiền Hậu còn cho khách thưởng lãm biết thêm, ông Lê Bá Đảng khởi nghiệp bằng tranh vẽ về mèo câu cá để kiếm sống ở một con phố của thủ đô nước Pháp. Về sau, khi đã thành danh với nhiều đề tài, chất liệu khác nhau, ông Đảng vẫn không quên những ngày tháng gian khổ ban đầu và thỉnh thoảng vẫn quay lại với đề tài mèo câu cá.

Sau khi thành lập, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng ở 15 Lê Lợi-Huế đã kiến tạo nên một không gian nhỏ hơn nhìn­ ra sông Hương để dành riêng cho người nghệ sĩ bậc thầy. 

Đó là căn phòng, là ngôi nhà của họa sĩ Lê Bá Đảng ở Huế mỗi khi ông về nước. Vẫn còn đây những bức ảnh của ông và người vợ Pháp thân yêu; vẫn còn đây chân dung của ông sau khi chia tay cõi tạm. 

Như vẫn cảm nhận hơi ấm từ chiếc bàn làm việc của ông, cây bút vẽ của ông và những khát khao sáng tạo mãnh liệt của một con người sống gần một thế kỷ đầy biến động. Tất cả còn in dấu cuộc đời và tài năng của một nghệ sĩ lớn luôn hướng về quê hương bản quán cho đến giây phút cuối đời.

Phạm Xuân Dũng
.
.